Sự thật về “huyền thoại Bắc Âu”

07:00 | 22/02/2014

13,747 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lâu nay, các nước Bắc Âu (Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển) vốn là “giấc mộng” của nhiều nước, bởi ai cũng nghĩ rằng, các nước này vừa giàu có vừa hạnh phúc. Sự thật có phải vậy không? Tờ Guardian của Anh mới đây đã đăng bài giải mã, với tựa đề “Sự thật nghiệt ngã về “phép lạ Scandinavia”.

Năng lượng Mới số 298

Nói tới Bắc Âu, người ta có rất nhiều điều để mơ tưởng. Với Đan Mạch là sự hạnh phúc, bởi quốc gia này thường dẫn đầu trong các cuộc khảo sát toàn cầu về chỉ số hạnh phúc - vốn được xếp hạng dựa trên nhiều tiêu chuẩn, nhưng tựu chung lại là đất nước yên bình, chế độ phúc lợi xã hợi cao, môi trường kinh doanh tốt hàng đầu thế giới, “người với người sống để yêu thương”.

Với Phần Lan là hệ thống trường học và chất lượng giáo dục tốt trên cả Mỹ. Với Na Uy là sự giàu có nhờ các nguồn tài nguyên dầu mỏ, khoáng chất phong phú. Na Uy giàu đến nỗi dường như ở đây tồn tại một nghịch lý… thừa tiền, không biết tiêu vào đâu sao cho không làm tổn hại đến nền kinh tế trong dài hạn và bền vững. Trong khi đó, Thụy Điển được tiếng là thiên đường bình đẳng giới và là quê hương của các tổ hợp bán lẻ hàng đầu châu Âu.

Tóm lại, nói đến Bắc Âu, nhiều người cho rằng, đó là thiên đường nơi hạ thế!

Những cối xay gió sừng sững ven biển Đan Mạch đã che giấu sự thật nước này đứng hàng thứ 4 về mức độ tiêu thụ các nguồn lực thiên nhiên trên đầu người

Tuy nhiên, sự thật không hẳn là như thế, hay nói cách khác, ở những nơi được coi là “thiên đường” này đang tồn tại nhiều nghịch lý.

Ví dụ như Đan Mạch. Người Đan Mạch được cho là những người hạnh phúc nhất thế giới, nhưng vì sao họ lại tiêu thụ thuốc chống trầm cảm nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau Iceland?

Không thể phủ nhận người Đan Mạch thường chiếm vị trí rất cao trong các cuộc khảo sát toàn cầu về mức độ hạnh phúc vì ở họ có sự tin tưởng và gắn kết xã hội rất sao. Tuy nhiên, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), mỗi năm, họ cũng làm việc ít giờ hơn phần lớn các nước khác trên thế giới. Kết quả là năng suất lao động rất èo ọt. Để có tiền trang trải, người Đan Mạch phải đi vay nợ, kể cả tín dụng đen. Có lẽ vì thế mà theo thống kê về nợ các hộ gia đình, người Đan Mạch thuộc hàng số 1 thế giới, với mức gấp 4 lần người Italia, tức vượt xa mức mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phải cảnh báo.

Thế nhưng, bí mật “bẩn nhất” ở quốc gia này là theo một báo cáo năm 2012 của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên, mức độ tiêu thụ các nguồn lực thiên nhiên trên đầu người của Đan Mạch đứng hàng thứ 4 trên thế giới, trên cả Mỹ. Những cối xay gió sừng sững trên bờ biển có thể làm bạn ấn tượng về một đất nước Đan Mạch xanh, sạch, đẹp nhưng ít ai biết rằng, người Đan Mạch lại đốt một lượng than đáng phàn nàn cho nhu cầu cuộc sống của họ.

Người Đan Mạch hiện xếp hàng thứ 6 trong danh sách những nước mà người dân đóng nhiều thuế nhất. Có thể bạn sẽ nghĩ theo kiểu “bù trừ” rằng, dù sao Đan Mạch vẫn có các dịch vụ công cộng tốt nhất? Tuy nhiên, theo bảng xếp hạng đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của OECD, trường học của Đan Mạch còn đứng sau cả Vương quốc Anh. Còn theo Quỹ Nghiên cứu ung thư thế giới, Đan Mạch có tỷ lệ người mắc bệnh ung thư cao nhất hành tinh.

Nghiêm trọng nhất, vấn đề bình đẳng kinh tế - mà nhiều người tin là nền tảng của thành công xã hội - đang giảm dần. Theo báo chí của chính nước này, trong 10 năm qua, số người sống dưới ngưỡng nghèo đã tăng gấp đôi. Bên cạnh đó là nạn nhập cư ào ạt, tình trạng an ninh không đảm bảo và đặc biệt là chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang dâng cao.

Đến với Phần Lan, tờ Guardian cho hay, nước này hiện xếp thứ ba thế giới về sở hữu vũ khí cá nhân (sau Mỹ và Yemen). Theo thống kê, nạn giết người ở Phần Lan nhiều nhất khu vực, gấp 2 lần nước Anh. Tỷ lệ người tự tử nước này cũng dẫn đầu các nước trong khu vực. Đó là chưa kể nạn rượu chè be bét, tình trạng mất an ninh nghiêm trọng. Rượu bây giờ được coi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong với nam giới Phần Lan.

Các trường đại học của đất nước được coi là “đương kim siêu cường giáo dục Đại Tây Dương” cũng mất dần sức hút so với trước kia sau một số sự cố an ninh đáng tiếc liên quan đến sinh viên Phần Lan. Có thể kể đến vụ đốt nhà thờ Porvoo của một sinh viên 18 tuổi vào năm 2006 hay vụ một nam sinh đã sát hại đến 10 người bạn của mình năm 2008…

Ngoài ra, sau khi “niềm tự hào quốc gia” của Phần Lan - Nokia bị nuốt chửng bởi Microsoft (Mỹ), nền kinh tế của nước này cũng xuống dốc và trở nên phụ thuộc hơn bao giờ hết vào việc bán giấy.

Về phần Na Uy, nạn bài ngoại ở nước này đang rất trầm trọng. Làn sóng bài Hồi Giáo cũng luôn âm ỉ trong xã hội. Về kinh tế, nước này giàu có chủ yếu dựa vào dầu mỏ. Thế nhưng, mặt trái của nền kinh tế dầu hỏa đó là nạn tham nhũng.

Đối với Thụy Điển, có lẽ mọi lời nhận xét đều nhạt nhẽo so với những gì họ tự đánh giá về mình. Một vài năm trước đây, Viện nghiên cứu ý kiến cộng đồng của nước này đã tiến hành khảo sát với người trẻ ở nước này với nội dung yêu cầu họ tự mô tả về những người đồng bào của mình. Tám tính từ được lựa chọn phổ biến nhất là: ganh tị, bảo thủ, cần cù, yêu thiên nhiên, trầm lặng, trung thực, không trung thực, bài ngoại.

Thất nghiệp ở Thụy Điển hiện cao hơn mức bình quân của Liên minh châu Âu. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang phát triển. Chưa hết, nước này tuy xưng là trung lập, nhưng lại là một cường quốc xuất khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới.

Xem ra, Bắc Âu không quá giàu sang như người ta tưởng!

Linh Linh