Nhật Bản lo ngại quân đội Trung Quốc “tiếm quyền” đảng cầm quyền

00:18 | 01/08/2012

1,300 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong Sách Trắng quốc phòng năm 2012 vừa công bố ngày 31/7, Nhật Bản nêu bật nguy cơ tiềm tàng nảy sinh từ khả năng quân đội Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong việc định hình chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, nhất là ngày càng có nhiều tướng “diều hâu” trong quân đội Trung Quốc.

 

Nhật Bản lo ngại vai trò lớn mạnh của quân đội Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới đường lối đối ngoại của đảng Công Sản Trung Quốc

Tokyo trích dẫn quan điểm cho rằng mối quan hệ giữa quân đội và Đảng Cộng sản Trung Quốc "ngày càng phức tạp" và rằng đó là một điều đáng quan ngại. Tuy nhiên, Nhật Bản không nói chi tiết về mức độ thay đổi của mối quan hệ này. Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản năm 2012 được công bố trong bối cảnh các quan chức cấp cao, các cố vấn tình báo và những người đứng đầu các cơ quan hàng hải của Trung Quốc ngày càng lớn tiếng kêu gọi Bắc Kinh có những động thái cứng rắn hơn đối với các cuộc tranh chấp lãnh thổ.

Liên quan tới những tranh chấp lãnh hải nêu trên, bao gồm cả vấn đề quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), Tokyo nhắc lại quan điểm đã được nêu trong Sách Trắng năm 2011. Khi đó, Nhật Bản tán dương vai trò ngày một lớn hơn của Trung Quốc trên trường quốc tế, song cũng lưu ý tới các động thái ngày càng hung hăng của Bắc Kinh. Trong Sách Trắng 2012, Nhật Bản viết: "Trung Quốc đã hành xử một cách đáng bị lên án trong các vấn đề mâu thuẫn với Nhật Bản và các nước láng giềng khác trong khi dư luận ngày càng quan ngại hơn về định hướng phát triển của họ".

Bên cạnh những xung đột giữa Nhật Bản và Trung Quốc về chủ quyền đối với quần đảo Senkaku, căng thẳng cũng gia tăng trên vùng Biển Đông do Bắc Kinh ngày càng tỏ ra hung hăng hơn trong các tranh chấp lãnh hải với các nước láng giềng khác. Không chỉ vậy, việc Mỹ tuyên bố chuyển trọng tâm và các nguồn lực quân sự về khu vực châu Á hồi năm 2011 cũng khiến tình hình khu vực trở nên phức tạp hơn.

Tokyo đã tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ đồng minh với Mỹ, Sách Trắng quốc phòng năm 2012 có đoạn: "Sự hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ tại các căn cứ của Nhật Bản là nhằm ngăn chặn các diễn biến bất ngờ và nhằm đảm bảo an ninh trong khu vực". Lời khẳng định chính thức này được chính quyền đưa ra trong bối cảnh nhiều người dân Nhật Bản, do quan ngại về an toàn tính mạng, đã tổ chức biểu tình phản đối việc Mỹ triển khai máy bay quân sự Osprey tại một căn cứ hải quân tại Okinawa.

Điều 9 bản Hiến pháp 1947 của Nhật Bản phản đối việc phát động chiến tranh để giải quyết các tranh chấp quốc tế, đồng thời cấm các hoạt động duy trì lực lượng quân đội. Tuy nhiên, Hiến pháp Nhật Bản cho phép xây dựng lực lượng vũ trang vì mục đích quốc phòng và cho phép các hoạt động quân sự trên biển, bao gồm những hoạt động như việc triển khai lực lượng không tham chiến năm 2004 tại Iraq.

Tài khóa 2012 (kết thúc vào tháng 3/2013) là năm thứ 10 ngân sách quốc phòng của Nhật Bản tiếp tục giảm, hiện còn 59 tỷ USD. Con số này phần nào phản ánh tình trạng căng thẳng do gánh nặng nợ công lớn gấp hai lần sản lượng kinh tế hàng năm gây ra, đây cũng là khoản nợ công lớn nhất trong số các quốc gia công nghiệp.

Các chính khách bảo thủ luôn muốn thay đổi chính sách "né tránh súng đạn" của Nhật Bản, và quan điểm này ngày càng gia tăng do các lo ngại liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng như việc Trung Quốc đang dần nổi lên là một cường quốc khu vực. Mỹ gần đây cũng thúc giục Tokyo đóng vai trò lớn hơn trong việc đảm bảo an ninh toàn cầu.

H.Phan (Theo Kyodo News)