Xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina:

Phương Tây dàn trận chống Nga

13:00 | 25/04/2014

5,716 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Cuộc đối đầu Nga-phương Tây tại Ukraina ngày càng leo thang căng thẳng. Mỹ và NATO đang chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất mà họ có thể áp dụng đối với Nga và ngược lại Moskva cũng cho thấy họ không ngồi yên.

Phương Tây dàn trận chống Nga

Binh sĩ Mỹ được đưa đến Ba Lan ngày 23-4

Những tưởng việc Nga, Mỹ, EU và Ukraina đồng ý ký vào bản thỏa thuận Geneve hôm 17-4 sẽ phần nào hạ hỏa những căng thẳng giữa Nga và phương Tây sau khi Crưm tách khỏi Ukraina để sáp nhập vào Nga.

Nhưng đúng như những nhận định, bản thỏa thuận trên đã trở thành tờ giấy lộn vì các bên không thực hiện những cam kết. Người biểu tình thân Nga ở miền đông Ukraina từ chối trao trả những trụ sở công quyền mà họ đang chiếm giữ. Về phần chính phủ Kiev, ngày 22-4 cũng đã mở lại chiến dịch đàn áp người biểu tình thân Nga. Trong suốt 2 ngày qua, xung đột đã diễn ra dữ dội tại các tỉnh miền đông Ukraina giữa lực lượng biểu tình thân Nga và lực lượng an ninh chính phủ.

Trước sự đổ vỡ của thỏa thuận Geneve và sự gia tăng đối đầu tại Ukraina, phương Tây đang chuẩn bị mọi phương án cho một cuộc đối đầu sẽ có phần cam go và dai dẳng với Nga trong thời gian tới.

Ngày 20-4, tờ New York Times đưa tin, Tổng thống Barack Obama cùng các cố vấn an ninh quốc gia đang xét đến một sách lược lâu dài đối với Nga. Theo tờ báo, đây là một phiên bản cập nhật của chiến lược ngăn chặn thời Chiến tranh Lạnh. Cụ thể giống như quyết định của Mỹ nhằm ngăn chặn sự mở rộng của Liên Xô sau Thế chiến thứ hai, Tổng thống Obama đang tập trung vào việc cô lập nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin, bằng cách cắt các quan hệ kinh tế lẫn chính trị của Nga với thế giới. Sách lược này cũng nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Nga với các nước láng giềng, đồng thời làm cho Nga trở thành suy yếu một cách có hiệu quả.

Một phụ tá của ông Obama được New York Times dẫn lời cho biết, cho dù đạt được một giải pháp ổn thỏa cho vấn đề Ukraina hiện nay, Tổng thống Obama sẽ không còn duy trì mối quan hệ xây dựng với ông Putin nữa. Minh chứng cho suy nghĩ này có thể thấy được trong việc Tổng thống Obama sắp chọn một tân đại sứ của Mỹ ở Moskva. Tuy chưa chính thức, nhưng Nhà Trắng đang chuẩn bị bổ nhiệm ông John F. Tefft, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, trước đây từng làm đại sứ ở Ukraina, Georgia và Lithuania, vốn là những quốc gia thuộc Liên Xô cũ và sẽ làm Nga tức giận không ít. Ðồng thời, Nhà Trắng cũng sẵn sàng với danh sách các nhân vật và định chế khác của Nga sẽ chịu biện pháp chế tài, và sẽ đem ra áp dụng trong vài ngày tới, nếu Moskva không tuân thủ theo thỏa thuận đạt được ở Geneve hôm 17-4 và gia tăng áp lực với chính quyền Kiev.

Nhằm trấn an các nước đồng minh NATO trong thời điểm căng thẳng Nga - Ukraina đang leo thang, ngày 23-4, các quan chức chính quyền Mỹ cho biết 600 binh sĩ của nước này đã và đang được gửi tới Ba Lan và vùng Baltic. Theo AFP, khoảng 150 binh sĩ thuộc lữ đoàn lính dù 173 của quân đội Mỹ đóng ở Vicenza (Ý) đã đến Ba Lan trong ngày 23-4. Khoảng 450 binh sĩ khác sẽ đến đóng ở Estonia, Lithuania và Latvia trong vài ngày tới để tham gia các cuộc tập trận từ nay tới cuối năm.

Kể từ khi khủng hoảng Ukraina nổ ra, Mỹ đã triển khai 12 máy bay chiến đấu F-16 đến Ba Lan. Lầu Năm Góc cho biết không loại trừ khả năng sẽ tổ chức các cuộc tập trận và huấn luyện quân sự tại những nước NATO khác trong khu vực. Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby, việc triển khai binh sĩ là sự thể hiện cam kết của Mỹ tại châu Âu. Ông Kirby cũng mô tả đây là “thông điệp” mà Washington muốn gửi đến Moskva. Đó là “Mỹ rất nghiêm túc trong việc thực hiện các nghĩa vụ an ninh tại châu Âu”.

Phương Tây dàn trận chống Nga

Tàu phá mìn của NATO tới khu vực biển Baltic ngày 23-4

Cũng trong ngày 23-4, Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã quyết định điều 5 tàu phá mìn tới khu vực biển Baltic. Một động thái được cho là thể hiện khả năng sẵn sàng chiến đấu của NATO giữa cuộc khủng hoảng tại Ukraina. Đội 5 tàu phá mìn của NATO được điều đến từ các nước thành viên là Na Uy, Bỉ, Hà Lan, Estonia. Các tàu phá mìn này sẽ tiến hành các cuộc tập dưới sự chỉ huy của Na Uy cho tới cuối tháng 5, sau đó Đức sẽ tham gia và nắm quyền chỉ huy các hoạt động tiếp theo của đội chiến hạm này. Đại tá Arian Minderhoud, Bộ chỉ huy các chiến dịch Hải quân NATO cho biết: “Những gì chúng tôi đang làm là một phần của một gói các hành động để cho thấy giải pháp của NATO, cũng như cho thấy sự sẵn sàng của NATO trong việc hỗ trợ các thành viên NATO. Đó cũng là tất cả những gì NATO hướng đến, đảm bảo với các nước thành viên là NATO luôn sẵn sàng và có đủ khả năng phòng thủ nếu cần thiết”. Tuần trước, NATO cũng cho biết sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự tại các khu vực biên giới dọc phía Đông của liên minh này. Trong khi Canada thì cam kết sẽ đóng góp thêm 6 chiến đấu cơ CF-18 cho các nhiệm vụ tuần tra của NATO xung quanh căn cứ ở Ba Lan.

Trước tình hình này, nước Nga cũng đã chuẩn bị mọi phương án đáp trả trong trường hợp leo thang căng thẳng đối đầu với phương Tây.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 24-4, Tổng thống Nga tuyên bố chiến dịch của Kiev tại miền đông là “một tội ác nghiêm trọng” và điều này sẽ để lại “các hậu quả”. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Nga Sergei Shoygu tuyên bố, do chính quyền Ukraina triển khai chiến dịch chống khủng bố tại miền Đông, các đơn vị chiến thuật của quân đội Nga thuộc hai Quân khu Tây và Nam đã bắt đầu các cuộc tập trận tại vùng giáp ranh biên giới với Ukraina. “Nếu ngày hôm nay cỗ máy quân sự này không dừng lại, sẽ có nhiều người chết và bị thương. Chúng tôi sẽ buộc phải có phản ứng trước diễn biến tình hình như vậy” - Bộ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố. Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, hôm 23-4, nói đến khả năng Nga can thiệp quân sự vào miền đông Ukraina, như đã làm tại Gruzia năm 2008. Ngoại trưởng Nga cũng cho rằng việc tổ chức cuộc bầu cử tổng thống tại Ukraina ngày 25-5 tới đây sẽ “phá hoại” đất nước này, và muốn Kiev trước hết phải tìm được “một kênh đối thoại với miền đông và nam Ukraina”.

Th.Long

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc