Ariel Sharon - con người gây tranh cãi

06:50 | 13/01/2014

1,118 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 11/1/2014, cựu Thủ tướng Israel Ariel Sharon đã trút hơi thở cuối cùng sau suốt 8 năm hôn mê. Ông được coi là một trong những lãnh đạo quân sự và chính trị mưu mô nhất, chuyên sử dụng biện pháp mạnh và luôn gây bất ngờ cho bạn hữu lẫn kẻ thù.

Không thể tỉnh lại

Trong một căn phòng thuộc tầng 2 bệnh viện Tel-Hashomer của thành phố Tel-Aviv, toà nhà được xây dựng bằng đá trắng và được bao quanh bởi những bụi cây hương thảo, Ariel Sharon nằm đó, bất động và chìm trong trạng thái hôn mê sâu, phải truyền thức ăn bằng đường ống. Cựu Thủ tướng Israel vẫn đang mở mắt, người ta vẫn bật tivi cho ông coi vài giờ mỗi ngày dù họ không biết liệu ông có còn nhìn, hay nghe được gì nữa không. Radio thì luôn vang lên giai điệu của những bản nhạc cổ điển vì họ hy vọng những giai điệu này có thể tác động phần nào lên sức khoẻ của Sharon. Và mỗi ngày, 2 cậu con trai, Omri và Gilad lại luân phiên đến thăm cha, đọc sách, đọc báo cho ông nghe, một người buổi sáng, một người buổi chiều.

Xung quanh giường bệnh của Sharon là ảnh những đứa cháu. Mọi người cũng thường hái những bó hoa dại từ trang trại rộng lớn phía Nam Israel của ông mà sinh thời, vợ ông rất thích, rồi đem đến bệnh viện cho ông. 8 năm sau cơn đột quỵ hạ gục cha mình, Omri và Gilad vẫn luôn có nguyện vọng đưa cha về trang trại. Kế hoạch đã được lên sẵn, nhưng mọi thứ phải bỏ dở vì ông Sharon đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Tel-Hashomer hôm 11/1, thọ 85 tuổi.

Các bác sĩ đã đoán trước về sự ra đi của ông sau khi sức khỏe của ông tụt dốc hồi tuần trước. Trước đó, cựu Thủ tướng Sharon đã được điều trị suốt 8 năm bằng phương pháp vật lý trị liệu và phải thay đổi tư thế thường xuyên để tránh hoại tử da.

Thủ tướng Ariel Sharon năm 2005

Với tuổi tác và khoảng thời gian dài hôn mê như thế, có rất ít khả năng Sharon sẽ tỉnh dậy vào một ngày nào đó. Một thành viên đề nghị giấu tên của nhóm các bác sĩ tiết lộ trên một tờ báo Israel rằng não của ông Sharon có kích thước như một quả bưởi. “Một phần não vẫn giúp cơ thể ông và các bộ phận khác duy trì hoạt động. Nhưng ngoài chỗ đó ra, não ông chẳng còn gì, chỉ toàn dịch lỏng”. Gia đình Sharon và một số hiếm người được đến thăm ông không muốn tin vào điều này và luôn hy vọng về những trường hợp mà bệnh nhân hôn mê tỉnh lại một cách thần kỳ trước sự sửng sốt của bác sĩ.

“Ông ấy vẫn như xưa. Arik (tức Sharon) vẫn luôn là Arik”- Gilbert Cohen, người gọi cựu Thủ tướng bằng tên thân mật, nói. Là tài xế riêng cho Sharon trong 20 năm, Gilbert Cohen vẫn làm công việc này cho đến năm ngoái, mỗi buổi sáng, ông lại đến bệnh viên để làm công việc của mình. “Tôi vào và nói: “Xin chào, ông có khoẻ không?” như ngày xưa tôi vẫn thường nói khi làm việc cho ông ấy. Tôi cầu nguyện rất nhiều cho bệnh tình của ông ấy thuyên giảm”.

Thời gian sau cơn đột quỵ thứ hai của Sharon vào ngày 4/1/2006, Israel lâm vào tình trạng căng thẳng. Chiến dịch bầu cử tại Israel và Palestine có nhiều xáo trộn còn các gia đình tập trung trước radio và tivi để chờ đợi tin tức từ bệnh viện Hadassah, nơi Sharon được chuyển đến. Dần đần, mọi người cũng quen với việc Sharon không thể hồi phục và đất nước lại quay trở lại với những vấn đề thường trực. Ehoud Olmert, cộng sự của Ariel Sharon, đã kế nhiệm ông và cuộc sống lại trở về với nhịp điệu hối hả của xã hội Israel. Tất cả những điều này cho thấy rằng Israel không thể lúc nào cũng chú ý đến những gì mà người đàn ông này để lại, một trong những nhân vật gây tranh cãi của đất nước, một người khiến những người Israel nhập cư phải rời bỏ đất nước, nhưng cũng là người giữ gìn hoà bình cho Trung Đông khi ông ngã bệnh.

Người đàn ông gây tranh cãi

Sinh năm 1928 tại Palestine, khi đó vùng đất này do Anh cai trị. Năm 20 tuổi, ông trở thành thành viên của Haganah, lực lượng quân sự hoạt động ngầm theo chủ nghĩa Sion. Ông tham gia vào cuộc chiến đầu tiên giữa Israel và Arập năm 1948. Đến năm 1953, ông lãnh đạo Đơn vị 101, đơn vị đầu tiên của quân đội Israel (Tsahal), tai tiếng với cuộc tàn sát tại làng Qibya làm 69 dân thường Palestine thiệt mạng.

Trong cuộc chiến Kippour vào năm 1973, tướng Sharon đã thành công trong việc dẫn dắt sư đoàn của mình vượt qua kênh đào Suez và bao vây lực lượng Ai Cập, làm nên chiến thắng cho Tsahal. Kết thúc cuộc chiến, ông tham gia thành lập Đảng bảo thủ Likud. Năm 1977, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp, Sharon cho phép mở rộng các khu tái định cư cho người Do Thái trên đất Palestine.

Năm 1982, Sharon trở thành Bộ trưởng Quốc phòng. Đến tháng 6/1982, Israel tấn công Liban. Theo Ariel Sharon, cuộc chiến này là để bảo vệ phía Bắc Israel khỏi những cuộc tấn công từ Palestine. Cuộc tấn công này không nên kéo dài quá 48 tiếng và không nên xâm phạm lên lãnh thổ Liban nhưng lực lượng Israel lại tiến đến thẳng thủ đô Beyrouth và chiếm đóng miền Nam Liban trong vòng 18 năm. Các cuộc tàn sát đã diễn ra trong các khu trại của người Palestine tại Sabra và Chatila, phía Nam Beyrouth, bởi lực lượng người Liban theo Thiên Chúa giáo, trong khi lính Israel kiểm soát toàn bộ khu vực. Tại Israel, 400.000 người đã xuống đường tố cáo các cuộc thảm sát. Một cuộc điều tra tại nước này cũng đã quy trách nhiệm cho quân đội mà gián tiếp là cho Ariel Sharon, sau đó, ông này rút khỏi chính trường trong một vài năm.

Ngày 28/9/2000, với tư cách là đại biểu phe đối lập, Sharon đến thăm khu thánh đường Al-Aqsa ở Jerusalem. Hành động này được người Palestine xem như một hành động khiêu khích và Sharon được ví như nhân tố dẫn đến phong trào Intifada thứ hai. Nhiều cuộc đánh bom tự sát của người Palestine đã làm rung chuyển Israel. Năm 2001, Sharon giành chiến thắng bất ngờ và trở thành Thủ tướng Israel. Ông dừng tất cả việc đàm phán với giới chức trách Palestine và cho xây dựng dải phân cách khu Bờ Tây sông Jordan và ngăn chặn người Palestine tiến vào lãnh thổ Israel. Năm 2005, ông lại gây bất ngờ khi cho di dời người định cư Do Thái và rút quân khỏi dải Gaza. Tuy nhiên, đến tháng 1/2006, Sharon bị đột quỵ rồi rơi vào trạng thái hôn mê và đã không bao giờ tỉnh lại.

S.Phương

tổng hợp