Canh bạc Iran của Obama

13:00 | 21/01/2014

1,387 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo kế hoạch hành động chung Geneva, ngày 20/1/2014, Iran đã đình chỉ việc sản xuất uranium được làm giàu 20% để đuợc giảm cấm vận, với sự giám sát của các thanh tra hạt nhân Liên Hợp Quốc tại các cơ sở Natanz và Fordo. Các quan chức Mỹ ước tính việc giảm nhẹ cấm vận cho Iran trị giá khoảng 7 tỷ USD, trong đó bao gồm 4,2 tỷ USD tài sản Iran bị phong tỏa sẽ dần được giải phóng.

Một trong những lời hứa vĩ đại trong nhiệm kỳ của Barack Obama chính là thế giới này có thể được biến đổi bởi sự lãnh đạo của vị tổng thống có cha là một người Hồi giáo châu Phi, người từng sống ở châu Á khi còn nhỏ và người có tầm nhìn chính sách đối ngoại thúc đẩy đối thoại với kẻ thù hơn là đe dọa chúng. Ý tưởng này đúng là đã khiến một vài người ủng hộ Obama, choáng váng vì sự kinh hoàng của Iraq, cảm động rơi nước mắt. Các đối thủ của ông thì không như vậy, họ cảnh báo rằng ý tưởng đó ngây thơ một cách nguy hiểm và rằng việc đàm phán với những kẻ thù của Mỹ là một công thức dẫn đến tai họa.

Tầm nhìn của Obama đã không làm thay đổi thế giới trong một đêm. Phần lớn trong nhiệm kỳ đầu của Obama, những người chỉ trích ông đưa ra sự xác nhận, bác bỏ cành ôliu trước đó của ông và tiến thẳng tới khả năng vũ khí hạt nhân đặc biệt là trong vấn đề Iran. Nhưng thỏa thuận hạt nhân mới đây của Obama với Tehran đã làm xói mòn câu chuyện đó. Canh bạc chính sách đối ngoại lớn nhất của ông đã đạt được thành công - một thành công mang tính thăm dò và mong manh, đúng là như vậy - trong một nhiệm kỳ tổng thống vô cùng cần có động lực tiến về phía trước.

Mỹ và Iran không phải là bằng hữu, và những người nghiêm túc từ Israel đến Washington cảnh báo rằng Obama có thể phát hiện ra mình bị những người theo đường lối cứng rắn ở Tehran, những người vẫn chấp nhận khẩu hiệu “Cái chết cho nước Mỹ”, qua mặt. Cũng có khả năng là văn kiện do Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ký tại Geneva vào ngày 24/11/2013 là bước đầu tiên hướng đến một thành tựu làm nên di sản, một thành tựu khiến cho Mỹ an toàn hơn và thế giới trở nên hòa bình hơn và đáp ứng lời hứa ban đầu về sự biến đổi thông qua đối thoại.

Các đảng viên đảng Cộng hòa và ngay cả một số đảng viên đảng Dân chủ phàn nàn rằng thỏa thuận tạm thời nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế quốc tế đối với Iran để đổi lấy các giới hạn về chương trình hạt nhân của nước này đã “xử nhẹ” với Tehran. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mark Kirk nói rằng thỏa thuận này “có vẻ đem lại cho nhà nước bảo trợ hàng đầu cho chủ nghĩa khủng bố trên thế giới hàng tỷ USD để đổi lấy những sự nhượng bộ. Đây là một kịch bản khác: các du khách Mỹ tới thăm Tehran, nguồn cung cấp dầu mỏ không bị hạn chế của Iran duy trì giá năng lượng toàn cầu ở mức thấp và Trung Đông ổn định hơn và không có cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.

