Máy bay, tàu chiến Mỹ - Trung đã chạm trán trên Biển Đông

13:47 | 21/05/2015

6,948 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tàu chiến, máy bay của Mỹ và Trung Quốc đã chạm trán ngay ở khu vực gần quần đảo Trường Sa, nơi Chính quyền Bắc Kinh đang cho bồi đắp trái phép những hòn đảo ở Biển Đông.

Máy bay, tàu chiến Mỹ-Trung đã chạm trán trên Biển Đông

Máy bay do thám P8-A Poseidon của Mỹ

Một bản tin của đài truyền hình Mỹ CNN ngày 20/5 cho hay Hải quân Trung Quốc hôm 19/5 đưa ra cảnh cáo 8 lần đối với một máy bay do thám của Mỹ, đang bay thấp xuống trên quần đảo Trường Sa, nơi mà Bắc Kinh đang xây dựng và bồi đắp một số đảo.

Michael Morell, cựu Phó giám đốc CIA, nói với phóng viên Erin Burnett của CNN rằng sự đối đầu này cho thấy hoàn toàn có thể có một cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai.

CNN cho hay, lần đầu tiên, Lầu Năm Góc cho một số phóng viên của họ được đi trên các chuyến bay do thám này, để tạo sự chú ý của công luận về những thách thức trong khu vực và phản ứng ngày càng gia tăng của Mỹ.

Trên chiếc máy bay P8-A Poseidon, loại máy bay do thám và săn tìm tàu ngầm tối tân nhất của Mỹ, các phóng viên của CNN nhanh chóng nhận ra sự không hài lòng của Trung Quốc.

“Đây là Hải Quân Trung Quốc... Đây là Hải Quân Trung Quốc...Làm ơn đi khỏi chỗ khác...để tránh hiểu lầm”, một giọng nói bằng tiếng Anh nghe lốp bốp qua radio trên chiếc máy bay do thám của Mỹ, theo tường thuật của CNN.

Đây là lần đầu tiên Lầu Năm Góc công khai băng video cho thấy các hoạt động xây dựng của Trung Quốc và cho nghe những âm thanh thách thức máy bay Mỹ, theo CNN.

Lúc đó, chiếc P8-A Poseidon đang bay ở độ cao 15.000 foot, tức là thấp nhất. Tuy nhiên, quân đội Mỹ đang tính sẽ bay gần các hòn đảo hơn, cũng như sẽ cho tàu chiến đi sát khu vực các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền 12 hải lý, như là một hành động khẳng định sức mạnh của Mỹ trong khu vực.

Công việc do thám của Mỹ hôm 19/5 đặc biệt theo dõi các hoạt động của Trung Quốc trên ba hòn đảo mà cách đây vài tháng chỉ là những rặng san hô, không trồi lên khỏi mặt nước biển. Bây giờ, những đảo này đã được bồi đắp và đều có các công trình xây dựng mà Mỹ lo ngại sẽ được sử dụng như các vị trí quân sự sau này.

Ông Morell cảnh báo rằng, với những gì Trung Quốc đang làm, trong đó có hiện đại hóa và gia tăng hoạt động của quân đội, có thể “tạo một sự đối đầu thật sự, một sự kiện tệ hại xảy ra”.

Trong khi đó, trong một cuộc hội thảo ở thủ đô Jakarta của Indonesia, ông Antony Blinken, phụ tá ngoại trưởng Mỹ, cảnh cáo rằng “hành động làm đảo nhân tạo ở Trường Sa của Trung Quốc đe dọa tự do hải hành và sự ổn định, có nguy cơ gây căng thẳng dẫn đến xung đột tại khu vực Biển Đông”. Ông Blinken nói: “Khi Trung Quốc đang muốn xây dựng chủ quyền lãnh thổ từ các lâu đài cát và vẽ vạch lại hải phận, họ làm xói mòn lòng tin cậy lẫn nhau ở khu vực và tổn hại niềm tin của giới đầu tư”.

Cuối tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Bắc Kinh khuyến cáo Trung Quốc nên hành động giảm bớt sự căng thẳng. Tuy nhiên, qua phản ứng của ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung quốc, Bắc Kinh nhất quyết bảo vệ chủ trương xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa và lợi ích của họ tại đó “cứng như đá”.

“Chúng ta cần quản lý các tranh chấp tuyên bố chủ quyền bằng phương thức ngoại giao. Chúng tôi (Mỹ) không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp nhưng chống đối mạnh mẽ các hành động nhắm lấn át các nước khác bằng vũ lực hay đe dọa”- ông Blinken nói.

Trong khi đó hãng tin Bloomberg News hôm 20/5 trích lời Đô đốc Michelle Howard, Phó Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, cho hay là tàu tác chiến tuần duyên USS Fort Worth gần đây đã gặp một tàu quân sự của Trung Quốc ở khu vực gần quần đảo Trường Sa.

Đô đốc Howard nói rằng Mỹ đã thỏa thuận với Trung Quốc về việc sử dụng các quy tắc ứng xử cho những cuộc gặp bất ngờ trên biển để tránh xảy ra đụng độ giữa hai bên. Những quy tắc đó đã được hai tàu tác chiến nói trên sử dụng khi gặp nhau trong lúc tuần tra.

USS Fort Worth là chiếc tàu tác chiến tuần duyên đầu tiên của Mỹ được điều đến Biển Đông để tuần tra tại vùng biển chung quanh quần đảo Trường Sa.

Nhưng nữ Đô đốc Mỹ không nói rõ là chiếc USS Fort Worth đã đi vào phạm vi 12 hải lý (22 km) chung quanh quần đảo Trường Sa hay không. Bà cũng không cho biết chi tiết của vụ chạm trán giữa hai tàu tác chiến Mỹ-Trung.

Những quy tắc về gặp nhau bất ngờ trên biển chắc chắn là sẽ được sử dụng nhiều hơn, bởi vì Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter chủ trương mở rộng tuần tra trên vùng Biển Đông, kể cả khu vực trong phạm vi 12 hải lý chung các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng trên quần đảo Trường Sa.

Kế hoạch này là nhằm bảo đảm quyền tự do lưu thông hàng hải và là một chiến dịch mà Mỹ thường xuyên tiến hành. Năm ngoái, Mỹ đã tiến hành chiến dịch tự do hàng hải đối với 19 quốc gia, trong đó có Indonesia, Philippines...

Theo Bloomberg News, nữ Đô đốc Howard cho rằng đã đến lúc Trung Quốc phải giải thích rõ mục tiêu của các công trình bồi đắp, mở rộng đảo ở Biển Đông.

Nh.Thạch

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc