Thái Lan: Sẽ có đổ máu ghê gớm?

11:51 | 11/12/2013

3,035 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thủ lĩnh phe biểu tình Thái Lan cho hay sẽ thành lập một chính quyền hoạt động song song, gồm cả “lực lượng tình nguyện bảo vệ hòa bình” để thay thế cảnh sát, một “hội đồng nhân dân” để điều hành quốc gia và có cả chính sách ngoại giao riêng.

Một người biểu tình Thái Lan thuộc phe chống chính phủ đang cố đá một quả lựu đạn khói bắn ra từ phía cảnh sát trong một vụ đụng độ tại Bangkok

Một số giới chức học giả và chính trị gia đã lên tiếng đả kích cho rằng điều này không dân chủ và vi hiến. Tuy nhiên, nỗ lực chiếm quyền của cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban có thể thành sự thật nếu quân đội hay các thẩm phán tòa tối cao can thiệp, như đã từng xảy ra trong quá khứ.

Các nhà phân tích nhận định rằng quốc gia Ðông Nam Á này đang đứng trước một ngả rẽ nguy hiểm, có thể đưa đến tình trạng đổ máu ghê gớm.

“Ðây là tình hình dễ dàng bùng nổ. Chúng ta không thể có hai chính phủ ở Bangkok để cai trị Thái Lan. Sẽ có bên phải nhượng bộ” - theo lời Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện nghiên cứu an ninh và quốc tế tại Ðại học Chulalongkom.

Thủ tướng Yingluck Shinawatra đang cố sức để chấm dứt các cuộc biểu tình bạo động trong nước, đã làm ít nhất 5 người chết và gần 300 người bị thương. Bà tuyên bố giải tán Quốc hội hôm 9/12 và kêu gọi có cuộc bầu cử mới vào tháng 2/2014.

Hôm qua, bà Yingluck khẳng định sẽ không từ chức thủ tướng của chính phủ lâm thời, dù chịu nhiều áp lực. Nhưng bà đã nghẹn ngào khi báo chí hỏi về cảm xúc của bà trước những khó khăn phải đối phó. Bà Yingluck cũng cho biết đã chịu đựng đến mức tối đa và chỉ mong được đối xử công bằng, để có thể tiếp tục vai trò thủ tướng cho đến khi cuộc bầu cử kết thúc và một tân chính phủ chào đời.

Tối hôm qua vẫn có khoảng 3.000 người biểu tình đóng chốt chung quanh khuôn viên của tòa nhà chính phủ, nơi có văn phòng làm việc của bà Yingluck.

Giáo sư Thitinan nói rằng chính phủ Thái Lan hiện đang ở thế yếu vì không được sự ủng hộ của giới quyền lực, nhất là thành phần bảo hoàng và quân đội, ở Bangkok. Ông cho rằng quân đội Thái Lan hiện vẫn nói là giữ thế trung lập nhưng khi cần họ sẽ đứng về phía biểu tình vì muốn giữ các đặc quyền đặc lợi của mình.

Ông Thitinan cho rằng Suthep “chỉ là người đại diện của một thế lực lớn hơn” của thành phần thượng lưu, muốn chiếm quyền cai trị đất nước để có thể chỉ huy cuộc chuyển tiếp của hoàng gia (sau khi nhà vua qua đời), việc kế vị, việc thay đổi Hiến pháp, nói chung là ảnh hưởng đến toàn diện tương lai Thái Lan.

Nh.Thạch

AFP, AP