Syria sẽ chống trả đòn tấn công của phương Tây như thế nào?

07:00 | 06/09/2013

494 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong khi chính quyền các nước phương Tây đang dọn đường chính trị cho một cuộc tấn công quân sự Syria, chính quyền Damas cũng đang bắt đầu kế hoạch phòng ngự và phản công.

 

 

Trả lời báo Pháp Le Figaro hôm 2/9, Tổng thống Assad từ chối tiết lộ việc Syria sẽ đáp trả các cuộc không kích của phương Tây như thế nào

Trên phương diện chính trị, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã mạnh mẽ chỉ trích một cuộc can thiệp quân sự của nước ngoài, đồng thời cảnh báo rằng bất kỳ một hành động quân sự nào nhằm vào Syria cũng sẽ là ngòi châm cho một cuộc chiến tranh khu vực. Phản ứng của chính quyền Assad trước các cuộc không kích bằng tên lửa (nếu có) của Mỹ có thể ảnh hưởng lớn đến diễn biến của cuộc nội chiến tại Syria. Các quốc gia láng giềng có thể sẽ bị vướng vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn, hoặc chịu tác động tiêu cực từ một cuộc khủng hoảng đã cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người trong vòng 2 năm qua.

Nhóm đối lập chính tại Syria được phương Tây hậu thuẫn cho rằng trước những tuyên bố hùng hồn có liên quan đến một cuộc tấn công trong tương lai của Mỹ hồi tuần qua, quân đội Syria đã di chuyển lực lượng, vận chuyển các bệ phóng tên lửa, pháo và các vũ khí hạng nặng tới các khu vực dân cư trên cả nước. Một quan chức Mỹ cũng khẳng định rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền Syria đang triển khai kế hoạch di chuyển các thiết bị quân sự và gia cố các cơ sở vật chất quốc phòng. Quan chức giấu tên này cho biết Mỹ có đầy đủ thông tin tình báo cần thiết về vấn đề này để kiểm soát các hoạt động chuẩn bị của chính quyền Damas.

Hisham Jaber, một tướng quân sự đã nghỉ hưu và hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính trị Trung Đông tại Beirut, nhận định: "Chính quyền Syria biết rõ có thể các cuộc không kích của Mỹ sẽ nhắm tới khoảng 30-40 mục tiêu tiềm năng, và họ có rất nhiều thời gian để chuẩn bị. Một nửa trong số này, nếu không muốn nói là nhiều hơn, đã được chuyển đến các khu vực an toàn, di chuyển sang nơi khác hoặc được ngụy trang. Đó là điều hết sức hiển nhiên".

Trong một cuộc phỏng vấn được báo Pháp Le Figaro đăng tải hôm 2/9, Tổng thống Assad từ chối tiết lộ việc Syria sẽ đáp trả các cuộc không kích của phương Tây như thế nào, mà chỉ cảnh báo về "nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh khu vực".

Giới quan sát cho rằng chính quyền Damas có rất nhiều lựa chọn để chống lại các cuộc tấn công của Mỹ. Syria có thể tiến hành các chiến dịch trả đũa nhằm vào các đồng minh của Mỹ trong khu vực, hay "bật đèn xanh" và khuyến khích các đồng minh như lực lượng Hezbollah tấn công các mục tiêu phương Tây ở bên ngoài. Hoặc thậm chí là không làm gì, và từ đó "ghi điểm" với dư luận bằng việc tự coi mình là nạn nhân của cuộc xâm lược do Mỹ cầm đầu. Theo giới phân tích, lựa chọn của chính quyền Damas chắc chắn sẽ phụ thuộc vào quy mô chiến dịch quân sự của Mỹ. Quy mô và mức độ các cuộc không kích càng lớn, áp lực buộc chính quyền Damas phản ứng mạnh mẽ càng cao.

Giới phân tích cho rằng nếu Washington tiến hành các cuộc không kích có chủ đích, ông Assad có thể sẽ sử dụng lá bài chính trị thay vì lựa chọn đáp trả bằng quân sự. Salman Shaikh - Giám đốc Trung tâm Brookings Doha - nói: "Lựa chọn đầu tiên của ông ta (Assad) là giá trị tuyên truyền". Theo ông Shaikh, Tổng thống Assad có thể sẽ nỗ lực củng cố quan điểm cho rằng "phương Tây một lần nữa lại tấn công một quốc gia Trung Đông, một quốc gia Arập, mà không có sự đồng thuận của quốc tế. Và ông ấy có thể tăng tính thuyết phục cho điều này bằng cách viện dẫn rằng cuộc tấn công đã khiến không ít dân thường thiệt mạng... Và nếu ông Assad có thể thực sự ghi điểm bằng cách này, ông ta sẽ cảm thấy mình đã thực sự chiến thắng mà không cần phải sử dụng các biện pháp quân sự để đáp trả".

 

Quân đội Syria được cho là đang di tản

Nếu lựa chọn đáp trả bằng các biện pháp quân sự, chính quyền Assad có thể triển khai tên lửa nhằm vào các đồng minh của Mỹ như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan hay Israel. Tuy nhiên, lựa chọn này có thể làm bùng phát một cuộc xung đột quân sự kéo dài với các lực lượng bên ngoài trong bối cảnh chính quyền Damas cũng đang phải vật lộn để bảo tồn quyền lực.

Một cuộc tấn công nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - có thể khiến các nước đồng minh tức giận và triển khai một chiến dịch trả đũa. Được biết, tại Jordan hiện đang có 12 máy bay F-16, một đơn vị tên lửa Patriot và khoảng 1000 binh sỹ Mỹ đồn trú.

Chính quyền Assad cũng có thể bắn tên lửa tấn công nhà nước Do Thái hoặc để Hezbollah làm điều này. Lực lượng Hezbollah, từng tham gia cuộc chiến kéo dài 34 ngày hồi năm 2006 và đã đẩy quân đội Israel vào ngõ cụt, được cho là sở hữu một kho tên lửa đủ sức tấn công các thành phố lớn của quốc gia Do Thái.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng ít có khả năng Syria sẽ lựa chọn giải pháp này trừ khi các cuộc không kích của Mỹ đe dọa trực tiếp đến quyền lực của ông Assad. Trong khi đó, nếu tiến hành tấn công, Hezbollah có thể sẽ phải đánh đổi nhiều thứ. Bản thân lực lượng này hiện đang hứng chịu nhiều chỉ trích của dư luận khi quyết định "kề vai sát cánh" cùng chính quyền Syria để chống lại quân nổi dậy. Một cuộc đối đầu toàn diện với Israel trên danh nghĩa Syria có thể sẽ khiến các cử tri Shi'ite tại Liban, chứ chưa nói đến toàn bộ dư luận nước này, thất vọng. Chris Phillips, chuyên gia về Syria tại Đại học Queen Mary ở London, nói: "Tôi không thấy có lý do nào để Hezbollah nên nghe theo Assad và tấn công Israel hoặc các kẻ thù trong khu vực. Bởi điều đó có thể sẽ đe dọa nghiêm trọng tới vị thế của họ".

Trong khi đó, các quan chức quốc phòng Israel cho rằng lợi thế của Syria hay Hezbollah trong các cuộc tấn công trả đũa là rất thấp. Israel đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt tại thủ đô Tel Aviv và hướng về phía biên giới phía Bắc giáp Syria.

Tuy nhiên, giữa hai lựa chọn chính trị hoặc quân sự, Tổng thống Assad còn có một lựa chọn khác, như "mượn tay" các cuộc tấn công khủng bố bằng bom xe được tiến hành bởi các nhóm phiến quân ủng hộ. Chuyên gia Phillips lấy dẫn chứng từ hai vụ đánh bom xe hồi đầu năm nay tại Thổ Nhĩ Kỳ khiến hơn 50 người thiệt mạng. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Syria đứng đằng sau sự kiện này, trong khi Damas phủ nhận mọi sự dính líu. Ông nói: "Đó có thể vừa là cách để nói với thế giới bên ngoài rằng chớ nên đụng vào chính quyền Assad bởi điều đó có thể gây ra các hệ quả tiêu cực, lại vừa khéo léo phủ nhận trách nhiệm liên quan".

Th.Long

AFP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc