Mỹ loay hoay xoay cái trục

08:00 | 27/03/2014

3,434 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trục xoay của Mỹ sang châu Á chưa đến đâu thì lại đang gặp phải lực cản lớn, cuộc khủng hoảng Ukraina. Liệu sau đây Mỹ có xoay lại trục sang châu Âu?

Mỹ loay hoay xoay cái trục

Biếm họa về kế hoạch xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ

Tháng 11/2011, chính quyền Obama đã đưa ra quan điểm về việc xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương trong bản khuyến nghị chính sách của Ngoại trưởng Hillary Clinton. Từ đầu đến cuối, các quan chức Mỹ luôn cẩn trọng tuyên bố rằng chính sách mới không nhằm kiềm chế Trung Quốc và cũng không chỉ thuần túy là vấn đề an ninh. Thay vào đó, chính sách này tập trung vào thương mại và hợp tác đa phương.

Chiến lược xoay trục của Mỹ dựa trên hai trụ cột chính là kinh tế và quân sự. Một mặt, Mỹ thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại với châu Á, với dự án thành lập một khu vực tự do mậu dịch trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mặt khác, từ nay đến 2020, Mỹ sẽ tập trung tới 60% lực lượng hải quân trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việc luân chuyển binh sĩ, tàu chiến Mỹ tới các nước đồng minh trong khu vực châu Á được đẩy mạnh.

Trước cuộc khủng hoảng Ukraina, kế hoạch xoay trục của Mỹ đã vấp phải nhiều lực cản. Đó là quan hệ với cường quốc đang vươn lên là Trung Quốc vẫn khó khăn; Mỹ lại mâu thuẫn về các vấn đề quan trọng với đồng minh khu vực lớn nhất là Nhật Bản và thứ ba là thỏa thuận TPP không được hoàn tất theo thời hạn mong muốn.

Ngoài ra, những thể hiện của Mỹ đã khiến một số nước đồng minh châu Á nghi ngờ. Mỹ luôn nói đặt trọng tâm đối ngoại vào châu Á. Nhưng việc Tổng thống Obama lỗi hẹn với các lãnh đạo khu vực này hồi tháng 10/2013 đã khiến sự khả tín của Mỹ bị nghi ngờ. Phải chăng Mỹ đã từ bỏ mục tiêu ấy?

Trong bản Thông điệp Liên bang đọc hôm 28/1/2014, Tổng thống Obama nói, vấn đề đối ngoại chỉ chiếm một vai trò rất khiêm nhường và khu vực châu Á - Thái Bình Dương không là ưu tiên chính. Điều này khiến nhiều nhà bình luận khi đó cho rằng các nước đồng minh của Mỹ chưa thấy đủ tin tưởng với chính sánh chuyển trục về châu Á.

Kế hoạch xoay trục này còn vấp phải một số lực cản ngay trong nội bộ Mỹ. Ngay từ đầu, chính sách này của Obama đã gặp phải rất nhiều chỉ trích cho rằng không có đủ cơ sở vững chắc mà bằng chứng là sự thay đổi trong cách mô tả chính sách: tái cân bằng, dịch chuyển, thay đổi thái độ và “Giấc mơ Thái Bình Dương”.

Thách thực nội bộ lớn nhất cho kế hoạch này, đó là việc chính Đảng Dân chủ của ông Obama hiện đang nắm Thượng viện lại không muốn ủng hộ hiệp ước TPP.

Với những khó khăn trên, có thể thấy trục xoay của Mỹ sang châu Á bị kẹt và thậm chí còn chưa biết là nó đang xoay hướng nào.

Trong tình thế đó, cuộc khủng hoảng Ukraina lại khiến chính quyền Obama phân tâm xoay trục.

Ngay từ khi kế hoạch này được đề ra, châu Âu đã cảm thấy bị bỏ rơi. Khác hẳn với những người tiền nhiệm, Tổng thống Obama không hào hứng thúc đẩy quan hệ “liên Đại Tây Dương”. Thậm chí, ông còn không dự Thượng đỉnh Mỹ- châu Âu, được tổ chức tại Madrid 2010.

Giờ đây châu Âu kêu gọi Mỹ tiếp tục đảm nhiệm vai trò lãnh đạo. Để trấn an châu Âu, ngày 24/3, trên đường tới Hà Lan dự Hội nghị Thượng đỉnh bất thường G7 bàn về vấn đề Ukraina và Thượng đỉnh về an ninh hạt nhân, Tổng thống Obama, khi trả lời phỏng vấn của nhật báo Hà Lan Volkskrant, đã khẳng định lại sự ủng hộ của Mỹ đối với Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo ông, đó là “liên minh mạnh nhất, hiệu quả nhất trong lịch sử nhân loại”. Nguyên thủ Mỹ cũng nhắc lại điều 5 trong Hiến chương NATO về nghĩa vụ của các thành viên bảo vệ lẫn nhau và cảnh báo: “Đừng có ai thắc mắc về sự gắn bó của Mỹ đối với an ninh của châu Âu”.

Đồng thời, Tổng thống Obama cũng mong muốn châu Âu đừng tiếp tục nghĩ rằng Washington không quan tâm đến lục địa này khi thực hiện chiến lược xoay trục sang châu Á. Nguyên thủ Mỹ giải thích: “Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, châu Âu là cội nguồn của nhiều thách thức về an ninh quốc tế. Giờ đây, NATO là cơ sở bảo đảm cho an ninh chung. Do vậy, việc Mỹ đóng một vai trò rộng lớn hơn tại châu Á, trong mọi trường hợp, không có nghĩa là Washington quay lưng lại với các cam kết tại châu Âu”; quan hệ với các đồng minh và đối tác châu Âu là hòn đá tảng trong cam kết quốc tế của Mỹ, điều này được thể hiện qua việc cùng tham gia tác chiến tại Afghanistan và các nỗ lực ngoại giao trong hồ sơ Iran, Syria.

Tuy nhiên, trong bối cảnh giảm chi phí quốc phòng, Mỹ không thể dàn trải sức lực khắp nơi. Chính vì thế, Tổng thống Obama nhấn mạnh, châu Âu phải chia sẻ gánh nặng trong lĩnh vực an ninh tập thể: “Như chúng tôi đã thường xuyên nói vơí các đồng minh châu Âu, chúng tôi muốn thấy có thêm nhiều nước châu Âu thực hiện cam kết của mình về chi phí quân sự”.

Sau những hành động cương quyết của Nga tại Ukraina, một số tờ báo Mỹ khuyên chính quyền Obama nên “xoay lại trục” sang châu Âu. Theo tờ Los Angeles Times, với cuộc khủng hoảng Ukraina, châu Âu lại trở thành tâm điểm trong chính sách đối ngoại của Mỹ và trong hoàn cảnh hiện nay, Washington không thể thực hiện được chính sách xoay trục sang châu Á.

Trong khi đầu trục xoay của Mỹ còn chưa tới châu Á thì chính phủ Obama lại đang bị kêu gọi xoay trở lại châu Âu. Không hiểu thời gian tới chính quyền Mỹ sẽ xoay cái trục đi đâu.

Nhiều chuyên gia cho rằng Nga đã phá hỏng kế hoạch xoay trục của Mỹ bằng cách tạo ra cuộc khủng hoảng Ukraina. Và người được lợi nhất từ việc này lại là Trung Quốc. 

Th.Long