Nghịch lý giáo dục ở Hàn Quốc

05:00 | 15/10/2013

5,007 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cũng như người dân châu Á nói chung, người Hàn Quốc vốn có truyền thống hiếu học và tự hào có một hệ thống giáo dục khá phát triển so với các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Tuy nhiên, hệ thống giáo dục khắt khe và mang tính cạnh tranh khốc liệt ở xứ sở kim chi đã tạo ra một cuộc chạy đua bằng cấp mà người bị ảnh hưởng nhiều nhất, không ai khác là các em học sinh và phụ huynh.

Năng lượng Mới số 263

Thành công của hệ thống giáo dục Hàn Quốc là không thể phủ nhận được, đến mức Tổng thống Mỹ Barack Obama còn nhiều lần kêu gọi lấy Hàn Quốc làm bài học trong việc xây dựng lại đất nước thông qua cải cách giáo dục, nâng cao vai trò của giáo viên và nhấn mạnh về tầm quan trọng của người cha, người mẹ trong giáo dục con cái. Tháng 3/2011, tại Học viện Công nghệ Boston ở Massachusetts, ông Obama nói: “Ở Hàn Quốc, các giáo viên được gọi là những nhà xây dựng quốc gia. Trong khi ở Mỹ, chúng ta đối xử với những người giáo dục thế hệ trẻ của đất nước mình với cùng một mức độ tôn trọng. Chúng ta phải nâng giáo viên lên, thưởng cho giáo viên giỏi và dừng lại việc bao biện cho những giáo viên yếu kém”.

Trước đó, hồi năm 2010, tại Las Vegas, Tổng thống Mỹ cũng từng thừa nhận: “Học sinh Hàn Quốc giỏi hơn học sinh nước ta về toán và khoa học” và cảnh báo “Mỹ không thể thành công trong khoa học nếu Ấn Độ và Hàn Quốc sản xuất nhiều nhà khoa học và kỹ sư hơn”, trước khi kêu gọi nên noi theo kiểu mẫu giáo dục tại nước này: đó là ngày học dài hơn và học thêm buổi tối để giúp người học “sống sót” trong thời đại cạnh tranh toàn cầu.

"Hãy cho tôi thời gian ngủ!" - lời khẩn cầu của một học sinh Hàn Quốc

Ông Obama nhấn mạnh nhiều lần quan điểm này và người ta không hề ngạc nhiên khi đọc kết quả nghiên cứu đối chiếu quốc tế giữa các nền giáo dục, ví dụ như công trình mang tên PISA, được OECD thực hiện 3 năm/lần. Kết quả cho thấy trình độ khá cao của học sinh Hàn Quốc. Tại nước này, tỷ lệ xóa nạn mù chữ hiện nay là 97,8% (22% vào năm 1945); 71% thanh niên học đại học trong khi tỷ lệ này là 56% tại các quốc gia khác thuộc khối OECD.

Phải nói rằng, có được thành tích này là vì Hàn Quốc đã đầu tư khá nhiều cho lĩnh vực giáo dục: 7,6% GDP cho giáo dục, trong khi ở các nước khác của tổ chức OECD là 5,6%. Hệ thống giáo dục Hàn Quốc được xem là một trong những hệ thống khắc nghiệt nhất và cạnh tranh nhất trên thế giới, đặc biệt là khi thi vào đại học. Tuy nhiên, những lời ca ngợi của Tổng thống Obama với nhiều người Hàn Quốc vào thời điểm đó lại khá bất ngờ bởi đã có nhiều tiếng nói chỉ trích hệ thống giáo dục của nước này thiếu sáng tạo và khiến học sinh phụ thuộc nhiều vào học thêm. Thậm chí, theo tờ Le Monde, có thể học sinh Hàn Quốc giỏi nhất thế giới, thế nhưng, họ cũng là những học sinh bất hạnh nhất thế giới.

Nhịp độ học tập học giống như một cuộc chạy đua marathon. Mỗi ngày, các em bắt đầu học từ 7 giờ 30 sáng đến 16 giờ, nhưng đáng chú ý là học sinh thường ở lại học thêm đến tận 23 giờ đêm. Hình thức học thêm này bắt đầu ngay từ bậc tiểu học và có đủ các môn học, kể cả môn âm nhạc. Học thêm chủ yếu là để học trước chương trình, chứ ít khi là học bù để đuổi kịp chương trình.

Kết quả là thanh niên Hàn Quốc dành đến 15 giờ mỗi ngày cho việc học. Nếu tính cả thời gian di chuyển bằng phương tiện công cộng thì học sinh chỉ ngủ 4-5 giờ/ngày. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, một khẩu hiệu đã trở thành bất hủ: “Ngủ 5 giờ/đêm thì thất bại, ngủ 4 giờ/đêm thì thành công”. Hậu quả là mệt mỏi tích tụ và dẫn đến tình trạng học sinh ngủ gà, ngủ gật trong giờ học.

Một giáo viên nhận định, từ khi Hàn Quốc phổ cập hóa giáo dục và hiện đại hóa nhanh chóng trong thập niên 60 thì bằng cấp được xem như một sự bảo đảm cho việc thăng tiến trong xã hội. Do đó, người dân lao vào cuộc chạy đua bằng cấp. Trong một đất nước luôn bị ám ảnh bởi thứ hạng cao thấp, người không bằng cấp bị kỳ thị nên càng gây áp lực hơn trên gia đình và học sinh. Đó là phản ánh của chính sách kinh tế, chính trị mau vội của đất nước mà theo như nhận định của chuyên gia tư vấn giáo dục tại Seoul thì “cần phải tiến nhanh để trở thành người giỏi nhất”.

Về phía phụ huynh, họ đầu tư khá nhiều tiền cho con đi học thêm ngay từ mẫu giáo đến đại học (10% ngân sách cho giáo dục) với mong muốn con cái thi đỗ vào các trường đại học danh tiếng. Điều này làm nảy sinh mặt trái của vấn đề: học sinh và gia đình quá phụ thuộc vào các khóa học thêm mà nếu không có nó thì sẽ không đậu được đại học và đưa đến thực trạng, nếu không có tiền, con đường học vấn sẽ khó lòng rộng mở. Dưới thời Tổng thống Chun Doo-hwan (1980-1988), ông cũng đã từng cấm dạy thêm, nhưng điều này cũng chỉ để lại hậu quả là học phí tăng thêm, giáo viên dạy chui và các lớp dạy thêm vẫn tồn tại đến ngày nay. Thậm chí, ở Hàn Quốc, có giáo viên kiếm 4 triệu USD/năm (85 tỉ đồng) chỉ nhờ dạy thêm như thầy giáo Kim Ki-hoon.

Một chuyên gia nhận định, “Ngày nay, mọi nỗ lực đều nhằm mục đích duy nhất là đỗ đại học. Thật phi lý”. Mà chi phí học đại học ở Hàn Quốc lại không hề rẻ, từ tiền nhà ở cho đến học phí. Mặc dù chính phủ của Tổng thống Park Geun-hye vừa hứa hẹn giảm một nửa học phí nhưng theo giáo sư Choi Jin Nam ở Đại học Quốc gia Seoul, “các bậc phụ huynh cảm thấy áp lực kinh tế rất lớn khi phải đảm bảo hỗ trợ chi phí cho con học đại học ở một đất nước mà học phí hiện nay thuộc diện cao nhất thế giới”. Trong khi đó, theo thống kê vào tháng 8/2012, 40% sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm ổn định. Nghịch lý là ở đó!

Linh Linh (tổng hợp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc