50 năm sau vụ ám sát hai tổng thống Kennedy và Ngô Đình Diệm:

John F. Kennedy và lá bài Việt Nam (Kỳ 2)

07:00 | 03/12/2013

2,576 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thái độ của cố vấn Nhu ngày càng khó đoán. Ngày 2/9/1963, Ngô Đình Nhu bất ngờ tuyên bố sẽ từ chức nhưng đột ngột chuyển hướng và bác bỏ tất cả ý định của Đại sứ Ý cùng đại diện Vatican trong việc dàn xếp giúp Nhu ra nước ngoài.

Năng lượng Mới số 278

Kỳ 2: Vai trò của Charles De Gaulle

Ngô Đình Nhu cũng không tin Mỹ sẽ cúp viện trợ như cảnh báo của hai nhân vật trên. Cuối cùng, Nhu nói mình không hề thương lượng với Bắc Việt. Có vài lý do để tin lời cố vấn Nhu: gia đình Nhu thù cộng sản đến xương tủy và lý tưởng chủ nghĩa xã hội chắc chắn không nằm trong cẩm nang chính trị của cố vấn Nhu. Tuy nhiên, cũng có lý do để không tin lời Nhu: sự tồn tại của chế độ Diệm bấy giờ chỉ còn dựa vào một trong hai điều kiện: dàn xếp với Bắc Việt hoặc khủng bố tinh thần Washington để Mỹ tiếp tục che chở anh em họ. Dù thế nào, ít nhất có một sự thật nhiều người đều biết: cố vấn Nhu luôn tìm cách mở rộng quyền lực bằng cách giảm thiểu “bàn tay đưa nôi” của Mỹ.

Tin đồn Mỹ giật dây đảo chính Tổng thống Diệm đồn khắp Sài Gòn. Trên trang nhất một tờ báo Sài Gòn phát hành ngày 2/9/1963, bà Nhu huỵch toẹt rằng, các tùy viên quân sự Anh, Philippines và Úc đã thúc Cabot Lodge cùng CIA xúi bẩy tướng tá Sài Gòn hạ bệ anh em Diệm - Nhu. Trong thực tế, suốt tháng 8 và 9/1963, gần như không ngày nào nhóm Hội đồng An ninh quốc gia Hoa Kỳ không họp bàn việc lật đổ Tổng thống Diệm. Kennedy ra lệnh CIA gửi điện cho Cabot Lodge nói rằng, dù không muốn gây ra đảo chính nhưng Washington cũng không muốn tạo ấn tượng rằng người Mỹ sẽ ngăn một sự thay đổi chính thể (Nam Việt Nam) cũng như cản trở sự ủng hộ quân sự và kinh tế đối với chính phủ mới”. Nói cách khác, thông điệp Kennedy như sau: Đảo chính thì không ủng hộ nhưng ai muốn đảo chính thì Mỹ cũng không cản. Nhiệm vụ Cabot Lodge là gián tiếp bật đèn xanh tướng tá Sài Gòn đảo chính đồng thời tránh không để lại dấu tay người Mỹ trong kịch bản thay đổi chính thể Nam Việt Nam.

Ngô Đình Diệm và đại sứ Cabot Lodge

Như vợ, cố vấn Nhu cũng chỉ trích khả năng người Mỹ dính vào âm mưu lật đổ Tổng thống Diệm. Trong cuộc phỏng vấn tuần báo Ý Expresso, Nhu nói rằng quân đội Mỹ, kể cả lực lượng đặc nhiệm, chẳng biết gì về chiến tranh du kích. Việc sử dụng chiến thuật tấn công Việt Cộng bằng trực thăng là “sáng kiến của tôi” và đáng lý trực thăng chiến đấu phải được giao cho phi công Việt Nam từng được đào tạo đặc biệt. Nếu Mỹ “hất tôi khỏi quyền lực”, chương trình Ấp chiến lược sụp đổ trong nháy mắt. Lính Mỹ không làm được tích sự gì hơn là đi bắt gà và can dự nhiều hành vi ngu ngốc. Mỹ đáng lý nên xem VNCH như Nam Tư, tức tài trợ mà không cần gây ảnh hưởng. Về bố vợ Trần Văn Chương (nguyên Đại sứ VNCH tại Mỹ), cố vấn Nhu nói, nếu ông ấy mò về Sài Gòn, “tôi sẽ cắt cổ ổng, treo ổng ở trung tâm quảng trường. Chính vợ tôi sẽ thắt dây thòng lọng bởi bà ấy rất tự hào là người Việt Nam và luôn mang tinh thần ái quốc”.

Trong cùng thời gian, tình báo Mỹ rộ lên nguồn tin cố vấn Nhu dự tính ám sát Cabot Lodge như một nước cờ “tranh tiên”. CIA nghe từ một nguồn rằng, ông Nhu sẽ dựng cuộc biểu tình sinh viên trước trụ sở Tòa Đại sứ Mỹ nhằm nghi binh và phái một nhóm điệp viên lẻn vào giết Lodge cùng các viên chức cấp cao Mỹ khác. Việc Ngô Đình Nhu mưu toan khử Cabot Lodge rất có thể không là tin nhảm. Ông Nhu từng giận sôi gan khi Cabot Lodge “khuyên” ông đi lưu vong và còn mắng ông về tội dính vào các thương vụ thuốc phiện. Từng rủa cố vấn Nhu là “thằng đần không thể tưởng tượng nổi”, Cabot Lodge bắt đầu lo sợ, ra lệnh đóng tất cả cửa Tòa đại sứ khi có đám đông bên ngoài.

(Trái sang): Đại sứ Henry Cabot Lodge, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng VNCH Nguyễn Đình Thuần và tướng Maxwell D. Taylor

Cảnh vệ thủy quân lục chiến được đặt trong tình trạng báo động. Cabot Lodge cũng yêu cầu chánh văn phòng CIA tạm quyền (thay John Richardson) nhắc nhở chính quyền Sài Gòn rằng, phản ứng của thủy quân lục chiến trước bất kỳ cuộc đánh chiếm nào vào Tòa đại sứ sẽ không khác gì thời Thế chiến II, với chiến thuật tiêu diệt đối phương cực nhanh và “kinh hoàng vượt ngoài mọi miêu tả”. Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Viễn Đông W. Averell Harriman bác bỏ khả năng ông Nhu ám sát Cabot Lodge và cho rằng, phản ứng Cabot Lodge “hơi loạn óc”. CIA tiếp tục bán tín bán nghi, tin rằng có thể anh em Diệm - Nhu tung nguồn tin trên khiến Mỹ đoán già đoán non chiến lược gì thật sự trong Dinh Gia Long. Và cũng có thể đó là đòn giương đông kích tây để thừa cơ ông Nhu bí mật tiến hành đề xuất của Pháp.

De Gaulle nói với Kennedy rằng, việc trung lập Việt Nam là cách hữu hiệu giúp tránh cộng sản chiếm trọn Nam Việt Nam. Thật ra kịch bản De Gaulle còn có vài chi tiết ẩn chìm. Bằng sự hiện diện trên bàn cờ chính trị Đông Dương, De Gaulle không những có thể đưa Pháp lên võ đài chính trị với tư cách một trong những “tay chơi” đẳng cấp lãnh đạo thế giới thời Chiến tranh lạnh mà còn giảm thiểu ảnh hưởng Mỹ tại châu Á cũng như châu Âu.

(Xem tiếp kỳ sau)

Cao Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc