Phi - Đài hục hặc, vì đâu nên nỗi?

07:00 | 17/05/2013

731 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Bất chấp lời xin lỗi của Philippines, Đài Loan vẫn quyết định ban hành hàng loạt lệnh trừng phạt và tiến hành tập trận răn đe ở gần một đảo của Philippines. Các bên mưu tính gì khi làm tình hình thêm căng thẳng?

>> Đằng sau sự nhiệt tình ra mặt giúp Đài Loan của Trung Quốc

Các nhà lập pháp và người biểu tình Ðài Loan đốt cờ Philippines bên ngoài văn phòng đại diện của Philippines tại Đài Bắc, ngày 13/5/2013.

Tổng thống Philippines, Benigno Aquino, ngày 15/5 đã xin lỗi về việc Lực lượng Tuần duyên nước này bắn chết một ngư dân Đài Loan, 65 tuổi hồi tuần trước. Sau vụ việc xảy ra, Đài Loan đã yêu cầu Philippines xin lỗi trước nửa đêm ngày 14/5, nếu không họ sẽ tiến hành một cuộc tập trận hải quân tại vùng biển gần Philippines, đồng thời dọa sẽ đình chỉ hoạt động xuất khẩu lao động Philippines sang Đài Loan.

Các viên chức thuộc Lực lượng Tuần duyên Philippines nói tàu Đài Loan đã đi lạc vào vùng biển quốc tế và họ đã phản ứng vì bị đe dọa khi tàu này đụng vào tàu của họ.

Trước đó, ông Edwin Lacierda, Phát ngôn viên Tổng thống, nói ông Aquino đã phái Chủ tịch Văn phòng Kinh tế và Thương mại Manila (MECO), cơ quan phụ trách quan hệ với Đài Loan, tới Đài Bắc để đưa ra lời xin lỗi. Ông Aquino cũng kêu gọi giữ bình tĩnh trong lúc người dân Đài Loan đang ngày càng tỏ ra giận dữ.

Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đưa ra bốn đòi hỏi đối với Philippines: chính thức xin lỗi, bồi thường cho gia đình người xấu số, bắt giữ thủ phạm và mở cuộc đàm phán về vấn đề đánh cá.

Phát ngôn viên Tổng thống Philippines Edwin Lacierda nói đặc sứ Amadeo R. Perez tới Đài Loan hôm 15/5 để “bày tỏ sự hối tiếc sâu xa và xin lỗi gia đình ông Hung Shih-cheng cũng như dân chúng Đài Loan về việc thiệt mạng đầy bất hạnh và không cố ý”. Ngoài ra, vị đại sứ còn khẳng định Philippines sẽ "hỗ trợ tài chính cho gia đình nạn nhân".  

Tuy nhiên Thủ tướng Đài Loan Jiang Yi-huah nói: mặc dù Đài Bắc công nhận phát biểu của ông Lacierda nhưng họ vẫn xem đó là “điều không thể chấp nhận được” vì Manila mô tả việc ông Hung Shih-cheng thiệt mạng là hành động không cố ý của Lực lượng Duyên phòng Philippines. Ông Jiang Yi-huah cũng nói rằng ông Perez “không có đủ thẩm quyền và điều này cho thấy Philippines thiếu chân thành trong việc giải quyết vụ việc và vì thế tám biện pháp trừng phạt được thi hành ngay lập tức”.

Những biện pháp này bao gồm việc Đài Bắc kêu gọi công dân không thăm viếng Philippines, đình chỉ việc trao đổi các viên chức cao cấp và ngưng trao đổi thương mại và giới học thuật.

Hôm 15/5, Đài Loan triệu hồi đại diện ngoại giao của mình ở Philippines về nước đồng thời đình chỉ việc thuê mướn công nhân Philippines. Hơn 85.000 người Philippines hiện đang làm việc ở Đài Loan, chủ yếu là làm nghề giúp việc nhà.

Đội tàu Đài Loan rời cảng Cao Hùng xuống tập trận gần đảo Batan, cực Bắc Philippines.

Ngoài các biện pháp trả đũa trên, ngày 15/5, Bộ Quốc phòng Đài Loan nói họ bắt đầu cuộc tập trận dài hai ngày nhằm bảo vệ ngư dân của mình tại vùng biển gần một đảo của Philippines. Thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan Dương Niệm Tổ nói rằng lực lượng hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển của Đài Loan sẽ tổ chức một cuộc tập trận chung vào ngày 16 và 17/5 ở “các vùng nước phía Nam Đài Loan” để thể hiện quyết tâm của chính quyền hòn đảo này trong việc bảo vệ các ngư dân của họ hoạt động trong các vùng nước thuộc lãnh hải của Đài Loan.

Phát biểu trước các nhà lập pháp Đài Loan về vụ việc trên, Thứ trưởng Dương Niệm Tổ nêu rõ: “Hải quân sẽ điều thêm 2 tàu khu trục cùng với các tàu đang làm nhiệm vụ tuần tra ở các vùng nước phía Nam Đài Loan để tham gia tập trận chung này”.

Ông Dương Niệm Tổ không nêu chính xác địa điểm diễn ra cuộc tập trận, nhưng các nhà lập pháp Đài Loan sau đó nói rằng cuộc tập trận sẽ được tổ chức tại vùng biển xung quanh khu vực mà cả Đài Loan và Philippines đều tuyên bố là một phần trong Vùng đặc quyền kinh tế của họ, nơi 3 tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển và 1 tàu khu trục của hải quân Đài Loan đang tiến hành tuần tra. Hải quân Đài Loan nói rằng họ có 1 tàu khu trục thường xuyên tuần tra tại khu vực này.

Trong thời gian diễn ra cuộc điều trần của ông Dương Niệm Tổ trước Quốc hội Đài Loan, nghị sĩ Quốc dân đảng Lâm Ngọc Phương đã yêu cầu được biết về việc liệu quân đội Đài Loan có tiến hành một cuộc tập trận khác ở vùng biển tranh chấp trước cuối tháng này hay không. Ông Dương Niệm Tổ trả lời rằng “không có vấn đề gì” đối với quân đội Đài Loan trong việc tiến hành một cuộc tập trận chung với lực lượng bảo vệ bờ biển trước cuối tháng 5/2013 “nếu Philippines không đáp ứng các yêu cầu của chúng ta”.

Căng thẳng giữa Đài Loan và Philippines khiến quốc tế lắng. Giới truyền thông nhà nước Trung Quốc hiện đang kề vai sát cánh với Đài Loan trong vụ việc mới nhất và họ đề nghị Bắc Kinh “dạy cho Manila một bài học”. Truyền thông Trung Quốc nói Philippines đang cố gắng trút sự giận dữ và bất mãn về vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa.

Trước đó, ngày 9/5, Trung Quốc ủng hộ lời kêu gọi xin lỗi của Đài Bắc. Cơ quan phụ trách các vấn đề liên quan tới Đài Loan của Bắc Kinh gọi vụ việc là “dã man”. Trung Quốc bấy lâu nay đã tuyên bố hòn đảo tự trị Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, nhưng cả hai bên đã có mối quan hệ tốt đẹp hơn kể từ khi Tổng thống Mã nhậm chức vào năm 2008 với các cam kết gạt sang một bên các tranh chấp chính trị.

Tên lửa đất-đối-không của Đài Loan trên tàu khu trục Kidd Class ngoài khơi thành phố Cao Hùng ở phía nam Đài Loan, ngày 16/5.

Trong khi đó, Mỹ - đồng minh của cả Đài Loan và Philippines đã lên tiếng kêu gọi các bên bình tĩnh, kiềm chế, tránh các hành động khiêu khích. Phát Ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell ngày 16/5 phát biểu: “Mỹ đã liên lạc với cả Chính phủ Philippines và giới chức Đài Loan về vụ việc. Chúng tôi hoan nghênh cam kết điều tra đầy đủ và minh bạch của Chính phủ Philippines”.

Giải thích về sự gia tăng căng thẳng này, giới quan sát cho rằng nguyên nhân tất cả đều xuất phát từ tình hình chính trị tại mỗi nước. Cả Đài Loan và Philippines hiện phải đối mặt với các áp lực chính trị ở trong nước và điều đó có thể ảnh hưởng tới kết cục của cuộc tranh chấp. Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã bị chỉ trích vì yếu kém trong chính sách đối ngoại, nên buộc phải làm rắn với Philippines lần này để không tiếp tục bị mất lòng dân.

Còn tại Philippines, đảng cầm quyền của Tổng thống Benigno Aquino hôm 13/5 đối mặt với các cuộc bầu cử giữa kỳ. Việc xuống nước quá mức với Đài Loan sẽ khiến đảng của ông phải trả giá trong khi ganh đua để giành hàng trăm ghế tại cơ quan lập pháp. Ông Aquino được coi là người cứng rắn hơn về chính sách đối ngoại so với những người tiền nhiệm. Ông đã chống lại Bắc Kinh hồi năm ngoái liên quan tới tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông.

 

H.Phan (Tổng hợp)

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps