Mỹ-Philippines thảo luận sử dụng chung căn cứ quân sự

07:26 | 17/07/2013

520 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Philippines đang thảo luận với Mỹ kế hoạch chia sẻ các cơ sở hạ tầng quân sự ở Vịnh Subic ở miền Trung Luzon.

Buổi đàm phán không chính thức giữa Philippines và Mỹ về vấn đề sử dụng chung căn cứ quân sự ở Subic

Đại sứ Philippines ở Mỹ Jose Cuisia thông báo kế hoạch này ngày 16/7. Ông nói chính phủ Philippines đang nghiên cứu đề xuất phát triển cơ sở hạ tầng hải quân và không quân ở Vịnh Subic và sử dụng chúng cùng với quân đội Mỹ.

Ông nói các quan chức cấp cao của cả hai nước đang thảo luận vấn đề này trong các cuộc hội đàm không chính thức.

Đại sứ Cuisia nói đang nghiên cứu Hiệp định về các lực lượng Viếng thăm, là hiệp định mà từ năm 2002 đã cho phép một đơn vị khoảng 500 binh sĩ của Mỹ luân phiên trú đóng tại khu vực xáo trộn trên đảo Mindanao, là nơi nhóm Abu Sayyaf có liên hệ với al-Qaida đang hoạt động.

“Tôi xin nhấn mạnh là bất cứ việc gì chúng tôi thỏa thuận cũng phải có lợi cho Philippines vì nếu không có lợi cho chúng tôi, chúng tôi sẽ không đồng ý. Thỏa thuận phải có lợi cho cả hai bên”.

Đại sứ Cuisia nói bất cứ việc dùng chung những căn cứ nào cũng sẽ phải nằm trong khuôn khổ Hiến pháp Philippines.

Subic từng là một trong những căn cứ lớn nhất của Mỹ ở châu Á, cách Manila khoảng 80 km về phía Bắc, nhưng sau đó bị thu hồi và trả về cho Philippines vào năm 1992. Khu vực này sau đó được phát triển thành đặc khu kinh tế.

Theo kế hoạch hiện nay, sẽ có thêm nhiều binh sĩ Mỹ lui tới các căn cứ của Philippines và các thiết bị quân sự Mỹ sẽ được bố trí để sẵn sàng được sử dụng tại những căn cứ như vậy. Một số trang thiết bị sẽ được chọn ra từ các khí tài được đưa khỏi Afghanistan cũng như Iraq.

Đại sứ Cuisia nói đề nghị sẽ hỗ trợ cho những nỗ lực của Philippines nhằm thành lập một lực lượng “phòng vệ có thể tin cậy được ở mức tối thiểu” và giúp củng cố an ninh biển và nắm vững tình hình trên biển.

Tuy nhiên, đại sứ Cuisia nhấn mạnh là có sự hiện diện của lực lượng Mỹ không có nghĩa là giải quyết được những mối đe dọa của bất cứ quốc gia cá biệt nào.

Ông Carl Baker, giám đốc chương trình của Diễn đàn Thái Bình Dương của trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế có trụ sở tại Washington nói kế hoạch chia sẻ căn cứ sẽ giống như chương trình Lực lượng Đặc nhiệm Chung tại Mindanao.

“Tôi nghĩ đây là mô hình mà hai nước đang theo đuổi. Nhờ đó hai bên có thể đưa binh sĩ đến những căn cứ này trên căn bản thường xuyên nhưng không gọi đó là “căn cứ thường trực”.

Ông Baker nói bằng cách tiếp nhận lực lượng Mỹ, Philippines muốn chứng tỏ cho thế giới là Mỹ chuẩn bị thi hành những cam kết của Hiệp ước Phòng thủ Chung giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, Mỹ vẫn giữ vị thế trung lập đối với vụ tranh chấp lãnh thổ tại Biển Ðông cũng như tại các nơi khác. Ông Baker nói các giới chức Mỹ muốn tiếp cận các căn cứ dùng cho lực lượng không và hải quân tại Đông Nam Á.

Đại sứ Cuisia nói đề nghị vẫn còn đang trong tình trạng “thảo luận không chính thức” và nhiều bộ khác nhau đang chờ Tổng thống Benigno Aquino cho phép để tham gia những cuộc thảo luận chính thức. Tổng thống Aquino đã cho thấy là ông tán thành kế hoạch này và đại sứ Cuisia xác nhận Philippines muốn có một hiệp định được ký kết trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Aquino chấm dứt vào năm 2016.

Các nhà phân tích cho biết, chính phủ Philippines hy vọng tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông, đang ngày càng căng thẳng.

Th.Long (Theo AP)