Đệ nhất phu nhân Trung Quốc vào chính trường?

06:54 | 03/07/2013

1,322 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Báo chí phương Tây rất chú ý đến việc bà Bành Lệ Viện - phu nhân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tham dự cuộc họp chính thức mới đây giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bên cạnh các quan chức cấp cao khác của Bắc Kinh như Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì. Phải chăng đệ nhất phu nhân Trung Quốc đang tham gia vào chính trị?

Ý tưởng về danh xưng “đệ nhất phu nhân” đầy tôn quý của người Trung Quốc không phải bắt đầu từ bà Bành Lệ Viện, cũng không có nguồn gốc từ Mỹ. Từ thời cổ đại, dưới chế độ phong kiến, Hoàng hậu đã được coi là “Mẫu nghi thiên hạ”. Người làm Hoàng hậu thường phải đẹp, đứng đắn và khôn ngoan - để gánh trọng trách lãnh đạo hậu cung, chỉ huy mọi việc của gia đình hoàng gia, làm hậu phương vững chắc, hỗ trợ cho đấng phu quân - quân vương của mình. Tuy nhiên, do chế độ được duy trì dưới sự lãnh đạo của tập thể Bộ Chính trị nên vai trò đệ nhất phu nhân Trung Quốc thời nay trong lúc xuất hiện trước công chúng hay làm những việc khác để được chú ý và nói đến là không mấy phù hợp.

Đệ nhất phu nhân Trung Quốc Bành Lệ Viện tham dự cuộc họp chính thức giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye

Trong số những phu nhân của các vị lãnh đạo đầu tiên của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bà Vương Quang Mỹ - vợ cố Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ được coi là hình mẫu bởi tri thức, nhan sắc và đức hạnh tuyệt vời. Khi qua đời vào tháng 10-2006, truyền thông và công chúng trong nước đều dành cho bà những sự ngưỡng mộ, tiếc thương.

Tuy nhiên, kết cục bi thảm của “đệ nhất phu nhân” Giang Thanh của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông sau này cùng những khổ ải của bà Vương Quang Mỹ trong Cách mạng Văn hóa đã khiến các đệ nhất phu nhân Trung Quốc sau này thường chọn trở thành cái bóng mờ ảo bên ông chồng quyền lực. Hơn nữa, sau bà Vương Quang Mỹ, các đệ nhất phu nhân của Trung Quốc chẳng có ai nổi trội về nhan sắc, thậm chí, bà Vương Dã Bình - phu nhân của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân còn được coi là “xấu xí”. Hình ảnh bà Vương Dã Bình già nua và cũ kỹ bên cạnh đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Laura Bush sang trọng, ngời sáng trong một chuyến thăm chính thức của ông Giang đến Washington còn bị một số cư dân mạng trong nước lúc đó cho là làm “mất mặt” Trung Quốc.

Sau khi được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình đã mở đầu chuyến công du quốc tế đầu tiên sang Nga và Phi châu cùng bà Bành Lệ Viện. Ngay sau khi đến Nga, đệ nhất phu nhân Trung Quốc với lối thời trang giản dị, thanh lịch mà vẫn sang trọng, tự tin tỏa sáng bên Tập Chủ tịch đã lập tức gây sốt. Sau khi đến Tanzania, châu Phi, báo chí lại càng so sánh bà Bành với bà Michelle Obama - đệ nhất phu nhân Mỹ, hay bà Carla Bruni - cựu đệ nhất phu nhân Pháp.

Nhiều người Trung Quốc hy vọng sẽ nhìn thấy đệ nhất phu nhân của họ xuất hiện bên cạnh bà Michelle Obama trong một “cuộc thi thố” thực sự tại Sunnyland nhân chuyến thăm của ông Tập tới Mỹ đầu tháng 6. Tuy nhiên, bà Michelle Obama đã quyết định ở lại Washington với con gái, chứ không gặp gỡ vợ chồng ông Tập Cận Bình. Ngay lập tức, tờ China News Service đã cho đăng một bài bình luận nhận định việc bà Michelle Obama không gặp bà Bành là một “màn trình diễn ngạo mạn về nỗi sợ mình thấp kém hơn”. Tờ báo tuyên bố, bà Bành là “người chiến thắng” không thể tranh cãi trong mặt trận “ngoại giao đệ nhất phu nhân”. Và điều đáng nói là, đệ nhất phu nhân Trung Quốc đã không xuất hiện trong cuộc họp giữa ông Tập và ông Obama.

Quay trở lại vấn đề đã đề cập ở trên, đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viện được kỳ vọng và thực sự đã gây cảm tình, giúp Trung Quốc cải thiện hình ảnh quốc tế của mình, nhưng việc bà tham dự vào cuộc họp chính thức giữa ông Tập và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye không khỏi khiến người ta tự hỏi, bà Bành đang đóng vai trò gì trong hoạch định chính sách của Trung Quốc?

Linh Linh (tổng hợp)