Châu Á - Thái Bình Dương 2014: Lo làm ăn hay lo dàn trận

07:00 | 28/01/2014

2,234 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cục diện châu Á tiếp tục thay đổi với những bước leo thang chóng mặt của Trung Quốc trong đó có sự kiện đơn phương thiết lập “vùng nhận biết phòng không” (ADIZ) trên bầu trời biển Hoa Đông. Bóng ma chiến tranh lại lởn vởn nhe nanh. Những gắn kết kinh tế rộng và sâu, đóng vai trò như cái phanh kìm hãm sự lên đồng của những tiếng trống trận, vẫn không thể ngăn được câu hỏi rằng, liệu chiến tranh có thể bùng nổ và bao giờ thì cái phanh lợi ích kinh tế không còn chịu nổi sức ép từ những thôi thúc của tham vọng thống trị?

Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản Yoneikura Hiromasa (phải) cùng Fujio Cho (Chủ tịch danh dự Toyota) trong chuyến công du Bắc Kinh với sự tháp tùng của hơn 100 viên chức điều hành doanh nghiệp Nhật vào trung tuần tháng 11/2013

Xét ở góc độ gắn kết quan hệ bằng bản lề kinh tế giữa bộ ba Trung Quốc - Mỹ - Nhật, viễn cảnh chiến tranh gần như chắc chắn không thể xảy ra. Riêng Mỹ và Trung Quốc, thị trường Mỹ chiếm đến 25% doanh số Trung Quốc. Tổng mậu dịch song phương lên đến 500 tỉ USD/năm. Không chỉ kinh tế, hiện có khoảng 194.000 sinh viên Trung Quốc đang học tại Mỹ trong khi có chừng 70.000 người Mỹ hiện sống ở Trung Quốc. Mới tháng 10-2013, vòng thứ 10 của cuộc đàm phán Hiệp định đầu tư song phương (Bilateral Investment Treaty - BIT) Mỹ - Trung đã được tổ chức (BIT được xem là vòng đàm phán quan trọng nhất sau đàm phán gia nhập WTO). Các tập đoàn khổng lồ Mỹ tiếp tục mở rộng hoạt động tại Trung Quốc trong khi nhiều công ty Trung Quốc cũng xây nhà máy trên đất Mỹ…

Tương tự, Trung Quốc cũng là thị trường lớn của Nhật. Tháng 4/2013, China Daily đã dẫn lời Dai Hakozaki, Phó tổng giám đốc JETRO (Tổ chức mậu dịch nước ngoài Nhật Bản) rằng, một cuộc khảo sát hơn 1.000 công ty Nhật do JETRO thực hiện cho thấy có đến 62,1% ý kiến vẫn chọn Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu cho đầu tư trong 5 năm tới. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2013, một số dự án lớn của Nhật tại vài thành phố Trung Quốc đã khởi động (Sumitomo Group hợp tác với Tập đoàn Bất động sản Hongkong Yida Group để đầu tư 482,7 triệu USD vào Đại Liên - Liêu Ninh; trong khi Ajinomoto dự kiến đầu tư 13,6 triệu USD mở rộng dây chuyền sản xuất tại Thượng Hải).

Ngày 19/11/2013, chỉ 4 ngày trước khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ tại Hoa Đông, Chủ tịch danh dự Tập đoàn Toyota, Fujio Cho còn đến Bắc Kinh gặp Phó thủ tướng đặc trách kinh tế đối ngoại Uông Dương và hai bên cũng có các cuộc trao đổi “thẳng thắn, hợp tác, trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau”. Tại Nhật hiện có khoảng 700.000 người Trung Quốc sống và làm việc... Tổng quát, Trung Quốc là đối tác mậu dịch lớn nhất của Nhật trong khi Nhật là nguồn vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp lớn thứ hai của Trung Quốc (sau Hongkong). Nhật còn đang đàm phán với Trung Quốc để ký hiệp định thương mại tự do. Liệu (một trong) hai bên, vì những căng thẳng Senkaku/Điếu Ngư, có thể liều lĩnh chích ngòi thuốc súng để nổ tung tất cả gắn kết kinh tế chặt chẽ như vậy?

Vấn đề ở chỗ, yếu tố quyền lợi địa chính trị đang chi phối kinh tế, một cách lấn lướt. Không chỉ muốn giàu, người ta còn muốn mạnh. Lợi thế sức mạnh địa chính trị mang lại lợi ích kinh tế, hay ngược lại? Trả lời như thế nào sẽ tùy thuộc vào từng góc nhìn, với độ phản chiếu từ quan điểm hòa bình hay tư duy diều hâu. Một điều rất rõ là Trung Quốc đang sử dụng các mối quan hệ và ràng buộc kinh tế như những “con tin” cho mục đích thiết dựng quyền lực địa chính trị khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhằm lập khai sinh cho một trật tự mới không lệ thuộc quỹ đạo Mỹ.

Cách thức được sử dụng là kỹ thuật hù dọa quân sự. Đây thật ra chỉ là một chiến lược, với đúng nghĩa của từ này, hơn là sự thể hiện đúng năng lực phát triển về quân sự của Trung Quốc. Chiến lược này vừa che giấu được sự yếu kém quân sự nội tại, vừa gây hoang mang khu vực, giúp đạt được từng chặng một, trên con đường thiết lập sức mạnh địa chính trị của Trung Quốc.

Các tín hiệu “bờ vực chiến tranh” liên tục được bắn ra. Trước mắt, họ đã thành công ít nhiều. Các “con tin” kinh tế thường tỏ ra sẵn sàng nhẫn nhịn chịu lùi, kể cả Mỹ. Cách bắt bí con tin đang mang lại một lợi thế rất lớn đối với Trung Quốc. Thật ra thì lợi thế này có được không phải hoàn toàn nhờ những bộ não hoạch định chiến lược mà chủ yếu nhờ vào sự “hấp dẫn tự nhiên” của một thị trường lớn nhất thế giới. Lợi thế đó sẽ tiếp tục là ưu thế chừng nào thị trường Trung Quốc còn được giới đầu tư nước ngoài khai thác; và chừng nào mà giới đầu tư nước ngoài quyết định rút đi khi họ “đủ” bầm dập bởi “chính sách kinh tế mang hình viên đạn”.

Yếu tố ảnh hưởng đến chính trị giữa Mỹ - Trung - Nhậtđang quyết định cục diện hòa bình châu Á - Thái Bình Dương

Trong thực tế, không như kết quả thăm dò của JETRO, giới doanh nghiệp Nhật đang xách vali lần lượt “sayonara” với Trung Quốc. Trong 7 tháng đầu năm 2013, mậu dịch song phương Nhật - Trung đã giảm 8,8%, còn 174 tỉ USD. Hàng hóa Nhật nhập vào Trung Quốc giảm 13,2%, còn 90,81 tỉ USD; hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Nhật giảm 3,5%, còn 83,19 tỉ USD. Hàng hóa lẫn vốn đầu tư Nhật đang đổ vào các nước ASEAN hơn là Trung Quốc.

Năm 2012, Nhật xuất khẩu lượng hàng trị giá 129,8 tỉ USD đến ASEAN (tăng 5,8% so với năm 2011) trong khi sang Trung Quốc giảm 10,4%. Đầu tư Nhật vào ASEAN tăng 55% trong 6 tháng đầu năm 2013 so với năm trước, đạt 10,29 tỉ USD; trong khi đầu tư vào Trung Quốc trong cùng thời gian giảm 31%, còn 4,93 tỉ USD. Toyota chuẩn bị mở nhà máy tại Indonesia; Bridgestone, Honda, Nissan, Nintendo… mở tại Thái Lan; Suzuki mở ở Myanmar…

Một số công ty Nhật thậm chí gần như rút hẳn. Sau nhiều năm làm ăn tại Trung Quốc, Tokyoin (sản xuất kimono) bắt đầu mở nhà máy tại Indonesia năm 2009 rồi tại Việt Nam năm 2012 (nhà máy của họ tại Trung Quốc hiện chỉ chiếm 10% sản lượng).

Hiện tượng thoái vốn của một số công ty Nhật đã cho thấy sự hạn chế của yếu tố “con tin kinh tế” - một tấm bùa không thể không phá giải. Nếu chỉ bằng vào lợi thế ràng buộc kinh tế để gây sức ép các vấn đề chính trị thì điều đó là một sai lầm. Lịch sử đã cho thấy, một khi lợi ích chính trị bị đe dọa thật sự, người ta vẫn có thể hy sinh quyền lợi kinh tế và sẵn sàng dùng nắm đấm phân biệt hơn thua.

Trước Thế chiến thứ nhất, Anh và Đức là hai đối tác thương mại chính của nhau. Tuy nhiên, điều đó vẫn khiến giới chính trị chóp bu London xem sức mạnh đang lên của Đức là mối đe dọa cho vị trí đế quốc thực dân của họ cũng như sự ổn định chính trị châu Âu nói riêng về lâu dài. Và dù quan hệ mậu dịch gắn kết với Anh vẫn tăng đều, Đức vẫn đi đến kết luận rằng, Anh đang tìm cách khống chế, cố tình ngăn cản sự lớn mạnh của họ.

Thế là bất chấp quyền lợi kinh tế song phương, quan hệ chính trị hai nước xấu dần rồi cuối cùng dẫn đến chiến tranh. Trường hợp Anh - Đức đã cho thấy sự lệ thuộc kinh tế song phương chưa chắc là yếu tố giúp củng cố tình bạn thêm bền vững mà thậm chí chính nó lại là nguyên nhân chủ yếu cho những bất ổn, mâu thuẫn và xung đột.

Trong khi đó, yếu tố lợi thế kinh tế của Trung Quốc thật ra lại mong manh bởi những vấn đề nội tại mong manh không kém, từ môi trường sống, sự tàn phá khốc liệt tài nguyên đến tham nhũng trong hệ thống chính trị. Và khó có thể nói kinh tế đang là sức mạnh của Trung Quốc khi hệ thống tài chính của họ đang nợ 10,72 ngàn tỉ tệ (1,7 ngàn tỉ USD)… Bất luận thế nào, những đám mây đen u ám vẫn liên tục kéo đến bầu trời Thái Bình Dương.

Chúng đã tích đủ điện để tạo ra một trận bão tàn khốc trong năm 2014? Điều đó phụ thuộc vào cách mà Trung Quốc dịch chuyển những bước cờ, cách họ chọn làm ăn mua bán thuần túy hay đặt ưu tiên cho tham vọng địa chính trị. Tất nhiên nó không giống như việc đổ xúc xắc may rủi. Nhưng Trung Quốc hoàn toàn có quyền tự dừng cuộc chơi, hoặc chí ít giảm tỷ lệ tiền cược, nếu không muốn tiếp tục mạo hiểm tạo ra những tình huống mà sự mong manh của chúng có thể bị phá vỡ chỉ bằng một phát đạn “cướp cò” bất cẩn!
 

Mạnh Kim