Thỏa thuận Geneva có lẽ chỉ là bước đầu tiên, một cuộc thử nghiệm kéo dài 6 tháng tạm ngưng chương trình hạt nhân của Iran trong khi các nhà ngoại giao theo đuổi một thỏa thuận dài hạn mà sẽ chấm dứt chương trình này một cách lâu dài. Nhưng nếu đạt được một thỏa thuận quan trọng như vậy thì tương lai sẽ đổi hướng. Obama nhận xét ngay sau khi đạt được thỏa thuận: “Nếu Iran nắm lấy cơ hội này, thì người Iran sẽ được hưởng lợi từ việc tái gia nhập cộng đồng quốc tế, và chúng ta có thể bắt đầu gỡ bỏ dần sự không tin tưởng giữa hai quốc gia. Điều này sẽ đem lại cho Iran một con đường có giá trị dẫn tới sự khởi đầu mới với một thế giới rộng lớn hơn dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau”.

Bắt đầu từ năm 2011, Obama đã cử các phái viên cấp trung tới quốc gia vùng Vịnh Oman nhằm tổ chức các cuộc đàm phán bí mật với người Iran. Tuy nhiên, theo tin tức của hãng thông tấn Mỹ AP, tiến trình này đã lấy được đà vào đầu năm 2013. Các quan chức cấp cao khác, kể cả Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns và cố vấn an ninh quốc gia của Phó Tổng thống Joe Biden, Jake Sullivan, đã gặp gỡ người Iran vào tháng 3, thậm chí là trước khi Rouhani thắng cử - và thêm 5 lần nữa sau đó, từ tháng 8 đến tháng 10. Đó là chính sách ngoại giao tích cực nhất giữa hai quốc gia kể từ sau khi Washington và Tehran đàm phán việc thả các con tin Mỹ năm 1981. Trong khi Obama che giấu các cuộc đàm phán này ngay cả với nhiều quan chức chính phủ, các cuộc gặp gỡ đã đưa ra một số dấu hiệu tiến bộ rõ ràng, giống như cuộc điện thoại thân thiện giữa Obama và Rouhani vào ngày 27/9/2013, lần liên lạc trực tiếp đầu tiên giữa một Tổng thống Mỹ và một nhà lãnh đạo của Iran kể từ sau năm 1979.

Tất cả việc làm đó đã mở đường cho cuộc gặp đa phương ở Geneva. Tại đó, Mỹ cùng với Nga, Trung Quốc, Đức, Pháp và Anh tham gia hai phiên đàm phán nặng nề. Phiên đầu tiên, vào đầu tháng 11, kết thúc trong sự bất đồng. Phiên thứ hai, trong một khách sạn năm sao xa hoa nơi một cốc cà phê có giá 11 USD và một chiếc xe bọc thép đỗ bên ngoài, dường như không có khả năng thành công. Các nhà đàm phán đến từ sáu quốc gia gặp gỡ trong một phòng hội thảo ở tầng 6 ngay cạnh một bữa tiệc nơi những người tham dự say xỉn nhảy theo điệu nhạc dân gian Ireland hoàn toàn không hay biết rằng những văn kiện về công nghệ hạt nhân được chỉnh sửa bằng tay đang được truyền vòng quanh chiếc bàn trong phòng họp lớn ở tầng dưới. Không phải cho tới tận sau nửa đêm thì Kerry mới cảm thấy tự tin rằng ông có thể đạt được một thỏa thuận với người đồng cấp Iran mà, như một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói, dường như “lo lắng” và rõ ràng là chịu áp lực từ Tehran.

Vào 3hsáng ngày 24/11/2013, các bên tham gia đã nhất trí với văn kiện dài 4 trang đưa ra các điều khoản. Amir Mohebian, một nhà phân tích chính trị ở Tehran, nói với tạp chí Time: “Trong suốt 25 năm qua, sự thù địch giữa Iran và Mỹ là một hố sâu ngăn cách không thể vượt qua nhưng với những đàm phán này, chúng ta đã xây một cây cầu nối. Chúng ta đã phá vỡ điều cấm kỵ là gặp gỡ mặt đối mặt”.

Thỏa thuận Geneva đòi hỏi Iran phải vô hiệu hóa kho dự trữ urani được làm giàu trên mức cần thiết cho các mục đích nghiên cứu và y tế mà nước này nói đó là mục tiêu chính của chương trình hạt nhân của mình. Đổi lại, Tehran sẽ đạt được lợi nhuận trao đổi ngoại tệ được ước tính 6 đến 7 tỷ USD và được phép buôn bán chất hóa dầu, ô tô, các bộ phận máy bay và các kim loại quý. Con số đó chẳng là gì so với 25 tỷ USD từ thu nhập dầu mỏ mà các quan chức Mỹ nói Iran sẽ đánh mất trong suốt khoảng thời gian 6 tháng của thỏa thuận. Các quan chức nói rằng thế giới vẫn kiểm soát được Iran.

Những người chỉ trích nói rằng Iran đã có được thứ đáng giá hơn nhiều so với cái nó mất: sự ủng hộ ngầm của thế giới đối với chương trình hạt nhân của nước này.

Trong bất kỳ trường hợp nào, điều không rõ ràng là liệu Obama lẽ ra có thể đạt được thỏa thuận có lợi hơn hay không. Trong những ngày trước hội nghị Geneva, một số thành viên Quốc hội kêu gọi các biện pháp trừng phạt mới nhằm chặn đứng nguồn dầu mỏ còn lại của Iran, với mục tiêu ép buộc Iran phải nhượng bộ hơn nữa. Tuy nhiên, các quan chức của Obama thách thức logic đó.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Mỹ không chấp nhận lập luận rằng nếu người ta chỉ duy trì việc gia tăng các biện pháp trừng phạt, thì người Iran cuối cùng sẽ đầu hàng”. Làm như vậy “có thể phản tác dụng và đẩy người Iran ra khỏi bất kỳ thỏa thuận nào”. Áp đặt biện pháp trừng phạt hơn nữa cũng có thể khiến Trung Quốc và Nga xa lánh, những nước vốn bất đắc dĩ gây áp lực với Tehran.

Ngay cả nếu lòng tin của Obama được đặt đúng chỗ và Iran đã đàm phán thỏa thuận Geneva một cách thiện chí, thì một thỏa thuận dài hạn là vẫn không có khả năng. Gary Samore, điều phối viên chính sách không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và vũ khí hạt nhân của Obama cho tới đầu năm 2013, cho biết: “Có một cuộc xung đột căn bản về lợi ích quốc gia giữa Mỹ và Iran. Họ muốn có khả năng vũ khí hạt nhân, và điều đó đồng nghĩa với việc họ muốn có khả năng làm giàu urani ở quy mô rất lớn. Chúng tôi muốn duy trì khả năng làm giàu urani của họ ở mức rất thấp để họ không có được lựa chọn vũ khí hạt nhân”. Samore nói việc thuyết phục sẽ không làm thay đổi được tâm trí của người Iran, chỉ có “áp lực cưỡng bức” mà thôi.

Một vài tháng tiếp theo sẽ cho thấy Iran nghiêm túc thế nào về việc sống trong những giới hạn như vậy. Trong kịch bản tốt nhất, Iran tỏ ra có thiện chí và các cuộc đàm phán tiến tới hợp tác trong các vấn đề lớn hơn như cuộc nội chiến của Syria và Afghanistan. Tuy nhiên, nếu người Iran bị bắt quả tang là đang dối trá hoặc chống lại các điều khoản của thỏa thuận này, thì thỏa thuận có thể sụp đổ. Những người chỉ trích Obama sẽ xúm lại, và viễn cảnh hành động quân sự mà ông vô cùng muốn tránh một lần nữa sẽ hiện ra rõ ràng. Đó là lý do tại sao những tháng tiếp theo là hết sức quan trọng, đối với cả an ninh của Mỹ và Israel lẫn đối với số phận nhiệm kỳ tổng thống của Obama.

                                            V.N.A (tổng hợp)