Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông:

Tại sao không chuyển giao hay chuyển nhượng?

06:42 | 25/04/2014

1,386 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản giải thích về lễ khởi công xây dựng trạm giám sát quân sự duyên hải cùng thiết bị radar sẽ được lắp đặt trên đảo Yonaguin, thuộc tỉnh Okinawa cho thấy, tình hình căng thẳng tại biển Hoa Đông không ngừng gia tăng.

Năng lượng Mới số 315

Động thái này diễn ra trước thềm chuyến thăm Nhật Bản (từ 23 đến 25/4) của Tổng thống Mỹ Barack Obama càng khiến dư luận quan tâm. Bởi Nhật Bản đã huy động 16.000 cảnh sát để đảm bảo an toàn Cung điện cùng Đại sứ quán Mỹ là 2 địa điểm quan trọng hàng đầu được gia tăng công tác an ninh. Tokyo là điểm dừng chân đầu tiên của ông Barack Obama trong chuyến công du 4 nước châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Phillipines).

Nhật - Trung gia tăng hiềm khích

Sáng 20/4, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề công dân Nhật Bản bị CHDCND Triều Tiên bắt cóc, Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia, ông Keiji Furuya, đã tới viếng đền Yasukuni và trở thành thành viên thứ 2 trong nội các của Thủ tướng Shinzo Abe viếng ngôi đền này trong tuần qua. Cũng trong ngày 20/4, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, Nhật Bản bắt đầu mở rộng sự hiện diện quân sự lần đầu tiên trong 40 năm qua trên biển Hoa Đông với việc xây dựng trạm radar quân sự trên đảo Yonaguin (khoảng 1.500 người cùng 2 cảnh sát và không có lực lượng phòng vệ đồn trú) gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Bởi phát biểu tại lễ động thổ xây dựng trạm giám sát, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera cho biết, đây là lần triển khai đầu tiên kể từ khi Mỹ quay lại Okinawa năm 1972 và Tokyo cần tăng cường nhiều hơn để có thể bảo vệ đúng cách các hòn đảo thuộc lãnh thổ Nhật Bản.

Cùng ngày 20/4, Nhật Bản đã thành lập đơn vị cảnh báo sớm không phận (với 4 máy bay cảnh báo sớm E2C) tại căn cứ Naha thuộc đảo Okinawa, đảo lớn nhất nằm ở cực nam, bao gồm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Phát biểu tại lễ thành lập đơn vị này, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera đã bày tỏ lo ngại đối với các động thái gần đây của Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera dự lễ khởi công tại đảo Yonaguni

Trước đó (19/4), Bộ trưởng Itsunori Onodera đã dự lễ khởi công xây dựng và với thiết bị radar sẽ được lắp đặt trên đảo Yonaguin (cách Senkaku/Điếu Ngư 150km về phía tây nam), Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản gồm 150 quân nhân (dự kiến được triển khai vào cuối tháng 3/2016) sẽ giám sát tàu thuyền và máy bay ở biển Hoa Đông. Động thái này diễn ra sau khi xuất hiện tin nói rằng, Trung Quốc có thể điều 1 tiểu đoàn cùng 3 xe tăng chiến đấu T-80 hoặc 8 chiếc BMP-2, hay 10 chiếc bọc thép БТР-80 đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong vòng 4 giờ dưới sự hỗ trợ của tàu đệm khí Zubr. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy Tokyo có thể gia tăng sự hiện diện quân sự tại các hòn đảo lân cận và động thái này diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Shinzo Abe đang nỗ lực thay đổi vai trò của Nhật Bản trên thế giới, đặc biệt là về lực lượng vũ trang.

Theo nhận định của Giáo sư tại Đại học Takushoku, ông Heigo Sato, trạm quân sự duyên hải này sẽ giúp Nhật Bản tăng cường khả năng giám sát đối với những chuyển động của quân đội Trung Quốc. Một số nhà phân tích cho rằng, Tokyo có thể lấy Yonaguni làm căn cứ tuần tra, tăng số lượng tàu chiến và rút ngắn thời gian triển khai tàu tuần tra ở vùng biển xung quanh Senkaku/Điếu Ngư. Phát biểu tại hội nghị chuyên đề do Tạp chí Economist (Anh) tổ chức ngày 17/4 ở Tokyo, Thủ tướng Shinzo Abe đã chỉ trích Trung Quốc đang cố gắng dùng sức mạnh để thay đổi nguyên trạng tranh chấp hàng hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Trước đó, Bắc Kinh từng liên tục cáo buộc ông Shinzo Abe đang cố viết lại vai trò lịch sử của Tokyo trong chiến tranh thế giới II.

Ngày 19/4, tờ Yomiuri Shimbun cho biết, tại cuộc hội đàm sắp tới giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Barack Obama, 2 nhà lãnh đạo dự kiến sẽ nhất trí về kế hoạch hỗ trợ các nước ASEAN đẩy mạnh khả năng giám sát biển. Theo đó, Mỹ - Nhật sẽ cung cấp tàu tuần tra cho các nước ASEAN và hỗ trợ họ thiết lập một cơ chế để chia sẻ thông tin liên quan đến hải tặc và những tàu bị tình nghi khác.

Trước đó (18/4), Hãng Kyodo News đưa tin, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice thông báo, tranh chấp lãnh thổ là một trong những chủ đề chính được Tổng thống Barack Obama bàn luận với Thủ tướng Shinzo Abe nhân cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới. Cũng trong ngày 18/4, tờ Mainichi cho biết, Mỹ - Nhật sẽ ủng hộ việc thành lập một hệ thống an ninh mạng ở Châu Á - Thái Bình Dương nhằm ứng phó với các cuộc tấn công mạng tiềm ẩn từ Trung Quốc và một số nước khác.

Thúc đẩy soạn thảo COC

Ngày 20/4, tờ Bangkok Post đưa tin, hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 7 về việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hội nghị tham vấn cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 20 sẽ khai mạc tại Pattaya (Thái Lan). Bangkok Post dẫn lời Vụ trưởng Vụ Các vấn đề ASEAN, Bộ Ngoại giao Thái Lan Arthayudh Srisamoot cho biết, tại 2 hội nghị kể trên (do Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeow và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân chủ trì), Bộ Ngoại giao Thái Lan sẽ thúc đẩy việc soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Tàu của Hải quân Nhật Bản tham gia cuộc diễn tập ngoài khơi Vịnh Sagami, quận Kanagawa

Ngày 17/4, tờ Bangkokbiznews (Thái Lan) dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho rằng, thỏa thuận hợp tác an ninh Mỹ - Philippines sẽ được ký vào cuối tháng 4 nhân chuyến công du tới Manila của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Được biết, trong năm 2014 Philippines sẽ nhận được 50 triệu USD tiền viện trợ của Mỹ và đây là khoản viện trợ lớn nhất mà Washington dành cho Manila hơn 10 năm qua. Dự kiến, Philippines sẽ nhận 3 tàu tuần tra lớp Hamilton, sau khi đã nhận 2 tàu dạng này trong 3 năm qua và đây là loại tàu chiến lớn và hiện đại nhất của hải quân Philippines.

Ngày 16/4, phát biểu tại lễ khởi công dự án đóng tàu khu trục tại thành phố cảng Surabaya, tỉnh Đông Java, Tư lệnh hải quân Indonesia, Đô đốc Marsetio cho biết, tàu khu trục này sẽ được trang bị đầy đủ các thiết bị như tên lửa hạm đối hạm và đất đối không, trực thăng chiến đấu chống tàu ngầm nhằm tăng cường sức mạnh hải quân của nước này.

Theo tiết lộ của Tướng Asnam Muhidir, Chỉ huy trưởng lực lượng không quân vùng IV Indonesia, không quân Indonesia sẽ cải thiện hệ thống bảo vệ không phận tại Papua để phòng ngừa và ngăn chặn sự xâm nhập vùng trời của nước ngoài tại khu vực này. Theo đó, sẽ triển khai 4 đơn vị radar mới ở Jayapura, Ambon, Morotai và Sorong trong năm 2015, trong đó Sorong là địa điểm dự kiến đặt trụ sở Bộ Tư lệnh Hạm đội thứ ba (chờ quyết định chính thức thành lập của Tổng thống) của Indonesia.

Tờ The Star dẫn lời Phó thủ tướng Malaysia Tan Sri Muhyiddin Yassin cho biết, tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và sự can thiệp của các lợi ích bên ngoài làm cho việc duy trì an ninh và ổn định ở khu vực trở nên phức tạp hơn. Và Malaysia hứa xoa dịu căng thẳng trong tranh chấp tại Biển Đông khi đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm 2015. Tờ Tin tức Trung Quốc dẫn lại mạng Tin tức khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc cho biết, các nhà quy hoạch quốc phòng Ấn Độ muốn tăng chi tiêu quốc phòng 30% trong 10 năm tới để thu hẹp khoảng cách quân sự với Trung Quốc. Theo đó, Ấn Độ sẽ đầu tư 150 tỉ USD trong 10 năm tới để mua vũ khí mới ở trong và ngoài nước.

Phát biểu nhân kết thúc triển lãm Quốc phòng châu Á (DSA) lần thứ 14 ở Kuala Lumpur, Malaysia (từ 14 đến 17/4), Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishamuddin Tun Hussein thông báo, 25 hợp đồng, bản ghi nhớ và giấy chấp thuận tổng trị giá hơn 1,86 tỉ ringgit (gần 580 triệu USD) đã được ký tại DSA; đồng thời dẫn các nghiên cứu cho biết, chi tiêu quốc phòng của châu Á đã tăng từ 203 tỉ USD năm 2002 lên 356 tỉ USD vào năm 2012, tăng 75% so với sự gia tăng 12% ở châu Âu cùng thời kỳ. Trước đó (14/4), Tập đoàn Weststar của Malaysia thông qua chi nhánh là Công ty Global Komited Sdn Bhd, đã ký với Công ty TNHH phòng không Thales của Anh một bản ghi nhớ về việc cung cấp hệ thống phòng không Starstreak cho Malaysia. Bản ghi nhớ được ký trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishamuddin Tun Hussein.

Tích tiểu thành đại

Giới phân tích cho rằng, phiên bản mới của “ba bước tiến hai bước lùi” từng được áp dụng ở Biển Đông là “tích tiểu thành đại” đang được Bắc Kinh tiến hành trên diện rộng. Với cách sử dụng 2 chiến thuật này cùng với “chiến lược cải bắp” ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Bắc Kinh không phải lựa chọn giữa trao đổi thương mại với phần còn lại của thế giới và hoàn thành một vành đai an ninh mở rộng ở Tây Thái Bình Dương, gây bất lợi cho các nước láng giềng của Trung Quốc.

Tờ Sankei Shimbun cảnh báo, Trung Quốc sẽ điều tàu cá đến bao vây Senkaku/Điếu Ngư, quần đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Bởi với số lượng nhiều, các tàu cá này sẽ cản trở việc tuần duyên của tàu Nhật Bản và lợi dụng sự mất cảnh giác của họ để đổ bộ lên Senkaku/Điếu Ngư và Bắc Kinh sẽ có cớ để tấn công, chiếm quần đảo này. Theo Tạp chí Diplomat, nếu Trung Quốc chiếm được quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, họ sẽ tấn công đảo Okinawa của Nhật Bản để quét sạch căn cứ quân sự Mỹ khỏi khu vực này. Theo tờ Nikkei, để phòng tránh khả năng kể trên, lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản đã thành lập nhóm cảnh báo sớm trên không thứ 2, với máy bay E-2C đồn trú ở thành phố Naha trên đảo Okinawa.

Theo tờ Nikkei, sau khi nới lỏng điều kiện cấm xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản sẽ xuất lô vũ khí đầu tiên sang Mỹ gồm các bộ cảm ứng có tính năng cao sử dụng cho tên lửa đánh chặn Patriot 2 (PAC2) do Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi sản xuất. Trước đây, linh kiện này do Hãng Công nghệ Quốc phòng Raytheon của Mỹ chế tạo, sản xuất. Ngày 16/4, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã công bố việc chọn xe bọc thép lội nước AAV-7 của lực lượng hải quân đánh bộ Mỹ để trang bị cho Lực lượng Phòng vệ mặt đất (GSDF). Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera cho biết, trong số các trang thiết bị cần thiết để phòng thủ đảo xa, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hiện đang rất thiếu loại xe có khả năng lội nước. Theo đó, Tokyo sẽ trang bị 52 xe bọc thép loại này cho Lực lượng hải quân đánh bộ của Lực lượng phòng vệ mặt đất, dự kiến được thành lập từ nay đến năm 2018 nhằm tăng cường bảo vệ các đảo xa, đặc biệt là các đảo đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc và Hàn Quốc.

Ngày 18/4, Tư lệnh quân khu Viễn đông Nga, Đại tướng Sergei Suvorkin cho biết, trong 2 năm tới, Moskva sẽ xây dựng hơn 150 cơ sở quân sự trên các đảo Iturup và Kunashir, thuộc một phần của quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc đang tranh chấp với Nhật Bản.

Ngày 20/4, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera cho biết, máy bay quân sự Nga đã bay gần các đảo của Nhật Bản với tần xuất “bất thường” trong những ngày gần đây. Trước đó (18/4), Hãng Kyodo dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản đã điều máy bay chiến đấu để đối phó với 5 máy bay Nga tiếp cận không phận nước này. Bộ Quốc phòng Nhật Bản thống kê, số lần xuất kích của máy bay Nhật chặn máy bay Nga tăng 359 lần (từ tháng 4/2013 đến tháng 3/2014).

Giới quân sự cho rằng, vì lo ngại Bắc Kinh, nên các nước đã vung tiền mua sắm vũ khí và đây là một thách thức đối với an ninh trong khu vực. Bởi theo thống kê, ngân sách chi cho quốc phòng của Trung Quốc đã tăng gấp 8 lần trong 20 năm qua, trở thành quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ).

Ngày 15/4, trang mạng Los Angeles đăng bài “Niêm phong tàu chiến hải quân không bằng chuyển chúng cho đồng minh” bởi theo tác giả Michael Moran, Lầu Năm Góc đang tranh cãi gay gắt xung quanh việc cho tàu sân bay USS George Washington nghỉ hưu. Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cảnh cáo, khi thời hạn 2 năm do Quốc hội đưa ra về giảm thâm hụt tự động đến năm 2006, tàu sân bay USS George Washington sẽ đắp chiếu.

Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ cho biết, họ có kế hoạch cho nghỉ hưu 11/22 tàu tuần dương lớp Ticonderoga, để đáp ứng yêu cầu cắt giảm chi tiêu. Có người phản đối niêm phong tàu sân bay USS George Washington trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng hạm đội, hăm dọa trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Nhiều ý kiến cho rằng, nên chuyển những tàu chiến dư thừa cho đồng minh (như Australia, Ấn Độ, Brazil, Anh…) bởi việc này đạt được nhiều mục đích - vừa thắt chặt mối quan hệ, vừa giảm kinh phí bảo trì, vừa tạo thế răn đe, vừa có thêm nguồn kinh phí…

Tác giả Michael Moran cho rằng, việc chuyển giao/chuyển nhượng một trong 11 tàu sân bay cho đồng minh sẽ không phải niêm phong nhiều tàu chiến khác, thậm chí giải phóng nguồn vốn phát triển hệ thống vũ khí thế hệ mới, trong đó có tàu sân bay sử dụng máy bay không người lái. Bởi ông Chuck Hagel nhiều lần tuyên bố: đồng minh phải chia sẻ trách nhiệm, nhưng Mỹ chưa tạo điều kiện để họ thực hiện.


Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh