Campuchia cảnh cáo Mỹ can thiệp nội bộ

12:00 | 15/08/2013

1,352 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Campuchia quyết định hoãn chương trình hợp tác quân sự với Mỹ như một lời cảnh cáo đối với sự can thiệp của Washington vào công việc nội bộ của Pnom Penh.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (giữa, trái) hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh (giữa, phải) trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại Siem Reap, Campuchia, ngày 16/11/2012

Bộ Quốc phòng Campuchia hôm 15/8 cho biết những chương trình này bị hoãn cho tới khi Campuchia có một chính phủ mới và nói rõ ràng rằng họ không hủy bỏ các chương trình hợp tác quân sự với Mỹ.

Tuy nhiên một số nhà phân tích tin rằng đây chỉ là một động thái phủ đầu của Campuchia; có thể Mỹ và các chính phủ nước ngoài sẽ quyết định cắt giảm các khoản viện trợ nếu họ tìm thấy thiếu sót trong cuộc bầu cử hôm 28/7 vừa qua.

Phe đối lập tại Campuchia nói tình trạng gian lận đã phá hỏng cuộc bầu cử và Mỹ kêu gọi mở điều tra.

Tuy nhiên, Trung tướng Nern Sowath, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia, nói chỉ có một số ít chương trình hợp tác hỗn hợp với Mỹ bị hoãn.

Mỹ viện trợ cho Campuchia mỗi năm khoảng 70 triệu USD, trong đó một tỷ lệ nhỏ được dùng cho hỗ trợ quân sự và đào tạo.

Viện trợ vẫn gia tăng đều đặn kể từ năm 2006 nhưng việc Mỹ than phiền về tình trạng nhân quyền và hồi gần đây nhất là về việc tiến hành các cuộc bầu cử đang gây ra tình trạng căng thẳng giữa hai nước.

Ông David Chandler, Giáo sư tại Đại học Monash, Australia, nói một sự gián đoạn trong chương trình hợp tác quân sự là sự “trừng phạt có tính nương tay” mà Campuchia dành cho Mỹ.

Giáo sư Chandler phát biểu: “Từ vài tuần lễ qua, Mỹ gần như công khai ủng hộ phe đối lập. Tôi cho rằng đảng cầm quyền do Thủ tướng Hun Sen lãnh đạo hơi bực bội đối với điều họ cho rằng Mỹ đang vi phạm chủ quyền của Campuchia”.

Cuộc bỏ phiếu đầy tranh luận đưa đến kết quả sơ khởi là Thủ tướng Hun Sen thắng với đa số khít khao và như vậy thế đa số của đảng cầm quyền tại Quốc hội đã giảm đi rất nhiều.

Mỹ và các nước khác đang kêu gọi mở cuộc điều tra đầy đủ và minh bạch về cuộc bầu cử.

Giáo sư Carl Thayer nói kết quả bầu cử lần này sít sao hơn các cuộc bầu cử trước rất nhiều và những cáo buộc cũng nghiêm trọng hơn. Ông phát biểu: “Chưa bao giờ cán cân quyền lực được đánh giá rất đồng đều như hiện nay”. Ông Carl Thayer là giáo sư chính trị học tại Học viện Quốc phòng Australia, đồng thời là giáo sư khoa Xã hội học và Nhân văn tại Ðại học New South Wales.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết việc đình chỉ chương trình hợp tác quân sự là quyết định đơn phương của phía Campuchia.

Bà Harf cho hay Mỹ không xem việc hủy bỏ các chương trình như là sự việc tiêu biểu cho  việc đình chỉ quan hệ quân sự giữa hai bên.

Giáo sư Thayer nói Bộ Quốc phòng Campuchia sau đó mô tả sự việc như là chuyện đình chỉ bình thường của một chương trình; dường như đây là một bước lùi so với tuyên bố ban đầu; tuy nhiên chi tiết về sự kiện này vẫn chưa đầy đủ.

Theo Giáo sư Thayer, cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều đang đưa thêm viện trợ quân sự tới Campuchia.

Ông phát biểu: “Mọi người đều nói về sự liên kết giữa Campuchia với Trung Quốc về phương diện kinh tế; tuy nhiên mối liên kết về quân sự giữa hai bên đang ngày càng phát triển”. Tầm quan trọng của Campuchia đối với Mỹ nằm ở chỗ vai trò thành viên của Phnom Penh trong ASEAN và trong nhóm các quốc gia nằm dọc sông Mê Kông.

Liên kết quân sự là một phương cách nhằm củng cố quan hệ và một trong những người con của Thủ tướng Hun Sen tốt nghiệp từ trường Võ bị West Point, Mỹ.

Giáo sư David Chandler nói Mỹ rất muốn cân bằng với quyền lợi của Trung Quốc trong khu vực.

Tại Campuchia, phe đối lập vẫn đang gây áp lực đòi phải mở cuộc điều tra độc lập về vấn đề bầu cử vừa qua.

Chính quyền nói binh lính và xe bọc thép vẫn tiếp tục được triển khai tại thủ đô Phnom Penh cho tới khi một tân chính phủ được thành lập.

Nh.Thạch

AFP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc