Tranh chấp biển đảo: Ai hưởng lợi nhiều nhất?

20:12 | 07/06/2013

528 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Các vụ tranh chấp lãnh hải liên tục diễn ra trên Biển Đông gần đây đã kích thích nhu cầu máy bay tuần tra trên biển tăng mạnh. Trong lúc các bên liên quan trực tiếp chưa biết được gì, mất gì thì những nhà sản xuất máy bay quân sự lại nhìn thấy ở đó một thị trường đầy tiềm năng.

Loại máy bay tuần tra hiện đại Boeing P-8, có thể được trang bị vũ khí chống tàu ngầm, tàu chiến

Theo các chuyên gia, những nước có tranh chấp trên Biển Đông giờ đây đều rất quan tâm muốn được trang bị những loại máy bay chứa đầy các thiết bị điện tử hiện đại nhất, có khả năng bay nhiều giờ trên biển trong mọi điều kiện thời tiết giám sát các ngư trường, tuyến đường hàng hải hoặc truy tìm tàu ngầm.

Gareth Jenning, nhà tư vấn của IHS Jane’s, một công ty chuyên cung cấp thông tin về an ninh quốc phòng quốc tế đóng trụ sở tại Anh, nhận định: “Ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc và chiến lược xoay trục của Mỹ về châu Á Thái Bình Dương là lý do chính” giải thích cho nhu cầu mua sắm các thiết bị hiện đại nói trên trong thời gian gần đây.

Trên thực tế, Trung Quốc đang ngày càng củng cố lực lượng hải quân để làm bàn đạp cho những đòi hỏi chủ quyền của họ đối với các quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa.

Ông Gareth Jenning cho rằng: “Máy bay tuần tra biển không thể thiếu được đối với các quốc gia muốn bảo vệ lợi ích kinh tế của mình trong vùng có tranh chấp lãnh thổ”.

Muốn đòi hỏi chủ quyền vùng lãnh hải nào thì phải có khả năng giám sát vùng biển đó trước tiên, Egan Greenstein, lãnh đạo chương trình thương mại máy bay P-8 của hãng Boeing giải thích. P-8 là loại máy bay tuần tra biển hiện đại, dựa trên cơ sở khung mẫu của Boeing 737. Loại máy bay này có thể được trang bị vũ khí chống tàu ngầm, tàu chiến và còn để giám sát, do thám hay đặt cơ sở chỉ huy.

Hiện tại Boeing mỗi tháng sản xuất một chiếc theo đơn đặt hàng của Không lực Mỹ trong một chương trình trang bị 117 chiếc. Một số quốc gia khác như Ấn Độ, Úc cũng đã đặt hàng Boeing cho loại máy bay P-8 này với số lượng trên 60 chiếc.

Ông Greenstein cho biết thị trường cho loại máy bay này đang có rất nhiều tiềm năng vì P-8 có thể đáp ứng được bay được hơn chục giờ liên tục và có khả năng phát hiện và tấn công tàu ngầm. Theo hãng tin Yonhap, Hàn Quốc trong tháng 5 vừa qua đã mua 20 chiếc P-8.

Cạnh tranh với hãng Boeing trên thị trường máy bay tuần tra biển còn có Lockheed Martin. Nhà sản xuất Mỹ này cũng đưa ra giới thiệu loại máy bay P-3 Orion. Hãng Ý Alenia thì đưa ra mẫu cải tiến từ loại ATR-72.

Hai tập đoàn Airbus Military của châu Âu cũng giới thiệu các loại C-235 và C-295 dùng để tuần tra biển với giá khoảng 39 triệu USD/chiếc. Như vậy, các tranh chấp lãnh hải đã vô hình chung mang lại nguồn lợi cho các nhà chế tạo máy bay quân sự.

Báo Độc lập (Nga) ngày 4/6 dẫn Báo cáo hàng năm của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), được công bố một ngày trước đó, phản ánh một thực tế rằng dường như chỉ có Nga và Mỹ thực hiện giải trừ vũ khí hạt nhân, trong khi các nước khác hoặc giữ nguyên tiềm lực vũ khí hạt nhân của mình, hoặc thậm chí còn phát triển chúng. Theo báo cáo của SIPRI, trong năm 2012, Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan đã tăng số lượng đầu đạn hạt nhân của mình. Ngoài ra, trung tuần tháng 3 vừa qua, Trung Quốc cũng đã lần đầu tiên ghi tên mình vào danh sách 5 quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Các chuyên gia xem đây là một lý do để nói về thực trạng tăng cường chạy đua vũ trang ở châu Á.

Theo SIPRI, tính đến đầu năm 2013, Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh, Ấn Độ, Pakistan và Israel sở hữu khoảng 17.265 đầu đạn hạt nhân, ít hơn so với 19.000 đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới tại thời điểm năm 2011. Trong đó, Mátxcơva giảm kho vũ khí của mình từ 10.000 xuống còn 8.500 đầu đạn hạt nhân; Washington giảm từ 8.000 xuống còn 7.700 đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, hai cường quốc hạt nhân thế giới này lại tiến hành một số chương trình hiện đại hóa với quy mô lớn đầu đạn hạt nhân và các loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Báo cáo nhấn mạnh trong khi các kho vũ khí hạt nhân tại Pháp, Anh và Israel không thay đổi với con số lần lượt là 300, 225 và 80 đầu đạn hạt nhân, thì ba quốc gia tại châu Á thậm chí còn gia tăng tiềm lực vũ khí hạt nhân của mình. Trong năm 2012, Trung Quốc, Pakistan và Ấn Độ đều tăng thêm 10 đầu đạn hạt nhân so với số đầu đạn mà họ sở hữu một năm trước đó, nâng tổng số đầu đạn hiện nay của các nước này lần lượt là 250; khoảng từ 100 đến 120 và khoảng từ 90 đến 110.

Thực tế trên khiến SIPRI lo ngại vì cốt lõi của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân chính là cam kết hướng tới giải trừ quân bị, thế nhưng cả 5 cường quốc hạt nhân là Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Anh đều có ý định duy trì kho vũ khí của mình. Nhà nghiên cứu hàng đầu SIPRI Shannon Kyle cho rằng: "Một lần nữa, có rất ít hy vọng về việc các nước sở hữu vũ khí hạt nhân thực sự muốn từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình", bởi theo ông, vũ khí hạt nhân vẫn là một chỉ số thể hiện vị thế và quyền lực quốc tế.

Báo cáo cho rằng không có thay đổi đáng kể nào trong tiến trình giải trừ vũ khí. Trên thực tế, trong năm 2012 lần đầu tiên ghi nhận có sự giảm bớt chi phí quân sự năm sau so với năm trước, kể từ thời điểm năm 1998, song không đáng kể. Theo thống kê, chi phí quân sự trên toàn thế giới trong năm 2012 là 1.756 tỷ USD, thấp hơn 0,4% so với năm trước, nhưng vẫn cao hơn so với năm 2010. Tuy nhiên, con số chi tiêu quân sự trong năm 2012 vẫn chiếm 2,5% GDP toàn cầu và tương đương 249 USD tính trung bình đầu người trên Trái đất. Các khu vực có chi phí quân sự ít hơn cả là Bắc Mỹ, Tây Âu và Trung Âu, trong khi đó các nước có chi phí quân sự cao hơn cả là tại khu vực Trung Đông, Bắc Phi, Đông Âu, Trung Mỹ, Đông và Đông Nam Á.

Doanh số buôn bán vũ khí quốc tế từ năm 2003 đến 2012 tăng hơn 17%. Các nhà cung cấp vũ khí lớn nhất trong 5 năm qua là Mỹ, Nga, Đức, Pháp, Trung Quốc và chiếm tới 75% tổng khối lượng xuất khẩu vũ khí thế giới. Trong đó, Trung Quốc lần đầu tiên đã vượt Anh, lọt vào top 5 nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Nói chung, các nước châu Á đã củng cố và nâng vị thế của mình trong danh sách các nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới.

Trên cơ sở những dữ liệu thống kê, SIPRI kết luận đang có một cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực châu Á. Trong đó phải kể đến những "cặp đối đầu quân sự" như Ấn Độ-Pakistan, Trung Quốc-Nhật Bản, Hàn Quốc-Triều Tiên. Tuy nhiên, báo cáo này cũng ghi nhận rằng "đến nay các quốc gia vẫn né tránh để xảy ra xung đột trực tiếp. Tuy nhiên, sự nghi kị lẫn nhau kéo dài hàng thập kỷ qua vẫn dai dẳng và hội nhập kinh tế vẫn không thể kéo theo hội nhập chính trị”.

Chuyên gia tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Sergey Denisentsev trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Độc lập lưu ý rằng sự phát triển nhanh chóng của ngành quân sự ở châu Á tỷ lệ thuận với tăng trưởng GDP. Trung Quốc ngày nay có ngành công nghiệp quốc phòng khá hùng hậu, và cũng là hợp lẽ khi nước này vượt lên trở thành cường quốc xuất khẩu vũ khí lớn thứ năm thế giới. Các khách hàng chủ yếu của Trung Quốc là các nước nghèo, mà trước hết là ở châu Phi, châu Á và một số nước Mỹ Latinh.

Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore trong những năm gần đây cũng phát triển ngành công nghiệp quốc phòng. Nhờ vào tiềm lực khoa học-kỹ thuật tốt mà các nước này có cơ hội rất lớn để trở thành một đối thủ đáng gờm trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí.

H.Phan (Tổng hợp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc