Lật lại hồ sơ Bạc Hy Lai: Từ chính trường đến tù ngục (Phần II)

07:00 | 23/08/2013

1,485 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhân vật xuất sắc với nền tảng gia đình là danh gia vọng tộc, một tương lai xán lạn và những tưởng con đường công danh thênh thang rộng mở, giờ đây lại là bị cáo của một phiên tòa gây rúng động dư luận trong và ngoài nước...

>> Lật lại hồ sơ Bạc Hy Lai: Từ chính trường đến tù ngục (phần I)

3. “Giàu vì bạn, tàn vì... vợ”!

Sẽ không hề khoa trương khi nói Bạc Hy Lai là một chính khách đào hoa, nhất là khi ông sớm chứng tỏ được tài năng và được nhiều người ngưỡng mộ. Người vợ đầu của Bạc là bà Lý Đan Vũ, con gái cựu Bí thư Bắc Kinh Lý Tuyết Phong. Ông Bạc và bà Lý có một người con trai trước khi ly hôn.

Phu nhân của cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai - bà Cốc Khai Lai

Cốc Khai Lai - người vợ thứ hai của Bạc Hy Lai sinh ngày 15/1/1958, là một nữ luật sư và nhà kinh doanh người Trung Quốc. Bà là con gái út trong số các con gái của nhà cách mạng Cốc Cảnh Sinh, người từng giữ các chức vụ khác nhau trong chính phủ Trung Quốc trước khi bị ngồi tù vào giai đoạn Cách mạng Văn hóa.  

Cốc Khai Lai tốt nghiệp cử nhân luật sau đó là Thạc sĩ chính trị quốc tế tại Đại học Bắc Kinh. Năm 1984, bà có chuyến du khảo ở thành phố Đại Liên, nơi ông Bạc công tác và họ quen biết nhau. Bạc Hy Lai và Cốc Khai Lai kết hôn 2 năm sau đó và năm 1987, bà sinh con trai Bạc Qua Qua.

Từ năm 1987, bà làm luật sư, thành lập công ty riêng và nổi tiếng nhờ là luật sư Trung Quốc đầu tiên thắng kiện ở một tòa án Mỹ, bà đã viết hai cuốn sách về vụ thắng kiện này sau này trở thành sách bán chạy ở Trung Quốc.

Cốc Khai Lai từng được mệnh danh là “Jackie Kennedy của Trung Quốc” bởi trí tuệ, vẻ đẹp và sự quyến rũ tỏa ra nơi bà. Bởi thế, cho đến tận bây giờ, người ta vẫn thắc mắc tại sao người phụ nữ đẹp, trí tuệ, thông hiểu pháp luật như Cốc Khai Lai lại có thể ra tay với doanh nhân người Anh Neil Heywood, để rồi nhận án tử hình treo tháng 8 năm ngoái.

Một luật sư người Mỹ từng làm việc với Cốc Khai Lai nhận định, phu nhân của cựu Bí thư Trùng Khánh là một phụ nữ xinh đẹp, quyến rũ, lôi cuốn và hài hước – như nhận định chung của nhiều người.

Những người biết bà Cốc trong thời gian bà sống tại Anh vào những năm 1990 miêu tả vợ cựu Bí thư Trùng Khánh là một phụ nữ xinh đẹp, có sức lôi cuốn đặc biệt đối với đàn ông.

Có lẽ với vẻ ngoài và sự thông tuệ của mình mà Cốc Khai Lai đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của doanh nhân người Anh Neil Heywood. Nhiều nguồn tin khẳng định phu nhân của ông Bạc và Heywood thân thiết tới nỗi họ giống như “một cặp đôi ăn ý” trong thời gian bà Cốc nghỉ tại khu nghỉ dưỡng thơ mộng ở Dorset.

Tóm lại, trước khi “xung đột sâu sắc” với doanh nhân người Anh vì quyền lợi kinh tế (?) thì Cốc Khai Lai được xem là một người phụ nữ đẹp, quyến rũ nhiều đàn ông mà bà từng gặp.

Tất cả chỉ thực sự đổ bể khi tháng 3/2012, Vương Lập Quân – cánh tay phải của Bạc Hy Lai từng được nhắc đến ở trên, đã đến lãnh sự quán Mỹ xin tị nạn. Vương Lập Quân đã đưa ra bằng chứng về một bê bối tham nhũng, trong đó cáo buộc Bạc Hy Lai đã lạm dụng chức quyền để bao che cho vợ mình. Đặc biệt, cựu Cảnh sát trưởng Trùng Khánh họ Vương còn nói rằng bà Cốc đã vướng tới một cuộc tranh cãi làm ăn với doanh nhân Anh Neil Heywood, người qua đời tại Trùng Khánh hồi năm ngoái và Vương cho rằng doanh nhân này đã bị đầu độc.

Mối quan hệ giữa Heywood và Cốc Khai Lai đã vỡ lở thực sự khi những cuộc hẹn hò lãng mạn của họ tại các nhà hàng địa phương được lan ra. Cuối cùng, tại phiên tòa tháng 8/2012, phu nhân của cựu Bí thư Trùng Khánh đã cúi đầu thừa nhận trước tòa bà đã chuốc rượu ông Heywood trước khi đầu độc ông bằng cyanide ở một căn phòng khách sạn tại thành phố Trùng Khánh, mặc dù hành động này được bà Cốc và các luật sư biện hộ cho là cách để đối phó trước những đe dọa của ông Neil Heywood đến tính mạng của con trai, Bạc Qua Qua.

Tòa án Trung Quốc ngày 20/8/2012 đã tuyên án tử hình đối với bà Cốc Khai Lai nhưng hoãn thi hành án trong 2 năm. Trương Hiểu Quân, nhân vật đã hỗ trợ bà Cốc đầu độc ông Neil Heywood bị tuyên án 9 năm tù giam vì tội đồng lõa.

4. Phía cuối con đường

Khuôn mặt cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai tại một cuộc họp ở Bắc Kinh tháng 3/2012, trước khi bị bắt

Cái chết của doanh nhân người Anh Neil Heywood và bản án mà Cốc Khai Lai phải nhận đã báo trước một hồi kết thảm bại cho nhân vật từng được xem là đầy triển vọng của chính trường Trung Quốc.

Mặc dù không có bằng chứng nào về những sai sót liên quan đến anh chị em ruột của Bạc Hy Lai, nhưng theo các tài liệu thống kê, kể từ khi ông Bạc bị tước bỏ mọi chức vụ hồi tháng 4/2012, ông và những người thân trong gia đình có liên quan đến khối tài sản khổng lồ lên đến 120 triệu USD.

Thường thì đối với các vụ án xét xử trước đây dành cho các chính trị gia, Trung Quốc thường không công khai và chỉ công khai kết quả xét xử. Nhưng, Bạc Hy Lai lại được xem là người “được lòng dân”, nếu quá trình xét xử không được công khai thì nhiều người sẽ suy diễn rằng việc lật đổ ông Bạc là một âm mưu chính trị. Còn nếu các chứng cứ về tội danh giết người, tham nhũng, nhận hối lộ của ông Bạc và người thân quá đầy đủ, chi tiết, thì người ta lại thầm tiếc nuối cho một nhân vật đã được kỳ vọng nhiều đến vậy, con đường công danh tưởng chừng đã trải rộng trước mắt.

Hương Mai (Tổng hợp)