Nếu nước Mỹ vỡ nợ…

06:43 | 16/10/2013

3,085 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Qua ngày 17/10, nếu Mỹ không nâng mức trần nợ công, nước này sẽ phá sản. Với tình hình căng thẳng tại quốc hội Mỹ hiện nay, không ai dám chắc rằng phe Cộng hòa sẽ đồng ý cho phía Dân chủ nâng trần đi vay thêm. Nếu nước Mỹ vỡ nợ, tác động với nền kinh tế thế giới ra sao và các chủ nợ lớn của Mỹ là Trung Quốc và Nhật Bản sẽ bị thiệt hại gì?

Cuộc khủng hoảng ngân sách ở Mỹ đã diễn ra hơn một tuần nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu thỏa hiệp. Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ vẫn tiếp tục “làm căng” với nhau khiến Chính phủ Mỹ phải hoạt động cầm chừng vì không có ngân sách và chưa ai biết khi nào Chính phủ Mỹ mới mở cửa trở lại.

Trong bối cảnh đó, một mối nguy hiểm to lớn hơn, đáng sợ hơn đang rình rập nước Mỹ. Đó là nợ công. Mức nợ hiện giờ của Mỹ đã “đụng trần” theo quy định của Quốc hội, đi vay thêm là phạm luật. Nhưng nếu không được vay nợ thêm thì nước Mỹ có thể sẽ lâm vào cảnh “vỡ nợ”. Cũng như một cá nhân hay doanh nghiệp đang vay nợ, khi đáo hạn là phải trả tiền lãi và vốn. Một chính phủ với các món nợ khổng lồ, phải liên tiếp vay nợ các khoản mới để trả các món nợ cũ, chưa kể việc đi vay để chi tiêu vì ngân sách thiếu hụt (thu ít, chi nhiều). Đến ngày 17/10 tới, nếu không được phép vay nợ thêm, Chính phủ Mỹ sẽ không hoàn trả được nhiều món nợ đáo hạn, theo định nghĩa là vỡ nợ.

Thâm hụt ngân sách của chính quyền Mỹ trong năm 2011, lần đầu tiên từ năm 1945 phá kỷ lục: lên tới 1.500 tỉ USD, tương đương với 10%  GDP của siêu cường kinh tế số 1 trên thế giới. Cùng lúc, tổng số nợ của nhà nước đã lên tới 15.000 tỉ USD tức là vừa bằng 100% GDP của nước Mỹ.

Biếm họa về khả năng nước Mỹ vợ nợ

Việc nâng mức trần của tổng số nợ quốc gia không phải là một hiện tượng mới mẻ. Trong 8 năm cầm quyền của Tổng thống Gorges W. Bush, Quốc hội Mỹ đã đồng ý nâng mức nợ quốc gia lên tất cả 7 lần. Thật ra, nếu ngân sách không thiếu hụt nặng như hiện nay thì chỉ cần ảnh hưởng của lạm phát khiến đồng tiền mất giá không thôi, bình thường người ta vẫn phải nâng mức nợ tối đa lên. Nếu lạm phát khiến giá cả tăng 3% thì mức nợ tối đa cũng phải tăng 3% mới giữ đúng mức trần cũ, nếu không thì coi như cái trần nhà đã bị hạ thấp xuống 3%.

Nhưng tại sao vấn đề có thể coi là bình thường này bỗng dưng trở nên trầm trọng như vậy? Câu trả lời nằm ở những tranh cãi giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ trong quốc hội Mỹ về duyệt chi ngân sách cho Chính phủ, mà bế tắc này đang khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa hơn một tuần qua. Phe Cộng hòa nói nếu đảng Dân chủ của ông Obama muốn họ thông qua ngân sách cho chính phủ hoạt động thì phải “thò chai rượu”, tức là phải hoãn thực thi đạo luật bảo hiểm y tế, Obamacare, trong 1 năm. Phe Obama đời nào chịu! Chính vì chuyện cũ vẫn chưa giải quyết xong nên nhiều nhà phân tích dự báo vấn đề nâng mức trần nợ công sẽ khó mà được hai phe trong Quốc hội Mỹ thông qua. Nguy cơ vỡ nợ treo trên đầu nước Mỹ. Điều này như được khẳng định bởi tuyên bố của Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner “Tôi có thể để Mỹ bị vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử nếu Tổng thống Obama không tán đồng một thỏa hiệp về vấn đề chi tiêu của chính phủ liên bang”.

Một số nhà kinh tế dự đoán rằng, tình trạng vỡ nợ đang đe dọa Mỹ sẽ là nặng nề hơn so với cuộc khủng hoảng năm 2008 và sẽ gây ra thảm họa toàn cầu. Để khắc phục hậu quả của vụ vỡ nợ này sẽ phải mất nhiều thập niên. Klaus Larres, Giáo sư giảng dạy môn quan hệ quốc tế của Đại học North Carolina nói rằng, sẽ có những hậu quả vô cùng tai hại đối với thế giới đang chật vật hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng vụ Đại Suy thoái sẽ quay lại với cường độ lớn hơn nhiều và chúng ta sẽ phải đương đầu với những khó khăn nghiêm trọng về kinh tế và tài chính. Vì vậy, tôi chỉ có thể cảnh báo là không nên để vấn đề trần nợ kèm theo việc chính phủ đóng cửa”. Giáo sư Larres cho rằng, việc Mỹ vỡ nợ sẽ có những tác động tức thời trên khắp thế giới. Điều này có thể phương hại tới vị trí vai trò đồng tiền dự trữ toàn cầu của đồng USD và thậm chí còn ảnh hưởng tới vai trò của nền kinh tế mạnh nhất thế giới của Mỹ. Ông nói: “Một nước lớn như Mỹ, với vị thế của một siêu cường hàng đầu, mà bị vỡ nợ vì lý do kỹ thuật là một việc chưa từng xảy ra”.

Không chỉ bản thân Mỹ mà các nền kinh tế khác cũng có thể bị ảnh hưởng nếu Chính phủ Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ. Trung Quốc cảm thấy lo ngại về khoản tiền hơn 1.300 tỉ USD mà họ đầu tư ở Mỹ và đang hối thúc nước này nâng trần nợ. Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu khuyến cáo Mỹ nhanh chóng phòng ngừa việc vỡ nợ có thể gây ảnh hưởng tồi tệ tới kinh tế Trung Quốc và toàn cầu với “các bước đi kiên quyết và đáng tin cậy”.

Theo ông Chu Quang Diệu, Bắc Kinh, với tư cách chủ nợ lớn nhất của Washington, “đương nhiên quan ngại về các diễn biến trong khó khăn tài chính của Mỹ” và “điều này quan trọng không chỉ cho kinh tế Mỹ mà còn cho kinh tế toàn cầu và chúng tôi hy vọng Mỹ hiểu được bài học lịch sử” (ngụ ý tới một vụ việc tương tự xảy ra hồi tháng 8-2011 đã khiến Mỹ lần đầu tiên bị hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor's hạ thấp mức xếp hạng vàng từ AAA xuống AA+).

Mặc dù có khối lượng đầu tư vào nền kinh tế Mỹ kém Trung Quốc, nhưng Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn Bắc Kinh nếu Mỹ phá sản. Nhật giữ khối lượng trái phiếu kho bạc Mỹ trị giá 1,1 nghìn tỉ USD. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Tao Aso mới đây nêu ý kiến rằng, Tokyo nên cân nhắc các tác động khả năng nếu Mỹ phá sản.

Chuyên gia Nga, ông Yakov Berger đã lưu ý đến việc Bắc Kinh và Tokyo cùng lúc nhắc nhở con nợ về trách nhiệm: “Đó là hai quốc gia lớn đang cấp tín dụng và trợ cấp nền kinh tế Mỹ. Mặc dù quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản lúc này không phải là tốt đẹp nhất, nhưng như chúng ta thấy, họ hành động khá nhịp nhàng”. “Trung Quốc sẽ không “nhấn chìm” Mỹ bằng cách bán tháo trái phiếu kho bạc, họ e ngại sự biến động mạnh của đồng USD. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ” - ông Yakov Berger nói.

Washington và Bắc Kinh bị trói buộc chặt chẽ. Lúc này, Trung Quốc rất cần yếu tố bảo hiểm trước khả năng khủng hoảng ngân sách ở Mỹ. Chuyên gia Berger nhận định: “Không chỉ Trung Quốc đầu tư vào Mỹ, mà Mỹ cũng đầu tư vào Trung Quốc. Trong thực tế, đó là các hoạt động cho vay lẫn nhau. Sẽ không có việc Trung Quốc đơn phương rút tiền. Đến lượt mình, Mỹ cũng có thể rút vốn từ Trung Quốc. Đây là quá trình song phương, Trung Quốc mong có yếu tố bảo hiểm trước những vấn đề tương tự như đã từng xảy ra ở Mỹ, khi các ngân hàng thi nhau phá sản năm 2008. Trung Quốc hy vọng Chính phủ Mỹ cung cấp thêm sự đảm bảo. Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc thực sự lo ngại sự sụp đổ của nền kinh tế Mỹ”.

“Trước khủng hoảng của Mỹ, Trung Quốc sẽ dễ vượt khó khăn hơn Nhật Bản. Trung Quốc đã thấy trước tình huống này và nỗ lực giải phóng bớt chứng khoán Mỹ. 2 năm trước, Trung Quốc đã quyết định tái định hướng vào thị trường trong nước. Đây là một quyết định đúng đắn. Cùng các vấn đề kinh tế nội bộ, tình huống khả năng đối với Nhật Bản sẽ xấu hơn Trung Quốc. Nhật Bản ràng buộc nhiều hơn với Mỹ. Trung Quốc nắm khối lượng sản xuất khổng lồ, không đối mặt với gánh nặng như “hậu quả” Fukushima và sở hữu một nền kinh tế đa dạng hơn Nhật Bản” - ông Berger nhận định.

Theo các chuyên gia đánh giá, Trung Quốc và Nhật Bản đã đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ nhiều hơn so với con số 2,4 nghìn tỉ USD. Bắc Kinh mua trái phiếu Mỹ thông qua các trung gian. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc còn giữ 3,5 nghìn tỉ tài sản được định giá bằng USD, cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi phá sản. Đầu tư tư nhân của Nhật Bản vào các tài sản của Chính phủ Mỹ chiếm tỷ lệ không nhỏ. Do đó, không mấy ai dám dự báo về mức độ khủng hoảng ở Mỹ sẽ tác động tới các chủ nợ.

Cuối cùng, nếu không thể nào thỏa hiệp được để nâng mức trần nợ quốc gia lên đúng kỳ hạn ngày 17/10 thì Tổng thống Obama vẫn còn một món võ cất trong túi, không đến nỗi phải ngưng vay thêm nợ khiến Chính phủ Mỹ phá sản. Đó là một khoản trong Tu chính án số 14 trong Hiến pháp Mỹ, viết rằng: “Giá trị công trái của Mỹ... không thể nghi ngờ được”. Vốn là luật sư, chắc ông Obama có thể giải thích rằng với tư cách người đứng đầu Hành pháp, ông cứ đi vay nợ để bảo đảm giá trị của các tờ giấy nợ đã phát hành. Ai ngăn cản sẽ bị coi là vi hiến. Nhưng chắc ông sẽ không phải dùng đến món võ đó.

Hùng Phan