Nga và con đường trở lại một cường quốc

18:30 | 12/11/2013

2,477 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chuyến thăm hai quốc gia châu Á là Việt Nam và Hàn Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin là một bước tiến trên con đường gây dựng lại ảnh hưởng của nước Nga xưa kia. Nó vừa thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng của Nga đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vừa cho thấy chính sách đa cực của Nga nhằm phá thế siêu cường của Mỹ.

Tổng thống Nga Putin tới sân bay Nội Bài vào lúc 7h30 sáng nay

Ngày hôm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức thăm Việt Nam, sau đó người đứng đầu nước Nga sẽ sang thăm Hàn Quốc trong tuần này.

Những năm gần đây, Nga bắt đầu đóng vai trò nổi trội tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này được thúc đẩy bởi thành công trong năm trước Nga chủ trì Hội nghị thượng đỉnh APEC (Tổ chức hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương) tại Vladivostok, cũng như sự tham gia của Nga vào hoạt động của những cấu trúc khu vực như Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và ASEAN.

Từ lâu, đã có nhiều nhà phân tích phương Tây dự đoán mối quan hệ Nga-Trung sẽ nhanh chóng sụp đổ do các nhà lãnh đạo Nga không lấy gì làm vui mừng trước sức nặng ngày càng tăng của Trung Quốc trên thế giới. Thế mà, thời gian qua hợp tác Nga-Trung ngày càng tăng trong nhiều lĩnh vực quan trọng: Kinh tế (Nga bán dầu hỏa và vũ khí cho Trung Quốc), chính trị (hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải), và quân sự (các cuộc tập trận chung thường niên).

Tuy nhiên, Nga - Trung vẫn có lịch sử cạnh tranh trong quan hệ. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Matxcơva đang tìm cách "cân bằng" với ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua mở rộng quan hệ song phương với nhiều láng giềng của người khổng lồ châu Á.

Cuối tuần trước, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera đã tổ chức hội nghị “2+2” đầu tiên của Nhật với những người đồng cấp Nga - Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Ngoại trưởng Sergei Lavrov. Hai bên đã nhất trí tiến hành diễn tập hải quân chung để chống khủng bố và cướp biển, biến “2+2” trở thành một sự kiện thường niên. Ông Lavrov còn nói tại cuộc họp báo sau hội nghị là hợp tác song phương với Tokyo sẽ giúp cải thiện các vấn đề an ninh trên bán đảo Triều Tiên cũng như giải quyết tốt các vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Hồi tháng 4/2013, Thủ tướng Abe đã trở thành lãnh đạo đầu tiên của Nhật thăm Nga trong gần một thập kỷ.

Việc mở rộng quan hệ quốc phòng Nga - Nhật được đề cập tới trong thực tế dù hai bên về lý thuyết vẫn còn chiến tranh, chưa từng ký thoả ước hòa bình chấm dứt thù địch bởi Thế chiến II. Ông Abe cũng đã gặp ông Shoigu và Lavrov tại Tokyo hồi cuối tuần trước và khẳng định lại cam kết thúc đẩy nhanh chóng chấm dứt tranh chấp quần đảo Nam Kuril (mà Nhật gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc). 

Nga cũng tăng cường quan hệ với hai miền Triều Tiên trong chiến lược phên giậu của mình. Vào tháng 9/2013, Bộ Ngoại giao Nga thông báo, Matxcơva nhất trí xoá nợ cho Triều Tiên trên 90% tổng nợ thời Liên Xô, khoảng 11 tỉ USD. Số còn lại sẽ được tái cấu trúc thành chương trình “nợ viện trợ” với thời gian trả trong vòng 20 năm tới. Thoả thuận này mở đường để Matxcơva có thể xem xét vấn đề cho Bình Nhưỡng vay tiền, để đổi lại tiến trình thuận lợi của các dự án xây hệ thống ống dẫn, xe lửa và điện mà Nga đang theo đuổi tại Triều Tiên. Nga gần đây cũng đã tăng cường vai trò trong đàm phán 6 bên giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Đại diện đàm phán hạt nhân Triều Tiên Kim Kye-Gwan đã thăm Matxcơva hồi tháng 7. Một tháng sau đó, đại diện Hàn Quốc tham gia hội đàm Cho Tae-Yong, cũng tới Nga.

Matxcơva và Seoul cũng đã nối lại đàm phán về xây dựng hệ thống ống dẫn hồi tháng trước. Các dự án xây đường sắt và ống dẫn sẽ nằm trong chương trình nghị sự khi Tổng thống Putin thăm Seoul tuần này và có cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc Park Geun-hye. Hai nhà lãnh đạo trước đó đã gặp nhau tại G20 ở Nga. Tại cuộc gặp ấy, ông Putin tuyên bố: “Hàn Quốc là một trong những đối tác ưu tiên của chúng tôi trong khu vực. Chúng tôi duy trì quan hệ trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Thương mại của chúng tôi đạt 25 tỉ USD và đã tăng 3% trong 6 tháng năm nay”.

Ngay trước khi tới Hàn Quốc, Tổng thống Nga thăm Việt Nam. Cùng với Việt Nam, Nga cũng thúc đẩy quan hệ tốt với Ấn Độ. Tháng trước, Thủ tướng Manmohan Singh đã thăm Matxcơva và có cuộc gặp thượng đỉnh với ông Putin. Tuyên bố chung hai bên cho biết, Nga và Ấn Độ sẽ làm việc để “tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tên lửa, công nghệ hải quân, và hệ thống vũ khí”. Một cuộc gặp quốc phòng song phương giữa phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony dự kiến diễn ra cuối tháng này. Trước đó, ông Rogozin cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng gói đề xuất toàn diện về trực thăng và máy bay mà Ấn Độ có thể quan tâm. Chúng tôi sẽ thảo luận kế hoạch xây dựng tàu chiến và tàu ngầm mới”. Hai bên cũng sẽ trao đổi về tăng cường hợp tác trong hệ thống theo dõi định vị toàn cầu.

Trong sự hợp tác của Matxcơva với các nước châu Á, còn có khía cạnh không kém quan trọng là khả năng phát triển vùng Viễn Đông của Nga. Aleksei Maslov thuộc Trường Kinh tế Cấp cao Nga cho biết: “Nga hiện nay đang củng cố vị thế của mình tại vùng Đông Á không chỉ vì phục vụ những tuyên ngôn chính trị, mà bởi chính sự phát triển quan hệ đối tác với các nước trong khu vực này sẽ giúp củng cố và hồi sinh vùng Viễn Đông của Nga, cho đến nay vẫn là một dạng địa bàn khép kín”.

Nhìn rộng ra, theo giới quan sát, Nga đang muốn tái lập vị thế siêu cường thế giới. Từ sau khi Liên Xô sụp đổ hồi năm 1991, thế giới lưỡng cực đã chấm dứt sự tồn tại để tiến về phía đơn cực dưới sự độc tôn của Mỹ. Thế nhưng, thời gian qua, Nga đã dần phục hồi sức mạnh và muốn tái lập vị thế siêu cường thế giới. Người có vai trò quan trọng trong quá trình này là ông Vladimir Putin, cầm cương nước Nga từ 13 năm nay. Nguyệt san Le Monde Diplomatique số ra tháng 11/2013 có bài viết “Nga trở lại trên trường quốc tế”, nhắc lại, từ năm 1996, mục tiêu trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Nga là cổ vũ cho một thế giới đa cực thoát khỏi giai đoạn đơn cực của Mỹ. Tổng thống Putin là người thực tế, hiểu rõ khả năng hiện tại và tương lai của đất nước, đã tiếp nối chính sách này, và cũng hiểu rõ là phải cần có đồng minh để đa cực hóa thế giới. Và đối tác chiến lược số một của Nga chính là Trung Quốc. Sự hợp sức của hai cường quốc này đã được thể hiện rõ ràng tại Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc. Trong rất nhiều hồ sơ : Syria, Iran, Libya hay Iraq… Nga và Trung Quốc, với tư cách là thành viên thường trực có quyền phủ quyết, đã thường xuyên phản đối lập trường của Mỹ và hai đồng minh của Mỹ là Pháp và Anh.

Trong quan hệ với Mỹ và các đồng minh của Mỹ, Nga muốn tạo ra thế tái cân bằng. Tình hình có vẻ ngày càng thuận lợi cho Tổng thống Putin khi mà chỉ trong một thời gian ngắn như vừa qua, ông đã giành được chiến thắng trên hai hồ sơ Syria và NSA.

Đối với vụ nghe lén của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ NSA, không nước nào dám cho người mà Mỹ đang truy tìm là Edward Snowden tị nạn. Le Monde Diplomatique cho rằng, Mỹ càng gây sức ép thì càng làm tăng uy tín của ông Putin. Bởi khi Nga chấp nhận Snowden, thì có nghĩa là trên thế giới này, Nga là nước duy nhất đủ khả năng và dám chống lại sức mạnh của Mỹ.

Còn trong hồ sơ Syria, theo Le Monde Diplomatique, đây mới là “thắng lợi thật sự” của Tổng thống Putin. Với đề nghị đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế, Nga đã ngăn được Mỹ và đồng minh can thiệp quân sự vào Syria, và đã cứu đồng minh Assad một bàn thua trông thấy.

Chiến thắng này của ông Putin còn được nâng cao giá trị hơn nữa khi mà nó dường như đã cứu chính ông Obama bởi những tính toán chưa chuẩn xác của Nhà Trắng: Đồng minh thân cận của Mỹ là Anh đã rút lui trước giờ nổ súng do sự phản đối của Quốc hội; sau đó Tổng thống Obama lại có nguy cơ hứng lấy một thất bại khác, đó là nguy cơ lưỡng viện Quốc hội Mỹ bác ý định tấn công Syria của Tổng thống Obama. Chưa hết, tại Thượng đỉnh G20 ở Saint-Petersbourg vừa qua, Nga lại một lần nữa chiến thắng Mỹ khi mà đa số các nước tham gia đều phản đối việc can thiệp quân sự vào Syria.

Có phải thời khắc đã điểm cho mục tiêu tái cân bằng mà Điện Kremlin đã tìm kiếm bấy lâu nay? Có phải tham vọng tìm lại vị trí đáng kể trên trường quốc tế của Nga đang thành hiện thực? Theo Le Monde Diplomatique, chiến thắng của ông Putin, đặc biệt trên hồ sơ Syria, đang nuôi dưỡng cảm nghĩ rằng một thế giới đa cực có thể đang được “áp đặt” cho Washington.

H.Phan

tổng hợp