Một bi kịch thời toàn cầu hóa:

Tại sao ngày nay vẫn còn nô lệ?

07:02 | 02/03/2014

3,599 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thật khó có thể tưởng tượng được rằng, nô lệ và nạn mua bán nô lệ còn tồn tại ở thế kỷ XXI nhưng phóng sự mới đây trên tờ Christian Science Monitor đã cho thấy một bức tranh kinh hoàng về nô lệ thời hiện đại…

Năng lượng Mới số 300

Ngày nay, thế giới đang dư thừa nô lệ. Vì vậy nô lệ có giá rẻ mạt. Có thể nói là rẻ nhất trong vòng 40 năm qua. Theo thống kê sơ bộ, cả thế giới có khoảng 27 triệu nô lệ, con số cao nhất từ trước đến nay. Mặc dù bị cấm ở nhiều nước nhưng nạn nô lệ vẫn phát triển mạnh trong 50 năm qua. Khi dân số toàn cầu bùng nổ, có 1 tỉ người đang bị bóc lột với giá 1 USD/ngày. Cảnh nghèo nàn cùng cực cộng với nạn tham nhũng và sự cách biệt lớn giữa các nước giàu và nghèo đã dẫn đến số nô lệ ngày càng tăng.

Kevin Bales, Chủ tịch Giải phóng nô lệ, tổ chức phi lợi nhuận ở Washington DC, nói: “Đối với người Mỹ, nô lệ là khái niệm gắn chặt với các bang miền Nam thời xưa trong đó những người Mỹ da đen làm việc cực nhọc trong các đồn điền với xiềng xích và roi vọt”. Nô lệ ngày nay khác với nô lệ ở những bang miền Nam thời đó. Trong số 27 triệu nô lệ, đa số là những người lao động có giao kèo ở Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Nepal. Họ phải làm việc để trả những khoản nợ không bao giờ giảm, dù họ phải làm việc cực nhọc trong nhiều năm, thậm chí nhiều thế hệ liền. Gian lận sổ sách là bài học nằm lòng của các chủ nô.

Thân phận nô lệ trẻ em thời nay

Theo Kevin Bales, chung quy vấn đề ở chỗ người ta bỏ qua việc thành lập các cơ sở và thiếu sự dẫn dắt sáng suốt trong việc thủ tiêu nô lệ. Có thể thấy rõ sự thiếu ý thức cộng đồng ở các nước phát triển. Rất ít người nhận thức được đó không phải là vấn đề riêng của những nước thuộc thế giới thứ ba. Mặc dù chiếm số lượng rất nhỏ so với thế giới, nhưng ở các quốc gia phát triển, tình trạng nô lệ vẫn diễn ra không dễ chịu chút nào. Hàng năm khoảng 14.000 đến 17.500 nô lệ bị bán qua Mỹ. Phần lớn bị bán vào nhà chứa, làm việc nhà hoặc lao động nông nghiệp. Tổng cộng có khoảng 52.000-87.000 nô lệ rải rác khắp nước Mỹ.

Cách đây không lâu, một người Ấn Độ giúp việc nhà ở Brookline đã thắng trong phiên tòa kiện hai vợ chồng người Oman. Cặp vợ chồng này đã giam bà trong nhà suốt hơn một năm liền, buộc bà phải trông nom 4 đứa trẻ, nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa mà không trả lương và cho ăn đầy đủ. Một người hàng xóm thương cảm cho hoàn cảnh của bà đã giúp bà trốn thoát.

Nhưng đó chỉ là ngoại lệ. Tommy Calvert, thành viên một tổ chức chống nô lệ ở Boston, nhận xét: “Pháp luật không phải lúc nào cũng nhận ra được nạn nhân của tình trạng nô lệ và công chúng lại càng có ít khả năng hơn”. Bộ Ngoại giao Mỹ từng kêu gọi công dân tích cực bài trừ nô lệ hiện đại và đưa ra cảnh báo: “Điều đó có thể xảy ra ngay tại sân nhà bạn”. Đó là nơi mà bạo hành và ngược đãi nô lệ từng xảy ra nhiều năm trước, khi không ai nói về nó, không tồn tại sự che chở và không ai viết sách về điều đó. Điều đó đang bắt đầu thay đổi, một cuốn sách về nô lệ đang được thực hiện. Bản thảo có tựa đề “Các dấu hiệu nhận ra nạn nhân của tình trạng nô lệ”, bao gồm danh sách các dấu hiệu hiện hữu và dấu hiệu tác động xấu đến tinh thần. Bales mong rằng cuốn sách sẽ làm cho mọi người hiểu rõ hơn về tình trạng nô lệ và ông chờ đợi những phản hồi tốt.

Cách nghĩ truyền thống về nô lệ thời xưa rất khác so với ngày nay. Nhưng định nghĩa về nô lệ thì vẫn giữ nguyên: “Nô lệ là tình trạng hoặc điều kiện của một người mà tất cả năng lực của người đó được sử dụng vì quyền lợi của chủ nô” (theo Công ước về nô lệ của liên minh các quốc gia, 1926). Trong cuốn sách của mình, Bales nói rằng sự chiếm hữu không còn là gợi ý hấp dẫn với chủ nô vì giá nô lệ rất rẻ. Năm 1850, một nô lệ có giá tương đương với 40.000USD ngày nay. Bây giờ mọi người có thể mua được một nô lệ với giá 30USD ở vùng Bờ Biển Ngà. Sở dĩ có giá rẻ như vậy vì nô lệ đang bị dư thừa. Điều này làm cho cuộc sống của nô lệ ngày càng bị coi thường. Phổ biến nhất là nô lệ vì nợ nần, hiện tượng đang trói buộc 10-20 triệu người vào những giấy nợ mà họ không bao giờ trả dứt. Những người khác trở thành nô lệ vì bị đe dọa. Tệ nhất là tình trạng bóc lột lao động trẻ em và khai thác tình dục.

Tuy nhiên phát triển mạnh nhất là loại hình buôn bán nô lệ. Theo báo cáo tháng 6/2013 của Bộ Tư pháp Mỹ về nạn buôn người, có 600.000-800.000 người bị bán qua biên giới mỗi năm. Và có hàng triệu người bị bán ngay chính trên đất nước họ. Trong số đó, khoảng 80% là phụ nữ  và 70% trong số họ bị bán vào nhà chứa. Liên Hiệp Quốc ước tính lợi nhuận từ  việc buôn người (khoảng 9,5 tỉ USD vào năm 2013) đã nằm trong ba lãnh vực tội phạm có lợi nhuận cao nhất (cùng buôn bán ma túy nghiện  và vũ khí). Trong 10 năm nữa, kinh doanh nô lệ sẽ trở thành nguồn thu nhập bất hợp pháp lớn nhất. Dù vậy, sự phát triển nhanh chóng này hiện vấp phải luật mới của Mỹ (hành động bảo vệ nạn nhân từ nạn buôn người vào năm 2000 đã được tái phê chuẩn và mở rộng tháng 12/2003). Và sự phê chuẩn nhanh chóng của công ước Liên Hiệp Quốc chống các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia đề xuất năm 2000 cũng có hiệu lực tháng 12/2003. Ngoài ra còn có sự chia sẻ thông tin và phối hợp giữa các quốc gia để chống lại nạn buôn người. Cách đây đúng 10 năm, Liên Hiệp Quốc đã công bố năm 2004 là năm tưởng niệm cuộc đấu tranh và sự bãi bỏ chế độ nô lệ. Nhưng thật mỉa mai, ngày nay có nhiều nô lệ hơn cả lúc cao điểm buôn bán nô lệ ở hai bờ Đại Tây Dương.

Trong cuộc chiến thủ tiêu nạn nô lệ, ngay cả khi sự ép buộc thi hành luật không được nói đến, những trường hợp được phát hiện cũng không có bằng chứng truy tố. Năm 2003, chỉ có 9 trướng hợp buôn người bị truy tố ở Mỹ với tổng cộng 17 người bị kết án. Chỉ là một mảnh vụn. Bales nói: “Buôn nô lệ là một tội ác nghiêm trọng, tương tự hành động bắt cóc trẻ em, hành hạ và giết người”. Nô lệ thường bị lạm dụng thể chất và tinh thần và họ thường xuyên bị đe doạ và bóc lột tàn nhẫn. Các cô gái bị ép buộc làm gái điếm, bị đánh đập, cưỡng hiếp. Nếu họ kháng cự thì có thể bị giết chết. Làm việc 15 giờ mỗi ngày, không có ngày nghỉ, bị phân biệt đối xử và thức ăn không đầy đủ là chuyện bình thường. Đối với những người trốn chạy, con đường dẫn đến tự do rất khó khăn. Theo Liên Hiệp Quốc, giải phóng con người dễ hơn giải phóng tư tưởng của họ. Ngay cả khi đã bị bãi bỏ, tình trạng nô lệ vẫn để lại dấu vết. Nó tồn tại rất lâu như một dấu ấn tinh thần giữa các nạn nhân và con cháu của họ.

Muốn biết điều gì sẽ xảy ra nếu một quốc gia chẳng làm gì khác ngoài việc thả nô lệ - Bales nói - hãy thử xem nước Mỹ. “Là nước có hành động giải phóng nô lệ sai lầm nhất trong lịch sử nhân loại. 4 triệu người bị đẩy ra ngoài xã hội không dụng cụ sản xuất, không vốn, không giáo dục, không được chăm sóc phục hồi… và bây giờ chúng ta vẫn đang phải trả giá” - nhận xét của Bales. Sự phục hồi mặc dù rất quan trọng vẫn là một “khái niệm” mới mẻ. Hiện nay, đã có các chương trình dành riêng cho nạn nhân bị tra tấn và bạo hành gia đình.

“Cảnh nô lệ có thể ví với cuộc sống trong tù hay dưỡng trí viện” - Bales viết - “Những người ra khỏi đó phải học cách sống trong thế giới thực”. Đôi khi những nô lệ được giải phóng quay về làm việc lại cho chủ cũ vì họ không thể đương đầu với cuộc sống bên ngoài. Theo Vidyullata Pandit, khi giải phóng những lao động có giao kèo, ba yếu tố quan trọng nhất cần phải trang bị cho họ là: hiểu luật, tự tin để đối mặt môi trường thay đổi và lòng tin vững chắc để không quay lại tiếp tục làm nô lệ nữa.

Ở đảo Coney (ngoài khơi New York), nơi ông làm việc như một nhân viên cứu hộ, Simon Deng kể lại câu chuyện về quá khứ của mình, một câu chuyện từ thế giới khác. Khi còn bé, Deng từng làm nô lệ hai năm. Sinh ra trong gia đình đông người ở Sudan, Deng theo đạo Tin lành. Miêu tả ngôi làng mình là nơi yên bình nhưng ông cũng nhớ lại các cuộc đột kích từ những người Sudan Hồi giáo từ phía Bắc. Họ đốt lều và đuổi gia súc tán loạn. “Một trong những điều đầu tiên tôi được dạy là nếu những người đàn ông Arab đến, thì phải chạy, chạy thật nhanh, vì cuộc sống” - Deng nhớ lại.

Khi khoảng 8-9 tuổi, một ngày nọ, Deng giúp một người lạ vác hàng lên tàu. Điều tiếp theo ông nhớ được là mình bị giam trong một cabin nhỏ, khi chiếc tàu khởi hành về Khartoum (thủ đô Sudan). Tại đó, người lạ mặt bán Deng và nhiều cậu bé khác cho những gia đình giàu có. Deng trải qua hai năm trong một gia đình ở khoảng 300km về phía tây bắc Khartoum. Làm việc nhà, Deng còn chăn lừa và dê, dọn dẹp nhà cửa, rửa chén đĩa và kéo các thùng nước lớn từ sông về nhà nhiều lần trong ngày. Deng phải ngủ trong đống rơm ở góc bếp, rất ít khi được ăn no và bị đánh đập thường xuyên. Năm 11 tuổi, Deng trốn thoát với sự giúp đỡ của một người quen.

Sau đó, Deng làm người đưa tin cho Quốc hội Sudan trước khi trở thành vận động viên bơi lội quốc gia. Ngày nay, Deng vẫn còn nhiều vết sẹo vì những lần bị đánh đập thời thơ ấu. Ông dành thời gian làm việc cho các tổ chức chống nô lệ. Ông nói mình không thể im lặng. “Tôi nghĩ tôi có thể quên và tha thứ. Nhưng những ngôi làng vẫn tiếp tục bị đốt, phụ nữ vẫn bị hãm hiếp và nhiều người vẫn đang bị bán làm nô lệ”.

Cao Trí