Thư tay của lãnh đạo Triều Tiên gửi lãnh đạo Trung Quốc viết gì?

12:03 | 28/05/2013

838 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Dư luận quốc tế đang rất quan tâm chuyến thăm Bắc Kinh của Đặc sứ Triều Tiên Choe Ryong-hae giữa lúc quan hệ hai nước trở nên lạnh nhạt. Trong chuyến thăm này, ông Choe Ryong-hae đã trao cho lãnh đạo Trung Quốc bức thư của Chủ tịch Kim Jong Un. Nội dung bức thư viết gì?

 

Phó Nguyên soái Choe Ryong-hae (trái) mặc trang phục chính thống kiểu Triều Tiên để tới gặp ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh

Hôm 24/5, ông Choe Ryong-hae, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Triều Tiên, đã kết thúc chuyến thăm 3 ngày bất ngờ tới Trung Quốc với vai trò là đặc sứ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Đúng như suy đoán của thế giới bên ngoài, cuối cùng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp Đặc sứ Triều Tiên Choe Ryong-hae vào ngày cuối cùng trong chuyến thăm Trung Quốc của nhân vật này và nhận thư của nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong Un ủy thác cho ông Choe Ryong-hae trao cho nhà lãnh đạo tối cao phía Trung Quốc. Theo nhà bình luận Mộc Xuân Sơn của tờ Đại Công báo (Hồng Công), trong cuộc gặp gỡ giữa ông Tập Cận Bình và đặc sứ Choe Ryong-hae có 4 chi tiết rất đáng chú ý cho thấy hiện thực tế nhị trong quan hệ Trung-Triều, thậm chí còn hé lộ hướng phát triển của tình hình bán đảo Triều Tiên trong tương lai. 

Thứ nhất là sự sắp xếp của phía Trung Quốc dành cho ông Choe Ryong-hae. Mặc dù việc lãnh đạo Kim Jong Un cử Đặc sứ Choe Ryong-hae sang Trung Quốc khá vội vàng, nhưng trước đó, nhất định đã thông qua kênh liên lạc giữa Đại sứ quán và Ban Liên lạc Trung ương để xác định trong chuyến thăm Trung Quốc, ông Choe Ryong-hae sẽ gặp các quan chức nào phía Trung Quốc. Tuy nhiên, trước khi ông Choe tới Bắc Kinh 1 ngày, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình lại rời Bắc Kinh đi khảo sát và thăm hỏi địa phương bị động đất, đặt dấu hỏi cho khả năng ông Tập Cận Bình tiếp đặc sứ Triều Tiên. Việc này có thể cho thấy khi sắp xếp chuyến thăm của ông Choe Ryong-hae, phía Trung Quốc đầu tiên không xem xét việc ông Tập Cận Bình tiếp ông Choe Ryong-hae, mà đợi sau khi ông Choe truyền đạt thông tin làm phía Trung Quốc hài lòng mới bố trí cuộc gặp vào thời điểm thích hợp. Phía Trung Quốc muốn sử dụng phương thức gây sức ép mà vẫn đúng lễ nghi ngoại giao này để biểu thị sự bất mãn đối với hành động gây căng thẳng tình hình khu vực của Triều Tiên trước đó.

Thứ hai là sự thay đổi trong trang phục của đặc sứ Choe. Trong ba cuộc gặp đầu tiên với Trưởng Ban Liên lạc Trung ương Vương Gia Thụy, Lưu Vân Sơn - nhân vật đứng thứ năm trong Thường vụ Bộ Chính trị, phụ trách công tác ngoại giao của Đảng Cộng sản Trung Quốc - và Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Phạm Trường Long - người đã có thời gian công tác lâu dài ở Quân khu Thẩm Dương, ông Choe Ryong-hae đều mặc quân phụ. Đó là do ông Choe Ryong-hae tuy mang trên mình ba thân phận: Đảng, chính quyền và quân đội, nhưng lĩnh vực nắm giữ chủ yếu là quân đội. Với chức vụ thực tế và tư cách được ủy quyền đại diện cho phía Triều Tiên đối thoại với phía Trung Quốc, ông Choe Ryong-hae không cần phải thay đổi trang phục. Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Tập Cận Bình, cái mà ông Choe Ryong-hae cần thể hiện không phải là chức vụ của cá nhân, và ông không chỉ là đại diện cho Đảng, chính quyền và quân đội Triều Tiên, mà còn là đại diện cho lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Đây chính là nơi để ông Choe Ryong-hae thể hiện thân phận “Đặc sứ” của mình. Do đó, trước cuộc gặp, ông Choe Ryong-hae cần phải trút bỏ bộ quân phục, khoác lên mình bộ quần áo chính thống kiểu Triều Tiên để tới gặp ông Tập Cận Bình.

Thứ ba là thái độ của ông Tập Cận Bình. Thông qua việc nói rằng “tình hữu hảo Trung-Triều phù hợp với lợi ích chung của hai nước cũng như nhân dân hai nước”, ông Tập Cận Bình muốn tái xác nhận rằng Trung Quốc sẽ không bỏ rơi Triều Tiên, nhằm làm ông Kim Jong Un yên tâm. Thông qua việc nói rằng “bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa và hòa bình ổn định lâu dài là xu thế và là điều mà mọi người mong chờ”, ông Tập Cận Bình muốn cảnh báo Triều Tiên rằng nếu đi theo hướng sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ không có đường thoát. Thông qua việc nói rằng “kiên trì thông qua hiệp thương đối thoại giải quyết vấn đề”, ông Tập Cận Bình muốn biểu thị sự thừa nhận đối với tiếp xúc Triều-Hàn, Triều-Mỹ và Triều-Nhật, phản đối sự khiêu khích vũ lực của bất cứ bên nào. Thông qua việc nói rằng “tái khởi động tiến trình đàm phán 6 bên, nỗ lực không ngừng thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, bảo vệ hòa bình ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á”, ông Tập Cận Bình muốn chuyển tới Bình Nhưỡng thông điệp rằng Triều Tiên phải quay trở lại quỹ đạo đàm phán 6 bên, đồng thời kêu gọi các bên ký Hiệp định Hòa bình thay cho Hiệp định Đình chiến. Hiệp đình Hòa bình là cái mà Triều Tiên luôn kiên trì theo đuổi và biểu thị của ông Tập Cận Bình cho thấy Trung Quốc ủng hộ Triều Tiên trong vấn đề này. 

Thứ tư là sự hồi đáp của ông Choe Ryong-hae. Thái độ của nhân vật này không đại diện cho cá nhân mà đại diện cho lãnh đạo triều Tiên. Ông Choe Ryong-hae nói: “Phía Triều Tiên trân trọng tình hữu nghị hai nước, nguyện cùng Trung Quốc tăng cường sự hiểu biết sâu sắc cũng như sự qua lại giữa giới chức cấp cao hai nước, không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị Triều-Trung”. Điều này cho thấy, hai nước sẽ tăng cường giao lưu trao đổi giữa giới chức cấp cao, việc ông Kim Jong Un sang thăm Trung Quốc sẽ được lên lịch trình, thậm chí không loại trừ khả năng Triều Tiên có mong muốn ông Tập Cận Bình sang thăm nước này. Bên cạnh đó, sự hồi đáp của ông Choe còn cho thấy hai bên sẽ tăng cường hợp tác trong vấn đề bán đảo Triều Tiên và cam kết ông Kim Jong Un sẽ không có “ý khác” đối với Trung Quốc. 

Khi nói về vấn đề bán đảo Triều Tiên và vấn đề hạt nhân, đặc sứ Choe Ryong-hae đã nhắc lại mong muốn đã nêu ra trong cuộc gặp với ông Lưu Vân Sơn rằng “Triều Tiên mong muốn phát triển kinh tế cải thiện dân sinh”. Điều này cho thấy Triều Tiên không có chủ tâm làm tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là ông Choe Ryong-hae nói rằng “phía Triều Tiên nguyện nỗ lực chung cùng các bên, giải quyết ổn thỏa vấn đề liên quan thông qua các hình thức đối thoại hiệp thương như đàm phán 6 bên, bảo vệ hòa bình và ổn định. Phía Triều Tiên nguyện có hành động tích cực trong việc này”. Phát biểu trên của ông Choe Ryong-hae không chỉ ngầm cho thấy Triều Tiên không chỉ muốn trở lại đàm phán 6 bên, hơn nữa còn muốn tiếp xúc với các bên khác. Việc Đặc sứ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Triều Tiên gần đây là một minh chứng cho thái độ này của Triều Tiên. 

Nói tóm lại, đối với Triều Tiên, việc cử Đặc sứ vội vàng thăm Trung Quốc là một sự thay đổi lớn. Đối với tình hình bán đảo Triều Tiên, đây cũng là một thông tin tốt đẹp. Nó một mặt cho thấy sau gần 2 năm ông Kim Jong Un cầm quyền, Triều Tiên ngày một “bình thường hóa”, mặt khác cũng cho thấy vai trò không thể thay thế của Trung Quốc trong việc kiểm soát vấn đề an ninh trên bán đảo Triều Tiên.

 

Đặc sứ Triều Tiên Choe Ryong-hae (mặc quân phục) hội kiến Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng Sản Trung Quốc Lưu Vân Sơn

Trở lại với nội dung lá thư mà ông Choe Ryong-hae trao cho lãnh đạo Trung Quốc ngày 24/5, theo truyền thông chính thức Trung Quốc, trong bức thư gửi lãnh đạo Trung Quốc, ông Kim Jong Un viết tay, giãi bày nhiều điều song nội dung chính là bày tỏ mong muốn nối lại đối thoại sáu bên về phi hạt nhân hóa. Vòng đàm phán sáu bên bao gồm hai nước trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản.

Việc truyền thông Trung Quốc loan tải thông điệp trên hàm ý rằng Trung Quốc và Triều Tiên đã bắn tín hiệu cho các nước liên quan về vấn đề này. Ngay lập tức phía Hàn Quốc đã có phản ứng. Hàn Quốc hôm 27/5/2013, đã từ chối đề nghị đối thoại của Triều Tiên về hồ sơ giải trừ vũ khí hạt nhân. Phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kim Hyung Seok tuyên bố: “Việc làm quan trọng hơn lời nói”. Đại diện Hàn Quốc nói đối với Seoul, bức thư của lãnh đạo Triều Tiên chỉ nhằm làm dịu sự khó chịu của Trung Quốc và không có dấu hiệu là Bình Nhưỡng thực tâm muốn đàm phán.

Hàn Quốc nhắc lại là Triều Tiên nhiều lần tuyên bố không bao giờ muốn đàm phán về việc phát triển vũ khí răn đe, tức vũ khí hạt nhân. Nếu lần này, Bình Nhưỡng thực sự muốn đối thoại, thì phải từ bỏ việc đưa ra những điều kiện tiên quyết.

Việc có nối lại đàm phán 6 bên về vấn đề Triều Tiên hay không theo giới quan sát, một phần sẽ phụ thuộc vào cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama tại Mỹ, vào các ngày 7 và 8/6 tới.

Th.Long (Tổng hợp)

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc