LHQ thông qua Hiệp ước mua bán vũ khí lịch sử

07:00 | 05/06/2013

674 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Khoảng 60 nước đã ký Hiệp ước Mua bán Vũ khí (ATT) tại Liên hiệp quốc hôm qua. Đây là hiệp định quốc tế đầu tiên dành cho việc quản lý công cuộc mua bán vũ khí qui ước trên thế giới. Nga, Trung Quốc và Mỹ nằm trong số những nước đã không ký kết hiệp ước này.

Các nhà hoạt động cho biết hơn nửa triệu người trên thế giới bị giết chết mỗi năm bởi những vụ bạo động vũ trang. Họ hy vọng rằng con số vừa kể có thể giảm bớt qua việc thực thi các tiêu chuẩn quốc tế về mua bán vũ khí.

Anna MacDonald, người đứng đầu chương trình Kiểm soát Vũ khí của tổ chức Oxfam, nói rằng hiệp ước này cũng giúp cho những vụ mua bán khí giới có tính chất minh bạch nhiều hơn.

Bà MacDonald cho biết: "Thế giới đã đoàn kết với nhau và nói “đủ rồi” với những tay môi giới vũ khí bất lương, những kẻ độc tài và những người chà đạp nhân quyền. Chúng tôi có một thông điệp rõ ràng cho những người đó: thời kỳ mà các ông có thể tiếp cận khí giới và đạn dược một cách dễ dàng đã chấm dứt. Thế giới đang theo dõi và thế giới sẽ buộc các ông phải chịu trách nhiệm”.

Các nhà hoạt động tuần hành ủng hộ hiệp ước mua bán vũ khí toàn cầu tại New Delhi, Ấn Độ.

Hồi tháng 4/2013, trong cuộc biểu quyết với kết quả 154 phiếu thuận 3 phiếu chống và 22 phiếu trắng, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã phê chuẩn Hiệp ước Mua bán Vũ khí. Chỉ có Syria, Iran và Triều Tiên bỏ phiếu chống.

Sau các cuộc thương thuyết kéo dài 10 năm, hiệp ước này sẽ trở thành một phần của luật pháp quốc tế và bắt đầu có hiệu lực trong vòng 90 ngày sau khi có 50 nước ký kết và phê chuẩn. Bà MacDonald cho biết quá trình này có thể mất khoảng 2 năm.

Trong số các nước ký kết hiệp ước, có một số nước là những nước cung ứng vũ khí nhiều nhất thế giới, trong đó có Anh, Pháp và Đức. Thứ trưởng Ngoại giao Anh, ông Alistair Burt, đã thay mặt chính phủ ký kết hiệp ước. Ông nói rằng nhờ có hiệp ước này mà thế giới sẽ an toàn hơn.

Ông Burt nói: "Đây là một ngày lịch sử đối với Liên hiệp quốc và đối với những người liên hệ tới các hoạt động kiểm soát vũ khí quốc tế, bởi vì sau khi được ký kết, phê chuẩn và chấp hành, hiệp ước này sẽ tạo ra một sự khác biệt đối với sự cung ứng vũ khí cho những tình huống mà vũ khí có thể đưa tới những vụ vi phạm nhân quyền hoặc vi phạm luật lệ nhân đạo quốc tế”.

Nga, Trung Quốc và Mỹ nằm trong số những nước đã không ký kết hiệp ước này.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết chính phủ của Tổng thống Barack Obama sẽ ký hiệp ước ngay sau khi văn kiện này được dịch sang tất cả các ngôn ngữ chính thức của Liên hiệp quốc. Theo dự liệu, quá trình này sẽ mất chừng ba tháng. 

Sau đó hiệp ước sẽ được trình cho Thượng viện để xin phê chuẩn, và theo dự kiến, các tổ chức ở Mỹ chuyên tranh đấu cho quyền sở hữu súng ống sẽ ra sức vận động để ngăn không cho hiệp ước được phê chuẩn.

Ông Brian Wood, người đứng đầu chương trình Kiểm soát Vũ khí và Nhân quyền của Hội Ân xá Quốc tế, cho biết sự ký kết sẽ khuyến khích các nước khác tham gia hiệp ước.

Ông Wood nói: "Mỹ là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Nếu họ nắm lấy thời cơ và dấn bước đi đầu, quí vị sẽ thấy hầu như tất cả các nước khác sẽ đi theo”.

Kim ngạch mua bán vũ khí toàn cầu mỗi năm lên tới 85 tỉ USD. Qua việc ký kết hiệp ước này, các nước đồng ý quản lý mọi hoạt động chuyển giao của tất các loại vũ khí qui ước, đạn được cùng với các loại linh kiện, phụ kiện. Họ cũng đồng ý không xuất khẩu những sản phẩm này tới những nơi mà chúng có thể được dùng để phạm tội ác chiến tranh, diệt chủng hoặc tấn công thường dân. Đồng thời, hiệp ước này cũng bảo vệ những hoạt động mua bán hợp pháp, cho phép các nước tiếp cận và thủ đắc những loại khí giới để tự vệ.

Nh.Thạch (Theo AFP)