Ngoại trưởng Mỹ tới Nga để làm gì?

19:00 | 06/05/2013

559 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm nay (6/5) chính thức thăm Nga để tìm cách phục hồi quan hệ vốn căng thẳng giữa hai nước trong bối cảnh tình hình thế giới hết sức bất ổn.

 

 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov

Quan hệ Nga-Mỹ hiện đang tồn tại một chuỗi những vấn đề lớn cần tìm được cách giải quyết, từ bất ổn tại Syria tới vụ đánh bom Boston, hệ thống phòng thủ tên lửa, vấn đề hạt nhân Iran và Triều Tiên, cùng những tranh cãi liên quan tới lệnh cấm người Mỹ nhận trẻ em Nga làm con nuôi và việc đóng cửa các cơ quan viện trợ của Mỹ.

Chuyên gia nghiên cứu về Nga Fiona Hill, Giám đốc Trung tâm Mỹ và châu Âu thuộc Viện Brookings, cho rằng "có quá nhiều vấn đề cần giải quyết khi ông Kerry tới Nga". Mặc dù ông Kerry biết khá nhiều về giới lãnh đạo Nga kể từ khi còn là một thượng nghị sỹ song đây là chuyến thăm Mátxcơva đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức Ngoại trưởng hồi tháng 2/2013.

Quan hệ Mỹ-Nga - được "tái cài đặt" dưới thời người tiền nhiệm của ông Kerry, bà Hillary Clinton, khi bà và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng ấn nút đỏ khởi động - đã rơi vào giai đoạn thăng trầm mới kể từ khi ông Vladimir Putin trở lại cương vị Tổng thống Nga tháng 5/2012.

Giới phân tích cho rằng chuyến thăm của ông Kerry sẽ hầu như không thu được tiến triển cụ thể nào mặc dù có lẽ ông Kerry sẽ gặp Tổng thống Putin vào mai (7/5) - một cuộc tiếp đón hiếm hoi trái với nghi thức ngoại giao của Mátxcơva. Chuyên gia Hill nhận định: "Rõ ràng là một trong những nội dung chính của chuyến đi này là cố gắng gạt đi những tuyên bố hùng hồn và nỗ lực xác định những lĩnh vực có thể cùng hợp tác. Chỉ một tia hy vọng le lói rằng hai bên mong muốn, ít nhất là vào thời điểm hiện nay, phối hợp một cách chân thành hơn, cũng là một thành tựu rồi".

Thời điểm diễn ra chuyến thăm hai ngày này cũng rất đáng chú ý, đó là sau khi xảy ra vụ đánh bom tại cuộc thi chạy marathon ở Boston mà hai anh em xuất thân từ Chechnya bị cáo buộc tổ chức và Mỹ bày tỏ lo ngại về việc vũ khí hóa học có thể đã được sử dụng ở Syria.

Ông Kerry sẽ tìm cách giảm bớt mối quan hệ vốn bền chặt giữa Mátxcơva và Tổng thống Syria Bashar al-Assad bằng cách đề cập tới những lo ngại của Mỹ về việc Syria sử dụng vũ khí hóa học - một "giới hạn đỏ" được cả hai bên công khai thừa nhận. Ngày càng có nhiều thông tin rằng chính quyền của Tổng thống Obama có thể cân nhắc việc trang bị vũ khí cho lực lượng nổi dậy nhằm gây sức ép buộc Mátxcơva phải sử dụng vai trò của mình ép chính quyền Assad dừng ngay những hành động giết chóc. Chuyên gia Hill nói rằng, "tuy nhiên tôi không tin người Nga sẽ đưa ra bất kỳ dàn xếp nào. Người Nga không quan tâm tới bất cứ những gì đang được thỏa thuận với phe đối lập. Họ cũng không thấy viễn cảnh ổn định hoặc bất kỳ giải pháp nào nổi lên từ việc vũ trang cho phe đối lập Syria". Chuyên gia Matthew Rojansky cho rằng: "Mátxcơva không mong muốn có thêm người chết và bạo lực, đơn giản họ chỉ quan tâm tới bước tiếp theo sẽ là một chế độ Hồi giáo nắm quyền mà không ai có thể kiểm soát".

Một nhiệm vụ khác của ông Kerry trong chuyến thăm này là chuẩn bị cho gặp giữa hai Tổng thống Barack Obama và V. Putin tại Bắc Ailen bên lề Hội nghị thượng đỉnh G8 vào tháng tới với nội dung lãnh đạo Mỹ sẽ tìm kiếm thỏa thuận cắt giảm thêm vũ khí hạt nhân song phương. Bất chấp những căng thẳng hiện nay, hai quốc gia vẫn quyết định cùng hợp tác giải quyết chương trình hạt nhân bị nghi ngờ của Triều Tiên và Iran. Rojansky, Phó Giám đốc chương trình Âu-Á và Nga tại Viện Hòa bình Quốc tế Carnegie, nói rằng nhất là sau vụ tấn công Boston, sự phối hợp ở mức cao giữa hai nước là "tích cực".

Về phần mình, Mátxcơva muốn thăm dò quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ về quyết định gần đây của Washington từ bỏ giai đoạn cuối của chương trình lá chắn tên lửa ở châu Âu mới đây của Mỹ để triển khai lá chắn mới nhằm chống lại khả năng tấn công từ Triều Tiên.

Cuối năm ngoái, Mátxcơva đã trục xuất Cơ quan phát triển Mỹ - USAID - và sau đó là cấm người Mỹ nhận trẻ em Nga làm con nuôi sau khi Washington thông qua luật hạn chế nhằm vào các quan chức Nga bị nghi ngờ vi phạm nhân quyền. Các chuyên gia tin rằng ông Putin sẽ không thay đổi quan điểm trong những vấn đề này.

Th.Long (Theo AFP)