Kết thúc khẩu chiến về mộ Tào Tháo

11:17 | 13/11/2013

8,217 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tuyên bố hôm 11/11 của Tổ công tác liên hợp Nhân chủng học - lịch sử thuộc trường Đại học Phúc Đán, Trung Quốc đang khiến giới chuyên môn và dư luận tại quốc gia hơn 1,34 tỷ người quan tâm, bàn luận. Bởi theo kết quả nghiên cứu mới nhất về ADN của gia tộc họ Tào nói chung và Tào Tháo nói riêng, Tào Tháo không phải là hậu duệ của danh tướng Tào Tham, một trong những khai quốc công thần nhà Hán.

Kết quả nghiên cứu kể trên cũng bác bỏ thuyết Tào Tháo là con cháu họ Hạ Hầu. Sử sách Trung Quốc ghi rằng, bố đẻ Tào Tháo là Tào Tung, sinh ra trong gia đình không có tiếng tăm. Nhưng cũng có ý kiến nói rằng, Tào Tung là Hạ Hầu Tung, rồi làm con nuôi hoạn quan Tào Đằng nên đổi sang họ Tào. Vì Tào Đằng là một trong những thái giám có thế lực nhất nhà Đông Hán (phục vụ 5 đời vua nên được phong làm Phí Đình Hầu) nên quan lộ của Tào Tung thẳng tiến.

Giới chuyên môn cho rằng, với việc lần đầu tiên xác định được 100% ADN gia tộc họ Tào (cuối năm 2012) và vừa chứng minh, Tào Tháo không phải hậu duệ của danh tướng Tào Tham, có lẽ lịch sử Trung Quốc giai đoạn này có thể phải viết lại. Chuyên gia của nhóm nghiên cứu Phúc Đán Hàn Thăng khẳng định, với bản đồ gen gia tộc họ Tào được xác định, bất cứ ngôi mộ nào được cho là của Tào Tháo khi xét nghiệm ADN nếu không trùng với kết quả này, đều là mộ giả. Được biết, Trung Quốc hiện có 8 nhánh mang họ Tào và đều nhận là con cháu của Tào Tháo.

Kết quả xét nghiệm ADN cho thấy, cả 8 nhánh họ Tào đều có kết quả ADN trùng với mẫu ADN được cho là di cốt của Tào Thang ở Hào Châu, em trai hoạn quan Tào Đằng, bố nuôi của Tào Tung. Nhưng ADN của 8 nhánh họ Tào hiện nay với Tào Thang lại khác hoàn toàn ADN hậu duệ của khai quốc công thần nhà Hán, nên các nhà khoa học thuộc trường Đại học Phúc Đán khẳng định: Tào Tháo không phải hậu duệ của Tào Tham.

Tào Tháo là nhân vật lịch sử được Trung Quốc quan tâm, nghiên cứu nên kết luận kể trên đang tạo ra những cuộc tranh luận sôi nổi, không chỉ của giới chuyên môn, mà cả dư luận. Bởi cách đây gần 4 năm (27/12/2009), cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam, Trung Quốc công bố một tin gây chấn động: đã tìm thấy mộ của Tào Tháo. Ngôi mộ này được khai quật tại thôn Tây Cao Huyệt, xã An Phong, huyện An Dương, tỉnh Hà Nam và từ đó đến nay những tranh luận xung quanh chủ đề kể trên luôn gây sự chú ý, quan tâm của dư luận và giới chuyên môn. Khẩu chiến trong giới khảo cổ, chuyên gia và nhà nghiên cứu khoa học Trung Quốc liên tục diễn ra xung quanh “mộ Tào Tháo” cho dù Cục Di sản văn hóa Trung Quốc xếp mộ Tào Tháo vào danh sách 10 phát hiện khảo cổ đáng chú ý nhất trong năm 2009.

Ngôi mộ được cho là của Tào Tháo tại thôn Tây Cao Huyệt, xã An Phong, huyện An Dương, tỉnh Hà Nam (trái) và di vật được tìm thấy tại đó (phải).

Hơn 3 năm trước (21/8/2010), tuyên bố của Chủ tịch ủy ban Văn học nghệ thuật và thư họa tỉnh Hà Nam Lâm Khuê Thành cùng 23 chuyên gia và nhà nghiên cứu khoa học đến từ khắp nơi trên đất nước Trung Quốc tại “Diễn đàn Văn hóa Tam Quốc” ở thành phố Tô Châu đã khiến cho những tranh luận xung quanh mộ Tào Tháo lại có điều kiện bùng phát giữa 2 phái ủng hộ và phản đối. Điều đáng nói là việc này diễn ra sau hơn 2 tháng (12/6/2010), Đài truyền hình Trung ương truyền hình trực tiếp buổi khai quật tại khu mộ Tào Tháo ở thôn Tây Cao Huyệt, xã An Phong, huyện An Dương, tỉnh Hà Nam. 23 chuyên gia và nhà nghiên cứu khoa học cũng cho rằng, chính quyền huyện An Dương, tỉnh Hà Nam đã cố tình tạo ra sự kiện “mộ Tào Tháo” để thu hút khách du lịch.

Tại “Diễn đàn Văn hóa Tam Quốc”, 23 chuyên gia và nhà nghiên cứu khoa học kể trên đã đưa ra nhiều bằng chứng để phản bác lại những tuyên bố trước đây của các nhà khoa học, giới khảo cổ và sử gia xung quanh mộ Tào Tháo. Theo đó, những thứ được tìm thấy tại ngôi mộ ở thôn Tây Cao Huyệt là vật chứng bị làm giả. Điều đó thể hiện rõ ràng nhất trên hoa văn của một số viên đá bên trong mộ.

Chuyên gia về thư pháp và đá cổ khẳng định, những hoa văn và cách bài trí của một số viên đá quá hiện đại so với thời Tào Tháo chết (15/3/220) và đó là điều vô cùng phi lý. Một số đồ vật dường như đã được chế tác bằng những công cụ hiện đại - nhiều viên đá đã được gọt, cắt bằng cưa xích để tạo thành những hình khối phù hợp. Họ cũng bày tỏ sự hoài nghi đối với sự không thống nhất trong tên hiệu của Tào Tháo - Tào Tháo thường được biết đến với tên gọi Ngụy Vương hoặc Vũ Vương, nhưng trên bia đá của ngôi mộ được tìm thấy lại khắc Ngụy Vũ Vương.

Ông Lâm Khuê Thành khẳng định, Tào Tháo chưa bao giờ được gọi là Ngụy Vũ Vương trong những tư liệu lịch sử. Khi còn sống, Tào Tháo được phong là Ngụy Công, Ngụy Vương. Đến khi chết, Tào Tháo mang hiệu Vũ Vương. Sau khi Tào Phi lên ngôi Hoàng đế đã tôn xưng Tào Tháo là Vũ Hoàng đế. Vì vậy, theo ông Lâm Khuê Thành, việc lấy một tên gọi khác để khắc trên bia đá của Tào Tháo tại thời điểm đó là điều không thể.

Ông Lâm Khuê Thành nhấn mạnh, trước khi mang hiệu Thái tổ Vũ Hoàng đế mọi người đều phải gọi Tào Tháo là Ngụy Vương bởi lịch sử không hề ghi lại chi tiết nào cho thấy Nguỵ Vương được gọi là Ngụy Vũ Vương hoặc liên quan đến tước vị này. Chủ tịch ủy ban giám định thư họa Tô Châu Lý Lộ Bình cũng tuyên bố, hình dáng cũng như cách viết của 3 chữ “Ngụy Vũ Vương” trên các bia đá khai quật tại “mộ Tào Tháo” giống hệt những chữ viết tại một ngôi mộ cổ được tìm thấy năm 1998 tại An Dương, Hà Nam. Và đây có thể là những tác phẩm ngụy tạo của cùng một người làm ra.

Những bằng chứng và lập luận của 23 chuyên gia và nhà nghiên cứu khoa học đưa ra tại “Diễn đàn Văn hóa Tam Quốc” nhằm khẳng định, ngôi mộ cổ được tìm thấy tại thôn Tây Cao Huyệt, xã An Phong không phải của Tào Tháo. Điều này cũng được đưa ra sau cuộc khai quật được truyền hình trực tiếp hôm 12/6/2010 sau khi người ta tìm thấy một miếng đá hình vuông (loại tranh khắc đá) có khắc hình binh lính và xe ngựa, cùng nhiều mảnh tranh khắc đá loại này, nhưng đều bị đập vỡ, không còn nguyên vẹn. Những hiện vật này bị giới chuyên môn nghi ngờ, nhất là chiếc chuồng lợn làm bằng gốm và nó lập tức trở thành những chứng cứ quan trọng để phe phản đối tấn công lại - trong mộ của quý tộc, nhất là bậc vua chúa không thể xuất hiện loại hiện vật này. Tiếp đến là chiếc khiên - trong “Tam Quốc Chí” và “Tam Quốc diễn nghĩa” đều không hề nói rằng, Tào Tháo từng sử dụng khiên bởi đây là vật dụng của binh lính.

Ngoài ra, những hiện vật được tìm thấy hôm 12/6/2010 cùng lập luận và chứng cứ đưa ra hôm 21/8/2010 càng chứng tỏ, đây không phải mộ Tào Tháo. Tại buổi truyền hình trực tiếp hôm 12/6/2010, người dẫn chương trình cho biết, bộ hài cốt của Tào Tháo đã bị phá hủy một cách nghiêm trọng và đây có thể là hành động trả thù của ai đó. Bởi không chỉ quan tài bị phá mà di thể của Nguỵ Vũ vương đã bị hủy hoại nghiêm trọng - hộp sọ của Tào Tháo đã bị chặt vỡ toàn bộ phần mặt trước, chỉ còn lại phần đỉnh và sau đầu. Sau đó, phần di cốt của Tào Tháo đã bị bọn mộ tặc đưa từ gian sau ra gian trước.

Giới khảo cổ cũng cho biết, kể từ khi khai quật đến nay, họ đã phát hiện 7 đường hầm mà bọn mộ tặc đào để trộm đồ. Vấn đề quan trọng là có đường hầm (dài tới 30 mét) nối liền ngôi mộ số 1 và số 2, tạo điều kiện để bọn mộ tặc cuỗm đi những đồ vật quý giá. Điều này chứng tỏ, mộ Tào Tháo từng bị trộm ít nhất 7 lần và khá nhiều cổ vật đã bị đánh cắp, khiến giới chuyên môn gặp khó khăn trong việc giám định và kết luận. Không những nhiều cổ vật bị lấy trộm, mà những mẫu vật còn lại đều trong tình trạng không nguyên vẹn, thậm chí còn bị phá hủy.

Nhiều người nói rằng, việc tìm tiếng nói chung trong cuộc khẩu chiến xung quanh mộ Tào Tháo khó đạt được trong thời gian ngắn bởi đây là vấn đề nhạy cảm. Và cho tới nay, trong dân gian vẫn lưu truyền 3 câu thành ngữ “Đa nghi như Tào Tháo”, “Bị Tào Tháo đuổi” và “Hễ nhắc Tào Tháo là Tào Tháo đến”.

Chủ tịch Mao Trạch Đông từng nhận xét về Tào Tháo (không giống với những gì người đời từng đề cập): Không những thống nhất miền Bắc, sáng lập nhà Nguỵ, Tào Tháo còn cải cách nhiều hủ tục của triều Đông Hán, thẳng tay với cường hào, phát triển sản xuất, thực hiện chế độ đồn điền mới, đôn đốc khai hoang, thực thi pháp chế, đề xướng tằn tiện, biến một xã hội bị phá vỡ nghiêm trọng đi vào ổn định, khôi phục, phát triển. Trên văn đàn Trung Quốc (hơn 30 năm trước) từng xuất hiện khuynh hướng xem xét lại sự đánh giá đối với các nhân vật trong Tam Quốc và Tào Tháo được coi là người trực tiếp góp phần đẩy nhanh tiến trình phát triển lịch sử Trung Hoa, đồng thời có nhiều công lao trong những cải cách xã hội thời kỳ bấy giờ.

 

Đông Ngàn – Từ Sơn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc