Cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraina:

Mỹ - EU - NATO quyết định trừng phạt Nga

08:45 | 13/03/2014

2,916 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 12/3 (theo giờ địa phương), Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua (14 phiếu thuận và 3 phiếu chống) dự luật mở đường cho việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với những người Nga liên quan tới sự can thiệp của Moskva tại Ukraina, cũng như cấp viện trợ cho chính phủ mới tại Kiev và thực thi những cải cách của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Các biện pháp trừng phạt sẽ bao gồm phong tỏa tài sản tại Mỹ, cấm nhập cảnh và từ chối thị thực. Ngoài ra, Mỹ còn hỗ trợ chính phủ mới của Ukraina điều tra những hành động tham nhũng và thu hồi các tài sản thất thoát cho chính quyền Kiev. Dự luật này sẽ được đưa ra bỏ phiếu trước Thượng viện và nếu được phê chuẩn, vẫn cần phải được Hạ viện thông qua để trở thành luật.

Hãng Reuters cho biết, Thủ tướng Anh David Cameron cũng vừa tuyên bố, muốn áp đặt lệnh cấm đi lại đối với các nghị sỹ danh tiếng của Nga. Đây được coi là động thái đáp trả của Liên minh châu Âu (EU) trước việc Moskva ủng hộ việc sáp nhập Cộng hòa tự trị Cimea vào Nga bằng cuộc trưng cầu dân ý hôm 16/3. Nhưng để việc này được thực thi phải đạt được thỏa thuận chính trị của 28 nước thành viên EU trước khi áp đặt bất cứ lệnh cấm đi lại nào.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso

Cũng trong ngày 12/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng ủng hộ Ukraina trong cuộc đối đầu với Nga, khi khẳng định việc Moskva ủng hộ khả năng sáp nhập Crimea vào Nga là vi phạm luật pháp quốc tế. Washington ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, đồng thời kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin có cách giải quyết khác nếu không muốn phải trả giá. Tuyên bố này được ông chủ Nhà Trắng đưa ra tại cuộc tiếp Thủ tướng tạm quyền Ukraina Arseniy Yatsenyuk.

Cũng trong cuộc hội đàm này, Tổng thống Barack Obama còn khẳng định: Mỹ sẵn sàng sát cánh với Ukraina. Ông Arseniy Yatsenyuk tuyên bố, Kiev sẽ không bao giờ đầu hàng trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền quốc gia, cũng muốn là đối tác tốt của Nga và sẵn sàng đàm phán với Moskva. Việc Mỹ dành sự tiếp đón trọng thị đối với ông Arseniy Yatsenyuk đã thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với chính quyền mới ở Ukraina bởi Nga nhiều lần tuyên bố: Chính quyền mới thân phương Tây ở Kiev là vi hiến.

Tổng thống Mỹ Obama tiếp thủ tướng tạm quyền Ukraine tại Nhà Trắng

Cùng ngày 12/3, tờ Kommersant của Nga dẫn nguồn tin từ trụ sở NATO và Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Gruzia có thể tiếp nhận Kế hoạch hành động của thành viên NATO vào tháng 9. Và việc này tùy thuộc vào việc Crimea có sáp nhập vào Liên bang Nga hay không. Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tiết lộ, Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vào ngày 17/3 với cáo buộc Moskva can thiệp vào công việc nội bộ Ukraina. Còn NATO thông báo đã bắt đầu cuộc tập trận ở Ba Lan với sự tham gia của máy bay Mỹ nhằm biểu thị sự ủng hộ của Washington đối với các đồng minh phương Tây xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraina.

Hãng Reuters đưa tin, Mỹ cho rằng các lực lượng thân Nga dường như có liên quan tới các nhóm vũ trang từng dựng chướng ngại vật trên đường và ngăn không cho phái bộ giám sát phi vũ trang của OSCE vào Crimea hồi tuần trước. Đại sứ Mỹ tại OSCE Daniel Baer đã bày tỏ mối quan ngại của tổ chức này về sự liên quan trực tiếp của Moskva và nhân viên an ninh Nga trong việc ngăn không cho các quan sát viên phi vũ trang thực hiện nhiệm vụ. Trước đó, Nga từng nhiều lần phản đối việc cử quan sát viên OSCE hay NATO tới Crimea bởi Moskva coi đây là hành động chỉ làm phức tạp thêm tình hình, như đã từng xảy ra tại các điểm nóng như Kosovo hay Nam Ossetia.

Một cuộc biểu tình ở Chelyabinsk ủng hộ người gốc Nga trên bán đảo Crimea

Vẫn theo Hãng Reuters, lãnh đạo G-7 đã khuyến cáo Nga ngừng mọi hoạt động liên quan tới cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea và chấm dứt mọi nỗ lực nhằm thay đổi quy chế của Crimea, nếu không Moskva sẽ phải đối mặt với hành động đáp trả. Ngoài ra , G-7 còn khẳng định cuộc trưng cầu dân ý về việc Crimea sáp nhập vào Nga sẽ không có hiệu lực pháp lý. Bộ trưởng Quốc phòng tạm quyền Ukraina Igor Tenyukh khẳng định, Kiev sẽ nỗ lực giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng ở Cộng hòa tự trị Crimea thông qua đối thoại chính trị.

Những tuyên bố kể trên diễn ra cùng thời điểm Cơ quan An ninh Ukraina (SBU) thông báo (12/3), đã bắt được một toán lính trinh sát Nga ở tỉnh Kherson, sau khi họ tìm cách đột nhập lãnh thổ nước này để điều tra các vị trí quân sự. SBU cho biết, toán lính này có ý định điều tra hoạt động chiến dịch, tiếp nhận thông tin tình báo về việc điều chuyển quân và mức độ sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị vũ trang Ukraina tại khu vực Kherson.

Theo SBU, chỉ huy toán trinh sát này là sĩ quan tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Nga, sinh năm 1981, người tỉnh Ryazan, nhưng sử dụng hộ chiếu Ukraina giả mang tên Arbuzov Evgenia. Trước đó (11/3), SBU cũng thông báo bắt được một sĩ quan của Tổng cục Tình báo quân đội Nga (GRU) tại tỉnh Donetsk trong một chiến dịch có sự phối hợp chặt chẽ từ Bộ Nội vụ. Và người này được cho là đã tổ chức các hoạt động biệt kích phá hoại tại lãnh thổ Ukraina.

Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych

Về phần mình, Tổng thống Putin đã thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraina với Ngoại trưởng Thụy Sĩ Didier Burkhalter (12/3), quốc gia đang giữ ghế Chủ tịch OSCE. Cũng trong ngày 12/3, ông Putin đã điện đàm với lãnh đạo cộng đồng người Tatar ở Crimea về tình hình khu tự trị này. Việc này diễn ra sau khi có nhiều người Tatar tại Crimea muốn tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ngày 16/3 về việc tách khỏi Ukraina để sáp nhập vào Nga. 

Ngày 12/3, Phó thủ tướng Cộng hòa tự trị Crimea Rustam Temirgaliyev tuyên bố, đã phong tỏa sân bay chính của bán đảo này và hạn chế các chuyến bay cho đến ngày 17/3 nhằm ngăn chặn các hành động khiêu khích khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra hôm 16/3. Theo Đài Tiếng nói nước Nga, ngay sau khi Quốc hội Crimea tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hội đồng tối cao Crimea Vladimir Konstantinov thông báo, Cộng hòa tự trị Crimea được đổi tên thành Cộng hòa Crimea. Trong khi đó, Thủ tướng Crimea Sergey Aksyonov khẳng định, không hề có bất cứ quân nhân Nga nào trong các đơn vị tự vệ địa phương của nước cộng hòa tự trị này.

Cũng trong ngày 12/3, Bộ Văn hóa Nga cho biết, hơn 100 nghệ sĩ hàng đầu của Nga đã cùng ký vào một bức thư ngỏ bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ các chính sách của Tổng thống Putin về vấn đề Ukraina và Cộng hòa tự trị Crimea. Trước đó, Hội Nhà văn Nga cũng đã công bố một một bức thư ủng hộ Tổng thống Putin trước quyết tâm chống lại “thế lực thù địch và phá hoại của phương Tây”. Theo kết quả thăm dò dư luận đầu tháng 3 của cơ quan thăm dò dư luận VTsIOM, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Putin là 68%.

Cùng ngày 12/3, Ủy ban Điều tra Nga (IC) cho biết, Moskva đã mở vụ án hình sự đối với Văn phòng Trưởng công tố Ukraina nhằm trả đũa quyết định trước đó của Kiev khởi tố Tư lệnh Hạm đội Biển Đen, Phó đô đốc Alexander Vikto về các hành vi “kích động phản quốc và phá hoại”. Nga cho rằng, việc Ukraina khởi kiện hôm 6/3 là nhằm gây bất ổn cho tình hình ở Crimea, nơi đặt căn cứ của Hạm đội Biển Đen.

Cũng trong ngày 12/3, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, quyết định của Ukraina nhằm vào Phó đô đốc Alexander Vikto là “hành động khiêu khích”, đồng thời nhấn mạnh, Tư lệnh Hạm đội Biển Đen đã thực hiện những biện pháp cần thiết để bảo vệ các cơ sở của hạm đội, quân nhân và gia quyến trước những mối đe dọa của lực lượng chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Bộ trưởng Năng lượng và Công nghiệp than Ukraina Yury Prodan cho biết (12/3), Kiev có kế hoạch nhập khẩu 27-30 tỷ m3 khí đốt của Nga trong năm 2014, giảm 15% so với kế hoạch trước đó. Ông Yury Prodan hy vọng Moskva sẽ không áp đặt trừng phạt đối với Kiev vì không nhập khẩu lượng khí đốt đã thoả thuận trước đó. Bởi trước đó, Công ty năng lượng quốc gia Naftogaz của Ukraina và Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã ký thỏa thuận sửa đổi đối với hợp đồng cung cấp khí đốt theo giá 268,5USD/1.000m3 và Bộ trưởng Năng lượng Eduard Stavytsky cho biết, Kiev dự định mua 33-35 tỉ m3 khí đốt của Nga trong năm 2014.

Anh - Trang - Cường