Nelson Mandela, một lãnh tụ vĩ đại

12:07 | 06/12/2013

1,839 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đã và sẽ còn vô số bài báo, cuốn sách nói về Nelson Mandela, một trong những nhà lãnh đạo chính trị vĩ đại nhất của thế giới trong nửa cuối thế kỷ 20. Vào thời điểm ông vừa qua đời sau một thời gian dài tranh đấu với bệnh tật và tuổi già, chỉ xin nhắc đến một vài nét sơ lược về thành tích và di sản của vị danh nhân này.

Ông Nelson Mandela

Nelson Mandela đứng hàng đầu trong những người được kính trọng và tin tưởng nhất trên  thế giới từ khi còn sinh thời. Ông có đầy đủ những phẩm chất của một nhà lãnh đạo xuất chúng, bao gồm từ đức độ, niềm tự tín, tính khiêm nhượng,  tầm viễn kiến tới lòng trắc ẩn, tính vị tha, và chân tình phục vụ.

Thành tích vĩ đại nhất của ông là bằng cuộc đấu tranh bền bỉ theo đường lối bất bạo động, đã chấm dứt được sự phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa apartheid, ở Nam Phi và xây dựng trên đất này một nền dân chủ ổn định. Có thể rằng thế hệ thanh niên dưới 20 tuổi ngày nay không từng trải nghiệm để hiểu biết đầy đủ về  thời kỳ mà sự phân biệt đối xử da trắng da đen là một phần của luật pháp,  từ khi Châu Phi là xứ thuộc địa của các đế quốc thực dân phương Tây và ngay cả khi Nam Phi đã là một quốc gia độc lập. Nhưng Nelson Mandela sống qua giai đoạn đau thương này và bắt đầu hoạt động chính trị từ khi còn là sinh viên đại học luật khoa Johannesburg.

Bằng niềm tin vững chắc rằng “luôn luôn mọi việc đều có vẻ như không thể nào làm được cho đến khi làm được”, lời của ông, Nelson Mandela đã tranh đấu bền bỉ suốt hơn 40 năm với 27 năm tù trong đó 18 năm từ 1964 đến 1982 ở nhà tù Robben Island Prison trên một hải đảo hẻo lánh ngoài khơi Nam Đại Tây Dương.

Cuộc tranh đấu lâu dài ấy không tránh khỏi phải trải qua nhiều chuyển biến phức tạp. Có thời kỳ giới chính trị cánh hữu phê phán ông về chủ trương thân cộng và đồng lõa với hành động khủng bố âm mưu lật đổ chính quyền. Nhưng ông vẫn vững vàng kiên trì tranh đấu và dần dần dư luận quốc tế đều nhìn nhận Nelson Mandela là người có lập trường chống thực dân đế quốc và chống phân biệt chủng tộc. Cho đến cuối cuộc đời, ông đã 250 lần được tuyên dương và nhận lãnh nhiều huy chương, bao gồm giải Nobel Hòa Bình năm 1963, Huân Chương Tự Do của Tổng thống Mỹ và Huân Chương Lenin của Liên Xô.

Năm 1990 sau khi được ra khỏi nhà tù, Nelson Mendela đã khởi sự những cuộc thương lượng với Tổng thống Nam Phi lúc đó là Frederick Willem de Klerk để cuối cùng đạt tới kết quả là cuộc bầu cử tự do đa sắc tộc đầu tiên được tổ chức năm 1994. Cho đến thời điểm ấy khó ai có thể nghĩ rằng sự chuyển đổi theo đường hướng ôn hòa như vậy có thể đạt được tại một đất nước đã có lịch sử lâu dài về bạo lực chủng tộc và chế độ cảnh sát trị đàn áp tàn bạo. Tổng thống de Klerk, người dân da trắng, cùng với Nelson Mandela cùng được giải Hòa Bình Nobel về thành tích hợp tác này.

Trước đó, năm 1993, khi Chris Hani, một lãnh tụ ANC chính đảng của Nelson Mandela, bị nhóm quá khích cánh hữu da trắng ám sát, người ta đã lo ngại rằng xung đột chủng tộc sẽ bùng nổ. Nhưng Mandela đã đưa ra một lời kêu gọi đầy tình cảm: “Bây giờ là lúc để mọi người dân Nam Phi cùng đứng dậy chống lại những kẻ, từ bất cứ đâu, muốn hủy diệt điều mà Chris Hani đã hy sinh đời sống của mình để bảo vệ - đó là tự do cho tất cả chúng  ta”.

 

Chuyển biến tại Nam Phi cũng đã đưa quốc gia này vào con đường xây dựng nền dân chủ, với một trong những bản hiến pháp cấp tiến nhất thế giới, không chỉ cho phép dân da đen quyền bầu cử mà còn mở đường cho họ đi vào những vị trí nắm giữ quyền lực.

Nelson Mandela không để cho hận thù và những tội ác trong dĩ vãng ảnh hưởng đến luật lệ và đường hướng hành động tương lai. Năm 1995, khi đã được bầu làm Tổng thống, ông cho thành lập Ủy Ban Hòa hợp Hòa giải điều tra làm sáng tỏ sự thật về những vi phạm nhân quyền trước kia để thanh thỏa những nỗi bất bình còn tồn tại.

Cùng năm đó, Nam Phi lần đầu tiên tổ chức giải Rugby World Cup, xác định sự thoát khỏi giai đoạn bị tẩy chay trong các sinh hoạt thể thao quốc tế vì chủ nghĩa apartheid. 15 năm sau đó Nam Phi cũng là nước Châu Phi đầu tiên tổ chức thành công FIFA World Cup 2010.

Theo lời nhận định của Charles Fombrun, chủ tịch viện nghiên cứu các danh nhân thế giới,  thì những nhà lãnh đạo dấn thân vào các công tác từ thiện bên ngoài danh tiếng của mình mới thật sự là những nhân vật được kính trọng. Nelson Mandela ở trong số người đó, ông đã lưu lại những di sản bằng việc thành lập nhiều tổ chức nhân đạo như Nelson Mandela Foundation, Nelson Mandela Children’s và 46664. Tổ chức 46664, số tù ngày xưa của ông, là một cơ quan trợ giúp các bệnh nhân lây nhiễm HIV-AIDS, chứng bệnh nguy hiểm có mức phát triển đáng lo ngại ở Châu Phi.

Ông cũng đã từng tuyên bố: “Giáo dục là vũ khí lợi hại nhất mà chúng ta có thể sử dụng để làm thay đổi thế giới”, và khuyên nhủ: ”Mỗi người đều có thể từ hoàn cảnh của họ trỗi dậy và đạt đến thành công nếu họ quyết tâm và thiết tha với những gì họ làm”.

Ghi nhận những nỗ lực vị tha nhân này, năm 2009 Liên Hiệp Quốc tuyên bố lấy ngày 18/7 – ngày sinh nhật của ông– làm Nelson Mandela International Day, ngày công tác phục vụ cộng đồng trên toàn thế giới. 

Nh.Thạch

tổng hợp