Những kịch bản chiến tranh liên Triều

11:30 | 02/04/2013

2,658 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Dư luận trong và ngoài khu vực đã có những phản ứng khác nhau sau khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố tình trạng chiến tranh với Hàn Quốc. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã yêu cầu Bình Nhưỡng chấm dứt đưa ra “đe dọa không thể chấp nhận”, đồng thời cảnh báo các lực lượng của miền Nam đang ở trong tình trạng sẵn sàng và sẽ trừng trị miền Bắc một cách đích đáng nếu CHDCND Triều Tiên có hành vi gây hấn. Đây là đe dọa mới nhất từ CHDCND Triều Tiên khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về khả năng tình hình vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Nhân dịp này giới chuyên môn đã đưa ra một số kịch bản có thể diễn ra nếu Bình Nhưỡng khai hỏa.

Từ 4 kịch bản xung đột trên bán đảo Triều Tiên

Có nhiều kịch bản kết thúc cuộc khủng hoảng hiện nay, nhưng không có con đường rõ ràng nào giải quyết dứt điểm mọi vấn đề một cách hòa bình. Hầu hết các nhà phân tích loại trừ khả năng chiến tranh tổng lực bởi CHDCND Triều Tiên biết rằng, tiến hành bất cứ vụ tấn công hạt nhân nào cũng là tự sát. Giới quân sự cho rằng, lên giọng dọa nạt là một chuyện, còn phóng tên lửa và thử hạt nhân là chuyện hoàn toàn khác.

Scott Snyder, một chuyên gia lâu năm về bán đảo Triều Tiên ở Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ cho rằng, Mỹ - Hàn phải cho thấy một số động thái ngoại giao rõ ràng đảm bảo với CHDCND Triều Tiên rằng căng thẳng có thể giảm bớt. Sau chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, bán đảo Triều Tiên từng diễn ra nhiều căng thẳng như năm 1968, ám sát bất thành Tổng thống Park Chung-hee. 

Năm 1983, một vụ đánh bom ở Myanmar khiến 17 binh sĩ Hàn Quốc thiệt mạng. Năm 1987, một máy bay của Hàn Quốc bị đánh bom. Năm 1994, CHDCND Triều Tiên từng tuyên bố sẽ biến Seoul thành biển lửa. Năm 2002, Bình Nhưỡng cũng cảnh báo chiến tranh sau khi Tổng thống Mỹ George Bush xếp CHDCND Triều Tiên vào danh sách trục ma quỷ.

Năm 2010, tàu ROKS Cheonan 1.500 tấn với 104 thủy thủ bị chìm ở đảo Baengnyeong ở biển Hoàng Hải, trong số 104 thủy thủ, 46 người thiệt mạng và 58 người được cứu sống. Cũng trong năm 2010, trận pháo kích các đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc khiến cho quan hệ Bình Nhưỡng và Seoul càng thêm rạn nứt. Năm 2012, CHDCND Triều Tiên phóng thành công tên lửa và ngày 12/2/2013 lại thử hạt nhân lần thứ 3.

Những dàn hỏa tiễn của quân đội CHDCND Triều Tiên

Giới chuyên môn vừa đưa ra 4 kịch bản có thể diễn ra thời gian tới. Thứ nhất, Bình Nhưỡng khiêu khích. Bình Nhưỡng sẽ đưa ra một hoặc nhiều hơn nữa các hành động khiêu khích Seoul nhằm tăng cường sự ủng hộ của người dân trong nước hay nhận được những nhượng bộ về ngoại giao cho các cuộc đàm phán sắp tới. Khi đó, Hàn Quốc sẽ tiến hành các hành động trả thù và việc này sẽ nhanh chóng vượt tầm kiểm soát, biến thành một cuộc chiến tranh.

Bình Nhưỡng khi đó sẽ phải chịu thêm nhiều lệnh trừng phạt nghiêm khắc của cộng đồng quốc tế. Mỹ và các đồng minh phương Tây sẽ nhanh chóng cử quân tăng cường tới hậu thuẫn Seoul, đánh bại quân đội Triều Tiên từ trên không và trên biển. Dù là đồng minh thân cận nhất với CHDCND Triều Tiên, nhưng Trung Quốc lại tiến hành nhiều hoạt động thương mại với Hàn Quốc.

Thứ hai, Bình Nhưỡng bất ngờ tiến công. Bình Nhưỡng có thể thực hiện một cuộc tiến công chớp nhoáng các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc trước khi các lực lượng tăng cường được cử đến từ Nhật Bản, Mỹ và các khu vực khác. Theo kịch bản này, Bình Nhưỡng sẽ tiến hành một đợt nã pháo quy mô lớn tiêu diệt các đơn vị của Mỹ và Hàn Quốc đóng quân gần khu vực phi quân sự (DMZ). Động thái này sẽ gây ra tổn thất nặng nề cho Seoul.

Khi DMZ được mở, Seoul bị tấn công, hỗ trợ đường không bị chia cắt, đây sẽ là kịch bản mà Bình Nhưỡng mong muốn. Khi đó, các đơn vị xe tăng và lục quân của CHDCND Triều Tiên sẽ nhanh chóng đổ bộ sang Hàn Quốc, chiếm đóng những hải cảng, căn cứ và thành phố lớn trước khi các lực lượng tăng cường được cử đến.

Thứ ba, Bình Nhưỡng trả đũa. Theo kịch bản này, CHDCND Triều Tiên sẽ thực hiện hành động quân sự quan trọng nhưng hạn chế nhằm vào Hàn Quốc, sau đó sẽ là các hoạt động tìm kiếm hòa bình. Kịch bản này có thể xảy ra nếu Mỹ và Hàn Quốc tấn công các cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng, châm ngòi cho các hoạt động trả đũa.

Thứ tư, chiến tranh leo thang. Một hành động khiêu khích có quy mô hạn chế hay một sự vụ có thể sẽ leo thang thành một cuộc chiến tranh tổng lực. Có nhiều cách thức khiến kịch bản này có thể xảy ra. Theo kịch bản này, Mỹ sẽ hậu thuẫn Hàn Quốc, nhưng dường như Washington và Seoul sẽ không dễ dàng nhận được sự giúp đỡ của đồng minh nước ngoài.

Tính toán của Bình Nhưỡng

Nếu chiến tranh xảy ra trên bán đảo Triều Tiên cho dù ai gây ra cũng sẽ phát triển thành cuộc chiến giữa các nước lớn. Không ai đùa giỡn với chiến tranh, nhưng người ta vẫn quan ngại về sự cố cục bộ có thể nhanh chóng leo thang thành xung đột lớn. Nếu ông Kim Jong-un quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân thì CHDCND Triều Tiên sẽ đón nhận sự trừng phạt khủng khiếp chưa từng có, đồng thời mọi thành viên sống sót của chính quyền Bình Nhưỡng sẽ trở thành tội phạm chiến tranh.

Câu hỏi đặt ra là nếu không phải là chiến tranh thì động cơ thực sự của CHDCND Triều Tiên trong tuyên bố hôm 30/3 là gì? Đó có thể là muốn được đàm phán trực tiếp với Mỹ với tư cách là quốc gia hạt nhân, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un muốn gửi thông điệp cứng rắn và coi đó như phép thử đối với tân Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, hoặc tập hợp người dân cũng như các nhà lãnh đạo để củng cố đoàn kết nội bộ, gia tăng uy tín trong việc lãnh đạo đất nước.

Nhiều người cho rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un phát động cuộc chiến cân não để tạo ưu thế cho cuộc đàm phán tất yếu sẽ diễn ra sau khi 6 bên tham gia đàm phán đều ổn định ban lãnh đạo mới. Bình Nhưỡng không những muốn tạo áp lực để Mỹ và Hàn Quốc công nhận quy chế quốc gia hạt nhân cho mình, mà còn tập hợp lực lượng, tiếp tục củng cố vị trí quyền lực giành được chưa bao lâu.

Kinh tế là điểm yếu của CHDCND Triều Tiên nếu có chiến tranh. Theo thông tin từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc, chi phí cho 2 quả tên lửa được phóng trong năm 2012 trị giá khoảng 600 triệu USD, cùng 400 triệu USD cho công tác chuẩn bị và các chi phí khác khoảng 300 triệu USD, tổng cộng số tiền này (1,3 tỉ USD) có thể mua được 4,5 triệu tấn ngô. Nhưng nhiều người nói rằng, một trong những nguyên nhân khiến CHDCND Triều Tiên lớn tiếng thời gian vừa qua là bởi muốn gây sức ép với các bên hữu quan nhân kỷ niệm 60 năm ký Hiệp định đình chiến, cũng như giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ. Tiếp đến là phô trương hỏa lực và mở rộng mặt trận tuyên truyền.

Giới phân tích cho rằng, kể từ khi lên nắm quyền đến nay, mặc dù ông Kim Jong-un đã thử áp dụng chính sách cải cách nông nghiệp, mở cửa một cách có điều kiện cảng Rajin có ý nghĩa kinh tế quan trọng và bắt đầu nghiên cứu, tham khảo mô hình cải cách mở cửa của Trung Quốc, nhưng trong nội bộ, do sự thay đổi lãnh đạo đột ngột nên dẫn đến đấu tranh quyền lực. Qua cách đưa ra lời đe dọa về nguy cơ đẩy khu vực kinh tế năng động nhất thế giới vào cuộc chiến tranh, Bình Nhưỡng đã che giấu được các yếu kém nội bộ và nhận được nhượng bộ ngoại giao từ các nước lớn.

Bán đảo Triều Tiên nằm ở Đông Bắc Á, khu vực kinh tế có quy mô lớn thứ ba thế giới sau Tây Âu và Bắc Mỹ. Do đó, các thị trường trên thế giới sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề (không tính tới sự mất mát ghê gớm về nhân mạng) nếu chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên. Mặc dù cụm từ “nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên” được nhắc tới khá nhiều khiến dư luận lo ngại.

Nhưng theo giới chuyên gia và nghiên cứu về tình hình trên bán đảo Triều Tiên thì khó xảy ra tình huống này bởi các bên hữu quan đều phải cân nhắc tới hậu quả khôn lường của nó. Ông Yang Moo-jin, chuyên gia về CHDCND Triều Tiên tại Trường đại học Tổng hợp Kyungnam cho rằng: Việc CHDCND Triều Tiên tuyên bố “tình trạng chiến tranh” không có nghĩa là hai bên đang trong tình trạng chiến tranh, mà cần phải hiểu tình hình hiện tại giữa hai miền đang rất căng thẳng.

Mối quan tâm của Bắc Kinh - Washington - Seoul

Bắc Kinh không những chuẩn bị cho kịch bản ngăn chặn làn sóng người tị nạn từ CHDCND Triều Tiên tràn sang vùng đông bắc Trung Quốc nếu chiến sự nổ ra, mà còn ngăn cản không để Mỹ và Hàn Quốc xóa bỏ khu đệm an ninh truyền thống trên bán đảo Triều Tiên. Bởi Trung Quốc từng đưa quân vượt sông Áp Lục để “kháng Mỹ viện Triều” trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Mặc dù ủng hộ các lệnh cấm vận trừng phạt CHDCND Triều Tiên vì vụ thử hạt nhân lần thứ 3 ngày 12/2/2013, nhưng Trung Quốc vẫn chỉ trích kế hoạch của Mỹ điều động thêm tên lửa dọc bờ biển phía tây ở khu vực Alaska.

Ngày 28/3, tờ Liên hợp buổi sáng của Singapore có bài viết phân tích chính sách của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng của tác giả Hoàng Tịnh, Giáo sư học viện chính sách công Lý Quang Diệu, Viện Nghiên cứu châu Á và toàn cầu hóa của Singapore. Theo đó, ban lãnh đạo mới của Trung Quốc đã nhận thức được đầy đủ sự nghiêm trọng và tính nguy hại của cục diện tại CHDCND Triều Tiên.

Năm 2006-2007, Trung - Mỹ đã phối hợp để áp dụng “lệnh phong tỏa tài chính” đối với CHDCND Triều Tiên, buộc quốc gia này phải thỏa hiệp trong vòng đàm phán 6 bên, đồng ý áp dụng các biện pháp để đóng băng kế hoạch hạt nhân của mình.

 

Trong hoàn cảnh hiện nay, một cuộc tấn công CHDCND Triều Tiên theo kiểu thập niên 50 của thế kỷ trước dường như không thể xảy ra, nhưng những nguy cơ có thể thổi bùng mồi lửa xung đột trên bán đảo Triều Tiên vẫn tồn tại. Giới chuyên môn quan ngại về một cuộc tấn công có giới hạn của CHDCND Triều Tiên sẽ kích động sự đáp trả của Hàn Quốc, làm dấy lên vòng xoáy của sự leo thang căng thẳng, dẫn đến cuộc chiến lớn.

Chuyên gia Dan Pinkston thuộc Nhóm Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (Bỉ) bình luận: Tôi không nghĩ bất kỳ bên nào muốn chiến tranh tổng lực xảy ra, nhưng viễn cảnh sắp tới sẽ rơi vào dạng tính toán sai lầm và căng thẳng vượt tầm kiểm soát. Mỹ đã đặt lực lượng vũ trang ở Hàn Quốc vào tình trạng sẵn sàng phối hợp chiến đấu. Mỹ cũng tranh thủ cơ hội này để củng cố liên minh với Hàn Quốc và Nhật Bản vốn đang dao động trước việc Washington điều chỉnh chính sách xoay trục sang châu Á.

Mỹ và Hàn Quốc có thể thực hiện một cuộc chiến ba chiều: Bộ binh và các đơn vị thiết giáp của quân đội Triều Tiên sẽ bị Mỹ ném bom 24/7, các lực lượng của nước này dễ bị tấn công bởi trực thăng và vì nằm trên một bán đảo, CHDCND Triều Tiên có thể bị đánh vào mạn sườn bằng các chiến dịch đổ bộ. Nếu không lực Mỹ bắn phá không ngừng các đơn vị, cơ quan liên lạc, trụ sở và mạng lưới vận tải của CHDCND Triều Tiên thì Bình Nhưỡng sẽ không có cơ hội chiến thắng. Nếu Hàn Quốc và Mỹ tấn công CHDCND Triều Tiên thì quốc gia chịu trận sẽ là Trung Quốc.

Ngày 28/3, báo mạng Đông Phương của Trung Quốc đưa tin, hiện có khoảng 17 tuyến đường ngầm bí mật do Bình Nhưỡng thi công chạy dưới lòng đất Khu phi quân sự (DMZ) nối CHDCND Triều Tiên với Hàn Quốc (do một nhân viên tình báo CHDCND Triều Tiên đào ngũ tiết lộ). Được biết, từ thập niên 70 của thế kỷ trước, Hàn Quốc đã phát hiện 4 tuyến đường ngầm. Khi bị phát hiện, trong đường hầm đã được lắp hệ thống dây điện cùng các bóng đèn, đường ray và xe trượt ray có thể vận chuyển 1 trung đoàn bộ binh cùng trọng pháo trong một giờ.

Tháng 5/2012, Tướng Neil H. Tolley, Tư lệnh lực lượng đặc biệt Mỹ ở Hàn Quốc đã gây xôn xao dư luận khi tuyên bố tại một hội nghị tổ chức ở Florida, Mỹ rằng: Có nguồn tin nói CHDCND Triều Tiên đã xây dựng mấy ngàn đường ngầm và các căn cứ quân sự dưới lòng đất.

Tới so sánh lực lượng

Mạng tin Chinamil của Trung Quốc vừa đăng bài phân tích năng lực quân sự của CHDCND Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Seoul dâng cao chưa từng có. Theo đó, ưu thế vũ khí của CHDCND Triều Tiên đang ở thế yếu so với liên quân Mỹ - Hàn. Điểm yếu chí tử của CHDCND Triều Tiên là lực lượng không quân. Một đại tá không quân CHDCND Triều Tiên đào ngũ sang Hàn Quốc năm 2010 từng nói rằng, mỗi năm ông chỉ có 34 giờ bay, do quân đội không đủ xăng cung cấp cho máy bay.

Theo chuyên gia quân sự phương Tây và Trung Quốc, tên lửa đạn đạo là lực lượng xuất sắc nhất của CHDCND Triều Tiên. Tên lửa chủ lực của Bình Nhưỡng được cho là mô phỏng SAM 7 của Liên Xô trước đây với tầm bắn tới bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Hàn Quốc và Nhật Bản. Còn tên lửa Taepodong được cho là vươn tới Mỹ với tầm bắn khoảng 10.000km.

