Xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina:

Phương Tây lên gân, Nga xuống nước

10:42 | 27/04/2014

3,606 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Cuộc đối đầu Nga - phương Tây tại Ukraina đang dần đạt đỉnh điểm. Ngày mai (28-4) Mỹ và EU sẽ công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung với Nga. Moskva đã có nhượng bộ đầu tiên.

Phương Tây lên gân, Nga xuống nước

Căng thẳng tiếp tục tại miền đông Ukraina

Trong một tuyên bố ngày hôm qua, nhóm các nước G-7 (Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Italia và Nhật Bản), nói rằng họ sẽ tiến hành những biện pháp trừng phạt bổ sung mạnh mẽ nhằm vào Nga do "nước này liên quan với việc đảm bảo cuộc bầu cử hòa bình ở Ukraina vào tháng tới".

Hãng Reuters ngày 26-4 đưa tin, Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ công bố biện pháp trừng phạt mới đối với một số cá nhân và các tổ chức của Nga trong một cuộc họp vào ngày mai 28-4. Theo dự kiến, danh sách cấm vận của Mỹ sẽ bao gồm 15 người Nga bị cáo buộc liên quan đến tình hình ở Ukraina.

Nếu được đưa ra thì đây sẽ là đợt trừng phạt tăng cường thứ hai của phương Tây nhằm vào Nga kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraina nổ ra. Hiện tại, châu Âu và Mỹ đã có lệnh phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh đối với các quan chức Nga.

Trước những đe dọa trên, Nga tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt là không phù hợp và phản tác dụng. Một số đại diện của EU cũng đã bỏ phiếu phản đối lệnh trừng phạt mới chống lại Nga, vì điều đó ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế của EU.

Hôm qua, phát biểu với báo chí tại Moskva, Ngoại trưởng Sergei Lavrov nói rằng Nga sẽ đóng góp vào việc xuống thang tình hình căng thẳng ở Ukraina, nhưng sẽ không chấp nhận những yêu sách đơn phương.

Cũng vì những lời đe dọa trừng phạt mới, báo Mỹ The Daily Beast ra ngày 26-4 dẫn các nguồn thân cận ban lãnh đạo Nga cho biết rằng liên lạc thường xuyên trước đây giữa hai Tổng thống Nga và Mỹ bị gián đoạn theo đề nghị ​​của điện Kremlin.

"Putin sẽ không nói chuyện với Obama dưới áp lực" - ông Igor Jurgens, Viện trưởng Viện Phát triển đương đại được The Daily Beast dẫn lời cho biết. Ông Jurgens nhấn mạnh rằng liên lạc bị gián đoạn "không phải là mãi mãi”.

Theo thông tin chính thức từ Nhà Trắng và điện Kremlin, cuộc trò chuyện điện thoại cuối cùng giữa ông Putin và ông Obama diễn ra vào ngày 14-4.

Tuy nhiên, ngày 27-4, Thư ký báo chí của Tổng thống Putin là Dmitry Peskov phủ nhận thông tin trên của báo chí Mỹ. "Họ tiếp tục nói chuyện với nhau khá thường xuyên. Tuần trước đã có một cuộc trò chuyện gần đây giữa hai Tổng thống. Bây giờ có rất nhiều sự khác biệt, vì vậy đối thoại là rất khó khăn, tuy nhiên họ vẫn liên lạc với nhau" - ông D.Peskov nói với hãng thông tấn Itar-tass.

Dấu hiệu xuống thang của Nga vừa được phát đi hôm qua. Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin, khi ông trả lời phỏng vấn báo Komsomolskaya Pravda ra ngày 26-4, tuyên bố Nga sẽ quyết định vấn đề công nhận cuộc bầu cử tổng thống dự kiến ​​vào ngày 25-5 ở Ukraina tùy thuộc vào môi trường cụ thể mà cuộc bầu cử đó sẽ diễn ra. Đây là lần đầu tiên Nga xem xét khả năng công nhận cuộc bầu cử sắp tới tại Ukraina, và chính quyền tạm quyền thân phương Tây tại Kiev.

Tuy nhiên, ông Churkin cũng nói rằng các nhà chức trách Kiev trốn tránh việc thực hiện thỏa thuận giảm leo thang tình hình ở Ukraina, đạt được tại Geneve ngày 17-4. Đề cập đến việc các cường quốc phương Tây thảo luận các biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan với các sự kiện ở Ukraina, ông Churkin bày tỏ quan điểm rằng phương Tây đã đi quá xa trong vấn đề này.

Trong một diễn biến khác, ngày 25-4, những người ly khai tại miền đông Ukraina đã bắt giữ một chiếc xe buýt ở gần thị trấn Slovyansk đang chở hơn 10 nhân viên của Tổ chức Hợp tác và An ninh Âu châu có trụ sở ở Vienna, gọi tắt là OSCE. Những người này đang đến Ukraina với tư cách quan sát viên quân sự quốc tế.

Đại sứ Nga tại OSCE hôm 26-4 nói rằng Nga sẽ làm mọi cách có thể để các quan sát viên này được thả ra.

Th.Long

CNN, Reuters

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc