Tại sao nước Pháp ngày càng “hung hăng”?

05:00 | 09/03/2014

6,856 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nghệ sĩ nổi tiếng người Mỹ William đã từng đưa ra một câu nhận xét rằng: “Nếu như đem ra so sánh, ta có thể ví nước Anh và nước Pháp là những ông già, nước Ý là một kẻ quá cố, thì nước Mỹ giờ đây đang ở độ tuổi 20 của cuộc đời”.

Năng lượng Mới số 302

Xét theo nhiều khía cạnh thì có vẻ câu nhận xét này khá đúng, thậm chí nó còn đúng cả ở mặt chính trị quốc tế. Cả Anh và đặc biệt là Pháp hiện đang là những lão già chậm chạp, sức khỏe hiển nhiên cũng không được còn sung mãn như trước. Họ tỏ ra là những người cẩn thận, không muốn trực tiếp đối đầu với mạo hiểm mà thường lựa chọn giải pháp an toàn và trung lập. Tuy nhiên, hình ảnh một nước Pháp năng động đã bắt đầu quay trở lại từ thời Tổng thống Nicolas Sarkozy và còn rõ rệt hơn kể từ khi ông Franois Hollande lên nhậm chức. Sự năng động ấy đã dẫn dắt phương Tây qua những cuộc không kích vào thủ đô Tripoli của Lybia, những chiếc trực thăng nã súng vào lực lượng trung thành với ông Gbagbo ở Bờ Biển Ngà, những tuyên bố không ngừng về khả năng sử dụng các biện pháp quân sự để trừng trị chính quyền ông Bashar
al-Assad tại Syria, sự can thiệp đơn phương của Pháp vào Cộng hòa Mali, Cộng hòa Trung Phi.

Quân đội Pháp ở Trung phi

Sẽ là vô cùng bất ngờ khi người ta nhìn lại 10 năm trước, vẫn là đất nước hình lục lăng này đã bị Quốc hội Mỹ lên tiếng bêu xấu khi từ chối việc can thiệp vào Iraq. Một nước Pháp đã từng quá trung lập tới mức mà đồng minh thân cận - Mỹ đã phải lên tiếng rằng Pháp dường như đang nghiêng về phía Palestine. Thậm chí, chính Pháp đã từng tuyên bố rằng cụm từ “francafrique” - được ghép bởi hai từ tiếng Pháp là France (nước Pháp) và Afrique (châu Phi) thể hiện ý nghĩa về mối quan hệ giữa Pháp và châu Phi và việc Pháp luôn muốn duy trì trật tự tại Châu Phi, thuộc địa cũ của mình, là một cụm từ không còn hợp lý vào thời đại này. Nếu nhìn vào thời gian biểu những chuỗi sự kiện ấy, không ai là không tự đặt ra một câu hỏi: Điều gì khiến Pháp đã hoàn toàn thay đổi như vậy?

Chắc chắn rằng, những sự thay đổi này xuất phát một phần từ những nguyên do nội tại. “Tân quan tân chính sách”, mỗi vị tổng thống có ý đồ chính trị của riêng mình. Nicolas Sarkozy và Franois Hollande , hai nhà lãnh đạo với những chính sách “hung hăng” hơn những người tiền nhiệm của họ kết hợp với thế hệ những nhân tố mới trong hệ thống cỗ máy chính trị của mình đã có những bước đi táo bạo để khôi phục hình ảnh nước Pháp.

 Khởi đầu là ông Sarkozy với cuộc chiến tại Libya. Có thể nói, đây là cột mốc cho việc Pháp đang muốn chuyển mình, thay đổi hình ảnh trên trường quốc tế. Thay đổi bất thường này có lẽ một phần đến từ phía người dân Pháp, khi càng ngày họ càng thấy rằng hình ảnh của nước Pháp đang bị mờ dần đi. Tuy nhiên, nếu nhìn ngược lại, đó cũng là khoảng thời gian khi ông Sarkozy sắp hết nhiệm kỳ của mình và hành động này của ông cũng nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri Pháp trong cuộc chạy đua cho nhiệm kỳ hai. Ông muốn cho người dân thấy rằng, ông đang cố gắng đưa nước Pháp thoát khỏi sự phụ thuộc lâu năm trên “chiếc ô an ninh” của Mỹ, qua đó đánh thức và cổ vũ người dân Pháp, những con người trong tâm tưởng vẫn luôn nghĩ về một nước Pháp vĩ đại. Tư tưởng này cũng xuất hiện ở vị Tổng thống đến từ đảng Xã hội Franois Hollande .

Các nhà lãnh đạo ở Pháp đều hiểu rằng, họ cần phải tập trung bảo vệ lợi ích của mình hơn. Sau một thập niên của những cuộc chiến được đưa lên bệ phóng bởi George W. Bush ở Afghanistan và Iraq, người kế nhiệm ông là Barrack Obama đã cho rút toàn bộ quân đội của mình về nước và tuyên bố chuyển hướng trọng tâm sang châu Á. Điều này tạo ra một khoảng trống lớn ở Trung Đông. Một quốc gia như Pháp chắc chắn có thể nhận thức rõ ràng được tầm quan trọng của việc cân bằng quyền lực ở khu vực Trung Đông và họ muốn bảo vệ những lợi ích của mình ở đây. Điều đó thể hiện rõ qua việc khi Chính phủ Syria bị cho là sở hữu và sử dụng vũ khí hóa học thì ông Hollande là người nhiệt tình nhất trong việc thúc đẩy trừng phạt Syria bằng vũ lực cũng như việc Pháp đã lên tiếng không  bằng lòng và quyết liệt phản đối việc Mỹ nhượng bộ Iran về vấn đề hạt nhân trên bàn đàm phán. Họ muốn nắm phần lớn hơn trong việc phân chia quyền lợi ở Trung Đông.

Mặt khác, trong Liên minh châu Âu, bộ đôi quyền lực Pháp - Đức luôn là dẫn dắt cho sự phát triển của liên minh này. Anh, Đức tuy là cường quốc số một châu Âu về phát triển kinh tế nhưng họ luôn do dự trong việc triển khai quân ra nước ngoài. Cho nên Pháp muốn tranh thủ điều này để thể hiện vai trò dẫn dắt của mình ở liên minh châu Âu. Pháp cũng muốn đưa châu Âu ra khỏi tầm ảnh hưởng của Mỹ. Pháp cũng gián tiếp hối thúc châu Âu “sử dụng vũ lực khi cần thiết” trong một số trường hợp như Libya hay Mali. Điều này vừa giúp Pháp gây dựng hình ảnh một người cầm lái, vừa giúp họ giảm thiểu chi phí qua việc phải một mình đưa quân ra nước ngoài.

Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác có thể lý giải rõ hơn cho vấn đề này, đó là những tác động từ bên ngoài nước Pháp. Lý do đầu tiên, rõ ràng nhất chính là việc các quốc gia với nền kinh tế mạnh mới nổi đang đe dọa Pháp ở những sân chơi mà từ trước đến nay, Pháp luôn chiếm vị trí độc tôn, như Trung Quốc, Ấn Độ… Đặc biệt là Trung Quốc và sự xuất hiện của họ ở châu Phi. Năm 2009, Trung Quốc đã chính thức vượt mặt Pháp, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu lục này. Bị vượt mặt ở nơi từng là thuộc địa của mình là sự “xúc phạm” lớn đối với một cường quốc như Pháp. Và họ đã có những động thái thể hiện rằng,  ở châu Phi, Pháp vẫn luôn nắm quyền chủ động. Điều đó được minh chứng qua việc Pháp đơn phương đưa quân vào Mali và Trung Phi, việc mà trước đó khó có thể trở thành hiện thực.

Không  thể  phủ nhận những chính sách “hung hăng” gần đây đã vực lại phần nào vị thế  của nước Pháp. Tuy nhiên, tấm huy chương nào cũng đều có hai mặt. Việc triển khai quân ở Trung Đông rất dễ khiến Pháp sa lầy tại đây, giống như trường hợp của Mỹ đã mắc phải và sẽ rất khó khăn và mất thời gian họ mới rút chân ra được. Mặt khác, không gì có thể đảm bảo những chính sách như thế này nhận được sự hưởng ứng hoàn toàn từ người dân Pháp, nhất là trong bối cảnh kinh tế ảm đạm hiện nay, bất cứ quyết định quân sự nào cũng sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền của và đây không phải những gì người Pháp chờ đợi khi chính phủ liên tục cắt giảm việc làm vì không đủ ngân sách.

Tháng 2/2011: Pháp là nước đầu tiên kêu gọi LHQ đưa quân vào Libya.

5/4/2011: Pháp viện dẫn Nghị quyết 1975 của Hội đồng Bảo an LHQ đưa quân can thiệp vào cuộc nội chiến tại Bờ Biển Ngà nhằm bảo vệ thường dân, kiều dân Pháp và công dân nước ngoài tại đây.

11/1/2013: Pháp mở màn chiến dịch can thiệp quân sự vào Mali bằng những cuộc không kích các căn cứ quân sự của phiến quân Hồi giáo.

15/9/2013: Pháp kêu gọi LHQ cần phải có biện pháp trừng phạt Syria nếu nước này không tiêu hủy vũ khí hóa học của mình.

5/12/2013: Pháp quyết định tiến hành can thiệp quân sự vào Cộng hòa Trung Phi.


Trà My