Tại sao tư duy sáng tạo ở Trung Quốc không thể phát triển?

07:00 | 07/09/2013

771 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không ngày nào mà báo chí thế giới ngưng nói về “sức mạnh” không thể cưỡng lại của Trung Quốc, về khả năng GDP Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành “nền kinh tế lớn nhất thế giới”, về sự thống trị tất yếu của Trung Quốc đối với thế giới thế kỷ XXI… Tuy nhiên cùng lúc, người ta gần như không bao giờ thấy những bài báo viết về cống hiến khoa học cho thế giới của Trung Quốc, về những tư duy có thể định hình thế giới tương lai, về những phát kiến có thể làm thay đổi diện mạo toàn cầu… Tại sao? Do sáng tạo không có đất dụng võ, bởi nhiều tài năng “ngọa hổ tàng long” vẫn chưa gặp thời, hay còn lý do nào khác?

Những con số có giá trị ảo

Ngay sau sự kiện nhà tỉ phú Mỹ gốc Nam Phi Elon Musk tuyên bố đầu tư dự án tàu siêu tốc “Hyperloop”, tờ Global Times (14/8/2013) đã tung ra bài xã luận với ý rằng chưa bao giờ bằng lúc này Trung Quốc cần tinh thần sáng tạo đến như vậy. “Nếu Trung Quốc không dám sáng tạo hoặc lười sáng tạo, chẳng có cách nào Trung Quốc có thể đứng ở tuyến đầu về phát triển kỹ thuật và kinh tế toàn cầu. Theo đó mà nói thì sự phục hưng của đất nước sẽ chỉ là giả tạo… Trung Quốc cần phải có Steve Jobs hay Elon Musk của riêng mình… Chúng ta có thể bắt đầu với chính mình bằng việc… sao chép ít hơn (!)” - bài xã luận (không đề tác giả) viết… Đây không là lần đầu tiên báo chí Trung Quốc kêu gọi “tinh thần sáng tạo” và giới chính trị lãnh đạo nước này cũng đã nhiều lần gióng chuông cảnh báo.

Trong thực tế, Trung Quốc chi khá mạnh cho nghiên cứu và phát triển (R&D), chiếm 1,75% GDP năm 2010 rồi 1,84% năm 2011 (so với 1,1% năm 2002) và có thể lên 2,5% năm 2020. Xét về tỉ lệ R&D thế giới, Trung Quốc chiếm 12,3% năm 2010, chỉ đứng sau Mỹ (35%). Tân Hoa Xã (22/2/2013) cho biết, ngân sách R&D nước này đã tăng đến 17,9% trong năm 2012, lên 1,02 ngàn tỉ tệ (162,24 tỉ USD).

Cũng theo nguồn trên, năm 2012 Trung Quốc có tổng cộng 217.105 bản quyền sáng chế đăng ký, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm trước. Nói riêng về bằng sáng chế, Trung Quốc đã… qua mặt Mỹ (về số lượng) từ năm 2011, có thể đạt đến gần 500.000 vào năm 2015, so với 400.000 của Mỹ và gần 300.000 của Nhật. Đây có thể được xem là một “thành tích”, bởi vào năm 2006, Trung Quốc chỉ mới có 171.000 bằng sáng chế. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ giá trị (xét về tính ứng dụng lẫn giá trị thương mại) của bằng sáng chế là như thế nào.

Nhiều viện nghiên cứu khoa học Trung Quốc chỉ hoạt động cầm chừng và mang tính “biểu diễn” khi có sự ghé thăm của viên chức cấp cao

Theo Tân Hoa Xã (26/4/2013), Cơ quan Bản quyền Trí tuệ nhà nước Trung Quốc (SIPO) nhận tổng cộng 2,051 triệu đơn xin cấp bản quyền và chuẩn xét 1,255 triệu vào năm 2012, trong đó có khoảng 217.000 bản quyền phát minh, tăng 26,1% so với năm trước. Tuy nhiên, Giám đốc SIPO Điền Lực Phổ (Tian Lipu) cũng phải thừa nhận, “so với bản quyền phát minh tại các nước phát triển, nhiều bản quyền của chúng ta thật ra chỉ là những sửa đổi kỹ thuật nhỏ” (họ Điền nói thêm: “Dù sao, có còn hơn không. Bản quyền chất lượng thấp cũng còn tốt hơn là bắt chước”!). Tổng quát, chỉ khoảng ¼ bản quyền Trung Quốc là liên quan bằng sáng chế so với gần 90% tại Mỹ (Financial Times 11/6/2013). Chất lượng bản quyền Trung Quốc đã thể hiện ở thực tế rằng, đa số trong số đó không có giá trị, vì Trung Quốc vẫn phải chi đậm cho việc mua bản quyền nước ngoài.

Theo Huffington Post (14/6/2013), năm 2012, Trung Quốc đã đạt kỷ lục “thâm hụt cán cân” phí bản quyền với gần 17 tỉ USD, so với “thặng dư” 82 tỉ USD của Mỹ. Điều đó có nghĩa Trung Quốc chi đến 18 tỉ USD để mua bản quyền nước ngoài trong khi chỉ thu được 1 tỉ USD tiền phí. “Sức mạnh sáng tạo” của Trung Quốc được cụ thể hóa ở một nghiên cứu nghiêm túc khác: trong bảng Chỉ số sáng tạo toàn cầu, Global Innovation Index 2013, công bố giữa tháng 7/2013, Trung Quốc được xếp hạng 35. Sự yếu kém của đóng góp sáng tạo cho xã hội Trung Quốc còn được chứng minh bằng sự thật rằng Trung Quốc hiện tiếp tục nhập siêu chất bán dẫn.

Theo Asia Sentinel (24/7/2013), khoảng cách giữa tiêu thụ và sản xuất chất bán dẫn tại Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh, từ 5,7 tỉ USD năm 2009 lên 100,5 tỉ USD năm 2011. Thâm hụt mậu dịch chất bán dẫn đã tăng gấp đôi kể từ năm 2005, lên 138 tỉ USD năm 2011…

“Made in China” nhưng không phải bằng chất xám Trung Quốc

Trong danh sách 100 công ty được nể trọng toàn cầu năm 2012 do Businessweek/Interbrand thực hiện, không có bất kỳ công ty Trung Quốc nào! Những thương hiệu như Huawei, Tencent, Baidu, Sina, Alibaba, Lenovo, Haier… đã bắt đầu được nghe đến nhiều và trở nên quen thuộc nhưng không phải theo cách như người ta thường nghe nói đến những Google, Amazon, Apple, Sony hoặc Samsung - những thương hiệu thành danh với bề dày thành tích sáng tạo mang lại những ứng dụng thiết thực góp phần thay đổi cách sống con người. Trên con đường xây dựng và phát triển, các tập đoàn Trung Quốc chưa hề có phát kiến nào đột phá, chưa có sản phẩm nào gây “chấn động địa cầu”, chưa có ý tưởng nào tạo ảnh hưởng trào lưu thế giới, chưa có nhân vật nào đủ sức và khả năng định hình tương lai.

Những gì họ làm vẫn chỉ là phát triển những cái đã có sẵn, với những chuẩn mực có sẵn và “công thức chế biến” có sẵn. Baidu (Bách độ) là phiên bản của Google; Renren (Nhân nhân võng) là biến thể nhái theo của Facebook; và WeChat (Vi tín) là dựa vào ý tưởng của WhatsApp… Hơn nữa, thương hiệu họ, dù bắt đầu có tên có tuổi toàn cầu, nhưng vẫn còn chưa đủ uy tín để trở thành bảo chứng cho chất lượng. Tóm lại, gần như chưa thấy có bất kỳ tấm huy chương phát minh hay thiết kế nào, đáng chú ý cần phải nhớ, được gắn trên ngực một cách đáng tự hào cho những tập đoàn đa quốc gia Trung Quốc.

Sự “sáng tạo” nổi tiếng của họ vẫn là cách thức và chiêu trò nhái theo, với thiên hình vạn trạng, từ việc lấy tên người nổi tiếng đến mẫu mã thiết kế… Năm 2012, ngôi sao bóng rổ Mỹ Michael Jordan đã kiện một hãng sản xuất đồ thể thao lớn của Trung Quốc khi họ đặt tên công ty là Qiaodan Sports (Kiều Đan khoái lạc thể dục cơ kim), bởi “Qiaodan” phát âm trong tiếng Hoa là “cheow-dan”, nghe hệt như cách đọc chữ “Jordan”. Tại sao không đặt tên bằng bất kỳ từ gì khác ngoài “Qiaodan”, nếu không phải vì muốn lợi dụng cái tên của Michael Jordan? Tương tự, Hãng xe hơi Chery Automobile (Kỳ Thụy khí xa) cũng từng bị General Motors (GM) phản đối, bởi “Chery” nghe giống với “Chevy” (từ thân mật chỉ thương hiệu xe Chevrolet của GM). Vẫn là chuyện đặt tên, cựu ngôi sao NBA Diêu Minh cũng từng kiện một hãng sản xuất đồ thể thao (Vũ Hán Vân Hạc Đại Sa Ngư thể dục dụng phẩm) tự ý dùng cụm từ “Diêu Minh thời đại” cho các sản phẩm của họ… Chỉ là cái tên thôi cũng lười suy nghĩ thì thật khó cho Trung Quốc có thể tiến xa trên con đường chinh phục thế giới bằng khả năng và tư duy sáng tạo. Vấn đề là tại sao người ta lười tư duy đến vậy?

Thứ nhất, đó là hệ lụy của chủ trương “đổ khuôn” trong hệ thống giáo dục Trung Quốc, khi người ta, ngay từ cấp tiểu học, đã không hề muốn và có ý định khuyến khích tinh thần phản biện cũng như tư duy độc lập. Học thuộc và lập lại là tất cả những gì được yêu cầu. Họ không thể có một Steve Jobs hay một Albert Einstein. Cơ hội để một nhân tố tài năng được tự do phát triển và “được lắng nghe” như phương Tây là không nhiều. Và một khi ngay trong “ngôi đền thiêng” giáo dục lại xảy ra nhan nhản nạn đạo văn để tốt nghiệp cũng như để được cấp bằng tiến sĩ… thì chất xám càng có ít cơ hội và “lối thoát” để vươn lên phát triển. Còn nữa, một mô hình viện nghiên cứu hoạt động độc lập trong một viện đại học như phương Tây, được “xã hội hóa” đúng nghĩa của từ này với sự góp vốn từ các công ty bên ngoài nhằm thúc đẩy hoặc đầu tư một dự án nghiên cứu cụ thể để cuối cùng có thể thương mại hóa nó, đối với Trung Quốc, còn là một khái niệm xa vời. Trung Quốc cũng không có những “nhà đầu tư mạo hiểm” biết nhìn thấy, tiên liệu cơ hội và chấp nhận bỏ tiền mua ý tưởng, giúp sáng tạo trở nên có giá trị thương mại thật sự, để sau đó cho ra đời những Apple hoặc Google.

Ngoài ra, việc xào xáo bản quyền để “đi tắt đón đầu”, như một chủ trương mang tính chính sách, đã dẫn đến không chỉ tình trạng phổ biến thói quen ăn cắp lan tràn xã hội mà còn làm thui chột dần sự chủ động tư duy sáng tạo. Hậu quả kéo theo là sự thiếu tự tin rõ rệt của tâm lý xã hội Trung Quốc, thiếu tự tin đến mức phải ăn cắp y đúc phiên bản cửa hàng Apple hay sao chép gần như 100% mẫu xe Rolls-Royce cho thiết kế xe Hồng Kỳ… Cuối cùng, đó còn là hậu quả của tình trạng tham nhũng vô phương cứu vãn. Khó ai có thể biết chính xác những đồng ngân sách R&D rót từ trung ương xuống các địa phương sẽ “đi đâu, về đâu”.

Trong một bài viết trên chuyên san Science (Mỹ) đồng ký tên, hai giáo sư tên tuổi Trung Quốc - Thi Nhất Công (Yigong Shi - Trưởng khoa Khoa học Đại học Thanh Hoa) và Nhiêu Nghị (Yi Rao - Trưởng khoa Khoa học Đại học Bắc Kinh) - đã thừa nhận thực tế rằng, “có một “bí mật” mà ai cũng biết là làm nghiên cứu tử tế (ở Trung Quốc) thì không quan trọng bằng việc “đi lại” với viên chức nhà nước có quyền có thế cũng như với các chuyên gia thuộc cánh hẩu của họ… Văn hóa nghiên cứu hiện tại của Trung Quốc chỉ khiến lãng phí nguồn, làm hủ hóa tâm hồn và cản trở sáng tạo” (Science Vol. 329 No. 5996).

Gút lại, sự giàu có và lớn mạnh của Trung Quốc, đến thời điểm này, vẫn nhờ chủ yếu vào xuất khẩu những sản phẩm “made in China”, nhưng với chất xám người khác. “Nội lực sáng tạo” của họ hoàn toàn chưa đủ mạnh để giúp họ trở thành siêu cường toàn diện. Trừ phi họ thay đổi tư duy giáo dục, tư duy về việc “dạy làm người” như những cá thể biết suy nghĩ độc lập hơn là những khuôn mẫu được mặc định giống hệt nhau, thói quen sao chép may ra mới có thể chấm dứt và con đường sáng tạo của hậu duệ những người từng chế ra thuốc súng và la bàn may ra mới có cơ hội làm tiền nhân mở mày mở mặt…

Mạnh Kim