Kilo Hà Nội và Su 30 "phá" chiến thuật Không - Hải chiến Biển Đông bằng cách nào?

11:18 | 30/12/2013

23,782 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ đã xoay trục chiến lược về Thái Bình Dương và cụ thể là Biển Đông để đối phó. Cường quốc quân sự số 1 thế giới cũng đồng thời xây dựng học thuyết quân sự Không – Hải chiến (Air – Battle Sea) nhằm kiểm soát cuộc chơi. Trung Quốc cũng "nóng mặt" thiết lập chiến thuật Không – Hải chiến trên Biển Đông nhằm thách thức Mỹ.

>> Bí mật về căn cứ của "sát thủ Biển Đông" Kilo Hà Nội

>> Kế hoạch đón tàu ngầm Kilo Hà Nội vào Cam Ranh ngày mai

>> "Sát thủ Biển Đông" - tàu ngầm Kilo Hà Nội mạnh như thế nào?

>> Video: Tàu ngầm Kilo Hà Nội mô phỏng tác chiến trên Biển Đông

Đội hình Không - Hải chiến của hải quân Mỹ.

 

Không - Hải chiến là chiến thuật tiêu biểu cho chiến tranh hiện đại, được hiểu là không gian tác chiến trên biển và vùng trời trên biển. Vậy nên, chỉ có máy bay, tàu chiến mới tham gia vào được các cuộc chiến này và là 3 thành tố tạo nên học thuyết quân sự.

Hải quân Mỹ với tiềm lực khổng lồ cùng kinh nghiệm viễn chinh của mình luôn thể hiện rõ học thuyết Không – Hải chiến ngay trong đội hình hạm đội.

Mỗi hạm đội hải quân của Mỹ đi đâu cũng trang bị đầy đủ. Không quân: Máy bay chỉ huy, cảnh báo sớm, máy bay tiêm kích tiền phương… Hải quân: Gồm có tàu hộ tống, tàu khu trục, tàu săn ngầm và tàu ngầm chiến lược, tàu ngầm tấn công… Đấy là chưa kể đến các hàng không mẫu hạm được xem là trung tâm của hạm đội – vừa là sân bay nổi, vừa là căn cứ chỉ huy di động. Đây cũng là điểm vượt trội của quân đội Mỹ so với đa số các quốc gia khác.

Để “đối xứng” được với bộ máy tác chiến gần như hoàn hảo này, Trung Quốc cũng tuyên bố có đội hình “Không - Hải chiến”. Về không quân: Đó là máy bay cảnh báo sớm AEW&C KJ500, tiêm kích J16. Về hải quân: Tàu sân bay Liêu Ninh, tàu khu trục phòng không Type 052C, tàu ngầm chiến lược lớp Tấn, tàu ngầm tấn công…

Các cường quốc thi nhau “giương oai diễu võ” trên Biển Đông với tham vọng biến vùng biển quốc tế này thành ao nhà. Là quốc gia có chủ quyền và lợi ích trên Biển Đông, đặc biệt là chủ quyền ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam cũng chú trọng xây dựng hạm đội đối phó với chiến thuật “Không - Hải chiến”.

Với tư duy “lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều” – ngay cả trong chiến thuật của chiến tranh hiện đại là “Không - Hải chiến”, chúng ta cũng hoàn toàn có thể áp dụng được cách đánh “du kích, mai phục”, phi đối xứng trên biển.

Để đối phó được với chiến thuật Không - Hải chiến, những năm gần đây, Việt Nam đã chú trọng xây dựng lực lượng tác chiến theo hướng hiện đại và mang tính chất phòng thủ.

Đồ họa mô phỏng việc máy bay Su 27/30 tiêu diệt các tàu chiến đối phương.

 

Thành tố quan trọng nhất của đội hình không hải chiến chính là máy bay chỉ huy, cảnh báo sớm (AWACS). Máy bay này đóng vai trò là ra đa chỉ huy cho đội hình. Vô hiệu hóa được AWACS có nghĩa là đội hình tác chiến gần như “mù tịt” “rắn mất đầu”. Trừ đội hình tác chiến hải quân Mỹ có tàu sân bay làm trung tâm chỉ huy độc lập.

Việt Nam đã sắm tên lửa không đối không tầm siêu xa K100. Với tầm bắn 300km, tên lửa này được coi là sát thủ AWACS. Tên lửa sát thủ này sẽ được lắp trên máy bay tiêm kích Su 30.

Thành tố thứ 2 mà Việt Nam chuẩn bị đó là các máy bay tiêm kích Su 30. Việt Nam đã chủ động mua sắm các máy bay thiên về đánh biển (phiên bản MKV, MK2). Các máy bay này có thể xộc thẳng vào đội hình đối phương gây hỗn loạn, có thể thực hiện các màn không chiến trong tầm mắt hoặc phóng K100 tiêu diệt máy bay cảnh báo sớm.

Về hải quân, Việt Nam đã trang bị các tàu tên lửa tốc độ cao Molniya, tàu hộ tống Gepard – 3.9 từ Nga và sắp tới là các tàu hộ tống tàng hình từ Hà Lan.

Kilo 636 mang tên Hà Nội đã về đến vùng biển Việt Nam, đây là một trong những thành tố mạnh nhất trong đội hình tác chiến đối phó với chiến chiến thuật không hải chiến trên Biển Đông. Do học thuyết quân sự mang tính phòng ngự nên tàu ngầm Hà Nội sẽ đóng vai trò mai phục.

Tàu ngầm kilo Hà Nội sẽ đóng vai trò gây bất ngờ trong việc đối kháng lại chiến thuật không - hải chiến.

 

Trong vai trò này, nó thực sự là một “sát thủ trong lòng Biển Đông”. Sau khi nhận được thông tin từ máy bay cảnh báo của ta về đường đi của đội hình tác chiến đối phương, Kilo Hà Nội sẽ đến vùng biển cần mai phục. Tại đây nó nằm yên dưới mặt nước, với tính năng “lỗ đen” cực kỳ khó phát hiện của mình.

Kilo sẽ chờ đội hình tác chiến của địch đi qua và tiêu diệt bằng ngư lôi, tên lửa. Quá trình khai hỏa sẽ đồng thời với việc Su 30 xộc thẳng vào, làm hỗn loạn đội hình, phóng tên lửa K100 tiêu diệt AWACS và không chiến tầm gần. Cùng với đó là các tàu hộ tống, tàu tên lửa phóng các tên lửa đối hạm tiêu diệt tàu chiến mặt nước của địch. Sau khi thực hiện việc phóng ngư lôi, tàu ngầm Kilo Hà Nội sẽ kết hợp với các chiến hạm hoặc trực thăng săn ngầm của ta truy tìm, tiêu diệt các tàu ngầm của địch.

Những giả thuyết được đưa ra chứng minh cho việc quân đội Việt Nam đã chuẩn bị kỹ càng để đối chọi lại chiến thuật không hải chiến hiện đại. Kilo Hà Nội thực sự là một sự bổ sung mạnh mẽ, đáng gờm, tiếp thêm sức mạnh cho quân đội bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo của đất nước.

>> Bí mật về căn cứ của "sát thủ Biển Đông" Kilo Hà Nội

>> Kế hoạch đón tàu ngầm Kilo Hà Nội vào Cam Ranh ngày mai

>> "Sát thủ Biển Đông" - tàu ngầm Kilo Hà Nội mạnh như thế nào?

>> Video: Tàu ngầm Kilo Hà Nội mô phỏng tác chiến trên Biển Đông

 

H.C.T