Tại sao Tân Cương bất ổn? (Kỳ 1)

06:30 | 19/03/2014

23,336 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau 9 ngày diễn ra (từ 3/3), kỳ họp thứ 2 khóa 12 Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc (Chính hiệp) đã bế mạc sáng 12/3 tại thủ đô Bắc Kinh. Và sau gần 10 ngày làm việc (từ 5 đến 13/3), kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 12 cũng bế mạc tại Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Việc các đại biểu tham dự Chính hiệp và Quốc hội đều dành 1 phút mặc niệm những nạn nhân bị sát hại trong vụ tấn công khủng bố tại nhà ga Côn Minh tối 1/3 cho thấy mức độ quan tâm, cũng như nguy hiểm của sự kiện này. Một lần nữa chủ đề Duy Ngô Nhĩ - Tân Cương lại thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước sau khi khu tự trị này xảy ra một số vụ tấn công khủng bố gây chấn động quốc gia hơn 1,34 tỉ người.

Kỳ1: Tân Cương - Cô gái đẹp nhiều người nhòm ngó

Vị trí địa - chính trị chiến lược của Tân Cương

Tân Cương chiếm khoảng 1/6 diện tích Trung Quốc, 1/4 chiều dài đường biên giới quốc gia và là khu tự trị, đồng thời là đơn vị hành chính cấp tỉnh lớn nhất Trung Quốc với diện tích lên tới 1,6 triệu km2, nhưng chỉ có khoảng 4,3% diện tích đất đai ở đây thích hợp cho con người cư trú. Tuy chỉ là một khu tự trị, nhưng Tân Cương có đường biên giới tiếp giáp với 8 quốc gia (Mông Cổ, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ). Ngoài ra, Tân Cương còn quan hệ “lân bang” với 2 tỉnh và 1 khu tự trị của Trung Quốc là Cam Túc, Thanh Hải và Tây Tạng. Tân Cương là khu vực có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống như Duy Ngô Nhĩ, Mông Cổ, Hồi...

Tuy chỉ có khoảng 21 triệu người, nhưng sở hữu tới 1/6 diện tích cả nước và nhiều nguồn tài nguyên quý tập trung tại đây nên Tân Cương đã và đang là tâm điểm chú ý của dư luận. Theo thống kê chính thức, Tân Cương có trữ lượng dầu khí (đã được phát hiện) khoảng 2,5 tỉ thùng và 1.400 tỉ m3 khí đốt (chiếm 34% trữ lượng khí đốt của Trung Quốc và Bắc Kinh đã xây dựng tuyến đường ống dài 4.000km để chuyên chở 24 tỉ m3 khí đốt từ đó về Thượng Hải). Tân Cương cũng quản lý tuyến đường quan trọng vận chuyển dầu từ Kazakhstan về Trung Quốc.

Tân Cương hiện có sản lượng khai thác dầu khí lớn thứ 2 Trung Quốc (1,1 triệu thùng/ngày), sản lượng khai thác khí đốt chiếm 14% cả nước. Tân Cương còn có trữ lượng than lên tới 2.190 tỉ tấn, cùng sản lượng khai thác 80 triệu tấn/năm, chiếm 40% tổng sản lượng than của Trung Quốc. Tân Cương cũng sở hữu mỏ vàng, đồng, nickel và số mỏ quặng sắt lên tới 1/4 trữ lượng của toàn quốc. Ngoài ra, Tân Cương còn là nơi cung cấp bông lớn nhất Trung Quốc.

Người đứng sau các sự kiện bất ổn tại Tân Cương

Chủ tịch “Đại hội Duy Ngô Nhĩ thế giới”, bà Rebiya Kadeer, hiện đang sống lưu vong tại Mỹ, đã kêu gọi chính quyền Bắc Kinh bình tĩnh và xử lý sáng suốt sau vụ tấn công khủng bố tối 1-3 tại nhà ga Côn Minh khiến 33 người chết (4 nghi phạm) và 143 người khác bị thương. Bà Rebiya Kadeer đề nghị Bắc Kinh không nên biến cộng đồng thiểu số Duy Ngô Nhĩ tại khu tự trị Tân Cương thành “kẻ thù quốc gia”. Tuy chưa kết luận người Duy Ngô Nhĩ đứng sau vụ thảm sát bằng dao và mã tấu tối 1/3 tại nhà ga Côn Minh, nhưng cơ quan chức năng cho rằng, những kẻ cực đoan Tân Cương có liên quan và đây là hành động khủng bố.

“Đại hội Duy Ngô Nhĩ thế giới” được thành lập năm 2004, là tổ chức đại diện cho quyền lợi của người Đông Turkestan và tổ chức này chuyên xúi bẩy các hoạt động ly khai dưới danh nghĩa nhân quyền và dân chủ. Bà Rebiya Kadeer sinh năm 1951 tại Tân Cương, trước khi được bầu làm Chủ tịch “Đại hội Duy Ngô Nhĩ thế giới” năm 2006 là nữ doanh nhân ở Trung Quốc. Theo Tân Hoa xã, bà Rebiya Kadeer được cho là làm giàu bất hợp pháp từ thập niên 80 của thế kỷ trước bằng việc gian lận và trốn thuế. Năm 2000, bà Rebiya Kadeer bị kết án 8 năm tù vì tội tiết lộ bí mật nhà nước trái phép và được trả tự do năm 2005 để đi chữa bệnh tại Mỹ.

Theo Tân Hoa xã, “Đại hội Duy Ngô Nhĩ thế giới” do bà Rebiya Kadeer đứng đầu là tổ chức đã lợi dụng cuộc tranh cãi hôm 26/6/2009 giữa công nhân thiểu số người Duy Ngô Nhĩ và người Hán ở tỉnh Quảng Đông để gây hỗn loạn khiến 2 người Duy Ngô Nhĩ thiệt mạng. Và ngày 1/7/2009, “Đại hội Duy Ngô Nhĩ thế giới” đã tổ chức họp để lên kế hoạch kích động bất ổn bằng việc phát đi các thông điệp qua Internet, điện thoại và điện thoại di động. Trưa 5/7/2009, cảnh sát ở Urumqi nhận được tin có một số người đăng thông tin bất hợp pháp kêu gọi tập trung trái phép ở Quảng trường Nhân dân lúc 19 giờ ngày 5/7/2009 để biểu tình ủng hộ lực lượng ly khai ở nước ngoài.

Ngày 6/7/2009, bà Rebiya Kadeer tổ chức họp khẩn với một số thành viên cốt cán của “Đại hội Duy Ngô Nhĩ thế giới” để bàn kế hoạch thổi bùng cuộc biểu tình trong và ngoài nước, nhằm kêu gọi chính phủ nước ngoài và những tổ chức nhân quyền can thiệp. Ngày 6/7/2009, lãnh sự quán của Trung Quốc ở Munich, Đức bị tấn công và chiều cùng ngày, Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Lan bị hơn 150 nhân vật ly khai đập phá.

Một số vụ kiện quan trọng

Ngày 16/2, cảnh sát Tân Cương cho biết, cách đây 3 năm, một người đàn ông tên là Mehmut Tohti đã bắt đầu gieo rắc chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và từ tháng 9/2013, tên này cầm đầu một nhóm gồm 13 nghi can khủng bố. Tháng 1/2014, chúng mua xe và chế tạo thiết bị nổ để tấn công xe cảnh sát. Ngày 4/2, những tên khủng bố này đã dùng xe máy và ôtô, mang theo thiết bị nổ và dao tấn công một đội tuần tra của cảnh sát làm 2 dân thường và 2 cảnh sát bị thương, nhưng 8 tên khủng bố đã bị cảnh sát tiêu diệt, còn 3 tên khác bỏ mạng khi kích hoạt các thiết bị nổ.

Cảnh sát được tăng cường tại Quý Dương

Ngày 25/11/2013, Tạp chí Oriental Outlook đưa tin, có gần 200 vụ tấn công khủng bố xảy ra ở khu tự trị Tân Cương trong năm 2012, tăng đáng kể so với năm 2011. Oriental Outlook dẫn lời cảnh sát địa phương cho biết, số vụ tấn công mang tính “thánh chiến” tăng nhanh từ năm 2009 và trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với Tân Cương. Thông tin này được đưa ra gần một tháng sau vụ đâm xe tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh (28/10/2013) khiến 3 người trên xe (người Duy Ngô Nhĩ đến từ Tân Cương), cùng 2 khách bộ hành thiệt mạng và 40 người bị thương.

Ngày 3/11/2013, Tư lệnh Quân khu Tân Cương, Trung tướng Bành Dũng đã mất chức sau vụ đâm xe ở Quảng trường Thiên An Môn cho dù ông mới được bổ nhiệm làm tư lệnh tháng 7/2011. Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương Mạnh Kiến Trụ cáo buộc, Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan đứng đằng sau vụ tấn công này. Vụ nổ xe gây náo loạn Quảng trường Thiên An Môn hôm 28/10/2013 diễn ra sau đúng 1 tháng khu tự trị Tân Cương được trao tặng lá Quốc kỳ nhân kỷ niệm 64 năm Quốc khánh Trung Quốc. Đây là lá Quốc kỳ mang số hiệu 1217, được treo tại kỳ đài của quảng trường từ ngày 29/10/2011 đến ngày 30/10/2011. Sau đó, cảnh sát kết luận: “Sự cố hôm 28/10/2013” ở Thiên An Môn là “một cuộc tấn công khủng bố bạo lực được lên kế hoạch cẩn thận, có tổ chức và có tính toán từ trước”.

Ngày 1/7/2013, cảnh sát Tân Cương treo giải thưởng từ 50.000 đến 100.000 NDT cho những ai cung cấp thông tin “có giá trị” về các phần tử đứng sau vụ bạo động đẫm máu nhất trong 4 năm qua ở khu tự trị này. Tuyên bố trên được nhà chức trách Tân Cương đưa ra sau gần một tuần xảy ra các cuộc tấn công tại Hotan ở Tân Cương, làm 35 người thiệt mạng. Tối 28/6/2013, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình đã triệu tập cuộc họp Thường vụ Bộ Chính trị, chỉ vài giờ sau khi xảy ra vụ bạo loạn ở Hotan. Sau đó, Bí thư Tân Cương Trương Xuân Hiền tuyên bố, Tân Cương đã bước vào giai đoạn nhạy cảm, do đó duy trì sự ổn định là mục tiêu quan trọng trong thời điểm hiện tại.

Ngày 29/6/2013, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Du Chính Thanh (Chủ tịch Chính hiệp) và Bộ trưởng Công an Quách Thanh Côn đã tới khu tự trị Tân Cương, sau đợt bùng phát bạo lực dẫn đến lệnh giới nghiêm ở Hotan, nhằm giải quyết tình trạng bất ổn tại đây. Không ai được đi ra ngoài phố sau khi trời tối và dịch vụ Internet cùng 3G đã bị ngắt. Cũng trong ngày 29/6/2013, Bắc Kinh đã tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn ở khu tự trị Tân Cương với xe tăng, xe quân sự và lực lượng vũ trang. Cuộc tập trận diễn ra trước thời điểm tròn 4 năm ngày nổ ra cuộc bạo động (5/7/2009) giữa người Hồi giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ với người Hán, khiến khoảng 200 người thiệt mạng.

Ngày 1/7/2013, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Bắc Kinh Markus Ederer đã yêu cầu Chính phủ Trung Quốc phải công bố thêm thông tin về bản chất và nguyên nhân các vụ bạo động ở Tân Cương. Trước đó (30/4/2013), cơ quan chức năng đã bắt 19 nghi can có liên quan đến vụ bạo động ở Tân Cương hôm 23/4/2013 khiến 21 người thiệt mạng. Cảnh sát tuyên bố, đã phát hiện nhiều thiết bị gây nổ, vũ khí sát thương và cờ của Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan ở nhà các nghi can; đồng thời cáo buộc những kẻ khủng bố đã lập bẫy sát hại các sĩ quan cảnh sát trong vụ bạo động hôm 23/4/2013. Gần 2 năm trước (26/3/2012), tòa án thành phố Kashgar đã kết án tử hình đối với Abudukeremu Mamuti, người Duy Ngô Nhĩ vì đã gây ra vụ tấn công bằng dao và rìu hôm 28/2/2012, khiến 15 người thiệt mạng.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Hà Á Phi từng đề nghị Washington (22/7/2009) ngăn chặn các hành động li khai chống Trung Quốc trên lãnh thổ của Mỹ, đồng thời khẳng định, vụ bạo loạn hôm 5/7/2009 là nguy hiểm và tồi tệ nhất kể từ năm 1949 đến nay. Trước đó (21/7/2009), Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhà nước Ngô Sỹ Dân cũng khẳng định, chính sách dân tộc của Trung Quốc phù hợp với tình hình Tân Cương. Những kẻ ly khai Hồi giáo người Duy Ngô Nhĩ nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ đứng đằng sau vụ bạo loạn hôm 5/7/2009 và Bắc Kinh sẽ không bao giờ tha thứ cho những tên này.

Bởi mục đích chính của những kẻ nổi loạn là muốn xây dựng cái gọi là “Tân Cương độc lập”. Giới bình luận cho rằng, vụ bạo lực hôm 5/7/2009 do mâu thuẫn giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Hán, còn bị ảnh hưởng từ tư tưởng thánh chiến. Theo thống kê chính thức của Trung Quốc, cuộc bạo loạn tại Tân Cương hôm 5/7/2009 đã khiến 197 người chết, hơn 1.600 người bị thương (chủ yếu là người Hán) và khoảng 1.000 người (chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ) bị bắt, gây thiệt hại rất lớn về của cải (hơn 630 hộ gia đình và phương tiện giao thông bị phá hủy).

(Xem tiếp kỳ sau)

Đông Ngàn - Từ Sơn