Mỹ tính làm gì với Syria?

06:49 | 14/05/2013

663 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chính phủ Mỹ vừa chính thức cáo buộc phe Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học, tức là đã vượt giới hạn đỏ do Mỹ vạch ra. Vậy tiếp sau đây Mỹ sẽ tiến đánh Syria hay còn kịch bản nào khác?

Khi Syria vượt lằn ranh đỏ của Mỹ

“Tôi thấy rõ ràng nhà cầm quyền Syria đã đi quá xa, vượt lằn ranh đỏ mà Tổng thống đã đặt ra, tôi tin rằng đã đến lúc chúng ta phải có hành động cụ thể như chính Tổng thống đã nói” - Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain trình bày trong một cuộc họp báo vừa qua. Tay cầm lá thư Nhà Trắng mới gửi sang cách đó vài giờ đồng hồ, ông McCain cho biết giải pháp Washington phải làm bao gồm nhiều điểm, từ “lập khu vực cấm bay” đến “trợ giúp vũ khí” cho lực lượng nhân dân nổi dậy đang chiến đấu để lật đổ Chính phủ Bashar Al-Assad.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Chuck Hagel nói Syria có sử dụng vũ khí hóa học, nhưng ở mức độ thấp, tại cuộc họp báo ở Abu Dhabi, United Arab Emirates, ngày 25/4

Lá thư gửi từ Nhà Trắng cho các vị nghị sĩ Mỹ là đề tài được nói đến ở thủ đô Washington trong suốt tuần qua. Với lời lẽ rất thận trọng, thư cho hay tin tức tình báo Mỹ xác nhận chính quyền Damas sử dụng vũ khí hóa học “ở mức độ nhỏ” trong những cuộc giao tranh với lực lượng nổi dậy, ghi rõ chất độc giết người là chất sarin. Như vậy sau Pháp, Anh và Israel, Mỹ là nước thứ tư xác nhận chuyện quân đội Syria đã sử dụng vũ khí hóa học. Hồi tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Obama tuyên bố, việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria sẽ là một “lằn ranh đỏ” và nếu vạch đỏ này bị vượt qua thì nó có thể “làm thay đổi đáng kể những tính toán của Mỹ”.

Với bằng chứng trong tay, Washington sẽ làm gì?

“Chúng ta phải thật thận trọng” là điều những viên chức thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói với báo chí ngay sau khi lá thư gửi cho Quốc Hội được công bố, nhắc lại chuyện hồi 2003, Tổng thống George W. Bush từng dựa vào những tài liệu tình báo để mở cuộc chiến Iraq, sau đó mới biết các tin tình báo ông được báo cáo không đúng với sự thật. “Ðương nhiên chúng ta đều muốn ông Al-Assad phải ra đi, chính Tổng thống cũng nhiều lần nói đến điều này, nhưng phải rất thận trọng” giải thích thêm “tin tình báo là một chuyện, thực tế thế nào là điều chúng ta phải biết rất rõ trước khi Tổng thống quyết định bước kế tiếp đối với Syria”, với cuộc chiến kéo dài đã hơn 2 năm giết chết ít nhất 70.000 người.

Ngay từ những ngày đầu của cuộc nội chiến ở Syria, Tổng thống Obama đã lắc đầu với những đề nghị của Hội đồng An ninh Quốc gia về kế hoạch “tham dự trực tiếp”. Tin từ Nhà Trắng cho biết không chỉ lắc đầu với những đề nghị đến từ lập pháp, “Tổng thống cũng không chấp nhận các ý kiến của những nhân vật thân cận và quan trọng nhất trong chính phủ”, trong đó có ý kiến của bà Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta. Giới thạo tin tại Washington cho biết “cả bà Clinton lẫn ông Panetta đều muốn giúp vũ khí cho lực lượng nổi dậy nhưng Tổng thống Obama không ủng hộ, đưa ra 2 lý do: thứ nhất không biết rõ thành phần lãnh đạo nổi dậy của Syria là những ai, thứ nhì là ông lo ngại vũ khí do Mỹ cung cấp sẽ lọt vào tay nhóm Hồi giáo quá khích, có thể có liên hệ đến khủng bố Al-qaeda”.

Tổng thống Obama trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 30/4/2013. Ông nói cần thêm thông tin thực tiễn về vũ khí hóa học ở Syria

Quyết định của Tổng thống Obama đã tạo nhiều tranh cãi ở Thượng lẫn Hạ viện, nhiều vị dân cử Cộng hòa lẫn Dân chủ đều lên tiếng cho rằng chỉ vì Washington không can dự trực tiếp vào Syria nên ông Al-Assad có cơ hội tiếp tục nắm quyền. Trong thông cáo mới đưa ra, Chủ tịch Hạ viện John Boehner tin rằng đã đến lúc Tổng thống phải có quyết định cứng rắn hơn đối với chính quyền Al-Assad, “phải nói chuyện với Quốc hội và với người dân Mỹ về những biện pháp cần làm để chấm dứt chế độ ở Damas”.

Ngày 7/5, hai ngoại trưởng Mỹ và Nga thông báo kế hoạch làm trung gian tại một hội nghị quốc tế để chấm dứt chiến tranh ở Syria. Hội nghị này dự kiến sẽ được tổ chức trong vài tuần lễ tới nhằm đưa chính phủ và phe nổi dậy ở Syria gặp nhau.

Ðề nghị của ông Chủ tịch Hạ viện được sự tán đồng của bà nghị sĩ Dianne Feinstein, một trong những đồng minh chính trị của Tổng thống Obama. Bà Chủ tịch Ủy ban Tình báo thượng viện nói “Damas đã vượt qua giới hạn Tổng thống Obama vạch ra, cần phải có biện pháp cấp thời để ngăn chặn, không để ông Al-Assad đi xa hơn nữa”. Không chỉ gây áp lực với Nhà Trắng, bà Feinstein còn yêu cầu cộng đồng thế giới cùng làm việc chung, đừng quên ông Al-Assad “có cả một kho vũ khí hóa học rất lớn”.

Cho đến nay, hành pháp Mỹ vẫn chưa chính thức trả lời đòi hỏi của lập pháp, dù cho biết “tất cả các giải pháp đối với Syria vẫn được đặt trên bàn của Tổng thống” và Washington “vẫn làm việc rất chặt chẽ với các đồng minh”. Nói chuyện trước các đại diện NATO, Ngoại trưởng John Kerry cũng không nói những biện pháp nào đang được Mỹ cân nhắc, chỉ tuyên bố rằng cộng đồng thế giới “thận trọng, cùng nhau nghĩ những gì NATO phải làm để bảo vệ an ninh cho các nước đồng minh trước những đe dọa đến Syria, kể cả đe dọa sử dụng vũ khí hóa học”.

Xác động vật bị dân Syria cho rằng chết vì vũ khí hóa học tại Khan al-Assal, Syria, ngày 23/3/2013

Một viên chức thân cận với Tổng thống Obama tiết lộ trong một buổi phúc trình an ninh mới đây, Tổng thống được thông báo, có nhiều khả năng vũ khí hóa học được Chính phủ Al-Assad sử dụng trước, sau đó lực lượng nổi dậy cũng dùng loại vũ khí này để trả đũa. Cũng theo viên chức này, “Tổng thống chỉ thị phải thu thập thêm chứng cứ và chờ đến khi Liên Hiệp Quốc kết thúc cuộc điều tra” lúc đó ông mới có quyết định phải làm gì.

Quyết định của Tổng thống Obama được Thượng nghị sĩ Dân chủ Bill Nelson của tiểu bang Florida ủng hộ. “Tôi hoàn toàn đồng ý là ông Al-Assad phải ra đi, nhưng tôi nghĩ Mỹ không vội can dự trực tiếp vào Syria, chúng ta nên chờ cho khi có tin tức chắc chắn về chuyện chính quyền Syria dùng vũ khí hóa học, sau đó hẵng tìm giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho thành phần chống đối”.

Lý giải về sự thay đổi thái độ của chính quyền Obama với vấn đề Syria, một chuyên gia về Syria tại Mỹ nhận định, quan điểm của Mỹ đã có thay đổi hướng về giải pháp đàm phán. Chuyên gia này nói rõ: “Từ khi được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng, ông John Kerry đã thuyết phục Nhà Trắng hiểu rằng chính sách trước đây đối với Syria là không hiệu quả, nên phải thay đổi. Ông John Kerry và Nhà Trắng hiện muốn tạo ra những điều kiện cho quá trình đàm phán. Thế là, ông Obama đang tạo ra tình cảnh để chính quyền Al-Assad cảm thấy là đang rất mỏng manh”.

Trong lúc này, cuộc khủng hoảng ở Syria có nguy cơ trở thành xung đột khu vực sau khi lãnh đạo phong trào Hồi giáo Hezbollah nói đến khả năng can thiệp trực tiếp của Iran và Hezbollah vào Syria để bảo vệ chế độ của Tổng thống Bachar al-Assad khỏi bị sụp đổ.

Các vụ không kích của Israel lên lãnh thổ Syria và khả năng sử dụng vũ khí hóa học bởi quân chính phủ hay quân nổi dậy đang khiến phương Tây lo ngại rằng, chiến sự sẽ biến cả khu vực Trung Đông thành một Hỏa Diệm Sơn mới.

Trong khi đó, phía Mỹ vẫn chưa có động thái gì mới ngoài thái độ thận trọng với khả năng can thiệp quân sự vào Syria. Việc một ủy viên Liên Hiệp Quốc khẳng định rất có thể phe nổi dậy đã sử dụng vũ khí hóa học đã khiến cho Nhà Trắng bối rối, không biết bước kế tiếp phải làm gì. Giới quan sát nhận định, sự trì hoãn của ông Obama trên hồ sơ Syria thể hiện sự bất lực và thiếu vắng một đường lối ngoại giao rõ ràng. Hành động trì hoãn của ông Obama đang là chủ đề châm biếm trên các tờ báo Mỹ. Đối với báo giới, “lằn ranh đỏ” của ông Obama giờ được hiểu như là những đường chấm chấm.


H.Phan