Lần đầu tiên Mỹ nhận “sai sót” trong do thám

07:00 | 02/11/2013

439 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sau 10 ngày với những phát hiện và cải chính giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu, lần đầu tiên một quan chức chính phủ Mỹ công nhận hành động nghe lén điện thoại và thu thập dữ liệu từ châu Âu của NSA đang gây tranh cãi.

*Làn sóng phẫn nộ lan sang châu Á

Ngoại trưởng John Kerry nhìn nhận tình báo Mỹ "đi quá xa"

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong một hội nghị truyền hình tại Luân Đôn hôm 31/10 nói rằng các hoạt động theo dõi của Mỹ đã “đi quá đà” trong một số trường hợp, và hứa là điều đó sẽ không xảy ra nữa. Ông Kerry tuyên bố: “Trong một số trường hợp, tôi xin công nhận – cũng như Tổng thống Obama đã làm – một số hành động đã đi quá xa, và chúng tôi cam đoan điều này sẽ không còn xảy ra trong tương lai”.

Đây là lần đầu tiên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhìn nhận như trên, trong lúc Washington đang bị châu Âu chỉ trích về việc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) thu thập lượng thông tin khổng lồ.

Ngoại trưởng John Kerry cố gắng chứng minh các hoạt động tình báo và thu thập thông tin là cần thiết cho công cuộc đấu tranh chống khủng bố và phòng ngừa các vụ tấn công. Nêu ra các sự kiện ngày 11/9/2001, các vụ tấn công ở Madrid tháng 3/2004 và tại Luân Đôn tháng 7/2005, ông Kerry cam đoan từ đó đến nay chính quyền Mỹ đã dập tắt được nhiều âm mưu khủng bố, nhờ vào việc nghe lén và tìm kiếm thông tin.

Ông khẳng định: “Chúng tôi đã ngăn cản khiến những chiếc máy bay không phải rơi, những tòa nhà không bị nổ tung và người dân bị sát hại, vì biết trước được các âm mưu này”.

Ngoại trưởng Mỹ cam đoan với châu Âu là “trong tiến trình này, những người vô tội không hề bị oan”. Tuy nhiên, ông nhìn nhận “trong một số trường hợp cũng đã đi quá xa một cách không thích hợp” và cam đoan rằng Tổng thống Obama “kiên quyết làm sáng tỏ”, “sẽ xem xét lại” cung cách làm việc.

Dù vậy, trong tuần này lại có thêm những tiết lộ mới. Theo Washington Post, NSA thu thập dữ liệu của hàng trăm triệu người sử dụng Google và Yahoo! Tờ báo dẫn tài liệu của cựu nhân viên tình báo Edward Snowden cho biết chương trình mang tên “MUSCULAR” tiến hành với tình báo Anh GCHQ đã giúp lấy được các dữ liệu từ cáp quang của hai người khổng lồ internet.

Từ mười ngày qua, nhiều tờ báo lớn của Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý đã đăng tin NSA nghe lén hàng loạt cuộc gọi cũng như lấy dữ liệu của các đồng minh châu Âu, trong đó có cả Thủ tướng Đức Angela Merkel. Tổng thống Mỹ Obama từ chối phát biểu về đề tài này, vì lý do an ninh quốc gia.

Tướng Keith Alexander, Giám đốc NSA thì cải chính, nói là chỉ liên quan đến các “hoạt động quân sự” tại các nước thành viên NATO, và còn cho rằng tình báo châu Âu đã tranh thủ các thông tin này trước khi cung cấp cho NSA.

Cuộc tranh cãi còn lan đến châu Á. Indonesia đã triệu mời đại sứ Úc về cáo buộc sử dụng đại sức quán Úc ở Jakarta cho hoạt động gián điệp.

Không riêng gì Indonesia, Malaysia cũng yêu cầu sứ quán Úc tại Kuala Lumpur làm sáng tỏ việc giúp tình báo Mỹ nghe trộm.

Trái với thái độ gay gắt nói trên của Indonesia và Malaysia, Thái Lan và Campuchia đã tỏ ý coi nhẹ vấn đề. Theo Bangkok, tiết lộ của giới truyền thông không có cơ sở, trong lúc Phnom Penh cho là các tiết lộ này không có gì mới mẻ. Người phát ngôn của chính phủ Campuchia, Khieu Kanarith, cho là Mỹ đã sử dụng hệ thống theo dõi điện tử từ lâu rồi, cho nên các thông tin hiện nay không có gì đáng ngạc nhiên.

Về phần Trung Quốc, một trong những đối tượng chủ chốt bị tình báo Mỹ theo dõi, Bắc Kinh vào hôm qua đã bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chính thức đòi Mỹ phải làm sáng tỏ và giải thích vấn đề.

Trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu: “Phái bộ ngoại giao các nước bạn và nhân viên của họ tại Trung Quốc tuân thủ các hiệp định quốc tế, không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào đe dọa an ninh và lợi ích của Trung Quốc”.

Vào hôm qua, thông qua các phương tiện báo chí, Bắc Kinh đã gia tăng sức ép, đòi Mỹ rút nhân viên tình báo của mình về nước. Tờ China Daily chẳng hạn, đã nhắc nhở rằng hoạt động của các điệp viên Mỹ tại Trung Quốc “về bản chất là phi pháp và không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao”.

Trong bài xã luận của mình, tờ báo không ngần ngại thẩm định: “Đối với nhiều người Mỹ, bất chấp các lập luận chính thức về quan hệ đối tác, Trung Quốc ít ra cũng là một đối thủ cạnh tranh tiềm tàng, nếu không muốn nói là kẻ thù”.

>> Nhiều nước châu Á bị Mỹ nghe lén

>> Mỹ đặt 80 tổ nghe trộm trên thế giới

>> Hàn Quốc chất vấn Mỹ về vụ nghe lén lãnh đạo

Nh.Thạch

tổng hợp