Toàn cảnh vụ rửa tiền chấn động thế giới

06:44 | 05/06/2013

3,798 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngày 28/5, Tư pháp Mỹ công bố “vụ rửa tiền lớn nhất nước Mỹ”, qua việc truy tố công ty ngoại hối Liberty Reserve và 7 người lãnh đạo công ty này, bị kết tội đã “rửa” 6 tỉ USD trong vòng 7 năm. Vụ việc làm dấy lên những câu hỏi: Liberty Rerserve đã rửa tiền như thế nào? Tại sao đến giờ hành vi phạm pháp này mới bị phanh phui?…

Quá trình khám phá

Liberty Reserve (LR) thành lập năm 2006, có trụ sở và hoạt động chủ yếu ở Costa Rica, được mô tả là “ngân hàng được lựa chọn của thế giới tội phạm ngầm” và đã thực hiện trót lọt 55 triệu lượt giao dịch chuyển tiền phi pháp cho hơn 1 triệu người, với khoảng 12 triệu giao dịch tài chính mỗi năm, trước khi bị phát hiện và đóng cửa. Tổng cộng, Liberty Reserve đã hỗ trợ rửa tiền tới 6 tỉ USD cho các hoạt động phi pháp trong các quỹ có liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em và phần mềm ăn cắp thông tin và tấn công hệ thống ngân hàng, công ty tài chính.

Lý giải về việc Lyberty Reserve đã chọn Costa Rica là nơi đặt trụ sở không nằm ngoài sự dễ dãi trong hệ thống pháp lý của đất nước Nam Mỹ này. Tại Costa Rica, mọi doanh nghiệp trực tuyến đều được thừa nhận hợp pháp và không có luật nào quản lý họ. Vì thế, đây là đất nước lý tưởng cho các công ty muốn làm ăn trên mạng, từ thương mại điện tử đến đánh bạc, cá độ bị cấm ở nhiều nước.

Người sáng lập Liberty Reserve là Arthur Budovsky, 39 tuổi, sống tại Hà Lan, từng bị lãnh án tại New York năm 2006 vì toan tiến hành hoạt động tương tự, mang tên “Gold age” (Kỷ nguyên vàng). Năm 2011, ông ta đã từ bỏ quốc tịch Mỹ để nhập tịch Costa Rica, “nhằm trốn tránh luật pháp Mỹ” - theo như bản luận tội.

Sơ đồ đường đi của tội phạm rửa tiền

Ngày 24/5, cảnh sát Costa Rica cho biết Budovsky đã bị bắt tại Tây Ban Nha với cáo buộc rửa tiền, đồng thời tiến hành lục soát nhiều địa điểm có liên quan tới công ty của Budovsky. Cơ quan chức năng cũng phong tỏa năm tên miền trong đó có tên Liberty Reserve và 4 trang web trung gian do các bị cáo kiểm soát, 35 trang web khác bị truy tố về mặt dân sự. Ngoài ra, 45 tài khoản ngân hàng cũng bị tịch biên hay phong tỏa. Một thông báo được treo trên trang web của Liberty Reserve cho biết tên miền này “đã bị thu hồi bởi Đội chống hoạt động tài chính bất hợp pháp toàn cầu của Mỹ”.

Đây là lần đầu tiên luật chống rửa tiền Mỹ được áp dụng đối với hình thức tiền ảo, vốn ngày một phổ biến trong thập niên qua. Nhưng Richard Weber, lãnh đạo nhánh điều tra hình sự tại Washington của Sở Thuế vụ Mỹ, nhận định vụ truy tố Liberty Reserve là báo hiệu sự bùng nổ “kỷ nguyên ảo của nạn rửa tiền” của bọn tội phạm.

Không phải đến bây giờ, hành vi phạm pháp của LR mới được phát giác. James T. Hayes Jr., đặc vụ của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, cơ quan này đã sớm phát hiện và theo dõi các hành vi phạm pháp của LR từ năm 2010 và phối hợp với các cơ quan thẩm quyền khác để tiến hành điều tra. Bản cáo trạng đã mô tả cách thức mà hai trong số các nhà sáng lập LR, Arthur Budovsky và Vladimir Kats thực hiện hành vi phạm pháp năm 2006 tại New York khi điều hành một công ty chuyên thực hiện các giao dịch tiền ảo phi pháp, có tên Gold Age Inc.

Theo cáo trạng, năm 2009, việc làm ăn của LR cũng khiến giới chức ở Costa Rica nghi ngờ và công ty này đã phải tạo thêm một lớp vỏ bọc bằng cách thành lập một hệ thống giao dịch truyền thống giả tạo. Cuối năm 2011, Cục Dự trữ liên bang đã cảnh báo các thể chế tài chính về rủi ro khi làm ăn với LR. Sau khi cảnh báo xuất hiện, LR chính thức trở thành một công ty hoạt động ngầm và tiếp tục hoạt động ở Costar Rica với lượng nhân viên hoạt động bí mật và không bao giờ xuất hiện ở văn phòng cố định.

Ngoài ra, các tài liệu được các nhà chức trách Mỹ công bố vào đầu tháng cho biết Liberty Reserve rất có thể đã đóng vai trò quan trọng trong việc rửa khoản tiền 45 triệu USD bị một nhóm hacker đánh cắp từ 2 ngân hàng tại Trung Đông. Cáo buộc liên quan tới một trong những tên trộm tham gia vào vụ việc nói trên cho biết hàng trăm nghìn USD đã được chuyển vào tài khoản Liberty Reserve thông qua các trung tâm tiền tệ tại Siberia và Singapore. Liberty Reserve đã giúp bọn tội phạm phương pháp cất giấu tiền không để lại dấu vết nào bằng cách cho họ thiết lập các tài khoản với tên giả và địa chỉ giả.

Theo thông báo từ văn phòng công tố viên Mỹ tại thành phố New York, vụ điều tra này có sự tham gia của lực lượng hành pháp ở 17 quốc gia trên toàn thế giới. Với quy mô của một vụ điều tra rửa tiền lớn nhất trong lịch sử thế giới nên đến nay cáo trạng mới hoàn tất.

Tiền ảo, rửa thật, tội thật

Theo cáo trạng của công tố viên Preet Bharara tại Manhattan (Mỹ), tiền ảo của Liberty Reserve được gọi là “LR”. Người dùng mở tài khoản tại đây chỉ cần tên, địa chỉ, ngày sinh. Liberty Reserve thậm chí cho phép người dùng mở tài khoản bằng cả tên ảo. Các nhân viên điều tra giả dạng thử tạo một tài khoản với mục đích sử dụng là “mua cocaine”. Nhưng mạng này thậm chí chẳng buồn kiểm tra, xác minh những thông tin này.

Thông tin mới nhất liên quan đến vụ việc, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết dù 4 ngân hàng (NH) liên quan là Vietcombank, Vietinbank, ACB và Đông Á công khai trên báo chí là không có bất cứ hoạt động gì dính dáng tới Liberty Reserve, tuy nhiên do tính chất nghiêm trọng của sự việc, NHNN vẫn yêu cầu tất cả phải báo cáo một cách cụ thể bằng văn bản. Đặc biệt, phải rà soát lại toàn bộ trên hệ thống các khách hàng để xác định xem có bất cứ sự liên quan nào tới hoạt động của mạng lưới rửa tiền toàn cầu này không.

Một giao dịch sẽ bắt đầu với việc một cá nhân mở một tài khoản LR bằng tên và địa chỉ giả. Người này sẽ phải có một lượng tiền thật, ví dụ như đồng USD, để đảm bảo với bên thứ ba nhận trách nhiệm giao dịch, sau đó công ty này sẽ chuyển lượng USD này sang đơn vị tiền “LR” và chuyển tới tài khoản người nhận. Người dùng sau đó có thể bán lại LR hoặc đổi về tiền thật, chuyển vào ngân hàng để sử dụng. Khách hàng có thể nạp tiền vào tài khoản Liberty Reserve thông qua thanh toán từ một ngân hàng, phiếu tiền do bưu điện phát hành (postal money order) hay chuyển khoản. Sau đó, số tiền này sẽ được quy đổi sang “LR” bởi một dịch vụ trung chuyển tiền điện tử (exchanger).

Từ đây, tội phạm có thể sử dụng lượng tiền ảo mang tên “LR” này để mua bán trao đổi nhiều hàng hóa, thanh toán trên các trang cá độ, mua các phần mềm, thiết bị công nghệ, mạng dotnet,… bằng cách chuyển tiền ảo qua lại giữa các tài khoản của LR. Khách hàng sử dụng đồng “LR” có thể tìm đến một nhà giao dịch khác để chuyển đồng “LR” sang USD hoặc bất kỳ loại tiền tệ nào trên thế giới. LR sẽ đánh phí 1% đối với mỗi giao dịch bằng tiền ảo “LR” cùng một khoản “phí bảo mật” khoảng 75 cent để giấu kín số tài khoản giao dịch của người dùng, khiến cho các giao dịch này không thể bị truy ra.

Đặc biệt, Liberty Reserve không lưu trữ bất kỳ thông tin nào về giao dịch hay hoạt động qua ngân hàng từ bên thứ ba. Họ cũng cho phép người dùng giấu số tài khoản Liberty Exchange khi thực hiện giao dịch. Việc này một lần nữa tạo cơ hội cho những người dùng muốn che giấu thông tin cá nhân thật.

Sau Liberty Resever, ai sẽ bị “sờ gáy”?

Biên tập viên Tymothy B. Lee của tờ Washington Post chỉ ra rằng chức năng ẩn danh của Liberty Reserve tương tự như của Bitcoin và như vậy rất có thể sau Liberty Reserve cơ quan điều tra liên bang Mỹ cũng sẽ sớm “sờ gáy” Bitcoin - loại tiền ảo thông dụng nhất hiện nay.

Tuy hiện chỉ đóng một phần rất nhỏ trong các giao dịch trên toàn thế giới, nhưng tiền ảo nói chung và Bitcoin nói riêng được dụng trong hàng loạt các giao dịch hợp pháp - ví dụ như trả tiền cho các dịch vụ trực tuyến. Các nhà làm luật Mỹ lo ngại về khả năng tội phạm sẽ luân chuyển tiền bẩn trong một hệ thống nằm ngoài hệ thống ngân hàng của thế giới hay các dịch vụ chuyển tiền chính thống khác như Western Union. Giới chức gần đây cũng cảnh báo rằng giao dịch bằng tiền ảo cần phải tuân thủ các điều luật chống rửa tiền truyền thống.

Arthur Budovsky bị bắt

Theo tờ Mashable, sự khác biệt chính giữa hai hệ thống tiền tệ ảo này là dù Bitcoin cho phép người dùng ẩn danh nhưng mỗi giao dịch trên hệ thống Bitcoin là duy nhất và có thể theo dõi được trong thời gian dài, thậm chí là nhiều năm sau khi nó được thực hiện. Hơn nữa, không một ai phải chịu trách nhiệm nếu cơ quan chức năng quyết định Bitcoin là bất hợp pháp. Người sáng lập ra Bitcoin, một người bí ẩn có tên Satoshi Nakatomo, đã hoàn toàn biến mất từ năm 2011 và rất có thể đó chỉ là một cái tên ảo. Không một ai thực sự biết người đứng đằng sau Bitcoin.

Mặt khác, trước khi phanh phui Liberty Reserve, hồi tháng 2/2012, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã từng đưa ra báo cáo giải thích cách thức mà các tổ chức tội phạm sử dụng Bitcoin để trung chuyển tiền trên thế giới. Báo cáo này lại được lặp lại một lần nữa vào tháng 3 vừa qua bởi Bộ Tài chính Mỹ. FinCEN, đơn vị chống tệ nạn rửa tiền của Bộ Tài chính Mỹ, nói rằng các công ty tiền tệ ảo cũng phải thông qua các luật chống rửa tiền như các tổ chức tài chính khác, trong đó bao gồm việc theo dõi khách hàng và báo cáo những hoạt động đáng ngờ với chính phủ Mỹ. Nhưng công nghệ này phát triển quá nhanh và chóng vánh, hầu hết những công ty đứng sau các thị trường giao dịch Bitcoin đều còn khá non trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm đối phó với các luật tài chính.

Do vậy, mặc dù vụ việc của LR không có liên quan tới Bitcoin, nhưng thời gian qua những người sử dụng đồng tiền ảo này không khỏi lo lắng về số phận của nó. Hiện tại, cộng đồng Bitcoin đang liên tục tìm cách để gây ảnh hưởng đến các cơ quan làm luật. Bitcoin Foundation - một tổ chức kêu gọi ủng hộ Bitcoin, được tạo thành bởi liên minh của nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực này - đang tìm cách thuê luật sư ở Washington để có thể đưa những vấn đề tiền tệ ảo lên bàn thảo luận với các nhà làm luật. Một cuộc cải cách luật pháp sẽ rất cần thiết để ngành tài chính có thể thích nghi với tiền tệ ảo.

