Khởi tố tỷ phú Lưu Hán, ông trùm xã hội đen giàu nhất Trung Quốc:

Thêm dấu hiệu chứng tỏ chuẩn bị xét xử nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang?

15:30 | 24/02/2014

4,310 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từng được tạp chí Forbes của Mỹ năm 2012 xếp thứ 148 trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc, và được coi có quan hệ làm ăn mật thiết với Chu Bân, con trai nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính pháp Chu Vĩnh Khang, nên vụ khởi tố tỷ phú Lưu Hán, ông trùm xã hội đen giàu nhất, có ảnh hưởng lớn nhất tại quốc gia hơn 1,34 tỷ người khiến dư luận đặc biệt quan tâm bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Mặc dù bị bắt từ tháng 3/2013, nhưng đến nay vụ án của Lưu Hán mới được công bố công khai.

>> Trung Quốc: Nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang sắp bị xét xử?

Giết gà dọa khỉ

Ngày 20/2, Viện Kiểm sát thành phố Hàm Ninh, tỉnh Hồ Bắc đã gửi quyết định khởi tố tới Toà án Nhân dân thành phố Hàm Ninh đề nghị xét xử 36 người thuộc băng đảng tội phạm xã hội đen do anh em Lưu Hán và Lưu Duy (Lưu Hán là Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Khai thác khoáng sản Hán Long ở tỉnh Tứ Xuyên) cầm đầu về tội tổ chức, lãnh đạo, tham gia giết người, bảo kê và dung túng cho các hoạt động mang tính chất xã hội đen.

Theo tạp chí Forbes, Tập đoàn Khai thác khoáng sản Hán Long là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Trung Quốc với giá trị 3 tỉ USD và có khoảng 12.000 nhân viên. Nhưng cư dân mạng Trung Quốc lại gọi Lưu Hán là ông trùm tội phạm giàu nhất đất nước. Sau khi biết tin băng đảng tội phạm của Lưu Hán bị khởi tố và sắp bị xét xử, người dân nhiều nơi ở tỉnh Tứ Xuyên đã đua nhau đốt pháo ăn mừng.

Lưu Hán, ông trùm xã hội đen giàu nhất Trung Quốc.

Anh em họ Lưu cùng đồng bọn bị Viện Kiểm sát thành phố Hàm Ninh truy tố với 15 tội danh, trong đó có tổ chức, lãnh đạo, tham gia băng nhóm xã hội đen, cố ý giết người, cố ý hãm hại, bắt cóc giam giữ trái phép, cản trở công vụ, mở và kinh doanh sòng bạc trái phép, mua sắm và tàng trữ vũ khí trái phép, móc nối thông thầu, hủy hoại tài sản người khác, lừa đảo… Đây là băng đảng hoạt động tội phạm theo kiểu mafia lớn nhất bị truy tố trong nhiều năm qua ở Trung Quốc. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát thành phố Hàm Ninh, băng đảng kể trên hoạt động từ năm 1993, trải rộng ở 10 tỉnh thành Trung Quốc và đã thực hiện 9 vụ giết người. Tuy hoạt động ở 10 tỉnh thành, nhưng anh em họ Lưu chủ yếu tập trung ở tỉnh Tứ Xuyên. Khi tập đoàn tội phạm này bị triệt phá, cảnh sát tịch thu được 3 quả lựu đạn, 20 khẩu súng, 677 viên đạn, hơn 100 dao các loại.

Trong số 36 người bị khởi tố hôm 20/2, ngoài số đàn em của Lưu Hán, đáng chú ý có ông Lưu Học Quân, nguyên chỉ huy lực lượng cảnh sát hình sự của Công an thành phố Đức Dương; ông Lã Bân, nguyên Trưởng phòng Tài chính-trang bị của Công an thành phố Đức Dương và ông Lưu Trung Vĩ, nguyên Phó Viện trưởng kiểm sát thị xã Thập Phường. Được biết, ông Lưu Học Quân thường thông báo tin tức, hủy chứng cứ vụ án, 2 người còn lại cung cấp súng, đạn cho anh em họ Lưu. Theo lời khai của Lưu Duy, ngoài hối lộ tiền, quà, hầu như tuần nào hắn cũng cùng 3 người kể trên tụ tập chơi gái, thậm chí tiêm chích ma túy.

Để đàn em nể phục, đối thủ kinh sợ, Lưu Hán “thương phạt công minh”. Trường hợp đàn em Đường Xiên Bình là ví dụ điển hình. Mặc dù đã giết một người dẫn đầu cuộc biểu tình phản đối về mức bồi thường giá đất của Tập đoàn Khai thác khoáng sản Hán Long ở thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên năm 1998, nhưng hắn không những không bị vào tù, mà còn được thưởng rất hậu hĩnh. Lưu Hán từng dặn đàn em, không được khai có liên quan đến Tập đoàn Khai thác khoáng sản Hán Long nếu bị bắt và bất kỳ ai tiết lộ thông tin sẽ bị xử lý cả nhà. Nhiều người nói rằng, sự tàn bạo, liều lĩnh cùng với biết tạo quan hệ sâu rộng nên Lưu Hán nhanh chóng thiết lập “đế chế tội phạm” ở tỉnh Tứ Xuyên.

Đồng loạt ra quân 

Ngày 22/2, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết, tờ Nhân Dân nhật báo và Tân Hoa xã vừa chỉ trích thẳng quan chức thực thi pháp luật vì đã bảo vệ tỷ phú Lưu Hán ở Tứ Xuyên, người bị cáo buộc điều hành băng đảng mafia tại tỉnh này. Do đó, cơ quan chức năng sẽ điều tra sân sau của Lưu Hán và tổ chức mafia do hắn cầm đầu. Mạng caixin.com và một số phương tiện truyền thông khác ở Trung Quốc đã và đang đưa tin về mối quan hệ giữa Lưu Hán và Chu Bân với những dòng tít như: "Ông trùm Tứ Xuyên Lưu Hán từng là đối tác kinh doanh của Chu Bân".

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, đầu thập niên 1990, Lưu Hán và Lưu Duy mở các trung tâm đánh bạc trái phép ở thành phố Quảng Hán, tỉnh Tứ Xuyên và bắt đầu tuyển mộ đàn em, đệ tử. Đến tháng 3/1997, Lưu Hán thành lập Tập đoàn Khai thác khoáng sản Hán Long và tổ chức một nhóm đâm thuê chém mướn dưới danh nghĩa đội bảo vệ. Và để khuyếch trương thanh thế, Lưu Hán sai Lưu Duy mua vũ khí, đạn dược và nhanh chóng xưng hùng xưng bá ở Quảng Hán, Miên Dương, Thập Phường… tỉnh Tứ Xuyên. Nhưng kể từ năm 2000, băng đảng của Lưu Hán giảm bớt bạo lực, sử dụng tiền bạc và ảnh hưởng để khống chế kinh tế địa phương, chiếm độc quyền trong nhiều ngành nghề của tỉnh thành.

Nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang.

Một trong những sự kiện nổi tiếng nhất của Lưu Hán là mua chuộc thành công một số quan chức cảnh sát, viện kiểm sát địa phương để thoát vòng lao lý cho dù hắn đã bắn chết Trần Phú Vĩ vì tư thù ngay giữa thanh thiên bạch nhật nơi đông người. Trần Phú Vĩ là người dám thách thức, cạnh tranh với anh em họ Lưu, nhưng sau khi giết đối thủ, Lưu Hán chỉ tạm lánh nạn ở tỉnh khác, còn Lưu Duy vẫn sống ung dung tại Tứ Xuyên. Tập đoàn Khai thác khoáng sản Hán Long tuy liên quan tới vụ giết Trần Phú Vĩ vì đã dùng thủ đoạn và mánh lới lừa đảo trong kinh doanh, đầu tư, tín dụng…với số tiền lên tới 4 tỷ NDT, nhưng cũng chẳng bị cơ quan chức năng sờ gáy. Mặc dù gây ra 2 vụ giết người, nhưng không bị trừng trị, nên anh em họ Lưu ngày càng hung hăng, ngông cuồng và tàn bạo.

Theo giới truyền thông, con trai của Chu Vĩnh Khang là Chu Bân từng làm ăn với Lưu Hán khi đầu tư vào thủy điện, dầu khí tại tỉnh Tứ Xuyên. Khoảng 11 năm trước (2003-2014), Chu Bân đã bán một công ty cho một công ty dưới quyền Lưu Hán.với giá 20 triệu NDT, trong khi giá của nó chỉ khoảng 3 triệu NDT. Lưu Hán quyết mua vì muốn tạo quan hệ tốt với Chu Bân, con trai Chu Vĩnh Khang, khi đó đang là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.

Năm 2005, Tập đoàn Khai thác khoáng sản Hán Long lập công ty điện lực, nhưng chính quyền tỉnh Tứ Xuyên lấy lý do bảo hộ tài nguyên, không cho phép Lưu Hán nắm giữ toàn bộ cổ phần. Chu Bân liền đứng ra giữ 20% cổ phần cho Tập đoàn Khai thác khoáng sản Hán Long. Sau đó Lưu Hán lấy số cổ phần kể trên dưới hình thức mua lại, nhưng chẳng mất đồng nào.

Chặt hết vây cánh

Được biết, ngoài kinh doanh hầm mỏ ở tỉnh Tứ Xuyên, Tập đoàn Khai thác khoáng sản Hán Long còn đầu tư sang châu Phi, thao túng các mỏ sắt ở Cameroon. Khi sang thăm Cameroon, Lưu Hán đã mời Tổng thống nước này cùng một số bộ trưởng tới Thành Đô với tư cách khách của Tập đoàn Khai thác khoáng sản Hán Long để dễ bề chiếm lĩnh thị trường châu Phi. Tập đoàn Khai thác khoáng sản Hán Long cũng từng muốn thôn tính Công ty Australia Sundance Resources Ltd với giá hơn một tỉ USD. Nhưng kế hoạch kể trên và thương vụ này của Tập đoàn Khai thác khoáng sản Hán Long không thể thành hiện thực vì Lưu Hán bị bắt.

Khởi nghiệp bằng kinh doanh máy đánh bạc, nhưng dù bị phạt, niêm phong máy, anh em họ Lưu vẫn tự ý xé bỏ niêm phong và mua súng để ngăn cản nhân viên công vụ. Được biết, Lưu Hán còn đầu tư sòng bạc ở ngoài biên giới rồi tổ chức đưa người sang Hongkong, Macao đánh bạc. Cơ quan chức năng thống kê, băng đảng do Lưu Hán cầm đầu đã đầu tư, góp vốn, tham gia cổ phần với 70 công ty, trong đó có 2 công ty đã lên sàn, 4 công ty ở nước ngoài với tổng trị giá tài sản lên tới 40 tỷ NDT (gần 7 tỷ USD). Mặc dù hoành hành ngang ngược tại tỉnh Tứ Xuyên, nhưng Công an Bắc Kinh lại là nơi đầu tiên phát hiện ra các hành vi phạm tội của băng nhóm Lưu Hán.

Sau khi Công an Bắc Kinh ra lệnh bắt quản thúc tại gia đối với Lưu Hán ở Bắc Kinh (13/3/2013), cảnh sát Hàm Ninh mới ra quyết định bắt giam (3/7/2013) tên này. Có một chi tiết khá thú vị, tuy là kẻ phải chịu trách nhiệm về các vụ giết người, nhưng Lưu Duy, em trai Lưu Hán lại được chọn là người cầm đuốc tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008.

Lưu Hán kết giao với quan chức bằng cách cho vợ kết thân với phu nhân trước rồi tiếp cận chồng sau. Dương Tuyết, vợ cũ Lưu Hán cho biết, ông ta dẫn tôi đi ăn cùng họ, biếu tiền, vàng, ngọc quý trị giá hàng trăm ngàn đến cả triệu NDT. Quỷ quyệt hơn khi Lưu Hán mời họ chơi bạc để hối lộ bằng cách giả vờ thua. Vì thường xuyên hối lộ (tiền bạc, gái đẹp và ma túy) quan chức từ địa phương đến trung ương, nên Lưu Hán từng được bầu là Chủ tịch Hội Thương gia tỉnh, và trước khi bị bắt là Ủy viên Thường vụ Hội nghị Chính trị Hiệp thương (gọi tắt là Chính hiệp) tỉnh Tứ Xuyên các khóa 9, 10 và 11. Theo Tân Hoa xã, Lưu Hán còn được cho là có tiếng nói trong cả việc bổ nhiệm nhân sự trong chính quyền của tỉnh Tứ Xuyên bởi tạo được vỏ bọc là một doanh nhân biết kinh doanh, có nhiều đóng góp cho địa phương và là một nhà từ thiện hảo tâm. Do đó, vụ án của Lưu Hán rất phức tạp, có liên quan tới nhiều lãnh đạo cấp cao từ địa phương đến trung ương. Mối quan hệ của Lưu Hán kéo từ Quảng Hán, Đức Dương tới Miên Dương, Thành Đô và Bắc Kinh.

Trước khi bị bắt hồi tháng 3/2013, Lưu Hán không những là Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Khai thác khoáng sản Hán Long, doanh nghiệp tư nhân lớn nhất ở tỉnh Tứ Xuyên, mà còn là ông chủ của hàng chục công ty liên quan đến điện lực, tài chính, khai thác mỏ, bất động sản với số tài sản hàng chục tỉ NDT. Có người nói rằng, anh em họ Lưu có thể thao túng các hoạt động kinh tế và gây rối loạn an ninh công cộng tại tỉnh Tứ Xuyên và một số tỉnh thành ở Trung Quốc. Vụ bắt giữ và khởi tố Lưu Hán diễn ra sau khi Bắc Kinh điều tra một số quan chức cấp cao là thân tín của ông Chu Vĩnh Khang như Quách Vĩnh Tường, nguyên Phó tỉnh trưởng Tứ Xuyên, Lý Xuân Thành, nguyên Phó bí thư Tứ Xuyên, Lý Đông Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Tưởng Khiết Mẫn, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban quản lý tài sản nhà nước.

Tân Hồng - Tiên Du