Cẩn thận khi đàm phán Hiệp ước TPP với Mỹ

06:44 | 10/02/2014

3,852 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tháng 4/2014, Tổng thống Obama sẽ thăm một số nước châu Á. Mục tiêu chính của chuyến thăm này là thuyết phục các nước gia nhập Hiệp ước thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo rằng các đối tác tham gia đàm phán với Mỹ phải thận trọng, vì ông Obama đang chịu sức ép từ phía quốc hội về hiệp ước này.

Các trưởng đoàn đàm phán tham dự buổi họp báo kết thúc vòng đàm phán thứ 16 của Hiệp ước thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Singapore, ngày 13/5/2013

Mỹ đang thương lượng với 11 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) liên quan tới Hiệp ước thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong các cuộc đàm phán gần đây, các bên đều đưa những điều kiện hết sức khó khăn. Bản thân Mỹ cũng đòi hỏi quyền lợi cho hàng hóa xuất xứ từ Mỹ, đồng thời yêu cầu bảo hộ sản phẩm, sáng kiến của Mỹ... Năm 2013, TPP giậm chân tại chỗ vì quan điểm của các đoàn đàm phán còn cách biệt. Nay ông Obama tiếp tục thuyết phục các nước tham gia ký kết hiệp ước thương mại tự do này.

Trong thông điệp đầu năm 2014, Tổng thống Obama nhấn mạnh rằng chủ trương của ông cho thời gian tới là tạo thêm nhiều công ăn việc cho người Mỹ. Để làm được điều này, ông Obama muốn nhanh chóng ký được các hiệp ước thương mại với châu Âu cũng như với châu Á - Thái Bình Dương, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ cho các công ty Mỹ, tạo thêm việc làm cho người dân.

Nhưng dự luật do chính quyền Obama đề xuất liên quan tới tự do giao thương đã bị quốc hội Mỹ bác hồi đầu tháng 1/2014. Điều đáng nói là chính đảng Dân chủ của ông Obama cùng các liên đoàn lao động Mỹ đã lên tiếng phản đối. Harry Reid, lãnh đạo khối chiếm đa số thuộc phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, mới đây còn tuyên bố: “Chúng tôi không chấp nhận rằng Tổng thống được quyền quyết định nhanh chóng trong các vấn đề tự do mậu dịch. Chúng tôi muốn mọi việc phải được bàn bạc kỹ càng. Nếu quyền lợi của người dân Mỹ được đảm bảo thì chúng tôi mới xem xét thông qua”.

Các nước đang thương thuyết Hiệp ước TPP:  

Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.

Các nghị sĩ Mỹ cho rằng sở dĩ ông Obama muốn được các nước nhanh chóng ký hiệp định thương mại tự do với Washington là vì ông đã chấp nhận nhượng bộ, hạ thấp rào cản thương mại. Điều này sẽ gây ra tình trạng mất việc làm cho công dân Mỹ do tình trạng cạnh tranh gia tăng một khi hàng hóa bên ngoài tràn vào.

Mục đích của quốc hội là duy trì các công ty hiện đang kinh doanh ở Mỹ và tìm cách lôi kéo các doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại quốc gia khác về nước nhằm tạo ra ngày càng nhiều công việc cho người dân. Có thể thấy, quốc hội và chính phủ Mỹ đều có chung mục tiêu, nhưng mỗi bên nếu muốn đến đích sớm hơn thì phải trả giá cho bên kia. Đây là cuộc đấu đá mới giữa Tổng thống và quốc hội. Đặc biệt, trong lần này ông Obama lại bị chính thành viên đảng Dân chủ của mình phản đối. Đó là khó khăn, thách thức dành cho Obama trong nhiệm kỳ thứ 2 này.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc công bố mâu thuẫn nội tình trong nước Mỹ vô hình trung tạo điều kiện cho phái đoàn Mỹ gây áp lực với các đối tác trong quá trình thương thuyết thương mại. Với TPP, Mỹ dự trù trong tháng 6 chậm nhất là tháng 11/2014 phải thông qua bởi chính những quốc gia tại khu vực này như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng muốn ký hiệp ước thành công để họ có trong tay thị trường lớn hơn. Tuy nhiên, một số nước khác lại đưa ra những điều kiện thương thảo mà Mỹ không chấp nhận, ví dụ như tại các nước này luật pháp lỏng lẻo trong vấn đề bản quyền, bảo hộ sáng chế hay là vấn đề chính trị, nhân quyền…

Như vậy trong các cuộc đàm phán sắp tới, Tổng thống Obama có thể mượn cớ rằng ông đang bị quốc hội gây áp lực và nếu các nước muốn nhanh chóng ký hiệp định thương mại tự do với Mỹ thì phải chấp nhận nhượng bộ. Nhưng nếu nhìn từ phía các nước đang đàm phán với Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, thì rõ ràng đây là một cái bẫy cần phải đề phòng.

Th.Long