Rủi ro từ tiền ảo

Trong cáo trạng của Tư pháp Mỹ, có nhắc tới Việt Nam như là một nơi đặt trụ sở của các đơn vị trao đổi, trung gian mua bán tiền LR. Ngày 30/5, một loạt trang web thực hiện việc trung gian mua bán tiền LR tại Việt Nam như lr.com.vn; mualr.com; transfer.vn; libertyreserve.com.vn; hygold.com; xchange.vn; exchange.mmo4me.com; moneyexchange.vn,… đã ngừng giao dịch, chỉ một ngày sau khi hệ thống tiền ảo này bị Chính phủ Mỹ phong tỏa.

"Điều ngạc nhiên là trong một thời gian dài, các đại lý ma túy sẵn sàng đánh đổi thuốc thật lấy LR. Điều đó cho thấy họ tin tưởng đồng tiền ảo này sẽ không trở thành vô giá trị và có thể đổi sang đồng USD hoặc euro một cách dễ dàng với một mức giá hợp lý trong khi không hề được pháp luật công nhận". (The NewYorker 31/5/2013)

Đáng chú ý, ngay trong trang chủ của website libertyreserve.com.vn có phần hỗ trợ cho phép người dùng mua và bán tiền LR và theo giới thiệu, việc chuyển tiền sẽ được gửi qua một trong 4 ngân hàng của Việt Nam là Vietcombank, Vietinbank, Đông Á và Á Châu.

Trên website này không có địa chỉ, trụ sở làm việc cũng như những thông tin liên quan đến chủ sở hữu và giới thiệu về tôn chỉ, mục đích hoạt động của một trang web chuyển tiền thông thường. Trang web được xây dựng từ cuối năm 2012 và những tin tức do các quản trị viên bắt đầu đăng tải từ tháng 11/2012.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, đồng tiền ảo này du nhập vào Việt Nam từ vài năm trước và được giao dịch khá sôi động trong một thế giới ngầm. Nó chẳng khác gì một đế chế tài chính với một loại tiền riêng và một hệ thống giao dịch, thanh toán không thua kém gì một ngân hàng lớn. Đồng tiền ảo này không chỉ giúp người ta đầu cơ ăn chênh lệch như giao dịch ngoại tệ mà còn giúp thanh toán trực tuyến những loại sản phẩm, dịch vụ mà chẳng một ngân hàng chính thống nào chịu thực hiện.

Chính vì vậy, việc Liberty Reserve đóng cửa gây ảnh hưởng nhất định tới cộng đồng nhà đầu tư trực tuyến tại Việt Nam. Một số cá nhân cũng như tổ chức ở Việt Nam có liên quan tới Liberty Reserve hiện điều bị kẹt tới vài trăm thậm chí hàng chục ngàn USD trong tài khoản mà không thể rút ra. Ước tính mỗi trang web trung gian trao đổi Liberty Reserve ở Việt Nam có thể thiệt hại tới vài trăm triệu đồng. Ngoài ra, dịch vụ buôn bán số tài khoản Liberty Reserve đẹp cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Liberty Reserve đóng cửa như một bài học cảnh tỉnh với cộng đồng mạng và là hồi chuông cảnh báo cho hệ thống ngân hàng. Việc sử dụng tiền ảo đã tăng mạnh trong thập kỷ qua, phổ biến bởi những người muốn mua bán hàng hóa ảo trong game hoặc không tin tưởng vào hệ thống ngân hàng truyền thống. Tuy nhiên, tiền ảo cũng rơi vào tầm ngắm của các cơ quan thực thi pháp luật do phương tiện thanh toán này có thể bị bọn tội phạm lợi dụng. Có thể coi việc sụp đổ của LR sẽ hạn chế được phần nào đó tội phạm mạng.

Luật Phòng, chống rửa tiền, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013 là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động phòng chống rửa tiền ở Việt Nam, góp phần minh bạch hóa nền tài chính quốc gia.

Về tổng thể, cơ chế phòng, chống rửa tiền theo Luật Phòng chống rửa tiền 2012 được thực hiện chủ yếu thông qua việc thiết lập một cơ chế thu thập, xử lý các thông tin về nhận dạng khách hàng, thông tin về giao dịch bất thường, giao dịch có giá trị lớn để xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất, sàng lọc, xác định các giao dịch có nguy cơ liên quan đến hành vi rửa tiền được thực hiện thông qua các giao dịch tại các tổ chức tài chính, các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan.


Hùng Phan - Song Anh (tổng hợp)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps