Tiếp tục cuộc “cân não” giữa Iran và phương Tây

09:07 | 20/11/2013

691 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hôm nay (20/11), vòng đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 bắt đầu tại Geneva. Vòng đàm phán trước cách đây hơn một tuần tuy chưa đạt được kết quả cụ thể nhưng các bên rất lạc quan và hy vọng cuộc hội đàm hôm nay sẽ đề ra được một lộ trình cụ thể giúp giải quyết mâu thuân lâu nay giữa phương Tây và Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.

Kể từ khi ông Hassan Rouhani theo đường lối ôn hòa, đắc cử Tổng thống Iran hồi tháng 8 cho đến nay, quan hệ giữa Iran và các nước phương Tây đã được cải thiện đáng kể. Không có bất kỳ một lệnh trừng phạt mới nào đối với Tehran được áp đặt từ đó đến nay, nhiều cuộc đối thoại trực tiếp và gián tiếp đã diễn ra giữa ban lãnh đạo mới của Iran với phương Tây. Đáng kể nhất phải nói đến những thành quả vừa đạt được giữa Iran và Tổ chức nguyên tử quốc tế (IAEA).

Lãnh đạo cơ quan hạt nhân Iran Ali Akbar Salehi (trái), đón tiếp đồng nhiệm IAEA Yukiya Amano tại Teheran ngày 11/11/2013

Ngày 11/11/2013, Iran và IAEA thông báo đã đạt được thỏa thuận gồm 6 điểm về lộ trình hợp tác liên quan đến hồ sơ hạt nhân Iran. Điểm quan trọng nhất là chính quyền Iran đồng ý để cho các thanh tra của Liên Hiệp Quốc đến giám sát tình hình tại khu nhà máy nước nặng Arack và khu vực khai thác chất uranium ở Gachin, gần Bandar Abbas, miền nam Iran. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong các vòng đàm phán giữa Iran và quốc tế.

Theo người đứng đầu cơ quan năng lượng nguyên tử Iran, ông Ali Akbar Salehi, các bên đề ra thời gian ba tháng để tái tạo tin tưởng lẫn nhau. Tiếp theo đó, IAEA và Téhéran sẽ thảo luận ở cấp các chuyên gia. Theo các nhà quan sát, thỏa thuận về lộ trình vừa đạt được là một bước tiến quan trọng cho phép khai thông hồ sơ hạt nhân Iran.

Sau thỏa thuận trên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tìm cách trấn an các đồng minh trước lo ngại về khả năng phương Tây đang buông lỏng sức ép với chính quyền Iran. Thái độ của Ngoại trưởng Mỹ cho thấy cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran đang có những bước tiến thực sự. Một minh chứng rõ nét hơn cho điều này là sự bênh vực đối với Iran của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ trước các nhà lập pháp. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 13/11 cảnh báo rằng các biện pháp chế tài mới đối với Iran ở giai đoạn này sẽ là một sai lầm, và kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ dành thêm thời gian cho vận động ngoại giao trong lúc các cuộc thương lượng quốc tế về chương trình hạt nhân của Tehran đang tiếp tục.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Jen Psaki nói: “Bước đi đúng đắn là tạm thời ngưng các biện pháp chế tài. Ðiều đó không có nghĩa là chúng ta không thể áp đặt lại các biện pháp về sau này. Các nhà thương thuyết Mỹ không loại trừ việc đó. Ðây chỉ là một sự tạm ngưng để xem tiến trình thương nghị này có thể có tác dụng đến cùng hay không”.

Chả là cuộc đàm phán gần đây nhất (từ ngày 9 đến ngày 11/11) giữa Iran và nhóm P5+1, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Ðức, vẫn chưa đạt được một thỏa thuận cụ thể nào, mặc dù các giới chức của cả hai bên đã bày tỏ lạc quan về những triển vọng có thể đạt được. Theo thông báo kết thúc cuộc họp ngày 11/11, các bên đồng ý để Iran cung cấp một số bằng chứng cho thấy là các chương trình phát triển hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này không nhằm mục tiêu quân sự. Đổi lại, cộng đồng quốc tế sẽ giảm nhẹ một số biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran. Theo các nhà quan sát, thỏa thuận tạm thời nói trên sẽ là bước đầu để các bên tiến tới một thỏa thuận cuối cùng trong vòng đàm phán kế tiếp (20/11).

Thực ra đáng lý vòng đàm phán trên đã đạt được nhiều kế quả mỹ mãn nhưng đại biểu của Pháp đã tỏ ra quá cứng rắn. Iran không ngần ngại đổ lỗi cho Pháp đã “thọc gậy bánh xe” bỏ lỡ cơ hội tháo gỡ bế tắc kéo dài từ 10 năm nay. Paris thậm chí còn bị tố cáo bảo vệ quyền lợi của Israel, kẻ thủ không đội trời chung của Iran. Hãng thông tấn chính thức Iran quy trách nhiệm cho Ngoại trưởng Laurent Fabius phá hoại đối thoại giữa Iran với nhóm 5+1 tại Thụy Sĩ vì Pháp đã đưa ra quan điểm cứng rắn hơn so với các đối tác phương Tây khác.

Không chỉ thế, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói chính phủ của ông sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt cũng như gây áp lực đối với Iran cho đến khi nào ông chắc chắn rằng nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân đang bị nghi ngờ. Ông Hollande đưa ra lời cam kết với các nhà lãnh đạo Israel khi ông đến thăm Israel hôm 17/11, ngày đầu trong chuyến đi thăm 3 ngày.

Giải thích cho thái độ cứng rắn của Pháp, giới chuyên gia cho rằng Pháp lo ngại Mỹ đang muốn nhanh chóng giải quyết một số vấn đề tại khu vực Trung Đông, đặc biệt là hồ sơ Syria, nên sẵn sàng nhượng bộ Iran. Sự nhượng bộ đó có thể dẫn tới một thỏa thuận mà Paris coi là “mang một mối đe dọa tiềm tàng”. Cụ thể hơn, Pháp lo ngại là sự dễ dãi của quốc tế sẽ cho phép Iran trong tương lai gần chế tạo vũ khí nguyên tử. Khi đó, một vài nước trong vùng, như Arập Xê Út hay Thổ Nhĩ Kỳ - những quốc gia thù nghịch với Iran, cũng sẽ lao vào một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.

Kết quả trên đã khiến một số nhà lập pháp Mỹ vận động đòi áp đặt thêm các biện pháp chống Iran. Tại một phiên điều trần hôm 13/11, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện, dân biểu Ed Royce của đảng Cộng hòa nói: “Ngày càng có nhiều quan ngại tại Quốc hội rằng phác thảo về thoả thuận này không hội đủ tiêu chuẩn cần thiết để bảo vệ Mỹ và bảo vệ các đồng minh của Mỹ”. Thành viên cấp cao của đảng Dân chủ trong ủy ban, ông Eliot Engel, cũng cảnh báo rằng Iran cần phải cống hiến nhiều hơn nếu không muốn đối mặt với các biện pháp chế tài mới. Ông Engel nói: “Nếu các cuộc đàm phán này là về việc Iran từ bỏ chương trình hạt nhân của họ, thì để chứng tỏ sự thành tâm, ít nhất trong thời gian các cuộc đàm phán đang diễn ra, Iran nên đình chỉ công tác tinh chế, chấm hết”.

Trong một bài xã luận hôm 13/11 trên báo USA Today, chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Thượng viện Bob Menendez viết: “Các biện pháp gay gắt hơn sẽ có tác dụng như một khích lệ để Iran phải tiêu huỷ chương trình vũ khí hạt nhân của họ một cách có thể kiểm chứng được. Khi Iran tuân thủ thì các biện pháp chế tài có thể được tháo gỡ và nới lỏng kinh tế tiếp theo”.

Iran nhấn mạnh rằng chương trình hạt nhân của họ được thiết kế để phục vụ các mục đích hòa bình và đang tìm cách xin nới lỏng các biện pháp chế tài trong khuôn khổ bất cứ thỏa thuận nào.

Ngày 20/11, Iran và nhom P5+1 sẽ tiếp tục đàm phán để đi tới một quyết nghị cuối cùng. Trước vòng đàm phán này, giới quan sát cho rằng mặc dù còn đôi chút trục trặc với Pháp nhưng về cơ bản Mỹ và IAEA đã đồng ý với quan điểm của Iran. Chính điều này được kỳ vọng sẽ giúp cuộc đàm phán lần này đạt được thành công. Tuy nhiên, nếu hội nghị này thất bại, điều gì sẽ xảy ra? Các chuyên gia nêu ra hai kịch bản. Đầu tiên là Israel đơn phương oanh tạc các nhà máy hạt nhân Iran, như lời Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahou đã nhiều lần cảnh báo. Nhà máy nằm trong ưu tiên tấn công của Israel sẽ là nhà máy đang xây dựng ở Arak. Nếu nhà máy này hoàn thành, Iran có thể làm giàu được plutonium với số lượng đủ làm 2 quả bom nguyên tử mỗi năm. Hơn nữa, Israel có thể sẽ sớm tấn công nhà máy này, vì nếu một khi nhà máy hoàn thành và đi vào hoạt động, nếu đánh bom phá hủy thì hậu quả môi trường sẽ rất lớn. Kịch bản thứ hai là việc không đạt được thỏa thuận sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trong khu vực. Arập Xê Út đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng lao vào sản xuất vũ khí hạt nhân nếu “kẻ thù nhánh Hồi giáo Shia” Iran sản xuất được loại vụ khí này. Arập Xê Út hiện chưa xây dựng gì cho chương trình hạt nhân, nhưng có thể đã liên kết với Pakistan. Rất có thể chương trình hạt nhân của Pakistan là do Arập Xê Út đầu tư với điều kiện Arập Xê Út có thể sử dụng chương trình này khi cần thiết.

H.Phan

tổng hợp