Trung Quốc tăng cường sức mạnh hải quân (Kỳ 1)

11:38 | 21/01/2014

2,909 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo đánh giá của giới nghiên cứu phương Tây, những năm gần đây Hải quân Trung Quốc đã tăng cường tiềm lực và thế trận, mở rộng phạm vi hoạt động, từng bước tiến hành “bành trướng trên biển”.

Những bước tiến của Hải quân Trung Quốc được xem là thước đo chiến lược. Giờ đây, Trung Quốc đã sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất châu Á, với 79 tàu chiến lớn, hơn 55 tàu ngầm, 55 tàu lưỡng cư và 85 tàu mang tên lửa dẫn đường loại nhỏ. Chỉ riêng năm 2013, Trung Quốc đã hạ thủy 27 tàu chiến mới, trong đó có 2 tàu khu trục Type 052C, một tàu khu trục Type 052D, 6 tàu khu trục nhỏ Type 054A và 18 tàu hộ tống Type 056.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thị sát  quân cảng Tam Á, Hạm đội Nam Hải trên đảo Hải Nam ngày 11/4/2013

Tổ chức và biên chế   

Hải quân của Trung Quốc là một trong 4 lực lượng thuộc Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Bộ Tư lệnh Hải quân Trung Quốc đặt căn cứ tại Bắc Kinh. Theo số liệu của Viện nghiên cứu chiến lược Quốc tế London, quân số Hải quân Trung Quốc hiện đã là 215 nghìn quân, lực lượng dự bị là 40 nghìn quân.

Các lực lượng chính bao gồm: đội tàu chiến, tàu ngầm; lực lượng mặt nước, không quân Hải quân, lực lượng phòng thủ bờ biển; lực lượng Thủy quân lục chiến; các đơn vị vũ trang đặc biệt và các đơn vị hậu cần. Hải quân Trung Quốc gồm 3 Hạm đội: hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải. Mỗi hạm đội đảm nhiệm một khu vực hoạt động, bao gồm các vùng biển và khu vực hoạt động quân sự.

Khu vực hoạt động của hạm đội Bắc Hải dọc theo bờ biển từ biên giới với Bắc Triều Tiên (sông Ialuszian) đến thành phố Lianiunchan, tiếp giáp với các khu vực quân sự của Sianian, Dzinans và kéo dài về phía Đông, bao bọc tiếp giáp vịnh Bokhaisk và biển Hoàng Hải, bao gồm 9 khu vực phòng thủ bờ biển. Căn cứ và Bộ Tư lệnh hạm đội đặt tại thành phố Sindao.

Khu vực hoạt động của hạm đội Đông Hải theo tuyến đường phía nam thành phố Lianiunchan đến thành phố Dongshana, tiếp giáp với quân khu Nam Kinh và kéo dài về phía đông, bao gồm cả vùng biển Đông Hải. Hạm đội có 7 khu vực phòng thủ bờ biển, căn cứ và Bộ Tư lệnh hạm đội đặt tại thành phố Ninbo.

Khu vực hoạt động của hạm đội Nam Hải từ thành phố Dunsan đến biên giới với Việt Nam, bao gồm các tỉnh ven biển, các vùng biển của Hoa Nam, eo biển Đài Loan, đến khu vực lãnh hải của Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Philippines. Căn cứ và Bộ Tư lệnh hạm đội đặt tại thành phố Guanchzou.

Từ thập niên 1990, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai nâng cấp các hạm đội tàu hải quân, thu gọn đội hình và trang bị các hệ thống phòng không tiên tiến, các tên lửa đối hạm có tầm bắn trên 185 km cho các tàu chiến. Hải quân Trung Quốc hiện đang có khoảng 79 tàu chiến lớn, hơn 55 tàu ngầm, 55 tàu lưỡng cư và 85 tàu mang tên lửa dẫn đường loại nhỏ.

Cảng quân sự Ngọc Lâm (Yulin) ở đảo Hải Nam đã hoàn thành, đủ sức chứa nhiều tàu ngầm, tàu sân bay và tàu mặt nước hiện đại. Trung Quốc cũng đã cải tiến, nâng cấp tàu sân bay Thị Lang, đã chạy thử nghiệm 8/2011 và sẽ đưa vào hoạt động thường xuyên từ năm 2015. Trong thập niên tới, theo kế hoạch Trung Quốc sẽ chế tạo và đưa vào biên chế thêm một số tàu sân bay cùng nhiều tàu hộ tống.

 Trung Quốc cũng đang nâng cấp hệ thống ra đa xác định mục tiêu sử dụng công nghệ OTH. Hệ thống ra đa mới khi kết hợp với các máy bay cảnh báo sớm, các thiết bị trinh sát không người lái (UAV) và các thiết bị trinh sát khác sẽ nâng cao khả năng trinh sát và do thám ở Tây Thái Bình Dương, hoặc hỗ trợ dẫn đường cho tên lửa đạn đạo đối hạm.

Trung Quốc tiếp tục sản xuất một thế hệ tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo. Các tàu ngầm lớp JIN (loại 094) sẽ được trang bị tên lửa đạn đạo JL-2 có tầm bắn 7.400 km. Ngoài ra, hải quân Trung Quốc cũng vừa tăng cường biên chế đội tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân. Hiện 2 tàu ngầm lớp SHANG (Type 093 SSN) thế hệ 2 đã được đưa vào hoạt động. 5 chiếc tàu ngầm Typy 095 SSN thế hệ thứ 3 cũng sẽ được bổ sung trong vài năm tới.

Đội hình các tàu ngầm chạy bằng dầu diesel chủ lực của Hải quân Trung Quốc gồm 13 tàu ngầm lớp SONG (Type 039). Các tàu ngầm này đều được trang bị các tên lửa hành trình đối hạm YJ-82. Tiếp sau là 4 tàu ngầm lớp YUAN. Các tàu ngầm lớp YUAN đều được trang bị hệ thống phòng không độc lập. Các tàu ngầm lớp SONG, YUAN, SHANG và các tàu ngầm loại Type 095 sắp được triển khai đều có khả năng phóng các tên lửa đối hạm hành trình tầm xa CH-SS-NX-13, ngay sau các chương trình thử nghiệm và phát triển được hoàn tất. 

Trung Quốc cũng đã triển khai 60 tàu tuần tiễu siêu tốc mới lớp HOUBEI (loại 022); mỗi tàu có thể mang theo tới 8 tên lửa đối hạm hành trình YJ-83, giúp nâng cao sức mạnh tác chiến ở khu vực ven biển.

Đáng chú ý, Trung Quốc đã có thể sản xuất một thế hệ tàu chiến mới như: 2 tàu chiến lớp LUYANG II DDG (loại 052C) với lớp vỏ thân tàu dày hơn, được trang bị tên lửa đất đối không tầm xa SAM HHQ-9 của Trung Quốc; 2 tàu lớp LUZHOU DDG (loại 051C) được trang bị các tên lửa đất đối không tầm xa SAM SA-N-2 của Nga; 8 tàu khu trục lớp JIANGKAI II (loại 054A) có trang bị các tên lửa đất đối không tầm trung SAM HHQ-16 phóng theo chiều thẳng đứng.

Các tàu mặt nước này sẽ gia tăng đáng kể sức mạnh phòng không của hải quân Trung Quốc. Đây là vấn đề sống còn trong bối cảnh hải quân Trung Quốc mở rộng phạm vị hoạt động ra xa, vượt quá khả năng bảo vệ của hệ thống phòng không từ đất liền.

Định hướng phát triển

Hiện nay Trung Quốc đang tiến hành hai kế hoạch dài hạn nhằm phát triển toàn diện lực lượng Hải quân để tương xứng với sức mạnh cường quốc thế giới. Trung Quốc đang tiến hành giai đoạn một chương trình hiện đại hoá Hải quân, trong đó tập trung nâng cao khả năng tác chiến của Hải quân trong điều kiện mới, với những thách thức từ nhiều hướng. Thành lập các đội tàu có khả năng bảo đảm tác chiến hiệu quả trong mọi điều kiện trong các khu vực “chuỗi đảo thứ nhất”: đảo Riukiu, Philippines và các vùng biển Bắc Hải, Đông Hải; Nam Hải.

Giai đoạn thứ hai đến năm 2016 nâng cao khả năng tác chiến của Hải quân Trung Quốc, đảm bảo lực lượng Hải quân có thể tiến hành tác chiến hiệu quả trong các khu vực của “chuỗi đảo thứ hai”: các đảo thuộc quần đảo Kurils, Hokkaido, đảo Marians, Carolines và Papua New Guinea, bao gồm cả vùng biển của Nhật Bản và Philippines, cũng như các quần đảo của vùng biển Indonesia.

Việc xác định nâng cao khả năng tác chiến trong vùng các chuỗi đảo trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc phòng thủ trên biển của Trung Quốc, cũng như tham vọng tại châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD) của họ.

Từ bài học quân sự tại Nam Tư, Iraq, Afghanistan… các nhà lý luận quân sự Trung Quốc đã đưa ra khái niệm mới “phòng thủ tích cực trên biển”, trong đó nguyên tắc quan trọng nhất là việc phân chia khu vực hoạt động, làm tăng khả năng chiến đấu của Hải quân.

Theo đó, Hải quân Trung Quốc có 7 nhiệm vụ chính: (1) Chống lại các hoạt động xâm lược từ các hướng đại dương; (2) Ngăn chặn các lực lượng của đối phương tiếp cận đến lãnh thổ từ các vùng biển xung quanh; (3) Bảo đảm phòng thủ trên không và chống đổ bộ bờ biển; (4) Bảo vệ chủ quyền quốc gia và chủ quyền hàng hải; (5) Bảo vệ các tuyến đường hàng hải quan trọng sống còn ở các đại dương; (6) Bảo đảm an ninh cho các tàu dân sự và tàu khách hoạt động trên biển; (7) Tạo thuận lợi cho các hoạt động của các lực lượng vũ trang trên các vùng ven biển.

Hải quân Trung Quốc cũng xác định 6 nguyên tắc chính trong quá trình hoạt động: (1) Tập trung hỏa lực vào các đội tàu của đối phương khi xâm phạm lãnh hải; (2) Tổ chức bao vây trên biển, tiến hành ngăn chặn, phong tỏa, chiếm lĩnh các vùng lãnh thổ, hải đảo và hoạt động đổ bộ; (3) Tấn công vào các mục tiêu của đối phương từ các hướng đại dương; (4) Tác chiến phòng không và chống đổ bộ; (5) Phòng thủ tại các khu vực của các căn cứ vũ trang; (6) Bảo vệ các hoạt động giao thông biển của Trung Quốc.

Cùng với việc phát triển các đội tàu quân sự, Hải quân Trung Quốc đang hướng trọng tâm đến việc phát triển lực lượng hạt nhân chiến lược cho Hải quân (NSNF). Đây sẽ là lực lượng then chốt của Hải quân Trung Quốc, chuyên tiến hành răn đe hạt nhân, ngăn chặn xâm lược hạt nhân và sử dụng trong các cuộc chiến tranh quy mô lớn sử dụng vũ khí thông thường, vũ khí chính xác cao và vũ khí hạt nhân.

Giới phân tích quân sự cho rằng, Trung Quốc muốn vươn lên trở thành cường quốc quân sự, thì điều tối quan trọng là Trung Quốc phải có lực lượng Hải quân hùng mạnh, mà con bài chiến lược chính là phát triển lực lượng hạt nhân chiến lược cho Hải quân. Ngoài việc tiến hành các đợt phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, nhằm phô trương sức mạnh, Trung Quốc còn đi vào thực chất đó là xây dựng các tàu sân bay chạy bằng năng lượng nguyên tử; phát triển các đội tàu ngầm có đầu đạn hạt nhân, để có đủ khả năng đối phó, cũng như từng bước cân bằng lực lượng với Hải quân Mỹ và NATO.

(Còn nữa)

Nguyễn Nhâm