Giải mã vũ khí hóa học thế giới

07:00 | 11/09/2013

964 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Các nước phương Tây đang lấy cớ việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria để huy động lực lượng can thiệp quân sự. Kho vũ khí hóa học thế giới giờ có bao nhiêu và chúng được sử dụng lần đầu như thế nào?

Một hình ảnh trên video về các nạn nhân do vũ khí hóa học tại ngoại ô Damas, do CNN công bố hôm 7/9

Nhật báo Le Monde (Pháp) ra hôm qua có bài lược lại lịch sử sử dụng vũ khí hóa học và cung cấp cái nhìn tổng quát về các kho vũ khí hóa học trên thế giới.

Tờ báo cho biết, trong lịch sử thế giới, vũ khí hóa học đã được sử dụng trong chiến tranh ít nhất 10 lần, trong đó có đến 6 lần được sử dụng trong giai đoạn 1915-1988.

Lần sử dụng đầu tiên của thế kỷ 20 là trong Thế chiến thứ nhất, vào năm 1915, khi đó quân đội Đức đã dùng vũ khí hóa học tấn công Pháp. Tờ báo cũng đề cập đến việc quân đội Nhật sử dụng vũ khí hóa học tấn công quân nhân và thường dân Trung Quốc trong cuộc chiến Nhật-Trung 1938-1942.

Le Monde cũng không quên trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng chất khai quang có nồng độ cực cao gây hậu quả nặng nề đến hiện tại.

Còn trong thế kỷ 21 này, lần sử dụng vũ khí hóa học đầu tiên có lẽ là tại Syria, vào tháng 3, 4, 5 và tháng 8 vừa qua.

Năm 1993, Công ước cấm vũ khí hóa học đã ra đời. Từ đó, có khoảng 80% kho vũ khí hóa học trên thế giới bị phá hủy.

Trong lịch sử, Nga sở hữu kho vũ khí hóa học lớn nhất thế giới, ước tính lên đến 40.000 tấn. Xếp thứ hai là Mỹ với khoảng hơn 30.000 tấn. Nga tuyên bố đã phá hủy 70% vũ khí hóa học, còn Mỹ thì tuyên bố đã phá hủy đến 90%. Tuy nhiên, hai bên vẫn đang nghi kị lẫn nhau về tính thành thật của những tuyên bố này.

Nhìn sang Iran, nước này đã tuyên bố từ bỏ tất cả chương trình phát triển vũ khí hóa học và đã mở cửa cho các thanh sát viên quốc tế đến kiểm tra. Thế nhưng, Mỹ vẫn nghi ngờ Iran tiếp tục phát triển vũ khí hóa học.

Đối với Triều Tiên, nước này có khả năng sản xuất 5.000 tấn vũ khí hóa học mỗi năm.

Trở lại trường hợp đang thời sự là Syria, chương trình vũ khí hóa học của nước này bắt đầu được đẩy mạnh từ những năm 1980. Chính quyền Assad đã ra sức tăng cường sức mạnh vũ khí hóa học. Ước tính kho vũ khí hóa học của Syria có thể là 1.000 tấn.

Tìm hiểu chất độc sarin:

- Chất độc thần kinh do con người chế tạo.

- Ðộc tính cao, chất lỏng không màu, không mùi, không vị.

- Người có thể bị phơi nhiễm qua tiếp xúc với da và mắt sau khi sarin được xả vào không khí.

- Triệu chứng phơi nhiễm hơi sarin xuất hiện chỉ trong vài giây.

- Phơi nhiễm sarin liều cao có thể gây ngất, co giật, liệt, suy hô hấp và có thể dẫn đến tử vong.

- Phơi nhiễm sarin liều thấp có thể gây chảy nước dãi, ho, thở gấp, đồng tử co hẹp.

- Những người phơi nhiễm nhẹ thường hồi phục hoàn toàn; có thuốc giải độc.

 

Nh.Thạch

Le Monde