Hội nghị Trung ương 3 Đảng Cộng sản Trung Quốc (khóa 18): Một loạt cải cách mới

16:28 | 13/11/2013

3,650 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Báo cáo của Đại hội 18 xác định: “Cải cách sâu sắc thể chế tài chính; kiện toàn thúc đẩy kinh tế vĩ mô ổn định và hệ thống tài chính hiện đại góp phần phát triển kinh tế; đẩy nhanh phát triển thị trường vốn đa tầng”.

Hội nghị Toàn thể lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (Hội nghị Trung ương 3) khóa 18 diễn ra từ ngày 9-12/11 tại Bắc Kinh dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Tập Cận Bình.

Trong lịch sử, các Hội nghị Trung ương 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đều đưa ra những chính sách quan trọng liên quan đến cải cách và phát triển. Hội nghị Trung ương 3 năm nay diễn ra sau khi thế hệ lãnh đạo khóa mới của Trung Quốc nhậm chức đúng 1 năm. Trong thời gian đó, lãnh đạo nước này đã đưa ra không ít chính sách, thể hiện quan điểm, đường lối lãnh đạo mới. Hội nghị Trung ương 3 sẽ tiến hành tổng kết, đồng thời vạch ra kế hoạch điều hành đất nước trong tương lai.

Vấn đề khiến dư luận đặc biệt quan tâm là trong thời gian gần đây tại các diễn đàn quốc tế khác nhau, Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường liên tục nhắc đến thúc đẩy cải cách mở cửa toàn diện ở Trung Quốc. Do đó, Hội nghị Trung ương 3 lần này chắc chắn sẽ đưa ra một lộ trình cải cách toàn diện tại Trung Quốc.

Nếu so sánh với các kỳ Hội nghị trước, hội nghị lần này vừa có điểm tương đồng vừa có điểm khác biệt. Hội nghị Trung ương 3 năm nay thể hiện quan điểm, kế hoạch điều hành đất nước của chính phủ khóa mới, đồng thời đưa ra một loạt quyết định chiến lược và quyết sách quan trọng. Hội nghị đồng thời phát huy vai trò then chốt trong tiến trình cải cách, phát triển đất nước cũng như lịch sử xây dựng Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Mô hình đô thị mới sẽ được nhân rộng theo Nghị quyết Trung ương 3.

Hội nghị Trung ương 3 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước cũng như tình hình nội bộ đảng có nhiều điểm mới, công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc bước vào giai đoạn củng cố và cải cách sâu rộng, do đó hội nghị cũng sẽ có những đặc điểm riêng.

Việc khởi động chu kỳ cải cách mới, có tính triệt để đang ngày càng trở nên bức thiết. Nói cách khác, cải cách sâu sắc và tăng cường sinh lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội là điều kiện tiền đề để thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn hiện nay, tiến tới thực hiện chuyển đổi mô hình kinh tế, xã hội một cách toàn diện. Cải cách cũng là nguyện vọng thiết tha của toàn đảng, toàn dân. Nhân dân Trung Quốc hi vọng Hội nghị lần này sẽ thể hiện dũng khí, trí tuệ cải cách; xác định rõ hướng đi của Trung Quốc trong tương lai và làm sống lại thời kỳ huy hoàng của nền kinh tế nước này.

Gần đây, tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã chỉ ra rằng mặc dù việc tiến hành điều chỉnh cơ cấu kinh tế trong giai đoạn hiện nay là hết sức khó khăn, song phải kiên trì, hăng hái tiến hành cải cách, và “làm tốt công tác chuẩn bị để ứng phó với những phí tổn của cải cách”. Điều này thể hiện sự tự tin và quyết tâm của thế hệ lãnh đạo khóa mới Trung Quốc đối với thế giới, đồng thời cũng cho thấy động thái lớn của các nhà lãnh đạo trong việc đi sâu cải cách tại Hội nghị Trung ương 3 lần này.

Cải cách kinh tế là vấn đề quan trọng và cũng là lĩnh vực cải cách có cường độ mạnh nhất tại Hội nghị Trung ương 3 sắp tới. Hội nghị khẳng định vai trò của Khu thương mại tự do thí điểm Thượng Hải và coi đây là bài học để triển khai cải cách sâu rộng trong các lĩnh vực kinh tế, bao gồm những vấn đề trọng điểm sau: xác định rõ quy hoạch cải cách đô thị hóa, thúc đẩy tự do hóa tài chính và cải cách chế độ tài chính, đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp, tăng cường cải cách xã hội.

Chính phủ Trung Quốc xác định đô thị hóa là động lực trọng điểm thúc đẩy kinh tế tiếp tục phát triển. Trải qua hơn 1 năm thảo luận thấu đáo và chứng minh rõ về vấn đề đô thị hóa, Hội nghị Trung ương 3 hứa hẹn sẽ đưa ra những quyết định quan trọng, đồng thời tiến hành sắp xếp, quy hoạch toàn diện vấn đề này.

Bên cạnh đó, Hội nghị sẽ thúc đẩy đô thị hóa trở thành trọng tâm của công cuộc cải cách ở các lĩnh vực như thị trường tài chính, chế độ hộ tịch, hệ thống thuế quan, an sinh xã hội, định giá nguồn năng lượng và tài nguyên, quản lý hành chính và chế độ đất đai ở nông thôn…

Do công tác chuẩn bị về lý luận cũng như việc thành lập các khu thí điểm cải cách tài chính đã được thực hiện trong một thời gian dài nên việc tiến hành phổ biến nội dung này trên phạm vi toàn quốc ngày càng thành thục. Song các vấn đề như nợ của chính quyền địa phương, khó khăn về vốn… ngày càng trở thành gánh nặng đối với chính quyền địa phương buộc chính quyền Trung ương phải lựa chọn một loạt động thái mang tính thực chất ở lĩnh vực cải cách tài chính.

Báo cáo của Đại hội 18 xác định: “Cải cách sâu sắc thể chế tài chính; kiện toàn thúc đẩy kinh tế vĩ mô ổn định và hệ thống tài chính hiện đại góp phần phát triển kinh tế; đẩy nhanh phát triển thị trường vốn đa tầng”.

Hội nghị Trung ương 3 có thể sẽ tiếp tục duy trì quan điểm này, đưa ra các động thái thực chất đối với việc cải cách tài chính như: cải cách chế độ quản lý ngoại hối, thị trường hóa tỉ giá hối đoái đồng nhân dân tệ; tăng cường cải cách quản lý, giám sát tài chính; thực hiện cải cách thị trường hóa lãi suất tiền gửi; thúc đẩy cải cách thị trường hóa ngành ngân hàng; mở rộng kênh đầu tư vốn của các doanh nghiệp; từng bước mở cửa lĩnh vực tài chính; nâng cao tỉ lệ đầu tư vốn trực tiếp…

Ngoài ra, cải cách nguồn thu từ thuế cũng là nội dung quan trọng của Hội nghị lần này. Hội nghị  giải quyết các vấn đề như tình trạng gia tăng nợ của chính quyền địa phương, thu thuế bất hợp lý… Nghĩa là chủ yếu cải cách chế độ phân bổ nguồn thu từ thuế của trung ương và chính quyền địa phương, tăng tỉ trọng nguồn thu từ thuế của chính quyền địa phương một cách hợp lý, tăng thêm ngân sách, mở rộng nguồn thu thuế của các địa phương như thay thế thuế doanh nghiệp bằng thuế giá trị gia tăng, tiến hành thu các loại thuế mới như thuế tài nguyên, thuế bất động sản…

Trọng điểm cải cách là xóa bỏ các doanh nghiệp độc quyền nhà nước, nới lỏng các hạn chế gia nhập thị trường, giảm bớt tỉ trọng kinh tế quốc hữu trong nền kinh tế quốc dân, thay đổi mô hình quản lý tài sản nhà nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.

Về cải cách thể chế xã hội, việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội ở thành thị và nông thôn cần được xây dựng theo xu hướng thu hẹp khoảng cách phát triển; xây dựng hệ thống bệnh viện, đảm bảo việc dưỡng lão ở tất cả các vùng nông thôn. Trọng điểm cải cách phân phối thu nhập là nâng cao thu nhập của người dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Trọng điểm cải cách đất đai là cải cách chế độ quản lý trưng thu đất đai liên quan đến quá trình đô thị hóa, thực hiện phương thức quay vòng đất đai, thay đổi tình trạng chính quyền địa phương dựa vào việc bán đất để duy trì ngân sách. Ngoài ra, các vấn đề dư luận đang bàn luận như chế độ hộ tịch, nhận lương theo năm sau khi đã nghỉ hưu, chính sách kế hoạch hóa gia đình… cũng sẽ là những nội dung thảo luận tại hội nghị sắp tới. Trọng điểm cải cách thể chế xã hội là đổi mới phương thức quản lý xã hội, xác định hợp lý phạm vi chức năng giữa chính phủ và các tổ chức xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Bên cạnh đó, Hội nghị Trung ương 3 tiếp tục cải cách sâu sắc thể chế mở cửa. Thúc đẩy hoàn thiện thể chế, cơ chế nhằm thích nghi với đặc điểm mới, xu thế kinh tế quốc tế mới; thực hiện chiến lược mở cửa tích cực, chủ động hơn nữa; không ngừng nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh Trung Quốc tham gia mạnh mẽ vào kinh tế toàn cầu và nhất thể hóa kinh tế khu vực. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh chiến lược “hướng ngoại”; tích cực tham gia quản lý kinh tế toàn cầu và hợp tác khu vực; đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược khu thương mại tự do; tích cực triển khai đàm phán khu thương mại tự do với các quốc gia, khu vực giao dịch thương mại chủ yếu; nâng cao hơn nữa trình độ sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

V.N.A (tổng hợp)

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc