Những cuộc đối đầu giữa KGB và CIA (Kỳ 2)

07:00 | 20/11/2013

4,990 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một tháng sau vụ Tổng thống Mỹ bị sát hại ở Dallas, điệp viên của CIA, đang hoạt động trong thành phần đoàn đại biểu Liên Xô tại cuộc đàm phán về giải trừ vũ khí ở Geneva, đã phát tín hiệu xin được gặp phái viên của CIA gấp.

>> Những cuộc đối đầu giữa KGB và CIA (Kỳ 1)

Điệp viên Xasha

Sau khi suy nghĩ về lời đề nghị của Cozlov, Angleton quyết định tiếp anh ta. Ông ta tính toán rằng, Shadrin không có giá trị lắm đối với CIA, bởi vậy có thể hy sinh anh ta. Việc chuẩn bị cho cuộc gặp thứ hai với thiếu tá KGB phải mất một tuần. Ngoài Brius Soli và Bert Terner, còn có Gas Hattavei -  một trong hai người quen Pakistan của Cozlov - tham gia vào cuộc gặp đó.

Trả lời câu hỏi của Cozlov rằng, Shadrin có đồng ý tiếp xúc với anh ta hay không, người ta cho biết rằng Shadrin sẽ không né tránh cuộc tiếp xúc này. Cozlov bắt đầu thực hiện lời hứa của mình. Anh xác nhận hoàn toàn thông tin của Golishưn về điệp viên có mật danh Xasha. Điệp viên Xasha là nhân vật hoạt động chính của chiến dịch mà cho đến ngày nay vẫn còn là bí mật. Dù thời hạn đã lâu, ngành tình báo đối ngoại Nga vẫn chưa đưa Xasha vào danh sách chính thức của mình.

Tên thật của Xasha là Alecxandr Grigorievich Copashkin. Tháng 12/1943 Xasha bị thương và bị bắt làm tù binh. Ông nhận mình là người của Nội vụ dân ủy, đồng ý làm việc cho tình báo Đức. Hai tháng cuối cùng của chiến tranh Xasha phục vụ ở phòng phản gián Tập đoàn quân giải phóng nước Nga của tướng Vlasov. Sau chiến tranh Copashkin được đề nghị làm việc trong cơ quan của tướng Reinkhard Gơlen, cựu lãnh đạo phòng phương Đông của tình báo đế chế, mới được thành lập dưới sự bảo trợ của tình báo Mỹ. Sau này Xasha làm việc tại cụm tình báo của CIA ở Tây Berlin (cơ sở này vốn nổi tiếng với tên viết tắt BOB - căn cứ chiến dịch Berlin).

Igor Orlov và vợ là bà Eleonore - tại Munich - Đức

Năm 1954, Copashkin bị cảnh sát giao thông bắt giữ không lâu vì lái xe trong tình trạng không tỉnh táo. Để tránh phiền phức khi làm thủ tục nhập quốc tịch Mỹ, CIA đã đổi tên cho anh ta thành Igor Orlov. Dưới cái tên này tháng 1/1961 anh ta chuyển sang sinh sống ở Mỹ với hy vọng có việc làm ở CIA. Tuy nhiên, đó chỉ là lời hứa suông để giữ cho anh ta khỏi chạy trốn về Liên Xô. Thực ra, FBI nghi Orlov là gián điệp hai mang. Việc nghi ngờ này càng thêm sâu sắc sau khi Anatoli Golishưn xuất hiện ở Washington.

Soli và Terner không tin một lời nào của Cozlov. Họ biết rõ rằng, việc điều tra của FBI đã không xác định được bất kỳ dấu hiệu hoạt động gián điệp nào của vợ chồng Orlov. Nắm được sự hồ nghi của những người đối thoại với mình, thiếu tá tuyên bố với họ: “Không tin thì hãy kiểm tra. Orlov đến Đại sứ quán Liên xô ngày 10/5/1965 qua lối cửa sau”. Cùng với những lời này, Corlov chìa ra bức ảnh Orlov được chụp ở tòa nhà đại sứ quán qua tấm gương được sử dụng đặc biệt cho mục đích này. Đáp lại điều đó, Soli và Terner trả lời rằng họ cũng cần có tấm ảnh xác nhận thông tin của Cozlov, bởi vì FBI chụp ảnh tất cả những ai ra vào đại sứ quán.

Không một chút bối rối, Cozlov xác nhận: Dĩ nhiên, FBI có bức ảnh vì cụm tình báo KGB quan tâm đến việc Orlov ra khỏi đại sứ quán bằng lối cửa chính. Sau những nỗ lực tìm kiếm, cuối cùng cũng tìm ra được tấm ảnh: nó bị nhét nhầm vào hồ sơ cá nhân của ai đó. Thông tin của Cozlov được xác nhận và Angleton rất phấn khích. Vụ Orlov mà Hoover đang khao khát được đóng lại, có thể lại được mở ra trở lại. Tuy nhiên, trong lần gặp tiếp theo, Cozlov đã thông báo một điều làm rối loạn bàn cờ của Angleton. Thông tin của thiếu tá có liên quan trực tiếp đến vụ sát hại John Kennedi.

Phursheva và Osvald

Một tháng sau vụ Tổng thống Mỹ bị sát hại ở Dallas, điệp viên của CIA, đang hoạt động trong thành phần đoàn đại biểu Liên Xô tại cuộc đàm phán về giải trừ vũ khí ở Geneva, đã phát tín hiệu xin được gặp phái viên của CIA gấp. Điệp viên đó chính là sĩ quan KGB Iuri Nosenco - người đã đề nghị được phục vụ tình báo Mỹ từ tháng 6/1962. Lúc đó Nosenco là nạn nhân tiếp theo của Golishưn - ở CIA người ta rất nghi ngờ Nosenco. Tại cuộc gặp diễn ra ngay sau đó với phái viên, Nosenco yêu cầu các nhân viên CIA khẩn cấp tổ chức cho anh ta cuộc di tản, trong đó gia đình anh ta ở lại Liên xô. Đáp lại câu hỏi có việc gì xảy ra, anh ta nói rằng mình bị triệu tập về Moskva và anh ta lo sợ mình đã bị phát giác. Nhân viên liên lạc cố an ủi anh ta.

Lúc đó, Nosenco buộc phải thông báo lý do thực sự làm mình hoảng sợ, anh ta được giao nhiệm vụ tuyển mộ Li Kharvi Osvald trong thời gian anh ta đến Liên Xô lần gần nhất. Nhưng, người ta đã nhận ra tính cách thất thường của Osvald và cuối cùng đã từ bỏ ý tưởng này. Theo lời Nosenco, quyết định không tuyển mộ Osvald có tính chất chính trị: người ta đã tiếp Osvald theo ý của vị bộ trưởng văn hóa quyền uy và ủy viên Bộ chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Ecaterina Phursheva. Ban lãnh đạo KGB buộc phải đồng ý. Cho đến bây giờ bà vẫn còn là nhân vật bí ẩn trong lịch sử cuộc đấu tranh giành quyền lực ở Liên Xô. Bà đã giữ vai trò chủ chốt (cùng với nguyên soái Giucov) trong cuộc giải cứu chính trị cho Khrusev trong năm 1957, chuyển hướng bằng việc đập tan “bè lũ chống Đảng” Molotov, Malencov, Caganovich và “kẻ hùa theo” Shepilov và sự đăng quang của Khrusev trên đỉnh cao chính trị.

Chẳng bao lâu sau khúc khải hoàn của Khrusev, Phursheva bị đẩy vào hậu trường và bị loại khỏi cuộc chơi chính trị lớn. Bà qua đời năm 1974 bởi “cơn suy tim cấp tính”. Cái chết của bà cho đến giờ vẫn gây nên sự nghi ngờ về tính chính xác của việc chẩn đoán bệnh. Liên quan đến Osvald, sự kiện ông ta đến Liên Xô, chủ nghĩa chống Mỹ, cũng như căn bệnh tả khuynh của những quan điểm chính trị lúc đó là những chứng cớ đáng kể nhất của giả thiết cơ bản vụ sát hại Kennedy. Tin tức của Nosenco là mối quan tâm đặc biệt. Richard Helms - lúc bấy giờ là Giám đốc Cục Tác chiến của CIA - đã thông qua quyết định sơ tán khẩn cấp điệp viên này.

Một cuộc đón tiếp hà khắc đang đợi Nosenco ở Mỹ. James Angletonon vẫn còn nghi ngờ rằng, Nosenco được Kremlin mật phái tới. Chính theo yêu cầu của Englton, Nosenco đã hoàn toàn bị cách ly với thế giới bên ngoài. Trong khoảng 4 năm anh ta bị giữ trong những điều kiện còn tệ hơn cả nhà tù: khẩu phần chết đói, không có chăn và bàn chải đánh răng, không cho phép tắm rửa và tập thể dục, không cho ra ngoài đi dạo và bị thẩm vấn liên tục. Một phần những câu hỏi thẩm vấn là do Golishưn chuẩn bị. Nosenco bị mất tinh thần, trở nên rối trí và nhầm lẫn, không thể trả lời những câu hỏi hóc búa.

Tuy nhiên, sự chạy trốn của Nosenco đối với Edgar Hoover lại là điều may. Thông tin của Nosenco đã tạo cho ông ta cơ hội tuyệt vời để khép lại chủ đề “bàn tay Moskva”. Trong phạm vi điều tra, Hoover đã phái hai nhân viên FBI của mình đi thẩm vấn Nosenco - một trong hai người đó là Bert Terner. Nosenco nhắc lại việc tuyển mộ Osvald không thành và về sự tham gia của Phursheva vào việc này. Hoover báo cáo điều đó cho Tổng thống Johnxon và sau đó đưa Nosenco ra trình Ủy ban điều tra vụ ám sát tổng thống, đứng đầu là Chánh án tòa án tối cao Mỹ Erl Worren. Ủy ban nghe những lời khai của Nosenco với sự nhẹ nhõm.

Angleton vẫn tỉnh táo. Ông ta không từ bỏ ý định vạch mặt Nosenco. Song, kết quả không như ý muốn. Một số thông tin hết sức có giá trị của kẻ đào tẩu đã được xác nhận hoàn toàn: chẳng hạn, nó đã giúp vạch trần John Vessell- nhân viên tình báo Hải quân Anh, được tuyển mộ vào thời gian anh ta làm việc trong đoàn tùy viên quân sự hải quân của Liên hiệp Anh ở Moskva. Nosenco đã chuyển cho CIA sơ đồ thiết bị nghe lén trong Tòa Đại sứ Mỹ ở Moskva.  Khi sử dụng sơ đồ này, các nhân viên an ninh nội bộ của đại sứ quán đã tìm thấy hơn 40 “con bọ” được giấu sau các bộ tản nhiệt của đường ống nước nóng để sưởi, mà máy dò kim loại không phát hiện được.

Thiếu tá Cozlov xác nhận tin tức về việc tuyển mộ Osvald không thành. Báo cáo về cuộc gặp này đã gây hiệu quả đối lập với ban lãnh đạo FBI. Hoover quyết định rằng, bây giờ có thể dễ dàng chấm dứt điều tra vụ án mưu sát Kennedi và như thế ông ta đã thắng Englton trong cuộc đấu tay đôi này. Không còn thời gian để suy nghĩ nữa vì thời hạn công tác của Cozlov đã gần hết. Sếp của FBI ra lệnh chuẩn bị ngay cuộc gặp của Cozlov và Shadrin.

(Xem tiếp kỳ sau)

Phương Nam