Về cơ bản, CHDCND Triều Tiên nắm kỹ thuật chế tạo tên lửa đạn đạo, loại vũ khí có thể quyết định thắng bại trên chiến trường. Quân đội CHDCND Triều Tiên gồm 1,2 triệu binh sĩ, nhiều gấp đôi con số 640.000 binh sĩ của quân đội Hàn Quốc và 28.000 lính Mỹ đóng trên bán đảo Triều Tiên. Về tổng thể, quân đội CHDCND Triều Tiên được cho là già cỗi: thiếu thốn nhiên liệu, các thiết bị lạc hậu, nhưng họ sở hữu 2 mối đe dọa khôn lường: lực lượng đặc nhiệm và pháo binh.

Sức hủy diệt của CHDCND Triều Tiên là vũ khí hạt nhân và chiến tranh hạt nhân, nhưng Bình Nhưỡng dường như không có lợi thế. Có thể Mỹ sẽ mất vài thành phố nếu tên lửa CHDCND Triều Tiên vượt qua lá chắn phòng thủ nhưng lượng tên lửa hạt nhân chiến lược, chiến thuật của Mỹ cũng thừa khả năng để hủy diệt toàn bộ quốc gia này.

Theo thống kê, CHDCND Triều Tiên có nhiều cơ sở phục vụ và thử nghiệm hạt nhân như cơ sở hạt nhân Yongbyon có lò phản ứng Taechon và nhà máy làm giàu uranium ở Pakchon ở ngay bên cạnh lò phản ứng Teachon; lò phản ứng Sinpo ở phía đông bắc; cơ sở nhiên liệu Sunchon ở gần thủ đô Bình Nhưỡng; cơ sở khai thác Uranium ở Pyongsan tỉnh Bắc Hwanghae bao gồm 2 mỏ Uranium là Kumdongsan và Kumchon.

Theo tài liệu của Học viện nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở tại London (Anh), mỗi năm CHDCND Triều Tiên chi cho quốc phòng khoảng 8,2 tỉ USD (theo thống kê năm 2008), chiếm 22-24% GDP, trong khi Hàn Quốcchi 30,8 tỉ USD, chiếm 2,7% GDP (theo số liệu 2012).

Trong một báo cáo từ tháng 3/2012, tướng James Thurman, chỉ huy lực lượng đặc biệt của Mỹ và Liên Hiệp Quốc ở Hàn Quốc đã cảnh báo rằng, Bình Nhưỡng đang tiếp tục cải thiện khả năng của lực lượng đặc nhiệm lớn nhất thế giới, với các binh sĩ được huấn luyện đặc biệt trong những nhiệm vụ nguy hiểm và khác thường. Theo tướng James Thurman, Bình Nhưỡng có 60.000 lính đặc nhiệm (có thể xâm nhập cả đường không và đường biển để tấn công vào các công trình hạ tầng của Hàn Quốc) và hơn 13.000 khẩu pháo, phần lớn được bố trí dọc theo khu phi quân sự DMZ và hướng về Seoul, chỉ cách biên giới liên Triều 48km.

Tướng James Thurman còn cho rằng, CHDCND Triều Tiên có thể sử dụng vũ khí sinh học - dùng các nhân tố có khả năng gây bệnh cao như bệnh than hay bệnh truyền nhiễm. Nhưng Mỹ có máy bay B-2 Spirit do HãngNorthrop Grumman sản xuất, là loại máy bay ném bom đa nhiệm vụ được trang bị công nghệ tàng hình, trang bị bom thông thường và bom hạt nhân, có thể ném bom 16 mục tiêu một lúc với tầm hoạt động gần 11.100km mà không cần nạp nhiên liệu. Đây là máy bay quân sự đắt nhất thế giới - ước tính chi phí cho mỗi chiếc từ 1,157 tỉ tới 2,2 tỉ USD. Kỹ thuật tàng hình giúp B-2 Spirit có thể thâm nhập qua hàng rào phòng không dày đặc mà máy bay trước đây không thể vượt qua.

Đông Ngàn - Từ Sơn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc