Hàn Quốc mua 170 tên lửa của châu Âu

07:00 | 20/06/2013

419 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sau khi bị Mỹ từ chối, Hàn Quốc quyết định mua 170 quả tên lửa tầm xa của châu Âu để nâng cấp kho tên lửa của mình trước các mối đe dọa từ láng giềng.

Đầu đạn phá hầm của tên lửa Taurus có thể xuyên thấu đến 6m bê tông cốt sắt

Dành trang bị cho số chiến đấu cơ F-15K của mình, Hàn Quốc sẽ mua của châu Âu các tên lửa hành trình sản xuất tại Thụy Điển-Đức Taurus dùng bắn phá những cứ điểm hầm boongke bêtông của đối thủ.

Trong cuộc họp báo ngày 19/6 do Bộ trưởng Quốc phòng Kim Kwan Jin chủ trì, Cơ quan chuyên trách mua vũ khí của chính phủ Hàn Quốc (DAPA) đã thông qua một kế hoạch mua loại tên lửa không đối đất có tầm bắn 500 km từ công ty liên doanh Đức-Thụy Điển Taurus System. Số lượng tên lửa và ngân sách dự trù chưa được xác định, nhưng theo hãng thông tấn Yonhap thì Hàn Quốc dự định mua khoảng 170 tên lửa phá công sự Taurus trị giá tổng cộng trên 300 triệu USD.

Thông cáo báo chí của cơ quan chuyên trách mua vũ khí Hàn Quốc cho biết loại tên lửa hành trình được định vị qua vệ tinh này, được phóng đi từ một khoảng cách tương đối an toàn trước kẻ thù, có thể đạt đến các mục tiêu chiến lược một cách chính xác. Theo DAPA, tên lửa không đối đất tầm xa có thể bổ sung cho kho vũ khí chiến lược của Hàn Quốc, tăng cường mạnh mẽ khả năng phòng ngừa chiến tranh và cơ hội sống sót cho phi công và máy bay.

Tên lửa Taurus có khả năng xuyên qua hệ thống phòng không dày đặc và triệt hạ các mục tiêu trên mặt đất được bảo vệ cao độ, kể cả các boongke ngầm ở thủ đô Bình Nhưỡng cũng như các căn cứ hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên - như tin đưa của hãng thông tấn Yonhap.

Yonhap cho biết, hiện nay Không quân Hàn Quốc chỉ mới có loại tên lửa tầm xa 40-odd SLAM-ER, có tầm bắn 278 km. DAPA đã có kế hoạch lựa chọn giữa tên lửa Taurus và loại tên lửa không đối đất JASSM của tập đoàn Mỹ Lockheed Martin. Nhưng Lầu Năm Góc không đồng ý bán loại tên lửa có tầm bắn 370 km, được xem là vũ khí chiến lược, cho Hàn Quốc.

Thông cáo của DAPA nhận định: “Đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng cao của Triều Tiên, chúng tôi cần mua loại tên lửa trên càng sớm càng tốt. Tuy nhiên việc mua tên lửa JASSM đã trở nên không khả thi do quyết định của chính phủ Mỹ”.

Trong một diễn biến khác, hôm 18/6, Hàn Quốc cũng đã chính thức gọi thầu mua 60 phi cơ chiến đấu hiện đại trị giá 7,3 tỉ USD. Đây là gói thầu giá trị lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực quốc phòng của Seoul. Tiến trình này kéo dài 11 ngày và là giai đoạn cuối cùng trong đó ba người khổng lồ về hàng không quốc phòng Âu-Mỹ cạnh tranh quyết liệt với nhau.

Hai tập đoàn Mỹ Boeing và Lockheed Martin, cùng với tập đoàn châu Âu EADS đều nộp hồ sơ dự thầu, kèm theo các điều kiện ưu đãi nếu thắng được gói thầu quan trọng nhất từ trước đến nay của Hàn Quốc. Các hồ sơ này sẽ được DAPA xem xét.

DAPA nói rõ là trị giá hợp đồng không thể vượt quá số tiền đã được Quốc hội duyệt là 8.300 tỉ won (7,3 tỉ USD). Cơ quan này sẽ phải quyết định lựa chọn giữa chiếc F-15 Silent Eagle của Boeing, chiếc F-35 Lightnign II của Lockheed Martin và chiếc Eurofighter Typhoon của EADS.

Tập đoàn hàng không châu Âu EADS đề nghị đầu tư 2 tỉ USD để giúp Hàn Quốc tự chế tạo máy bay chiến đấu, nếu được chọn lựa. Lockheed Martin thì sẽ hỗ trợ Seoul triển khai và phóng vệ tinh thông tin quân sự, trong khi Boeing hứa hẹn sẽ dành một tỉ USD mua các loại phụ tùng của các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Cho đến nay, các nhà cung cấp thiết bị quốc phòng hầu hết là từ Mỹ, do quan hệ chặt chẽ giữa hai nước về quân sự. Washington là đồng minh quan trọng của Seoul trước Bình Nhưỡng.

Nhưng những tháng gần đây, Hàn Quốc có vẻ muốn mở rộng danh sách các nhà cung cấp. Hồi tháng 1/2013, Seoul cũng đã chọn lựa công ty Agusta Westland của Anh và Italia thay vì công ty Mỹ Sikorsky, để đặt mua 6 chiếc trực thăng cho Hải quân Hàn Quốc, trị giá 567 triệu USD.

Kể từ năm 2002 đến nay, Hàn Quốc đã mua 60 chiếc F-15 của Boeing và đang muốn mua thêm 60 chiếc phi cơ chiến đấu khác, từ nay đến năm 2021.

Th.Long (Theo AFP)