Cuộc đấu giữa tin tặc Trung Quốc và tình báo Mỹ

11:41 | 26/05/2013

542 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Mỹ vừa công bố báo cáo khẳng định tin tặc Trung Quốc và một số nước khác gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ hơn 300 tỷ USD mỗi năm. Sở dĩ có kết cục như vậy, theo các chuyên gia Nga, là do cơ quan tình báo Mỹ đã thua trong cuộc chiến với tin tặc Trung Quốc.

Dennis Blair - cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ, nguyên Tư lệnh Quân đội Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, khẳng định tin tặc Trung Quốc là thủ phạm đánh cắp bản quyền đứng đầu thế giới

Ngày 22/5, một tổ chức độc lập về sở hữu trí tuệ của Mỹ công bố báo cáo khẳng định tin tặc Trung Quốc và một số nước khác đánh cắp trên quy mô lớn các phần mềm tin học và nhiều sản phẩm khác do Mỹ phát triển, gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ hơn 300 tỷ USD mỗi năm. Tổ chức này khuyến cáo Mỹ cần có biện pháp trả đũa mạnh như “tấn công bằng vũ khí tin học” vào các cơ sở tin tặc.

Báo cáo trên do Ủy ban về Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ Mỹ do Dennis Blair - cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ, nguyên Tư lệnh Quân đội Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, và Jon Huntsman - nguyên Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc và cựu ứng cử viên tổng thống, đứng đầu. Sau 11 tháng điều tra, Ủy ban này đã hoàn tất báo cáo ghi nhận tin tặc Trung Quốc là thủ phạm đánh cắp bản quyền đứng đầu thế giới. Đồng Chủ tịch Ủy ban, ông Jon Huntsman, cho biết: “Hiện nay, chúng tôi tin rằng mức độ đánh cắp bản quyền trí tuệ của Mỹ trên thế giới là chưa từng có”.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc khẳng định Mỹ có thể có thêm 2,1 triệu việc làm nếu các tiêu chuẩn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài được tăng cường đến mức tối đa. Bản báo cáo này kêu gọi chính giới Mỹ thực thi một loạt các biện pháp hữu hiệu như thẩm tra việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Mỹ, giảm bớt các đầu tư từ Trung Quốc hay thay đổi luật cho phép “tấn công bằng vũ khí tin học” nhằm vào các cơ sở tin tặc ở nước ngoài nhằm lấy lại thông tin hay làm tê liệt máy tính của các tin tặc... Tuy nhiên, bản báo cáo không nêu ra các khuyến nghị cụ thể liên quan đến hành động “tấn công bằng vũ khí tin học” và ghi nhận rằng điều này có thể gây ra các tổn hại không lường được. Đồng Chủ tịch Ủy ban này, cựu Giám đốc tình báo Dennis Blair, nhấn mạnh rằng luật pháp Mỹ hiện nay không còn phù hợp với sự phát triển công nghệ hiện tại và quan điểm phòng vệ thuần túy có thể sẽ trở nên “ngày càng tốn kém và ít hiệu quả hơn”.

Điện thoại iPhone nhái bày trong khu chợ chuyên bán các sản phẩm nhái của Mỹ ở Thượng Hải

Báo Độc lập (Nga) ngày 23/5 đăng bài nhận định: năm 2010, tin tặc Trung Quốc đã thâm nhập vào các máy chủ của Google, tập trung vào các tài khoản thư điện tử Gmail và biết rõ điệp viên nào của Trung Quốc nằm trong tầm ngắm của Washington. Đây chính là cơ sở cho Bắc Kinh giúp các điệp viên của họ tẩu thoát và đánh lạc hướng đối thủ. Cùng lúc đó, quân đội Trung Quốc nối lại các hoạt động tấn công mạng nhằm vào các cơ quan và doanh nghiệp Mỹ. Khoảng 20 doanh nghiệp Mỹ đã bị tấn công, trong đó có tập đoàn Microsoft. Ở Mỹ chiến dịch thâm nhập mạng này được gọi là chiến dịch "Rạng đông". Tuy nhiên, đại diện của Trung Quốc khẳng định những thông tin này là bịa đặt.

Theo báo Washington Post, nhiệm vụ của các tin tặc Trung Quốc là xác định xem ai trong số các điệp viên Trung Quốc bị cơ quan tình báo Mỹ để ý. Trên thực tế, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và các cấp tòa án Mỹ, căn cứ theo các điều luật, có quyền yêu cầu Google theo dõi tài khoản của người sử dụng dịch vụ Gmail, nếu những người này bị họ nghi ngờ. Một tài khoản bị đánh dấu có nghĩa là người chủ tài khoản đang bị theo dõi. Một cựu quan chức Mỹ tiết lộ với báo Washington Post rằng chiến dịch của Trung Quốc đã giáng một đòn đau vào những nỗ lực phản gián của Mỹ nhằm phát hiện và triệt phá các điệp viên Trung Quốc. Vị cựu quan chức chính phủ này nói: “Nếu biết ai là người đang bị theo dõi, bạn sẽ xóa bỏ các thông tin có hại, cho người của mình xuất cảnh. Bạn thậm chí còn có thể ‘chơi lại’ các nhà điều tra Mỹ, cung cấp cho họ thông tin giả”.

Về phần mình, Giám đốc Viện Công nghệ do Microsoft lập ra, ông David Auksmit, coi những thủ pháp trên của Trung Quốc là “hoạt động phản gián xuất sắc”. Ông giải thích: “Nếu muốn biết ai trong số các điệp viên của mình bị lộ, họ có hai phương án. Thứ nhất, tìm cách thậm nhập vào FBI song phương án này không đơn giản. Thứ hai, thâm nhập vào tài khoản của những người mà tòa án đang điều tra và đây chính là điều mà họ (Trung Quốc) đã làm”.

Microsoft phủ nhận thông tin nói rằng các máy chủ của họ đã bị thâm nhập. Song dù điều gì xảy ra, Google và nhiều công ty công nghệ khác của Mỹ đã tham gia vào cuộc chơi liên quan đến các hoạt động gián điệp và phản gián giữa hai nước lớn. Trong cuộc chơi này, cả FBI lẫn các điệp viên nước ngoài đều sử dụng Google.

Giáo sư Ville Gelbras thuộc Viện Á-Phi của Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (Nga) lưu ý rằng “Trung Quốc rất phát triển trong lĩnh vực công nghệ số và chính cuộc sống đã tạo cảm hứng cho họ. Ở Trung Quốc có 6 thổ ngữ khác nhau. Người dân vùng này thường không hiểu người vùng khác nói gì và như vậy các con số giúp giải quyết vấn đề”. Chuyên gia này lưu ý rằng từ lâu Trung Quốc đã sử dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quân sự và tình báo. Ví dụ, hiện nay Trung Quốc lo ngại rằng khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, Taliban sẽ kích động các dân tộc thiểu số theo đạo Hồi ở Trung Quốc gây lộn xộn. Vì thế Trung Quốc bố trí các đơn vị đặc biệt trên biên giới Trung Quốc-Afghanistan để giám sát tình hình thông qua những phân tích kỹ thuật số.

Tuy nhiên, một cựu phản gián Nga, Igor Atamanenko, lại đề cao yếu tố con người. Ông cho rằng tình báo mạng chỉ là công cụ còn sức mạnh chính của tình báo là con người. Điệp viên và hoạt động trên thực địa là những nhân tố không thể thay thế.

Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc rằng tin tặc nước này đã thâm nhập các doanh nghiệp Mỹ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định rằng cho tới nay Mỹ vẫn chưa thể đưa ra bằng chứng cụ thể về những cáo buộc của họ. Theo ông, chính Trung Quốc cũng bị tin tặc tấn công và các cuộc tấn công này chủ yếu có nguồn gốc từ Mỹ. Trong khi đó, giới chức Mỹ khẳng định tin tặc của đơn vị 61398 Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), đóng ở Thượng Hải đã đánh cắp các thông tin khoa học và kỹ thuật của Mỹ.

Cuộc đấu giữa tin tặc Trung Quốc và tình báo Mỹ vẫn tiếp diễn

Trước tình hình trên, báo cáo của Ủy ban về Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ Mỹ khuyến cáo một số thay đổi về phương diện tổ chức, đặc biệt là yêu cầu Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống đảm trách vai trò điều phối các phản ứng của Mỹ chống lại nạn ăn cắp bản quyền. Bản báo cáo khẳng định mức độ thiệt hại khổng lồ do các tin tặc gây ra, đặc biệt là vấn đề tin tặc Trung Quốc được công bố ngay trước khi diễn ra cuộc đối thoại giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến vào tháng 6 tới. Đây là cuộc đối thoại đầu tiên kể từ khi ông Tập Cận Bình nhậm chức.

Theo giới quan sát, trong bối cảnh Mỹ liên tục cáo buộc nạn gián điệp mạng Trung Quốc ăn cắp bản quyền, vấn đề tin tặc có thể sẽ được đưa vào chương trình đối thoại song phương. Về phần mình, Trung Quốc cũng đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc và ngược lại, lên án Mỹ có các hành xử thương mại không đẹp, như từ chối hàng loạt các dự án đầu tư của Trung Quốc và không bán cho Trung Quốc “các công nghệ nhạy cảm”. Cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Jon Huntsman cho biết ông sẵn sàng đón nhận việc giới chức Trung Quốc bác bỏ bản báo cáo song vẫn hy vọng bản báo cáo này sẽ mang lại những điều bổ ích đối với những người Trung Quốc ủng hộ cải cách trong lĩnh vực này.

H.Phan (Tổng hợp)