Quyền hạn Capitol Hill

06:45 | 10/10/2013

1,155 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Làm thế nào mà một nhóm dân biểu Cộng hòa có thể khiến cả nước Mỹ phải “đóng cửa”? Đó là câu chuyện của vấn đề phân quyền trong hệ thống chính trị Mỹ…

Trên bề mặt, vụ Chính phủ Mỹ bị buộc phải “đóng cửa” vào ngày 1/10/2013 là cuộc đấm đá nội bộ giữa phe Cộng hòa và cánh Dân chủ. Tuy nhiên, việc nước Mỹ “đóng cửa” cho thấy đó không phải là một sự sụp đổ hay là dấu chỉ và bằng chứng của một “failed state” như thấy trong tựa bài báo của Mick Frever trên CNN mà là một cụ thể hóa của giá trị Hiến pháp được tôn trọng như thế nào (và đó chính là cái mà các ông nghị Cộng hòa trong Hạ viện đã tận dụng để “chơi” Tổng thống Barack Obama). Nó cho thấy cấu trúc của chính trị Mỹ, tam quyền phân lập, luôn được tuân thủ như một công thức chặt chẽ nhằm kiểm soát quyền lực nhau. Anh là tổng thống? Kệ anh. Tôi là dân biểu, một đại diện cử tri, vẫn có thể làm khó anh như thường. Quốc hội được sinh ra để kiểm soát Nhà Trắng chứ không phải là một nhóm chính trị gia bù nhìn nói gì gật nấy. Và ngay trong Quốc hội, Hạ viện cũng có quyền của Hạ viện chứ không phải nằm ở chiếu dưới của Thượng viện. Và Thượng viện cũng vậy, cũng có những giới hạn nhất định của nó; làm bậy, trái Hiến pháp, bên Tư pháp, sẽ giở Hiến pháp ra để chiếu tội.

Cụ thể, vấn đề phân quyền trong hệ thống chính trị Mỹ như sau…

Capitol Hill

Quốc hội Mỹ theo chế độ lưỡng viện (bicameral): Thượng viện với 100 thành viên và Hạ viện có 435 thành viên. Với Thượng viện, Hiến pháp qui định mỗi bang có hai thượng nghị sĩ đại diện, bất kể dân số bang nhiều hay ít, như California có hơn 33 triệu dân hay Wyoming có không đến 500.000 dân (điều này cần được nhấn mạnh vì dân số bang, không như Thượng viện, có ảnh hưởng mang tầm quyết định đến số ghế dân biểu trong Hạ viện). Người tranh cử Thượng viện phải ít nhất 30 tuổi, mang quốc tịch Mỹ ít nhất 9 năm và là cư dân bang mà mình ứng cử. Tranh cử Thượng viện khó hơn Hạ viện vì ứng cử viên Thượng viện phải vận động tranh cử trên toàn bang (chiếm cảm tình cử tri toàn bang) trong khi ứng cử viên Hạ viện chỉ cần tranh cử tại khu vực ứng cử thường có dân số trung bình 500.000 người. Trong mùa tranh cử, ứng cử viên Thượng viện (lẫn Hạ viện) phải quảng cáo bản thân họ (trên truyền hình, báo chí và thậm chí bằng truyền đơn gửi trực tiếp đến hộ cử tri).

Trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ

Hầu hết ứng cử viên Thượng viện đều là chính trị gia kinh nghiệm (cựu thống đốc, cựu dân biểu hoặc nguyên thượng nghị sĩ…). Cứ sau hai năm, 1/3 số thượng nghị sĩ phải được bầu lại (so với toàn bộ dân biểu Hạ viện), có nghĩa mỗi thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ 6 năm. Sự thay đổi từng phần (trong Thượng viện) giúp Quốc hội duy trì tính liên tục trong hoạt động. Thượng viện có một hệ thống gồm 16 ủy ban thường trực và gần 70 tiểu ban. Mỗi thượng nghị sĩ có chân trong 3-4 ủy ban và khoảng 6 tiểu ban. Theo Hiến pháp, chủ tịch Thượng viện là phó tổng thống nhưng trong thực tế, phó tổng thống chỉ có mặt trong vài buổi lễ quan trọng và bỏ lá phiếu quyết định (tie-break vote, một khi tiến trình bỏ phiếu giữa hai đảng trong Thượng viện bất phân thắng bại). Trong hai đảng ở Thượng viện, đảng nào chiếm đa số thì bầu thủ lĩnh phe đa số, thay phó tổng thống ở các công việc nghị sự và được gọi là president pro tem (chủ tịch tạm thời) và đây là nhân vật quyền lực số một Thượng viện.

Ứng cử viên Hạ viện phải ít nhất 25 tuổi, mang quốc tịch Mỹ ít nhất 7 năm và là cư dân bang mà mình đại diện. Không như Thượng viện chỉ có hai thượng nghị sĩ đại diện cho mỗi bang, số dân biểu đại diện cho mỗi bang phụ thuộc vào dân số bang. Mỗi bang được chia thành địa hạt (district) với trung bình một địa hạt được quy định khoảng 500.000 - 650.000 dân. Mỗi địa hạt có một dân biểu. Do đó, bang càng đông thì số dân biểu càng nhiều (nhưng bang nào dù dân số ít cũng phải có 1 dân biểu). Việc chia địa hạt theo dân số bang căn cứ vào kết quả điều tra thực hiện 10 năm/lần của Cục Thống kê dân số.

Sự trồi sụt dân số, vì vậy, khiến bang có thể mất hay thêm ghế dân biểu (trong khuôn khổ cố định 435 ghế). Ngoài ra, Hạ viện còn có vài đại biểu (không được gọi là dân biểu vì không có quyền bỏ phiếu), đại diện những vùng thuộc nước Mỹ nhưng nằm ngoài địa phận 50 bang (American Samoa, District of Columbia, Guam, Puerto Rico và Virgin Islands). Hạ viện cũng có ủy ban và tiểu ban như Thượng viện, chịu trách nhiệm từng lĩnh vực cụ thể (giáo dục, y tế, nông nghiệp…). Người đứng đầu Hạ viện là chủ tịch (Speaker), thường là thủ lĩnh phe đa số (majority party). Nắm quyền lực gần như tuyệt đối tại Capitol Hill, chủ tịch Hạ viện có sức ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm thành viên các ủy ban trong Hạ viện; có thể ngăn chặn dự thảo luật bằng cách đưa nó xuống một ủy ban để được bỏ phiếu phủ quyết; hoặc giết chết hẳn một dự thảo luật bằng cách không đưa nó vào chương trình nghị sự Hạ viện để có thể bỏ phiếu…

Nhà (The House) và Phòng (The Chamber), quyền lực trong tay ai?

Thượng viện (The Chamber) lẫn Hạ viện (The House) nằm trong tay hai đảng: Cộng hòa và Dân chủ. Phe nào có số thành viên đông hơn thì nắm quyền kiểm soát (với sự chỉ đạo của thủ lĩnh phe đa số). Ít có ứng cử viên độc lập thành công trong cuộc chạy đua vào Quốc hội. Quyền hạn Thượng viện - Hạ viện gần như tương đương và họ có thể kiểm soát cũng như khống chế nhau để tránh tình trạng lạm quyền. Chỉ Hạ viện mới có quyền đề xuất chính sách thuế nhưng Thượng viện có quyền chuẩn y - phủ quyết bất kỳ dự luật thuế nào. Chỉ Hạ viện mới có quyền yêu cầu điều tra luận tội tổng thống nhưng chỉ Thượng viện mới có quyền xét xử.

Dân biểu Steve King, một trong những người thuộc phe bảo thủ cứng rắn trong Hạ viện quyết tâm cản trở chính sách y tế của Obama dẫn đến tình trạng bất đồng ngân sách và đưa đến hậu quả Chính phủ Mỹ buộc phải tạm “đóng cửa”

Hạ viện không có hai quyền quan trọng: 1- Chỉ Thượng viện mới có thể chuẩn y các hiệp ước mà tổng thống đàm phán với nước ngoài (tuy nhiên, Hạ viện có thể biến hiệp ước được Thượng viện chuẩn y thành đống giấy lộn một khi không đồng ý cấp ngân sách thực hiện); 2- Chỉ Thượng viện mới có quyền chuẩn y sự bổ nhiệm thành viên nội các của tổng thống (tuy nhiên, do các thành viên nội các làm việc ở những lĩnh vực mà các ủy ban Hạ viện giám sát nên họ có thể gây trở ngại nếu muốn). Cần nhấn mạnh: Quốc hội và nội các Mỹ hoàn toàn độc lập, không thành viên Quốc hội nào có chân trong nội các và ngược lại. Quốc hội (lưỡng viện) có quyền phủ quyết bất kỳ ý kiến nào của tổng thống (nếu đạt được 2/3 phiếu ở cả hai viện). Theo Hiến pháp, tổng thống không có quyền buộc Quốc hội làm theo ý mình nhưng Nhà trắng có thể khiến Quốc hội chấp thuận vài chính sách, nếu có thể thực hiện thành công chiến dịch kêu gọi ủng hộ công chúng (cử tri).

Tuy nhiên, tổng thống có quyền phủ quyết dự thảo luật thông qua từ Quốc hội. Khi cả hai viện đồng ý thông qua một dự thảo luật, họ gửi nó đến Nhà trắng và tổng thống có 10 ngày để ký hoặc trả lại Quốc hội. Sau 10 ngày mà tổng thống không ký hoặc không trả lại, một trong hai khả năng xảy ra: 1- Dự luật đương nhiên thành luật - nếu trong thời gian Quốc hội còn tiến hành đại hội (congressional session); 2- Dự luật đương nhiên bị phủ quyết - nếu trong thời gian Quốc hội không tiến hành đại hội (mỗi năm chỉ có một congressional session, thường kéo dài khoảng một tháng).  

Chế độ bầu cử Quốc hội 2 năm 1 lần, với toàn bộ 435 ghế Hạ viện và 1/3 ghế Thượng viện, giúp (có thể) thay đổi cán cân quyền lực giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, tránh sự lạm quyền và thao túng của chính phủ thuộc đảng đương nhiệm và cũng là cuộc kiểm tra xem chính phủ thuộc đảng đương nhiệm được lòng dân hay không, về các chính sách đối nội cũng như đối ngoại. Sau cuộc bầu cử ngày 6/11/2012, Hạ viện (hiện) có 232 dân biểu Cộng hòa, 200 dân biểu Dân chủ và 3 ghế trống. Thượng viện có 52 Dân chủ; 46 Cộng hòa và 2 ghế độc lập.

Sự can thiệp của “quyền lực bóng tối”

Nói đến hệ thống chính trị Mỹ, không thể không nói đến cái gọi là “quyền lực trong bóng tối”. Đó là sự ảnh hưởng của những nhóm quyền lợi (interest group) thuộc đủ lĩnh vực (thương mại, thể thao, hoạt động xã hội…). Các nhóm này được quyền đến trụ sở Quốc hội (Capitol Hill) liên lạc trực tiếp với dân biểu - thượng nghị sĩ. Người ta gọi họ là chuyên gia vận động hành lang (do họ thường đứng chầu chực ở các hành lang Quốc hội, chờ “chụp” được thành viên Quốc hội mà họ cần). Có hai loại vận động hành lang: vận động hàng lang thường dân (grassroots lobbying) và vận động hàng lang liên minh (coalition lobbying). Ở grassroots lobbying, người ta dùng điện thoại, điện tín, thư từ… của công dân để thuyết phục Quốc hội. Ở coalition lobbying, các nhóm cùng liên kết để gây sức ép Quốc hội. Tất nhiên, các interest group là những nơi quyên góp tiền vận động tranh cử nhiều nhất, không những cho các ông nghị mà cả cho chiến dịch tranh cử tổng thống. Nói cách khác, sức mạnh của quyền lực bóng tối là tiền. Do vậy, dù trên nguyên tắc, Nhà Trắng và Capitol Hill hoạt động độc lập, nhưng trong thực tế, giữa họ luôn có sự liên thông, thông qua “kênh” interest group.

Mạnh Kim

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc