Hillary - Quyền lực thông minh

11:00 | 29/12/2012

1,504 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sau 20 năm lăn lộn chính trường, bà Hillary Clinton đã quyết định từ giã sự nghiệp. Ngoại giao Mỹ bốn năm qua đã in đậm dấu ấn Hillary, không chỉ với những chuyến ngoại giao con thoi của bà mà còn với hình ảnh một chính khách thông minh và sắc sảo, một nhà ngoại giao vừa mềm mỏng vừa cứng rắn…

Chính sách ngoại giao 3D

Ngày 26/1/2012, trong buổi họp báo tại Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Hillary Clinton đã tuyên bố rút lui khỏi chính trường sau 20 năm, với tư cách đệ nhất phu nhân, với tư cách thượng nghị sĩ New York và cuối cùng với tư cách ngoại trưởng. Lý do bà nêu ra: “Tôi mệt rồi!”. Tiếp nhận một di sản với đống đổ nát đồ sộ để lại bởi chính sách đối ngoại gặp nhiều chỉ trích của nội các tiền nhiệm George W. Bush, bà Hillary Clinton đã khá thành công trong việc tái dựng niềm tin cho nước Mỹ (một số ý kiến cho rằng Hillary đã phải đối mặt với những thách thức đối ngoại khó khăn nhất đối với nước Mỹ kể từ sau giai đoạn Liên Xô sụp đổ).

Khi tiếp nhận ghế ngoại trưởng năm 2009, Hillary từng bị nhiều ý kiến dè bỉu. Người ta không tin một người không hề có kinh nghiệm về ngoại giao, không biết bất kỳ thứ tiếng nước ngoài nào, chưa từng nếm mùi trận mạc trong những cuộc đấu đá đối ngoại bốp chát tay đôi như bà Hillary Clinton lại có thể thành công ở vị trí ngoại trưởng. Tuy nhiên, vị ngoại trưởng thứ 67 của nước Mỹ này đã làm được nhiều hơn cả những gì mà lĩnh vực đối ngoại Mỹ mong đợi.

Ngoại trưởng Hillary Clinton trong một chuyến công du Việt Nam (10/7/2012)

Bà đã thành công khi giúp ông Barack Obama đưa nước Mỹ trở lại “cắm cọc” ở châu Á. Đặc biệt, Hillary đã thành công trong việc tạo ra cái gọi là “xã hội dân sự” trong ngoại giao quốc tế. Đó không là những kết nối trong phạm vi đối ngoại thường thấy của Mỹ với các chính phủ mà là với những tổ chức phi chính phủ (NGO), để giúp thực hiện những mục tiêu ổn định và phát triển thế giới nói chung. Tháng 9/2010, Hillary tuyên bố thành lập một tổ chức dưới sự đứng đầu Liên Hiệp Quốc nhằm cung cấp 100 triệu bếp sạch khắp thế giới vào trước năm 2020...

Nếu nói bà Hillary Clinton có một học thuyết cho chính sách đối ngoại thì đó là chính sách ngoại giao ba chiều (“3-D” foreign policy) trong đó một tổng thể “ba chiều” luôn được xét đến, từ ngắn hạn đến dài hạn, từ bên trên xuống bên dưới, từ chính phủ đến người dân. Hillary gọi đó là sự thể hiện của “quyền lực thông minh”, một “biến thể nâng cấp” của quyền lực mềm. “Quyền lực thông minh” là sự hợp tác gần hơn giữa các chuyên gia phát triển, nhà ngoại giao và giới lãnh đạo quân sự” - Hillary nói. Một thể hiện nữa của “quyền lực thông minh” là sự cổ súy ứng dụng công nghệ thông tin cho các mục tiêu xây dựng và phát triển.

Theo nhận xét của Jonathan Alter trong bài viết trên Vanity Fair (6/2011), Hillary là đại diện “tổng hợp” của các tố chất ưu việt từ một số người tiền nhiệm - từ thói quen luôn chuẩn bị chu đáo trước khi bắt tay vào việc của James Baker; mô thức mở rộng và tiếp cận nhiều loại đối tượng và nhiều nguồn thông tin như Colin Powell; đến chính sách tiếp cận châu Phi thông qua những chương trình cứu trợ như Condoleezza Rice. Với mô hình “quyền lực thông minh”, Hillary còn xâu chuỗi và kết nối các sự kiện riêng rẽ để dân Mỹ có thể thấy tầm quan trọng của chính sách ngoại giao liên quan đến chính sách an ninh quốc gia... Chẳng phải tự nhiên mà trong cuộc thăm dò Gallup năm 2011, bà Hillary Clinton tiếp tục được chọn, năm thứ chín liên tiếp, có mặt trong danh sách những phụ nữ được kính trọng nhất nước Mỹ.

Sức làm việc kinh khủng

4 giờ, chiếc máy bay của bà Hillary Clinton hạ cánh xuống căn cứ không quân Andrews. Đến khoảng giữa buổi sáng hôm đó, Ngoại trưởng Hillary đã có mặt trong Phòng Bầu dục để họp với Tổng thống Barack Obama. Đêm hôm trước, khi chuyên cơ của bà trên đường trở về từ Tunisia, bà và ông Obama đã đồng ý với nhau rằng, lá phiếu Hội đồng Bảo an về việc áp đặt vùng cấm bay tại Libya có nghĩa rằng đó là thời điểm mà nước Mỹ thực hiện một cuộc chiến thứ ba tại Trung Đông. Trong Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã đi đến quyết định phải “xử” Muammar Qaddafi bằng vũ lực. Tuy nhiên, chiến dịch quân sự nên được giao cho Anh và Pháp.

Để thuyết phục hai nước trên, ông Obama yêu cầu bà Hillary phải đích thân nói chuyện với Thủ tướng Anh David Cameron lẫn Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. “Xin lỗi, Hillary, chuyến này bà lại phải bay qua Đại Tây Dương lần nữa”, ông Obama nói với bà Hillary, trước khi ông lên đường sang Brazil theo kế hoạch. Thế là chỉ vài giờ sau khi trở về từ Tunis, Hillary lại bay sang Paris. Trong sáu ngày mang yếu tố quyết định trong cuộc chiến Libya vào tháng 3/2011, Hillary gần như sống trên máy bay, với chặng đường tổng cộng gần 32.186km, “thoắt ẩn” ở Washington lại “thoắt hiện” tại Cairo…

Ngày 28/6/2012, Hillary Clinton đã đặt chân đến quốc gia thứ 100 (Latvia), “phá kỷ lục” trước đó của người tiền nhiệm Madeleine Albright (với 96 quốc gia, trong nhiệm kỳ từ 1997-2001) và hơn khá nhiều so với 85 quốc gia trong bốn năm ngồi ghế ngoại trưởng của Condoleezza Rice. Chưa đầy một tháng sau khi ông Barack Obama chính thức nhậm chức Tổng thống, bà Hillary Clinton đã thực hiện chuyến công cán ngoại giao nước ngoài đầu tiên khi đến châu Á vào tháng 2/2009. Trong năm đó, bà đến tổng cộng 44 nước. Năm sau, bà đến 53 quốc gia và con số đó trong năm 2011 là 46. Và tính đến ngày 10/12/2012 (theo trang web Bộ Ngoại giao Mỹ), Ngoại trưởng Hillary Clinton đã đi nước ngoài với tổng cộng 2.084,21 giờ bay (86,8 ngày), vượt hơn 1.539.712km, đến 112 quốc gia.

Chắc chắn rằng những người có thể làm việc với cường độ khủng khiếp như Hillary Clinton không nhiều. Bà cũng thừa nhận nhiều lúc bà mệt mỏi kinh khủng và rằng vai trò ngoại trưởng là công việc khó khăn nhất mà bà từng đảm nhận trong đời. Không chỉ bởi phải bay liên tục mà còn bởi tốc độ và phạm vi rộng của những vấn đề phải đương đầu và giải quyết. Đôi khi không chỉ chuyện bên ngoài mà còn có những vụ “đấu đá nội bộ”, trong Bộ Ngoại giao, lẫn giữa Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng. Đã đến lúc phải dừng, dù đang ở đỉnh cao sự nghiệp – đó là cách mà Hillary Clinton rời đi, khi những dấu ấu đậm nét trong làng ngoại giao thế giới của bà vẫn còn “nóng hổi”.

Chuyên cơ dành riêng cho Ngoại trưởng Mỹ trông bên ngoài hệt như Air Force One nhưng bên trong đơn giản hơn. Đó là một trong bốn chiếc Boeing 757 mà quân đội Mỹ thiết kế lại, với 15 ghế cho phóng viên ở phía sau, 25 ghế ở giữa với bàn làm việc dành cho giới chức - nhân viên Bộ Ngoại giao và khoang đầu là thuộc về ngoại trưởng với hệ thống liên lạc hiện đại.

Trong hầu hết chuyến bay, Hillary ở trong phòng riêng, với một bàn làm việc, một ghế ngủ sofa và một màn hình dành cho hội thảo video. Trong không gian nhỏ hẹp đó, bà thường đọc lại những báo cáo trước đó từng nghiền ngẫm ở Washington, lướt iPad đọc tin và thỉnh thoảng giải trí bằng vài trang truyện trinh thám. Bữa ăn của bà thường là trái cây và rau. Trong hầu hết chuyến bay, bà tranh thủ ngủ. “Nếu không ngủ được, bà ấy không thể làm việc” - lời kể của thư ký riêng lâu năm Philippe Reines. Bà Hillary cũng có thói quen tự trang điểm...


Nguyễn Cao Trí

 

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc