Người Kurd ở Kobani nhận viện trợ quân sự

16:42 | 21/10/2014

1,403 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sau hơn 1 tháng kêu gọi liên quân quốc tế hỗ trợ vũ khí, đêm ngày 19 và 20/10, lực lượng người Kurd tại Kobani (Syria) đã nhận được một số trang thiết bị và khí tài do Mỹ tiếp tế để chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Máy bay Mỹ thả vũ khí và hàng cứu trợ cho người Kurd tại Kobani

Mặc cho sự phản đối từ chính quyền Ankara, Mỹ đã quyết định viện trợ vũ khí, thiết bị cho người Kurd tại Syria trong bối cảnh IS đang giành ưu thế tại thành phố cửa ngõ châu Âu – Kobani. Trước đó, người Kurd tại đây chỉ được trang bị súng máy thô sơ để chống lại các cuộc tấn công dồn dập từ khủng bố với hàng loạt vũ khí hạng nặng như xe tăng, xe bọc thép và trọng pháo.

Đối với Mỹ, đây là một quyết định khá nhạy cảm bởi người Kurd vốn bị coi là khủng bố, là kẻ thù dưới con mắt chính quyền Ankara. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã buộc tội Đơn vị bảo vệ Nhân dân Kurd tại Syria (PYD) là một "tổ chức khủng bố" có liên hệ với Đảng Công nhân Kurd (PKK). Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại là thành viên NATO, một trong các đồng minh thân cận của Mỹ nên chắc chắn Washington không muốn làm mất lòng người đồng minh của mình. Chính vì vậy, lần này, Mỹ chỉ viện trợ một số loại vũ khí hạng nhẹ giống như họ đã giúp cho người Kurd tại Iraq.

Tuy lần tiếp tế này có ý nghĩa khá quan trọng trên mặt trận chống IS nhưng nếu để cầm chân nhóm khủng bố này và lật ngược tình thế hiện nay thì từng đó vẫn là chưa đủ, những gì người Kurd tại Kobani cần lớn hơn rất nhiều những vũ khí hạng nhẹ.

"Bọn khủng bố nắm trong tay cả một kho vũ khí hạng nặng đồng thời chúng cũng chiếm được vũ khí từ quân đội Syria và Iraq qua các trận chiến. Chúng giấu đại pháo trong các ngôi làng bị đánh chiếm. Mỗi lần xe tăng của chúng bị phá hủy, chúng có thể dễ dàng huy động thay thế từ những ngôi làng chiếm được thuộc thị trấn Kobani hay từ các vùng khác", Issa Khaled – phát ngôn viên của Đơn vị Bảo vệ Nhân dân Kurd nói (PYD).

Trước đó,  Lầu Năm Góc đã nhận định tác động từ các cuộc không kích còn khá hạn chế và chỉ có lực lượng dưới mặt đất mới có thể tạo nên sự khác biệt. Tuy nhiên, việc gửi bộ binh sang Syria tham chiến ngay từ đầu đã không phải lựa chọn của Mỹ cũng như các đồng minh, vì vậy, việc Mỹ viện trợ quân sự cho người Kurd cũng là điều dễ hiểu và có thể coi là biện pháp duy nhất hữu hiệu hiện nay.

Hà My (tổng hợp)

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc