Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông:

Lại sợ mất quyền lợi

07:00 | 27/12/2013

2,720 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc Tổng thống Barack Obama chính thức đề cử Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Max Baucus thay thế Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke (20/12) cho thấy, Washington muốn “mạnh tay” hơn với Bắc Kinh trong các vấn đề song phương, khu vực, cũng như thế giới thời gian tới. Bởi ông Max Baucus, 72 tuổi (Chủ tịch Ủy ban Tài chính của Thượng viện, chịu trách nhiệm về thương mại và thuế) là một trong những người đã viết thư gửi Tổng thống Barack Obama (tháng 7) yêu cầu Trung Quốc phải ngăn chặn hoạt động đánh cắp các sáng chế, cũng như hoạt động tin tặc từ nước này nhằm vào các công ty Mỹ, khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới thiệt hại hơn 300 tỉ USD/năm.

Năng lượng Mới số 285

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh - Washington - Tokyo đang ở vào tình thế nhạy cảm, nhất là khi có nhiều người cho rằng, Trung - Nhật đã qua điểm khó quay trở lại và đối đầu song phương ngày càng sâu sắc. Khi trả lời phỏng vấn báo chí Mỹ hôm 20/12, ông Richard Cronin, Giám đốc chương trình Ðông Nam Á của Trung tâm Stimson của Mỹ, chuyên gia về châu Á, đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ đụng độ Bắc Kinh - Washington, thậm chí có thể xảy ra nổ súng và để lại nhiều thiệt hại về ngoại giao. Nhận định này được đưa ra khi ông Richard Cronin đề cập tới vụ tàu Trung Quốc định lao vào tàu USS Cowpens của Mỹ hôm 5/12.

Washington cảnh báo Bắc Kinh

Ngày 20/12, tờ Tin tức Trung Quốc đưa tin, chiều 19/12, biên đội tàu chiến của Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc (gồm tàu hộ vệ tên lửa Hoàng Sơn, Vận Thành và tàu tiếp tế tổng hợp Vi Sơn Hồ, cùng 2 máy bay trực thăng) đã xuất phát từ Trạm Giang, khởi đầu cho một đợt huấn luyện biển xa mới ở Tây Thái Bình Dương. Được biết, tàu hộ vệ tên lửa Hoàng Sơn, Vận Thành và tàu tiếp tế Vi Sơn Hồ là do Trung Quốc tự chế tạo, có khả năng phòng không, phòng thủ tên lửa và săn ngầm.

Trước đó (19/12), trang tin Washington Free Beacon cho biết, Trung Quốc vừa thử nghiệm lần thứ 2 tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 tại trung tâm phóng tên lửa Ngũ Trại ở tỉnh Sơn Tây, được cho là có thể đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ. Theo ông Larry Wortzel, Ủy viên thuộc Ủy ban Nghiên cứu An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung của Chính phủ Mỹ, mỗi DF-41 có thể trang bị 10 đầu đạn hạt nhân. Trước đó (17/12), Mỹ đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa LGM-30 Minuteman-3 không mang đầu đạn từ bờ biển California.

Cảnh Nhạn Sinh, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc

Ngày 19/12, khi phát biểu trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho rằng, cách hành xử của tàu Trung Quốc - dẫn tới vụ suýt va chạm nếu tàu USS Cowpens của Mỹ không đổi hướng - vừa không có ích lợi, vừa thiếu trách nhiệm, vừa có khả năng dẫn tới những tính toán sai lầm. Ông Chuck Hagel cảnh báo, vụ việc này có nguy cơ làm leo thang mối quan hệ vốn đã căng thẳng hiện nay giữa hai nước. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng cho rằng, cần phải đề ra quy định rõ ràng cho quân đội hai nước để tránh những cuộc đụng độ lớn hơn có thể xảy ra trên Thái Bình Dương. Cũng tại cuộc họp báo này, Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho biết, sau vụ việc này, các lực lượng, đặc biệt là thủy quân lục chiến và không quân càng phải tăng cường cảnh giác, nhất là trong những tình huống nhạy cảm.

Ngày 18/12, Bắc Kinh xác nhận vụ suýt va chạm khi tàu Trung Quốc đang tiến hành tuần tra bình thường trước khi chạm trán tàu USS Cowpens. Trong khi đó Washington khẳng định, tàu Trung Quốc gây hấn trước và tàu USS Cowpens buộc phải chuyển hướng để tránh va chạm. Dư luận Trung Quốc cho rằng, Biển Đông là trọng điểm triển khai của tàu sân bay Liêu Ninh, chứ không phải biển Hoa Đông, biển Hoàng Hải. Những động thái vừa qua cũng cho thấy, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh đang tiến hành hoạt động thử nghiệm và huấn luyện trên Biển Đông.

Châu Âu giúp Trung Quốc đánh Mỹ?

Ngày 22/12, tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lại thông tin của Hãng Reuters xung quanh bài “Trung Quốc lợi dụng công nghệ của các đồng minh quan trọng của Mỹ để nâng cấp tàu chiến” của tác giả David Lager. Bởi nếu phải tham chiến, trong kho vũ khí của Trung Quốc sẽ có đủ loại đến từ các đồng minh thân cận nhất của Mỹ như Đức, Anh, Pháp. Được biết, đa số tàu chiến tiên tiến của Trung Quốc đều được lắp bằng động cơ do Đức, Pháp thiết kế, còn tàu khu trục lắp thiết bị định vị thủy âm, máy bay trực thăng săn ngầm, tên lửa đất đối không của Pháp. Trung Quốc đang chế tạo lực lượng tàu ngầm với động cơ dầu diesel mới nhất do một công ty của Đức thiết kế. Trong khi đó, động cơ máy bay chiến đấu Anh được lắp vào máy bay ném bom và máy bay tiêm kích chống hạm của Không quân Trung Quốc…

Tuần dương hạm USS Cowpens của Mỹ

Theo giới truyền thông, tuy EU bắt đầu cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc từ năm 1989, nhưng chính sách này không được thực hiện nghiêm túc khi nguồn vũ khí và công nghệ lưỡng dụng (quân dụng - dân dụng) không ngừng được đưa về Trung Quốc qua các ngả đồng minh châu Âu của Mỹ. Nhưng cho tới nay, Bộ Quốc phòng Trung Quốc vẫn bác bỏ những thông tin kể trên. Thông tin kể trên xuất hiện cùng thời điểm tờ The Diplomat có bài bình luận: “Ai đã thắng trong cuộc đối đầu giữa tuần dương hạm USS Cowpens và tàu Trung Quốc trên Biển Đông hôm 5/12? Đáng tiếc, kẻ đó là Trung Quốc và người Mỹ đã được dạy một bài học đích đáng vì thói nhút nhát của mình”. Trong khi tờ The Diplomat coi đây là thất bại đau đớn của Hải quân Mỹ, thì giới truyền thông Trung Quốc coi đây là chiến thắng đáng để ca tụng.

Ngày 16/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Khởi điểm mới, khái niệm mới, thực tiễn mới - Trung Quốc và thế giới 2013”, trong đó tổng kết thành quả ngoại giao của nước này trong năm 2013 và đề ra phương hướng hoạt động trong năm 2014.

Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết, 2014 sẽ là năm triển khai toàn diện chính sách ngoại giao Trung Quốc, chú trọng một số phương hướng lớn, trong đó có việc từng bước xây dựng khung quan hệ nước lớn cùng tác động tích cực và phát triển lành mạnh; cùng các nước xung quanh củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị và tăng cường hợp tác cùng có lợi; mở rộng hợp tác với phần lớn các nước…

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình BS Nippon Television, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsuinori Odonera khẳng định: Tokyo quyết không để mất dù chỉ là một đảo. Ông Itsuinori Odonera cho biết, diện tích hải dương của Nhật Bản đứng thứ 6 trên thế giới, do đó chỉ một đảo cũng quyết định rất lớn đến diện tích mặt biển xung quanh. Nếu để kẻ địch chiếm mất 1 đảo, không chỉ mất đi 1 vùng lãnh thổ, mà các nguồn lợi hải dương ở các khu vực lân cận cũng bị chiếm đoạt. Do đó, Tokyo đã và đang đẩy mạnh khả năng phòng vệ trước những nguy cơ đến từ các âm mưu bên ngoài.

Theo tiết lộ của Bộ trưởng Quốc phòng Itsuinori Odonera, để chuẩn bị cho tình huống “đảo bị chiếm”, Tokyo sẽ tăng cường thêm 2.000-3.000 quân, triển khai ở các đảo xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đảm bảo có thể nhanh chóng đổ quân xuống các cụm đảo khi tình huống đột ngột phát sinh. Xuất phát từ quan ngại kể trên, giới chuyên môn đã và đang tìm cách hiến kế nhằm ngăn chặn khả năng có thể xảy ra xung đột tại biển Hoa Đông. Theo đó, Trung - Nhật có thể tránh xung đột ở biển Hoa Đông bằng cách thay ADIZ bằng “Vùng hòa bình”. Bên cạnh đó là sự kiềm chế tối đa của các bên hữu quan. Theo giới truyền thông, ngay sau khi Trung Quốc thiết lập ADIZ, 5 trong số 7 tuần báo quốc gia của Nhật Bản đã đưa ra các kịch bản về chiến tranh Nhật - Trung ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Bắc Kinh lo bị lép vế

Ngày 21/12, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh đã phản đối kế hoạch quân sự 5 năm tới của Nhật Bản khi Tokyo tăng chi tiêu quốc phòng lên 24,7 nghìn tỉ yen(khoảng 240 tỉ USD) giai đoạn 2014-2019; đồng thời coi đây là cách duy trì “tâm lý chiến tranh lạnh”. Trước đó (20/12), Đại sứ Nhật Bản ở Trung Quốc Masato Kitera tin rằng, quan hệ Bắc Kinh - Tokyo mang tính đa chiều và sẽ không dễ dàng đổ vỡ bất chấp một số khúc mắc ngoại giao kéo dài thời gian gần đây. Tuy nhiên, ông Masato Kitera vẫn chỉ trích việc Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông (từ 23/11) bao gồm không phận của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Máy bay cảnh báo sớm E-2C Nhật Bản

Ngày 22/12, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản xác nhận, trưa 22/12, 4 tàu thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã xâm nhập vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tờ Thời báo Hoàn Cầu cho rằng (19/12), những động thái gần đây của Tokyo là “liên hoàn cước” nhằm vào Bắc Kinh, đồng thời nhận định: ông Shinzo Abe đã thay đổi vai trò từ Thủ tướng thành Tổng tư lệnh khi mở rộng và phát triển năng lực quốc phòng tại Nhật Bản. Tối 18/12, khi trả lời phỏng vấn trên truyền hình đề cập tới ADIZ của Trung Quốc, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, nếu chiến đấu cơ Trung Quốc bay tới, Nhật Bản chắc chắn sẽ phải lập tức phản ứng. So với tình huống chạm trán hay đối đầu giữa lực lượng Cảnh sát biển 2 nước ngoài quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thì khả năng xảy ra xung đột, sự cố trên bầu trời biển Hoa Đông giữa quân đội 2 nước lớn hơn nhiều. Do đó, Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng, việc thiết lập cơ chế liên lạc khẩn cấp Nhật - Trung là cấp bách và cần thiết.

Giới chuyên môn cho rằng, Trung Quốc đang thực hiện chiến lược hòa hoãn với Hàn Quốc, nhưng tăng cường sức ép lên Nhật Bản. Ngày 20/12, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, Seoul đã quyết định thành lập một Ủy ban thường trực và Ban Thư ký thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) để thực thi những gì được đưa ra tại các hội nghị an ninh. Thư ký Tổng thống phụ trách các vấn đề đối ngoại và an ninh, ông Ju Chul-ki cho biết, 2 cơ quan này sẽ được thành lập sau khi sửa đổi Luật NSC. Trước đó (16/12), Tổng thống Park Geun-hye đã triệu tập các bộ trưởng phụ trách quốc phòng, an ninh và các vấn đề đối ngoại để thảo luận cách đối phó với tình hình an ninh đang thay đổi hiện nay trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á.

Ngày 19/12, lực lượng hải quân Philippines đã được bàn giao 3 trực thăng mới AW109E để tuần tra biển. Đây là đợt giao hàng đầu tiên của Công ty Agusta Westland (liên doanh của Anh và Italia). Hợp đồng mua 5 trực thăng trang bị cho các chiến hạm BRP Gregorio Del Pilar va BRP Ramon Alcaraz là một phần trong kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự của Philippines. Chỉ huy Hải quân Philippines, Phó đô đốc Jose Louis Alano cho biết, tất cả các trang thiết bị trên sẽ tăng cường sức mạnh của hải quân nước này trong việc giám sát và tuần tra trên biển.

Trong khi đó, giới quân sự coi cuộc diễn tập được tổ chức tại vịnh Bengal trong 4 ngày (từ 19/12) là dấu hiệu hình thành một trục chiến lược mới Nhật Bản - Ấn Độ. Bởi đây là lần đầu tiên Nhật Bản - Ấn Độ diễn tập tại vùng biển này. Được biết, tàu hộ vệ tàng hình F-48 INS Satpura, tàu khu trục tên lửa D-55 INS Ranvijay do Ấn Độ chế tạo, còn Nhật Bản điều tàu khu trục tên lửa DD-109 JSAriake và DD-156 JS Setogiritới vịnh Bengal tham gia diễn tập. Giới truyền thông Ấn Độ coi cuộc diễn tập này là tiêu chí hình thành trục chiến lược mới.

Ngày 19/12, máy bay chiến đấu của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản đã nhận lệnh cất cánh khẩn cấp sau báo động về sự xuất hiện của 2 máy bay tuần tra chống tàu ngầm tầm xa Tu-142 của Nga bay sát không phận Nhật Bản. 2 máy bay này vượt qua eo biển Tsushima nằm giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, rồi bay qua không phận giữa quần đảo Okinawa và đảo Miyako để tới Thái Bình Dương. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, 2 máy bay Nga không vi phạm không phận Nhật Bản.

Ngày 20/12, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết, Tokyo sẽ nỗ lực rút ngắn thời gian xây dựng một cơ sở thay thế để quân đội Mỹ có thể trao trả căn cứ không quân Futenma ở tỉnh Okinawa sớm hơn dự kiến.

Trước đó, Bộ Tư lệnh các hệ thống hàng không hải quân Mỹ (NASCUS) tuyên bố, máy bay không người lái X-47B đã hoàn thành chu trình thử nghiệm mới trên tàu sân bay, các chuyến bay thử nghiệm này nhằm kiểm tra khả năng hiệp đồng và tương tác giữa các hệ thống tác chiến trên X-47B và tàu sân bay. Trong năm tài khóa 2014, hải quân Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh thử nghiệm X-47B.


Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh